Linh mục Roman Hrydkovet biến boongke thành giáo xứ
fr.aleteia.org, Beata Zajączkowska, 2022-04-20
Tại Chernihiv, phía bắc Kyiv, linh mục Roman Hrydkovet đã biến một boongke thành nhà thờ. Linh mục cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là loan báo Chúa Kitô trong thời bình cũng như trong thời chiến.”
Một boongke cho giáo xứ đầu tiên. Khi chiến tranh ở Ukraine bùng nổ ngày 24 tháng 2, linh mục Roman Hrydkovets, một linh mục công giáo la-tinh ở Chernihiv, phía bắc Kyiv mặc áo linh mục, cầm quyển Thánh Kinh và ngồi giữa giáo dân đang khiếp sợ, cha thinh lặng cầu nguyện cho họ. “Tôi chỉ có thể ở bên họ”, cha sống sót sau bốn mươi ngày bị quân đội Nga vây hãm. Khi quân đội Nga rút đi, người dân trở lại thành phố, họ chầm chậm chữa dần vết thương chiến tranh, Cha Roman Hrydkovets kể cho trang Aleteia câu chuyện về nơi đã là giáo xứ đầu tiên của cha.
Sau khi thụ phong linh mục, tháng 12 năm 2021 cha cùng vợ con đến Chernihiv. Cha tốt nghiệp chủng viện Kyiv và theo học chuyên ngành truyền giáo ở Rôma. Sucu của cha? Tạo một cộng đồng mới ở thị trấn gần biên giới với Belarus này. cha giải thích: “Giáo xứ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Không có giáo dân, không có nhà thờ, cũng không có một nơi mà tôi có thể bắt đầu xây dựng một cái gì đó. Chúng tôi phải làm lại từ đầu.”
Tôi nhận ra sứ vụ của tôi vào đúng thời điểm này, đó là đơn giản là ở bên cạnh người dân còn lại trong thành phố.
Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra ngày 24 tháng 2, cha không do dự một giây: quyết định ở lại trong số những người mà cha phải loan báo về Chúa Giêsu. Vợ con của cha đã cùng với những người tị nạn khác đến các khu vực an toàn. “Tôi nhận ra sứ vụ của tôi vào đúng thời điểm này, đó là đơn giản ở bên cạnh người dân còn lại trong thành phố.”
Lúc đầu, cha lặng lẽ cầu nguyện, chỉ ngồi trong hầm trú ẩn và dần dần làm quen với những người ở lại Chernihiv. Hầu hết họ đều không tin Chúa. Nhưng từng chút một, cha đề nghị cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình, cho gia đình. Cha giải thích: “Tôi đề nghị chúng tôi lặp lại nhiều lần ‘xin Chúa gìn giữ chúng con’, ‘Chúa ơi, xin đừng bỏ chúng con’. Những lời xin đơn giản này đến từ trái tim của chúng tôi.” Có cả em bé trong boong-ke, bằng chứng là những bức vẽ đầy màu sắc còn sót lại trên tường.
Mỗi tối, với đôi mắt biết cười, cha Roman Hrydkovets đã lôi kéo người già và các em bé lại với nhau, kể cho họ nghe câu chuyện về Chúa Giêsu và nhiều phép lạ của Ngài.
Tôi để họ nói chuyện, trút bỏ mọi muộn phiền và đau đớn, mời họ cầu nguyện với Chúa để nâng đỡ và giải thoát chúng tôi khỏi hận thù.
Khi họ kể chuyện một tháng bị vây hãm ở Chernihiv như thế nào, họ như được bình tâm, ngược với ngọn lửa liên tục bao trùm thành phố. Người dân đã không thể rời nơi ẩn náu vì sợ các cuộc tấn công của quân đội Nga.
Linh mục nói tiếp: “Mọi người bị sốc vì bạo lực, bất công và dã man mà họ chứng kiến. Tôi cố gắng hỗ trợ họ nhiều nhất có thể. Nổi giận và nổi loạn là lẽ tự nhiên, nên tôi ở bên cạnh họ mọi lúc. Tôi để họ nói chuyện, trút bỏ mọi muộn phiền và đau đớn, mời họ cầu nguyện với Chúa để nâng đỡ và giải thoát chúng tôi khỏi hận thù. Chúng tôi cầu nguyện để không hận thù. Sẽ đến thời gian của tha thứ và hòa giải.”
Loan báo Chúa Kitô trong thời bình cũng như trong thời chiến
Hôm nay, các hầm trú ẩn và boongke của thành phố đã trống rỗng, mọi người đã về nhà. Nhưng nhiều ngôi nhà đã bị bom phá hủy, một trong những boongke trở thành nơi ẩn náu. Giống hình ảnh hầm mộ của những kitô hữu đầu tiên trong lịch sử, chính trong hầm này đã sinh ra cộng đoàn đầu tiên, “giáo xứ” đầu tiên của cha Roman Hrydkovet. Cha cho biết: “Nó đã trở thành truyền thống, nơi mà chúng tôi đã sống những giây phút khắc nghiệt nhất, tôi đến với mọi người, chúng tôi cùng thảo luận, cùng cầu nguyện chung”.
Cha nói rất ít về sứ vụ của mình và chỉ đơn giản nói về “sự hiện diện”. Cha tóm tắt: “Nhiệm vụ của tôi là loan báo Chúa Kitô mọi lúc, trong thời bình cũng như thời chiến. Để minh chứng cho tình yêu của Ngài, để từ đó, sự dữ và cái chết không có lời nói quyết định. Tôi muốn họ tin rằng có ai đó đã cứu họ bằng cách hy sinh mạng sống cho họ. Và để thêm tràn đầy hy vọng: Chẳng bao lâu nữa tất cả các hầm trú ẩn và boongke ở Ukraine sẽ trống rỗng, giống như ngôi mộ của Chúa Giêsu. Sẽ có một phục sinh.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Trong địa ngục chiến tranh, giáo dân cầu nguyện trong hầm trú ẩn