“Suýt nữa tôi phải sống ngoài đường”: các linh mục gặp khó khăn khi rời Giáo hội vì tình yêu
Hình minh họa
Gần đây linh mục Christophe Chatillon, quản nhiệm nhà thờ chính tòa Orleans rời nhà dòng vì tình yêu. Các linh mục khác đã vi phạm luật sống độc thân kể lại những khó khăn của họ khi họ từ bỏ Giáo hội.
bfmtv.com, Sophie Cazaux, 2023-02-13
Năm 2017, linh mục David Gréa đã gặp Đức Phanxicô. Không phải tất cả các linh mục đều có thể nói như vậy, nhưng cuộc gặp này không nhằm mục đích để vinh danh linh mục. David Gréa đã bị giám mục của cha cho về vì cha có mối quan hệ yêu đương.
Năm 2016, linh mục gặp người vợ Magalie, “một người theo đạo tin lành đi nhà thờ”, linh mục giải thích với hãng tin BFMTV.com. Năm 2000, thụ phong linh mục khi 31 tuổi, linh mục luôn thắc mắc về luật độc thân do của Giáo hội công giáo la mã áp đặt trên các linh mục. Linh mục David Grea cho biết: “Tôi gặp vấn đề với đời sống độc thân, nhưng tôi được bảo: ‘Không thành vấn đề, khi Chúa gọi ai, Ngài ban cho người ấy phương tiện để sống sứ vụ của mình’. Chúng tôi được cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chúng tôi có ơn gọi chân thành.”
Cựu linh mục David Gréa giải thích hôn nhân của mình
Vấn đề này linh mục David chôn vùi trong nhiều năm vì công việc mục vụ của cha phát triển tốt, nhưng ba năm trước khi gặp Magalie, cha nhận ra cha “hạnh phúc với tư cách là linh mục, nhưng không với tư cách như một người đàn ông”.
Cựu linh mục David Gréa gặp Đức Phanxicô tại Nhà trọ Thánh Marta tháng 4 năm 2018
Đây cũng là điều đã thúc đẩy linh mục Christophe Chatillon, quản nhiệm nhà thờ chính tòa Orleans rời dòng vào cuối tháng 1 vừa qua, cha không còn khả năng chống đỡ “những thất vọng trong thừa tác vụ linh mục, và đặc biệt là tình trạng độc thân”. Trong một thư gởi cho giáo dân, cha giải thích: ““Ngay giữa những khó khăn mà tôi đã trải qua trong những năm gần đây, tình cờ của cuộc đời muốn tôi tìm sự an ủi mà tôi cần với người bạn lắng nghe và nâng đỡ tôi. Hôm nay, tôi không thể hình dung trong tương lai tôi sống không có cô ấy.”
Các quan hệ che giấu
Linh mục Marc Frassier cũng có cảm giác “thiếu một cái gì đó”. Chịu chức năm 27 tuổi, 15 năm cống hiến đời mình cho Giáo hội. Linh mục Fassier giải thích với hãng tin BFMTV.com: “Điều thu hút tôi, đó là khía cạnh quan hệ, sự kết hợp giữa mối quan hệ với Chúa và mối quan hệ với người khác, với việc đi tìm điều tuyệt đối.”
Linh mục Fassier là linh mục ở giáo xứ Les Lilas, Seine-Saint-Denis khi linh mục gặp cô Ingrid năm 2017. Lúc đó cô chuẩn bị rửa tội cho đứa con cuối của cô và dần dần họ có mối quan hệ bạn bè. Linh mục Fassier kể: “Chúng tôi trao đổi rất nhiều.”
Cuối năm 2018, mối quan hệ này đi đến mốc quan trọng. Linh mục nhớ lại: “Một ngày nọ, tôi mời cô đến nhà uống trà và khi kết thúc cuộc gặp, (…) cô hôn tôi. Đó là một ngạc nhiên và cũng là một khám phá. Tôi nghĩ ngoài tình bạn, còn có tình yêu. Cô sợ phá vỡ tình bạn của chúng tôi. Tôi nói, ‘chúng ta hãy đón nhận điều này, đây là điều chúng ta phải sống và phải đi tới.’”
Cựu linh mục nói thêm: “Tôi nhận ra những gì đang xảy ra với tôi chính là điều tôi đã tìm từ lâu, hình thức của sự tuyệt đối mà tôi đang theo đuổi: yêu và được yêu, một cách hiện thân.”
Sau nhiều tháng sống bí mật, vì sợ bị phát hiện, càng ngày họ càng sống xa giáo xứ. Tháng 1 năm 2020, linh mục cho rằng tình hình này không còn có thể giải quyết được nữa, nhưng quyết định của linh mục được đẩy nhanh vì có bức thư ẩn danh gởi đến cho giám mục nói về quan hệ này. Ngài quyết định loại linh mục ra khỏi giáo xứ, nhưng hơn một năm sau, khi Ingrid và Marc tham gia vào một podcast, giám mục mới đình chỉ công việc của linh mục.
Độc thân, “một ơn cho người khác và cho Thiên Chúa”
Theo nhà xã hội học Josselin Tricou (tác giả quyển sách Những chiếc áo chùng và những con người, Des soutanes et des hommes), tình huống này không quá hiếm. Khi nghiên cứu về giới tính và tình dục trong hàng giáo sĩ công giáo, ông nhận thấy “thông thường, nguyên nhân làm cho linh mục rời sứ vụ không phải là đời sống lứa đôi, nhưng là họ biết chính họ”. Ông giải thích: “Ngay cả khi rất phức tạp để biết có bao nhiêu linh mục có đời sống tình dục tích cực, nhưng có thể nói đây là trường hợp của 50% trong số họ.”
Linh mục Olivier de Cagny, giám đốc chủng viện Paris, người đào tạo các linh mục tương lai giải thích cho hãng tin BFMTV. com: “Phải phân biệt linh mục phạm tội, họ xin tha thứ, họ đứng dậy và tiếp tục sứ vụ. Nhưng cuộc sống hai mặt bị che giấu, tôi không nghĩ nó tồn tại nhiều như vậy. Tôi tin có nhiều linh mục chưa bao giờ có quan hệ tình dục, tôi chắc rằng nhiều người cũng bị cám dỗ. Bậc sống độc thân có từ lâu, từ thời Chúa Giêsu và Tin Mừng, có những người hoàn toàn tận hiến cho Giáo hội. Đó là dấu hiệu của sự sẵn sàng hoàn toàn, một ơn cho người khác và cho Chúa.”
Và cũng có một chiều kích thiêng liêng. Linh mục nói tiếp: “Qua việc dâng lễ, chúng tôi cử hành ơn Chúa Giêsu, Đấng cũng đã hiến thân. Là linh mục chúng tôi cử hành thánh lễ, chúng tôi muốn sống cách cụ thể những gì được cử hành trong phụng vụ.”
Một sự ra đi thường là bị bắt buộc
Rời khỏi sứ vụ không giống như từ chức ở một công ty truyền thống. Khi sự ra đi tiếp theo sau một quan hệ yêu đương, thường thì khá gượng ép: năm 2005, khi giám mục của linh mục Bernard Chalmel biết tin thì linh mục đã có hai con, ngài cho ông một tháng để rời giáo phận.
Khi đó ông 57 tuổi, ông vào chủng viện năm 18 tuổi. Ông cho biết: “Khi bạn là linh mục, bạn không được bao quanh đủ. Thường thì chúng tôi được mời đến dự lễ rửa tội, đám cưới. Sau đó, chúng tôi về nhà và cảm thấy mình rất cô đơn. Chúng tôi không có ai để chia sẻ. Chúng tôi chỉ nói về chuyện nhà thờ với người khác, như thể chúng tôi không có nhân tính, giáo dân tách chúng tôi ra.”
Linh mục De Cagny thừa nhận các linh mục “qua những cơn những khủng hoảng và thử thách và ngày nay Giáo hội rất quan tâm đến sự cô đơn của họ”.
Khi cho nghỉ, linh mục Bernard Chalmel được lãnh một năm “lương”. Cuối năm đó ông đi xin việc. Ông nhớ lại: “Văn phòng tìm việc cười tôi. Không có bao nhiêu linh mục đi xin việc, họ không biết xếp tôi vào ô nào.”
“Hôm trước hôm sau, chúng tôi là con số không”
Cựu linh mục David Gréa nói “sau khi rời Giáo hội, tôi gần như thấy mình kết thúc cuộc đời ngoài đường phố”. Nhưng nhờ giáo phận chi trả nhờ đánh giá kỹ năng của cha nên cha đã được đào tạo lại để thành huấn luyện viên quản lý và hiện cùng với cựu linh mục Marc Fassier điều hành một công ty trong lãnh vực này. Linh mục Fassier cũng gặp khó khăn khi rời sứ vụ mà ông vô cùng yêu thích: “Cuộc sống của chúng tôi là linh mục… Địa vị xã hội của chúng tôi là linh mục… Đột nhiên, chúng tôi quay trở lại số không.”
Nhà xã hội học Josselin Tricou nhận xét: “Có một huyền thoại công giáo cho rằng làm linh mục là một sự hy sinh to lớn. Nhưng cái giá phải trả thực sự là việc ra đi, nó kéo theo việc mất hào quang linh mục, mất một nghề suốt đời, mất an toàn kinh tế… Họ chỉ ra đi khi buộc phải ra đi.”
Cựu linh mục David Gréa nói: “Tôi nhớ đi giảng, đó là điều tôi luôn có trong mình. Tôi tiếp tục đi nhà thờ, đôi khi tôi nghĩ tôi có một điều gì đó muốn nói.”
Cựu linh mục Bernard Chalmel cũng nói: “Tôi rất nhớ cuộc đời linh mục, tôi vẫn có ác mộng về nó. Điều hối tiếc của tôi là tất cả các mối quan hệ con người tôi đã có thể dệt nên, nhưng so với thể chế mà theo tôi nó phát triển quá tệ, thì tôi không hối tiếc.”
Cảm giác bị bỏ rơi
Những khó khăn về vật chất và tâm lý này kết hợp với cảm giác bị bỏ rơi và bất công. Cựu linh mục Marc Fassier nói cha có cảm giác mình bị “dứt phép thông công”, cha tố cáo: “Việc loại bỏ các linh mục sống tình yêu của họ một cách lành mạnh là thiếu nhất quán mà tôi không thể chịu đựng được, so với những tiết lộ trong những năm gần đây về các vụ tấn công và hãm hiếp tình dục do các giáo sĩ làm và đôi khi được Giáo hội công giáo che đậy.”
Cựu linh mục Bernard Chalmel nói: “Tôi cảm thấy mình bị phản bội. Tôi biết làm linh mục là cam kết sống độc thân, nhưng thực tế cảm nhận được tình yêu con người không ngăn cản họ không làm việc tốt cho mọi người.”
Bây giờ linh mục Chalmel là tài xế xe buýt, cha nói tiếp: “Tôi xem đây là như một sự bỏ rơi. Không ai hỏi tôi sống như thế nào, làm lại cuộc đời như thế nào, chúng tôi bị thả ra ngoài. Rồi mang cảm giác bị từ chối, rồi tức giận, tôi hiểu sẽ chẳng bao giờ có thay đổi.”
Linh mục Olivier de Cagny thừa nhận, “có một vấn đề kinh tế và có vấn đề từ quan điểm nhân loại, quan điểm tình huynh đệ” trong sự đồng hành với các linh mục này: “Lẽ ra chúng tôi có thể giữ mối quan hệ anh em và điều đó thật khó khăn, vì cả hai bên đều thấy mình bị phản bội. Quyết định làm linh mục là quyết định chọn bậc sống độc thân, một quyết định được làm trong tự do, đảm nhận quyết định của mình, điều này không có gì ngạc nhiên khi bị loại khỏi bậc giáo sĩ. Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng phải cẩn thận để không bị khinh thường.”
Hướng tới sự nới lỏng quy định?
Việc đặt lại vấn đề bắt buộc các linh mục phải sống độc thân có quá xa vời? Nhà xã hội học Josselin Tricou nhận xét, “câu hỏi không hoàn toàn khép lại” dù “thời của Giáo hội không nhất thiết là thời của thời sự”. Năm 2019, trong thượng hội đồng Amazon, ý tưởng mở chức tư tế cho các ông đã lập gia đình được đề xuất, để bù cho việc thiếu linh mục trong vùng. Một đề xuất mà cuối cùng đã không được Vatican chấp nhận.
Đức Phanxicô khai mạc Thượng hội đồng về Amazon tại Vatican, ngày 7 tháng 10 năm 2019. © Andreas SOLARO / AFP
Theo linh mục Olivier de Cagny, “cuộc tranh luận vẫn còn mở, nhưng chúng ta cũng sẽ không đạt được điều đó một cách nhanh chóng”. Cha quản nhiệm nhấn mạnh “giáo huấn của công đồng Vatican II, từ 1962 đến 1965, và các giáo hoàng cuối cùng đã nhắc lại sự gắn bó của họ với nghĩa vụ này ở phương Tây”.
Sau khi linh mục David Gréa và vợ là bà Magalie gặp giáo hoàng năm 2017, ông cho biết: “Mọi việc diễn ra rất tốt đẹp, ngài là người rất giản dị, niềm nở và tôn trọng. Ngài nói ngài nhận ra sự chân thành trong tiến trình của chúng tôi. Ngài có xác tín trung thành với phúc âm, cuộc sống độc thân đó là một lời kêu gọi chứ không phải là một cái gì tự động.”
Cựu linh mục David Gréa rõ ràng đã không nhận được lời kêu gọi này và bị xuống thành hàng giáo dân trong một tiến trình giáo luật sau 17 năm làm linh mục.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Khi linh mục rời chức thánh, giáo dân đau buồn