Kim Phúc, “cô bé bom napalm” ra khỏi địa ngục nhờ đức tin

398

Kim Phúc, “cô bé bom napalm” ra khỏi địa ngục nhờ đức tin

Phan Thị Kim Phúc, “cô bé trong ảnh” đã tìm được bình yên nội tâm nhờ vào đức tin, một bình yên nội tâm không gì lay chuyển được.

la-croix.com, Malo Tresca, 2019-10-22

 

Phan Thị Kim Phúc sống ở Canada, nhận giải thưởng Dresden vì hòa bình. Oliver Killig / P-A / dpa / AP

Khuôn mặt biến dạng vì tiếng hét đau đớn, cơ thể ốm yếu trần trụi kiệt sức vì chạy thục mạng, làn da rách nát từng mảng. Chung quanh cô là các em bé khác chạy trong nước mắt. Phía sau, là bóng dáng các người lính Việt Nam lững thững chạy trốn trong đám khói mờ đục. Với một bạo lực hiếm có và trong hoảng loạn, bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh của nhiếp ảnh gia

Nick Ut, được giải thưởng Pulitzer năm 1973, đã in sâu vào ký ức của cả thế giới về nỗi đau khổ của “cô bé bom napalm”.

Như vết phỏng xăng đã in sâu trên cánh tay trái, lưng và cổ, biệt danh “cô bé bom napalm” vẫn còn dính trên da cô. Kim Phúc, tên tiếng Việt có nghĩa là ‘phúc vàng’, nửa thế kỷ sau khi đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh sát hại nhất ở Việt Nam, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này đức tin gắn bó với cơ thể đã hòa giải với quá khứ đau thương của mình.

Nhưng màn khói bom không làm lu mờ tuổi thơ hạnh phúc của cô Trảng Bàng, mẹ cô có quán bán cháo ở chợ để nuôi sống cả gia đình. Kim Phúc kể, ngôi làng còn giữ bầu khí vườn Địa Đàng. “Trước khi bị ném nom, chúng tôi có cuộc sống tự do, không lo lắng, ở giữa cây trái và muông thú”, cô nhẹ nhàng nói trong lần đến Paris nhân dịp phát hành quyển sách Được cứu từ địa ngục ấn bản tiếng Pháp Sauvée de l’enfer.

Đầy uất hận, tôi mất hết hy vọng, mất hết ước mơ”

Không tránh khỏi, câu chuyện nhắc đến ngày 8 tháng 6 năm 1972. Cô xúc động nhớ lại kỷ niệm của một cô bé 9 tuổi năm xưa: “Chúng tôi đang trốn trong chùa. Những người lính miền Nam bất ngờ đến bảo chúng tôi chạy đi. Sau đó tôi thấy một chiếc máy bay. Tôi điếng người, tôi không thể cử động… Tôi nhớ tiếng nổ kinh hoàng – “bùm, bùm, bùm, bùm” -: họ thả bốn quả bom, và tôi biết tôi phải chạy lần nữa.”

Quá trễ. ngọn lửa napalm đuổi theo cô từ phía sau với sức nóng 3000 độ. Đứa bé tiếp tục chạy, trước khi ngất xỉu. Nhờ những chứng từ, qua nhiều năm, Kim Phúc đã có thể gom nhặt những mảnh ghép cho sự sống sót kỳ diệu của mình: nhờ nhiếp ảnh gia  Nick Út đem về bệnh viện Sàigòn, cô bị bỏ ở nhà xác vì người ta nghĩ cô không thể sống được, rồi cha mẹ tìm thấy cô và cô được chăm sóc đặc biệt… Ngoài nỗi đau thể xác không tả xiết với 14 lần phẫu thuật và ghép da nhưng không thể bớt đau, cô còn bị tra tấn về mặt tâm lý: “Đầy uất hận, tôi mất hết hy vọng, mất hết ước mơ.”

Là sinh viên, cô tìm câu trả lời cho những câu hỏi hiện sinh của mình. Đầu tiên trong đạo Cao Đài, một tôn giáo pha trộn nhiều tín ngưỡng mà cô đã được lớn lên. Năm 19 tuổi, cô vào một thư viện ở Sàigòn, cô tìm thấy quyển Thánh Kinh. Cô mở ra đọc và đó là khởi đầu cho một ước ao hoán cải cực mạnh, trong một buổi phụng vụ Tin Mừng, cô đã theo đạo tin lành. Cô xúc động tâm sự: “Cuộc sống của tôi đảo lộn từ ngày đó, Chúa đã mang lại cho tôi sức mạnh để chịu đựng mọi thứ. Chúa Giêsu đồng hành với tôi.”

Nhà hoạt động vì hòa bình

Bị nhà cầm quyền cộng sản dựng lên làm biểu tượng tuyên truyền, bị gia đình trách cứ về đức tin, bị gián đoạn việc học… Bất chấp cạm bẫy, Phan Thị Kim Phúc vẫn vững vàng. Dù gặp bao nhiêu trở ngại, với sự giúp đỡ của “Bác Đồng” – biệt danh cô đặt cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thời đó, như “người cha của cô”, ông đã giúp cô đi Cuba học năm 1986. Trên đảo, cô kết hôn với Toàn, người miền bắc, sau đó cả hai tị nạn ở Canada.

Ở ngoại ô Toronto, nơi gia đình cô vẫn sống cho đến bây giờ, hai vợ chồng đã có hai người con trai, Thomas và Stephen. Cô tươi cười nói: “Đó là cả một phép lạ với tôi, vì các bác sĩ nói cơ thể của tôi đã bị tổn thương quá nặng, không thể sinh con được.” Phép lạ, cô còn nhiều phép lạ khác trong đời cô. Như khi Toàn, gần như chìm trong cơn nghiện rượu một thời gian, như cha mẹ cô được qua sống với cô, rồi đến lượt họ, tất cả đã theo đạo.

Cô là tín hữu tin lành baptist mộ đạo, cô công khai nói về đức tin của cô trước công chúng. Có lần cô còn nói với ‘Bác Đồng’: “Nếu bác không tin vào Chúa Giêsu, bác sẽ có rủi ro xuống hỏa ngục!” Cô viết sách “để chia sẻ với độc giả niềm vui và sự bình tâm cô đang sống bây giờ”.

Đại sứ thiện chí tại Unesco từ năm 1997, cô sáng lập quỹ The Kim Foundation International để vận động cho hòa bình. Cô đã tha thứ mọi thứ. Và bây giờ cô hòa giải với nhãn mác “cô bé bom napalm”, nguồn gốc của quá nhiều đau khổ: “Hôm nay, tôi biết ngày hôm đó, Chúa đã để dấu ấn của Ngài trên tôi”.

 Nguồn cảm hứng của cô: “Chúa Kitô là sức mạnh của tôi”

“Chúa đã truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày, Chúa chính là sức mạnh của tôi. Mỗi lần tôi phải học cách tha thứ – và không chỉ tha thứ cho người đã gây ra đau khổ cho tôi khi còn nhỏ – nhưng trong thế giới tràn ngập chiến tranh và bạo lực này, tôi nhận ra tôi có khả năng hoàn thành quá trình này, và quá trình tiếp theo sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Hình ảnh Chúa Giêsu phải chịu khổ hình khôn tả trên thập giá vì loài người, đã phải kêu lên với Chúa Cha – “Xin cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!” -,  đã giúp tôi rất nhiều, và Ngài tiếp tục khuyến khích tôi mỗi ngày noi theo gương Ngài.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Kim Phúc, “cô bé napalm: Phải dùng quá khứ của mình để vươn lên”