Cách Đức Mẹ Fatima truyền bá phúc âm ở Ukraine
Ảnh: Alexander Sawransky | Ukraińska Cerkiew Grekokatolicka
aleteia.org, Beata Zajączkowska, 2022-05-13
“Chỉ cần đọc lời cầu nguyện Đức Mẹ Fatima hay tỏ lòng sùng kính là có thể bị vào tù”. Tìm hiểu cách Đức Mẹ truyền bá phúc âm ở Ukraine vào cuối những năm 1980 bất chấp chính sách chống tôn giáo gay gắt của Liên Xô.
Đây là cách mà Đức Mẹ Fatima đã giúp truyền giáo cho một đất nước bị hệ tư tưởng cộng sản thống trị. Sự có mặt Đức Mẹ Fatima Hành hương ở Ukraine cho thấy một giai đoạn đặc biệt sáng chói trong lịch sử đất nước. Tất cả bắt đầu với việc xây dựng một đền thánh khi đất nước vẫn ở trong số các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Một ý tưởng dũng cảm của linh mục Aleksander Milewski, người gốc Ukraine. Linh mục sống kinh nghiệm bị hệ tư tưởng cộng sản áp đặt trên quê hương: trên thực tế chính sách bài tôn giáo của Liên bao gồm cả việc phá hủy các nơi thờ tự, và đàn áp giáo dân để tuyên truyền cho chủ nghĩa vô thần. Chỉ cần đọc lời cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima hoặc biểu lộ lòng sùng kính thì một giáo dân có thể bị tống vào tù.
Năm 1989 sau khi thụ phong linh mục ở Riga (Latvia, nơi có chủng viện công giáo duy nhất ở Liên xô và từ đó có thể gửi linh mục đến các giáo xứ Liên xô), Aleksander Milewski, 30 tuổi, đã nhờ các mối liên hệ bí mật với các linh mục Pallottine ở Ba Lan nên đã là thành viên đầu tiên của giáo đoàn này ở Ukraine. Về mặt tôn giáo, thời kỳ này được xem là thời kỳ khô cằn sa mạc. Chỉ có vài chục giáo xứ còn mở cửa và một số ít linh mục còn ở trên đất nước Ukraine.
Một trại lính cũ
Đầu tiên là ở một doanh trại cũ ở làng Dovbych đông bắc Ukraine, cha Milewski tập hợp giáo dân lại để cầu nguyện chung. Cha hy vọng một ngày nào đó được tự do cử hành thánh lễ trong một nhà thờ. Ngược với chính sách thông thường thời đó, nhà nước cộng sản cho phép cha xây đền thánh, không phải ở ngoại ô mà ở quảng trường trung tâm. Đúng là một phép lạ. Được giáo dân địa phương ủng hộ, cha dựng lên tòa nhà, một biểu tượng để tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu đức tin trên đất Ukraine. Xét theo bối cảnh lịch sử, đây là một phép lạ.
Khi nhìn những bức ảnh chụp năm xây đền thánh, chúng ta thấy hình ảnh giáo dân dựng tường công trình, vui mừng vì sớm được dự đại lễ đã bị cấm từ bao nhiêu năm nay.
Thị trấn nhỏ Dovbych có khoảng 6.000 người dân năm 1930, trong đó 70% là người Ba Lan. Năm 1926, thị trấn này là thủ đô của Marchevshchyna, một khu vực tự trị của Ba Lan do Stalin tạo ra trong chính Ukraine, để thực hiện “mô hình” Bolshevic-hóa ở đó. Mục đích là sau đó chuyển những người thấm nhuần lý tưởng cộng sản đến Ba Lan. Khi thử nghiệm bị phản tác dụng, khu vực này đã bị giải tỏa. Người Ba Lan nào vẫn còn kháng cự và trung thành với đạo công giáo sau đó bị đày đi Kazakhstan và Siberia. Những người sống ở Dovbych là con cháu của những người lưu vong trở về.
Chính họ, tổng cộng có 150 người đã giúp cha Milewski xây đền thánh. Các bức ảnh thời đó cho thấy họ đang dựng các bức tường của tòa nhà. Sau đó cũng chính họ thành lập cộng đồng giáo xứ đầu tiên, họ vui mừng vì cuối cùng có thể dự thánh lễ đã bị cấm trong nhiều năm.
Lần đầu tiên kể từ Cách mạng Tháng Mười!
Một năm sau, ngày 13 tháng 10 năm 1990, tượng Đức Mẹ Fatima đến Ukraine. Đó là ngày kỷ niệm 73 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Bức tượng được chở trên một chiếc xe buýt từ Bồ Đào Nha về, 13 cây số cuối cùng giáo dân đi bộ với Đức Mẹ thành đoàn kiệu dài đến đền thánh mới. Một số giáo dân đánh động đến mức họ nghĩ họ đang chứng kiến ngày tận thế. Một số khác họ khó tin vào những gì họ đang thấy. Vì thế, họ bắt đầu cầu nguyện và ca hát. Ai cũng xúc động, vì đây là cuộc biểu tình tôn giáo đầu tiên kể từ sau Cách mạng Tháng Mười! Chính thời điểm này lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima đã được cấy vào Ukraine. Đền thờ Đức Mẹ ở Dovbych trở thành trung tâm hành hương Đức Mẹ và tiếp tục tỏa sáng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ảnh phép lạ được gởi đến Ukraine