Hồng y Jean-Marc Aveline: “Học cách nhìn Địa Trung Hải với Đức Phanxicô”
Thành phố Marseille là nơi Đức Phanxicô dừng chân để khảo sát Địa Trung Hải và liên tục cảnh báo về tình trạng người di cư. Theo hồng y Jean-Marc Aveline, chuyến tông du này không làm chúng ta quên những vấn đề khác của khu vực này.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2023-09-14
Đức Phanxicô đến thành phố Marseille ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2023 sẽ là cao điểm của Cuộc gặp Địa Trung Hải. Một giai đoạn quan trọng và thành công của hồng y Jean-Marc Aveline trong việc đưa Đức Phanxicô đến Marseille. Tổng giám mục giáo phận Marseille được Đức Phanxicô phong hồng y năm 2022. Ngài trả lời phỏng vấn báo La Vie về những thách thức của cuộc gặp quy tụ các quốc gia thuộc lưu vực Địa Trung Hải này và nhận thức của ngài về sự kiện không phải là chuyến đi cấp nhà nước dưới mắt Đức Phanxicô.
Gặp hồng y Jean-Marc Aveline, người đưa Đức Phanxicô đến Marseille
Đức Phanxicô thường nhắc ngài không đi Pháp nhưng đi đến Địa Trung Hải… Tại sao ngài lại đến Marseille và ngài muốn nói chuyện với ai?
Hồng y Jean-Marc Aveline. Ngài đến Marseille vì chính thành phố này tổ chức lần thứ ba của Cuộc gặp Địa Trung Hải, sau Bari năm 2020 và Florence năm 2022. Chủ yếu ngài sẽ phát biểu với các giám mục của lưu vực Địa Trung Hải và một nhóm khoảng 70 sinh viên và chuyên gia trẻ đến từ các nước láng giềng, thuộc mọi quốc tịch và tôn giáo. Dĩ nhiên Đức Phanxicô không đi thăm cấp nhà nước ở Pháp, nhưng không có gì ngăn cản nước Pháp đến cầu nguyện với ngài! Và trên hết là học cách cùng ngài nhìn về Địa Trung Hải, những vấn đề hiện tại cũng như các nguồn tài nguyên của vùng, để hiểu rõ hơn về trách nhiệm và những cam kết cần thiết của nước Pháp và châu Âu với khu vực này.
Đức Phanxicô tại Marseille: vì sao không phải là chuyến đi thăm “nước Pháp”?
Tại Strasbourg, ngài đến châu Âu, tại Marseille trong một cuộc hành hương ở Địa Trung Hải… Khi nghĩ về tương lai của Giáo hội, ngài đã thêm vào giai đoạn lục địa. Chúng ta có thể thấy trong cách tiếp cận của ngài lời mời rời bỏ quan điểm quốc gia để đón nhận những quan điểm lớn hơn không?
Bà nói đúng: ngài muốn giúp chúng ta suy nghĩ rộng hơn về không gian của đất nước chúng ta. Việc đưa các giai đoạn châu lục vào chương trình đồng nghị là dấu hiệu cho thấy điều này. Cấp độ các phụ hệ là truyền thống trong Giáo hội và ngay từ đầu đã mang lại cơ hội để làm việc trên quy mô khu vực rộng hơn so với cấp độ sắc tộc hoặc quốc gia. Không đặt lại vấn đề hiệp thông phổ quát với giám mục Rôma, cấp độ phụ hệ hoặc lục địa có lợi thế là thích ứng tốt hơn các định hướng phổ quát với thực tế văn hóa và xã hội của một khu vực. Đối với nước Pháp, trái ngược với những gì nhiều người nghĩ, Đức Phanxicô rất xem trọng đất nước này. Ngài mong đợi rất nhiều ở nước Pháp.
Marseille, cửa ngõ vào phương Đông, cũng là cửa ngõ vào kitô giáo ở Pháp: thành phố và Giáo hội đã mang di sản và truyền thống này như thế nào?
Một truyền thống cổ xưa và đáng kính khi các người đi theo Chúa Giêsu bị bách hại, họ đã phải đến cách cửa sông Rhône không xa, trên bãi biển của một thị trấn nhỏ mà ngày nay vẫn còn mang tên Saintes-Maries-de-la-Mer, thuộc giáo phận Aix et Arles. Từ đó, các tông đồ công bố Tin Mừng ở Provence, ở Marseille và lên Rhône, ở Vienna, Lyon và sau đó là khắp vùng Gaule. Theo câu chuyện này, Ladarô là giám mục đầu tiên của Marseille và Maria Mađalêna sau khi ở lại thành phố được các thủy thủ từ Phocée thành lập đã lui về một hang động ở vùng núi Sainte-Baume. Dù cho các sử gia có tranh luận về những sự kiện này, thì truyền thống vẫn ở đó, rất sống động và thu hút sự chú ý của chúng ta ít nhất hai điều: một mặt, vì Phúc âm đã đến với chúng ta bằng đường biển nên chúng ta không nên bao giờ được quên, Tin Mừng không phải là phát minh hay tài sản của chúng ta, nhưng được người khác giao cho chúng ta, những người không phải người châu Âu, những người đã nhận Tin Mừng trước chúng ta, vì thế chúng ta phải tiếp tục truyền nó, bằng cách giao nó cho người cùng thời với chúng ta, bất kể họ có văn hóa nào. Mặt khác, Marseille đặc biệt vì ông Ladarô, người Chúa Giêsu đã đau lòng khóc khi ông chết, và chúng ta phải nhớ hướng đi đầu tiên của sứ mệnh là tìm ra và duy trì các mối quan hệ bằng hữu, được xây dựng trên sự tôn trọng, gần gũi, cảm thông và mong muốn mang đến cho người khác kho báu mà chúng ta mang trong mình. Hàng năm, vào Ngày lễ Nến, Giáo hội Marseille tưởng nhớ truyền thống tốt đẹp này.
Đức Phanxicô ở Địa Trung Hải, cái nôi của Giáo Hội
Mare Nostrum (Biển của chúng ta) đã trở thành một nghĩa trang và là biểu tượng cho sự khó khăn của các nước châu Âu trong việc đồng ý về một chính sách chung về vấn đề di cư: những Cuộc họp quy tụ các dân biều và các giám mục có thể có tác dụng gì?
Khó có thể dự đoán các hệ quả của Cuộc họp Địa Trung Hải ở Marseille trong cái nhìn chính trị về vấn đề di cư. Dù sao chúng không thể bị biến thành cuộc đối đầu giữa một bên là lời nói của giáo hoàng và một bên là lời nói của các nhà cầm quyền. Một số yếu tố trung gian phải được tính đến, những yếu tố này chắc chắn sẽ đóng một vai trò nào đó. Tôi đặc biệt nghĩ đến công việc của nhà báo.Qua sự có mặt tại chỗ suốt cả tuần, lên tiếng cho giới trẻ và các giám mục đến từ Địa Trung Hải, các nhà báo có thể góp phần mở rộng cuộc tranh luận, xem xét không chỉ các dòng người di cư, mà còn cả các vấn đề về chênh lệch kinh tế, những vấn đề liên quan đến môi trường hoặc đến những căng thẳng chính trị-tôn giáo in sâu vào khu vực Địa Trung Hải và xa hơn nữa. Điều rất quan trọng là về tất cả các chủ đề này, các nhà báo có thể đặt câu hỏi cho một số giám mục cận Sahara mà chúng tôi mời. Tôi cũng đang nghĩ đến các sự kiện, trong khuôn khổ lễ hội, xung quanh các bàn tròn, các buổi biểu diễn, các lời chứng, sẽ cho phép nhiều tác nhân xã hội, kinh tế và văn hóa đưa ra nhận thức của họ và các đề xuất để tranh luận. Tôi cũng đang nghĩ đến các hiệp hội hoạt động trực tiếp để giúp đỡ những người di cư, dù trên đường biển hay đường núi. Kinh nghiệm của họ tạo bằng chứng mạnh mẽ đưa bổn phận của nhân loại vào những gì có thể chỉ là cuộc tranh luận về các ý tưởng. Cuối cùng, tôi nghĩ đến kinh nghiệm của người dân Marseille, những người biết thế nào là “sống chung”, biết sự nặng nề, biết những nỗi sợ hãi và đôi khi cả bạo lực, và cả những vui vẻ, không phải là điều không thể và nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người khi cùng tồn tại.
Cha nói đến nỗi sợ hãi và bạo lực: xin cha cho biết làm thế nào để giải quyết các vấn đề này?
Người dân ở một thành phố quốc tế rộng lớn như Marseille không hề ngây thơ hay hẹp hòi. Chúng ta biết, để có thể tiếp nhận người khác, chúng ta cần phải vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình. Điều này không có trong quy định chính trị, như một số người muốn chúng ta tin tưởng, ủng hộ việc sống chung vì người khác, nhưng về phần họ thì họ cẩn thận không sống trong những khu dân cư nghèo đói, thất nghiệp, ma túy, bất an và người di dân quá đông, ngược với những bài phát biểu đầy phẫn nộ của họ mỗi ngày! Ngược lại, những người khác lại thích chơi trò chính trị với sự sợ hãi, họ cũng sống ở các khu dân cư khác, chắt lọc và duy trì tư tưởng bài ngoại, công kích tất cả để có phiếu, như thể từ chối người khác là cách duy nhất để đảm bảo sự bảo vệ và thịnh vượng của đất nước, và như thể những hội nhập thành công không hề mâu thuẫn với những lời phát biểu hung hãn hàng ngày của họ! Tất cả điều này đúng ở nhiều nơi chung quanh vùng Địa Trung Hải. Trong lãnh vực này cũng như các lãnh vực khác, Giáo hội không có bài học nào để đưa ra. Những mâu thuẫn và nỗi sợ hãi xuyên qua xã hội cũng xuyên qua trong chính các hội đồng của Giáo hội. Giáo hội không tìm cách hóa giải hay hung hăng, nhưng mang tính tiên tri, vì Tin Mừng và nhiệm vụ được giao cho Giáo hội là luôn phục vụ, dù lúc thuận lợi hay lúc nguy nan, phẩm giá của mỗi người và sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Chính qua tất cả kinh nghiệm này của Giáo Hội mà các Cuộc họp sẽ cố gắng thu thập bằng cách trở thành lò luyện kim cho những suy tư đổi mới.
Ngày nay, việc củng cố chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và sự hiện diện của hồi giáo ở Pháp đang làm rung chuyển người công giáo. Kinh nghiệm của các Giáo hội Địa Trung Hải có thể giúp ích như thế nào trong bối cảnh này?
Đời sống của Giáo hội luôn căng thẳng giữa chiều kích phổ quát của mệnh lệnh truyền giáo (“Anh em hãy đi khắp muôn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, Mc 16:15) và việc bảo đảm sự viên mãn trong cả những tình trạng nhỏ nhất (“Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ”, Mt 18, 20). Đó là bí ẩn về tính công giáo của Giáo hội. Giáo hội đã thành Giáo hội công giáo vào bình minh Lễ Hiện Xuống, khi tất cả các thành viên đều ở trong căn phòng nhỏ của Nhà Tiệc Ly. Tính công giáo của Giáo hội không phải là chức năng của phạm vi bề mặt xã hội mà là ý thức Giáo hội được kêu gọi, nhờ ân sủng chứ không nhờ công trạng, để cộng tác vào việc cứu rỗi toàn thể nhân loại, sự cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện một lần cho tất cả, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài và Ngài ủy thác cho Giáo hội của Ngài, như công đồng nói, sứ mạng trở thành “bí tích cứu độ phổ quát” (Lumen gentium 48). Vì thế, việc là thiểu số không làm mất đi tính công giáo của Giáo hội. Tuy nhiên, với điều kiện là Giáo hội vẫn là Giáo hội truyền giáo và không bao giờ chôn vùi kho tàng Tin Mừng mà Giáo hội có trách nhiệm loan báo cho toàn thế giới. Đôi khi nhiều Giáo hội địa phương quanh Địa Trung Hải trải nghiệm một cách đau đớn, ơn gọi công giáo này trong bối cảnh của một thiểu số cực đoan, thậm chí bị bách hại. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ, Giáo hội ở Pháp có nhiều điều để học hỏi từ kinh nghiệm của các Giáo hội ở Địa Trung Hải.
Kỷ niệm nào về Marseille mà cha muốn Đức Phanxicô lưu lại sau chuyến tông du của ngài?
Tôi mong ngài có dịp gặp mọi người, ngoài những nghi thức. Tôi mong khi lắng nghe những gì dân tộc giáp Địa Trung Hải chúng tôi đang cố gắng sống và thực hiện, với tất cả những khó khăn và bất ổn, nhưng cũng với sự nhiệt tình và hy vọng của chúng tôi, ngài sẽ có thể khuyến khích chúng tôi xem trọng những điều nhỏ bé trong những chân trời lớn lao, của Vương quốc Thiên Chúa, và thúc đẩy những tiến trình hòa bình, tôn trọng con người và đoàn kết giữa các dân tộc cho những người thiện tâm. Tôi mong ngài có thể làm cho tiếng nói của Giáo hội được lắng nghe để nâng đỡ những người không có tiếng nói, những người mà đời sống của họ bị xâm phạm, đặc biệt là những người di cư và tị nạn. Theo tôi, trong chuyến hành hương Địa Trung Hải tại Marseille, thành phố ngoại vi này, ngài có thể thu hút sự chú ý của nước Pháp và châu Âu về những gì đang thực sự xảy ra ngày nay ở Địa Trung Hải, về những thách thức nghiêm trọng và về nguồn tài nguyên to lớn của không gian này với ơn gọi toàn cầu, bằng cách tố cáo một số tội đồng lõa chết người với những kẻ buôn bán vũ khí và người di cư, và bằng cách mời gọi mọi người có một cái nhìn sáng suốt, trong tình huynh đệ và tràn đầy hy vọng, vì Chúa Giêsu Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch