Đức Phanxicô có thể làm gì cho Ukraine?
cath.ch, Raphaël Zbinden, 2022-03-14
Đức Phanxicô có thể làm gì để giúp người dân Ukraine? | Ảnh: Người Ukraine ở Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 27 tháng 2 năm 2022 © Maria Laura Antonelli / Avalon (KEYSTONE / PHOTOSHOT
Một số nhà quan sát ngạc nhiên và thậm chí phẫn nộ trước sự “thận trọng” tương đối của Đức Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine. Ngài có nên làm thêm không? Mức hoạt động của ngài có giới hạn không? Các ý kiến được chia sẻ.
“Một cuộc chiến tranh xâm lược không thể chấp nhận được”. Đây là câu ngài nói về các sự kiện ở Ukraine trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 13 tháng 3 năm 2022. Một từ mạnh mẽ, mà nhiều người mong đợi, trong đó ngài nêu rõ có một kẻ xâm lược và một kẻ bị tấn công. Nhưng như thế có đủ không? Sau khi đã kiên quyết hành động ngay từ đầu, ngay ngày hôm sau cuộc xung đột, ngài đã đến gặp đại sứ Nga ở Rôma, thái độ của ngài bị át tiếng. Ngài lên án chiến tranh và kêu gọi chấm dứt bạo lực.
“Không ai thực sự tin Đức Phanxicô một mình có thể kềm được tay ông chủ Điện Kremlin”
Vì thế nhiều nhà quan sát, đặc biệt là các nhà quan sát công giáo tự hỏi về ý chí thực sự và khả năng của Đức Phanxicô và của Tòa thánh Vatican trong việc tăng cường hành động vì hòa bình.
Một thế giới không thống nhất
Trong một bài báo gần đây, bà Barbara Hallensleben lưu ý: “Bạn không thể ngăn một con gấu hung hãn bằng cách đưa cho nó một cảnh cáo phản đối”. Bà Hallensleben, giáo sư tín điều và thần học đại kết tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ muốn nhấn mạnh đến sự khó khăn trong việc tìm con đường ngoại giao trong hồ sơ gai góc Ukraine.
Nhưng nếu không ai thực sự tin Đức Phanxicô có thể một mình kềm được tay ông chủ Điện Kremlin, thì một số ý kiến cho rằng ngài cũng có một số lá bài chủ để dùng. Đó là điều nhà báo John Allen của trang truyền thông công giáo Mỹ Crux gợi ý. Ông cho rằng giáo hoàng có thể sử dụng hiệu quả “quyền lực mềm” toàn cầu của mình. Ông khởi đi từ nhận xét, ngược với luận điệu của chính phủ Mỹ, thế giới không đoàn kết đằng sau biểu ngữ chống Putin. Nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới thể hiện thái độ trung lập thận trọng, thậm chí còn kín đáo ủng hộ Nga.
Các lá bài chủ của giáo hoàng
Nhà báo John Allen nhận xét: “Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn cuộc chiến tranh xâm lược như chiến tranh ở Ukraine thuộc về quá khứ, thì phải huy động nhanh chóng cả thế giới để trừng phạt kẻ xâm lược. Điều này có nghĩa là gồm những nước quan trọng trên thế giới như Trung Quốc, các quốc gia thuộc vùng Vịnh và ít nhất là một phần châu Phi sẽ phải tham gia”.
Vì thế nhà báo Mỹ tin rằng trong vấn đề này, Đức Phanxicô có đủ khả năng làm nghiêng cán cân. Ông đề cập đến thỏa thuận giữa Trung Quốc-Vatican, “tạo một phương tiện gây áp lực tiềm tàng”. Đối với các quốc gia vùng Vịnh, giáo hoàng xem việc tiếp cận với thế giới hồi giáo là ưu tiên hàng đầu và ngài đã có được sự biết ơn của nhiều nhà lãnh đạo hồi giáo. Ông nói: “Vậy thì, một lần nữa, có lẽ đã đến lúc ngài tận dụng thiện chí này và xem có thể làm được gì với nó.”
“Có lẽ đã đến lúc áp dụng liều thuốc “quyền lực mềm” – John Allen
Ngoài ra ông nhắc lại “sự nổi tiếng đến mức huyền thoại” của Đức Phanxicô ở Châu Phi. Giáo hoàng đã đến thăm lục địa này bốn lần. Thế giới công giáo cũng đang phát triển mạnh ở khu vực này trên thế giới, và nỗ lực phối hợp của các nhà lãnh đạo công giáo châu Phi, cùng với một giáo hoàng có sức lôi cuốn, có thể tạo ra sự khác biệt trong cách các quốc gia châu Phi quyết định quan điểm của mình”.
Nhà báo Allen ghi nhận: “Cho đến nay, liên minh chống Putin chủ yếu triển khai ‘quyền lực cứng’ của họ, bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Có lẽ đã đến lúc áp dụng liều thuốc ‘quyền lực mềm’. Và Đức Phanxicô ở vị trí độc nhất để lãnh đạo nỗ lực này.”
Nghệ thuật ngoại giao phức tạp
Bà Anna Mertens, Thông tấn xã Công giáo Đức, KNA: “Nhìn từ bên ngoài, có vẻ đơn giản: nhưng vì sao ngài không đến Ukraine. Vì sao ngài không nhấc điện thoại lên và gọi cho tổng thống Putin?”
“Tòa Thánh cũng đã tăng cường đề nghị hòa giải giữa hai bên chống đối”
Theo nhà báo Đức, câu trả lời tốt nhất “thực ra không đơn giản như vậy”. Ngài vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là nhà lãnh đạo thiêng liêng của của 1,3 tỷ người Công giáo. Bà ghi nhận: “Ngài đã 85 tuổi, ngài muốn hành động tự phát, ngài phải hành động cẩn thận trong cuộc chiến Ukraine này. Thực ra, nghệ thuật ngoại giao của Tòa Thánh là thầm lặng và kín đáo. Công khai cầu nguyện cho hòa bình, bí mật điều phối và tổ chức viện trợ, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã tóm tắt cách Tòa Thánh làm. Nhất là tránh cảm tưởng giáo hoàng đứng về một phía quá nhanh.
Bà Anna Mertens cũng lưu ý “mối quan hệ giữa Tòa Thượng phụ Mátxcơva và Vatican rất phức tạp”. Với khoảng 150 triệu tín hữu, cho đến nay Giáo hội chính thống Nga là Giáo hội quốc gia lớn nhất, được xem là đặc biệt trung thành với Điện Kremlin. Mối quan hệ đại kết giữa Rôma và Mátxcơva được cải thiện kể từ thời Đức Bênêđíctô XVI nhưng các sợi dây quan hệ vẫn còn mong manh.
Các hồng y Đông Âu ở “tiền tuyến”
Nhà báo cũng ghi nhận, nếu Đức Phanxicô không đến được Kyiv thì ngài cũng đã cử hai hồng y của Giáo triều đến vùng khủng hoảng – cả hai đều đến từ Đông Âu – hồng y Konrad Krajewski và hồng y Michael Czerny.
Hồng y Konrad Krajewski tới thăm một trung tâm tị nạn ở Ba Lan| DR
Bài đọc thêm: Hồng y Czerny sẽ trở lại Ukraine để bày tỏ sự gần gũi của giáo hoàng
Bà Anna Mertens tin rằng “Vatican không muốn dừng lại ở đó”. Vì thế Tòa thánh đã tăng cường đề nghị hòa giải giữa hai bên. Ngài có thể hỗ trợ đối thoại với các dịch vụ ngoại giao, hoặc có thể làm thêm một bước nữa, là trung gian hòa giải, trước tiên, lắng nghe cả hai bên và đưa ra giải pháp thỏa hiệp. Nhưng nếu không có ý chí của các bên trong cuộc xung đột, thì các đề nghị này cũng chỉ là đề nghị”, bà Mertens ghi nhận.
Gọi một cuộc xâm lược là một cuộc xâm lược
Trang Il Sismografo cũng nhấn mạnh đến sự phức tạp của một cuộc hòa giải có thể xảy ra. “Đàm phán giữa những bên nào? Giữa Nga và phương Tây? Giữa Ukraine và Nga?”
“Giáo hoàng nên đặt Giáo hội hoàn vũ phục vụ cho sự cứu rỗi nhân loại” –
Il Seismograph
Diễn đàn Ý Il Sismografo chỉ trích sự không chính xác trong các yêu cầu của Tòa thánh với Điện Kremlin qua cuộc điện đàm của hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin với Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergẹ Lavrov ngày 8 tháng 3. Hồng y đã yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang, đảm bảo các hành lang nhân đạo và bắt đầu các cuộc đàm phán. “Không nói gì đến hai phe trong cuộc xung đột. Ngài nói đến “một vùng đất đang xảy ra chiến tranh”. Không! Ukraine không phải là vùng đất đang xảy ra chiến tranh. Ukraine là một quốc gia và một dân tộc phải chịu sự xâm lược của Nga để xóa bỏ Ukraine khỏi địa lý hoặc để bắt Ukraine phải phục tùng. Trang Il Sismografo cảnh báo: “Chúng ta đừng quên, sự im lặng chiến thuật cuối cùng sẽ đánh chìm sự thật mà chúng ta muốn công bố”.
Vận động Giáo hội hoàn vũ?
Theo trang truyền thông Ý Il Sismografo, “Đức Phanxicô có quyền lực rất lớn và ngài hãy dùng nó để phục vụ cho lệnh ngừng bắn”. Theo trang Il Sismografo, giáo hoàng nên có một bài diễn văn công khai với Nga và Ukraine, các dân tộc và giai cấp điều hành của họ, phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc. Ngài nên đưa mạng lưới khổng lồ các linh mục, nữ tu, giám mục, hồng y, sứ thần và hàng ngàn cơ sở của họ tham gia cổ động cho nhân loại và hỗ trợ từ thiện “trong một công việc với xác tín toàn hành tinh”. Nói tóm lại, “giáo hoàng nên đặt Giáo hội hoàn vũ phục vụ cho sự cứu rỗi nhân loại.”
Các mong chờ thì quan trọng, nhưng hồ sơ về những can thiệp của giáo hoàng trong lịch sử hóa ra lại khá mỏng. Nhà báo John Allen lưu ý: “Các giáo hoàng không có đũa thần trong những tình huống này. Đức Phaolô VI đã cố gắng làm việc trong hậu trường để chấm dứt chiến tranh Việt Nam; Đức Gioan-Phaolô II đã làm mọi thứ có thể để cố gắng thuyết phục chính quyền Bush không xâm lược Iraq, và cả hai đều thất bại. Tuy nhiên, lịch sử ghi nhớ ít nhất những nỗ lực này, và lịch sử cũng sẽ ghi nhớ giai đoạn hiện tại, giai đoạn tùy thuộc vào cách Đức Phanxicô dùng các quân bài của ngài”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:Hồng y Parolin : “Không bao giờ là quá muộn để tìm một thỏa thuận”