Các bài suy niệm chặng đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh được giao cho các gia đình

170

Các bài suy niệm chặng đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh được giao cho các gia đình

Đức Phanxicô trong thánh lễ Lễ Lá chúa nhật 10 tháng 4 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Tin tức bi đát ở Ukraine là nội dung cho các bài suy niệm các chặng đàng Thánh giá năm nay, chặng đàng thứ 13 được giao cho một gia đình Ukraine và Nga | C.T.V.

cath.ch, I.Media, 2022-04-11

Bài suy niệm chặng Đàng Thánh giá ngày thứ sáu 15 tháng 4 được giao cho các gia đình và đã được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố ngày thứ hai 11 tháng 4. Những kinh nghiệm chiến tranh, di cư, cảnh góa bụa, cảnh tật nguyền của một em bé được suy niệm qua 14 chặng Khổ nạn của Chúa Kitô.

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Đó là tiếng kêu đau lòng của hai gia đình Ukraine và Nga ở chặng thứ 13, những gì chất chứa trong lòng họ là sự im lặng của Chúa và cảm giác bị bỏ rơi, nhìn cái chết chung quanh và cuộc sống dường như chẳng còn giá trị.

Hai gia đình bị chiến tranh tàn phá, những giọt nước mắt của họ đã ngừng chảy. Tức giận đã nhường chỗ cho cam chịu. Họ không hiểu vì sao Chúa xa cách họ, họ kêu lên Chúa: “Chúng con biết Chúa yêu thương chúng con, nhưng Chúa ơi, chúng con không thấy tình yêu này, điều này làm cho chúng con như điên.”

Khi suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu, họ nài xin Chúa: “Xin Chúa nói trong thinh lặng của cái chết và của chia rẽ, xin dạy chúng con là anh chị em với nhau, xây dựng hòa bình, xây dựng lại những gì mà bom đạn muốn phá hủy.”

Kinh nghiệm lưu đày, giữa cay đắng và hy vọng

Chặng thứ 14, táng xác Chúa Giêsu trong mộ được một gia đình di cư suy niệm. Đây là những người công giáo bị bách hại đến từ một nước đang có chiến tranh, vì lý do an ninh, tên của họ không được nêu lên, họ làm chứng cho những hy sinh và tủi nhục phải chịu trong cuộc sống lưu vong. Họ nói: “Chúng tôi ở đây, những người sống sót bị xem như một gánh nặng. Chúng tôi là những người quan trọng ở đất nước chúng tôi, nhưng ở đây chúng tôi là những những con số, là những thể loại”, họ đau buồn, họ muốn cho con cái mình được sống “một cuộc sống bình thường, không bom đạn, không máu chảy, không bách hại”. Họ nói lên đức tin sâu đậm của họ: “Nếu chúng tôi không cam chịu là vì chúng tôi biết một ngày nào đó tảng đá lớn trên mộ sẽ được cất đi”.

Sự an ủi của Chúa Giêsu khi đối diện với những mất mát và tan rã của các gia đình

Các bài suy niệm khác nói lên hoàn cảnh sống khác nhau của các gia đình Ý. Một phụ nữ góa chồng 7 năm, mẹ của hai đứa con nói về kinh nghiệm của mình: “Chúng tôi là chiếc ghế ba chân thay vì bốn chân: đẹp và quý, dù không thăng bằng một chút. Dưới thập giá, mỗi gia đình dù là gia đình mất quân bình nhất, đau đớn nhất, kỳ lạ nhất, tàn tật nhất đều tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất của nó.” Không giấu gì về nỗi thất vọng của mình, bà giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trên thập giá cho thấy, tình yêu thành hiện thực, vì trong sâu thẳm và trong thử thách của chúng ta, chúng ta không bị bỏ rơi.

Suy niệm chặng thứ 8,  ông Simêon vác đở thánh giá cho Chúa được giao cho ông bà ngoại, họ chăm lo cuộc sống hàng ngày cho các cháu, vì con rể thất nghiệp, vì hôn nhân của con gái bị đổ vỡ.

Họ cho biết, họ cảm thấy như gánh trên vai một thánh giá bất ngờ, nhưng cũng thấy được niềm vui trong trách nhiệm bất ngờ này, dù bị mệt mỏi vì tuổi tác. Họ xúc động nói: “Chúng ta không bao giờ ngừng là cha là mẹ.”

Tình đoàn kết giữa các gia đình để làm nhẹ thập giá

Chặng thứ bảy, Chúa Giêsu ngã lần thứ hai. Chặng này được một ông có vợ bị liệt vì căn bệnh thoái hóa suy niệm. Ông tâm sự, “đôi mắt sắc bén trong nỗi đau lạnh giá của bà, bà vẫn là mẹ, là vợ”. Kinh nghiệm về bệnh tật giúp cho ông thấy lòng quảng đại của các gia đình khác: “Những người làm cho bạn cười, giúp bạn làm bếp, đưa con cái bạn đi học giáo lý, những người lắng nghe bạn, những người hiểu bạn trong ánh mắt, những người sống trong hoàn cảnh phức tạp, nếu không muốn nói là phức tạp hơn bạn, luôn lo lắng cho bạn.”

 Khuyết tật, một thánh giá đè nặng dưới cái nhìn của xã hội

Cha mẹ của một em bé khuyết tật phụ trách bài suy niệm thứ 5, nhắc đến quan tổng trấn Philatô phán xét Chúa Giêsu. Họ nhìn lại cuộc đời mình với sự hung bạo  của bản án y tế và cảm giác phải đối diện với một tòa án xâm phạm đến quyền tự do riêng tư của họ. “Con trai chúng tôi đã bị phán xét trước khi ra đời. Chúng tôi gặp các bác sĩ và họ nói tốt hơn đừng sinh cháu ra đời.” Họ đau buồn: “Khi chúng tôi lựa chọn cuộc sống, chúng tôi cũng phải chịu phán xét: ‘Đứa bé sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội’. Như thử họ nói: ‘Đóng đinh nó.’ Dù nó chẳng làm gì sai trái.”

Họ lấy làm tiếc: “Sự phán xét của mọi người thường quá vội vàng và hời hợt, dù chỉ một cái nhìn cũng làm chúng tôi đau lòng. Chúng tôi mang trong mình nỗi xấu hổ về sự đa dạng đáng thương hơn là đáng bị lên án”.

Năm nay Đức Phanxicô sẽ chủ sự chặng đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh tổ chức ở Đấu trường La Mã.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch