Bác sĩ Axel Kahn: “Làm bổn phận khẩn thiết khi sắp phải chết”
Bác sĩ Axel Kahn, Chủ tịch Liên đoàn Ung thư Quốc gia bị ung thư ở giai đoạn cuối buộc phải từ bỏ các hoạt động của mình. Tình yêu cuộc sống, nét đẹp của thời gian còn sót lại… mời gọi chúng ta tập trung vào những điều thiết yếu.
la-croix.com, Alice Le Dréau, 2021-05-17
Khi biết thời gian của mình sắp hết, làm sao để tối ưu hóa thời gian còn lại?
Bác sĩ Axel Kahn: Tốt nhất có thể. Cả đời tôi, tôi bị ám ảnh bởi khái niệm bổn phận. Chắc chắn, làm bổn phận của mình sẽ thành khẩn thiết khi mình biết mình sắp chết. Vì thế đây là công việc phải nói là thú vị, đó là tôi nói về mặt trí tuệ. Đó là biết điều gì quan trọng, điều gì quan trọng nhất và làm cho nó đi tới. Xác định các sự kiện, các quy trình đối với mình là đáng để làm.
Vậy điều gì đáng kể nhất?
Ở mức độ cá nhân, rõ ràng đó là truyền lại tình yêu thương, gia đình, tình cảm. Tận hưởng những gì tôi yêu, tận hưởng thiên nhiên dù tôi không còn sức đi dạo trong rừng như trước. Và về các dấn thân của tôi, đó là tiếp nối và củng cố những gì tôi đã đảm nhận.
Dấn thân chính cuối đời của tôi là chiến đấu chống lại bệnh ung thư và giúp đỡ người bệnh. Thêm nữa, nếu tôi đã có mặt để bình luận về Covid, đó là vì những người mắc bệnh ung thư là những nạn nhân liên hệ đến cuộc khủng hoảng. Dấn thân này không thể tách khỏi cuộc sống của tôi, nó sẽ là cuộc chiến quan trọng cuối cùng của tôi. Tôi tập trung vào những mục tiêu này. Tôi nhập viện lần đầu vào chiều mai (thứ ba 18-5). Và buổi sáng dành cho buổi họp “bất thường” tại văn phòng của Liên hội Ung thư Quốc Gia.
Ông sẽ ở lại bệnh viện bao lâu?
Tôi sẽ không nói về bệnh của mình. Đó là cuộc chiến đơn độc chỉ liên quan đến tôi.
Ông nói về việc truyền lại. Điều này sẽ được dự đoán như thế nào?
Giai đoạn đầu căn bệnh ung thư của tôi được giữ bí mật hoàn toàn. Chỉ có con trai bác sĩ của tôi và bác sĩ chăm sóc tôi biết. Và rồi tình trạng bệnh trở nặng nhanh chóng, buộc đầu tháng 4 tôi phải nói cho các đứa con khác và người thân biết. Thật buồn khi biết người cha sắp chết, thêm nữa ông lại rất đau. Nhưng tôi muốn nỗi buồn không làm cản trở.
Buổi nói chuyện trong gia đình được tổ chức vào cuối tuần Thăng thiên (16 tháng 5), trong ngôi nhà của gia đình, với ao hồ thật đẹp. Tôi đã cố gắng dạy các con đủ chuyện: đưa cho chúng chìa khóa nhà để chúng biết đó là của chúng bây giờ, chỉ cho chúng biết cách cho gia súc ăn, sửa hàng rào, chẻ khúc gỗ… Chúng tôi yêu thiên nhiên, dòng sông Seine, nhìn hoa huệ chuông trắng tháng 5, cây tầm ma dại, cây cỏ bồ câu… Sự truyền tải diễn ra trong vẻ đẹp và niềm vui. Cũng có buồn, nhưng niềm vui còn hơn cả đau buồn.
Ông truyền lại một ngôi nhà, một mảnh đất. Những giá trị nào ông muốn để lại như một di sản?
Sự truyền tải này không chờ cái chết của tôi xảy ra mới làm. Đây là giáo dục của cả một đời! Với các con tôi, tôi muốn nói, không ai là mình, nếu không có người kia. Không có khả năng cho và nhận, thì không ai tồn tại. Dù cái chết ở gần hay ở xa, nó đều là chìa khóa căn bản cho nhân loại. Tôi cũng tin, các con và các cháu – ít nhất là những đứa lớn – hiểu điều này. Tất cả, chúng đã hiểu phải cố gắng hết sức mình mới được, như lời cha tôi để lại trước khi ông kết liễu đời mình, “hãy sống hợp lý và nhân bản”.
Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, ông đã quen với cái chết. Điều này có thay đổi gì khi ông đối diện với sự hữu hạn của chính mình?
Tôi sẽ chỉ có thể nói với bà khi thời gian đến! Thần chết là người bạn lâu đời. Nhưng xung quanh cái chết không nhất thiết buộc mình phải cảm thấy thanh thản. Tôi biết nhiều bác sĩ đã hoảng sợ nó. Vấn đề là theo một cách nào đó, không nên làm hỏng giai đoạn cuối đời này, vì những gì mình làm lúc này có một cường độ đặc biệt. Mình bị đưa thẳng đến vấn đề chính yếu, loại bỏ những chuyện phù phiếm.
Ông không tin vào thế giới bên kia, ông muốn để lại dấu vết nào để vẫn còn sống?
Nếu tôi không nhìn thấy gì sau khi chết, là vì tôi đã mất đức tin khi tôi 15 tuổi. Ai cũng biết tôi có văn hóa công giáo, đất nước tôi, làng tôi là công giáo, tôi giữ một mối quan hệ rất chặt chẽ với công giáo. Cuối cùng, tôi đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên phức tạp: Tôi muốn xây dựng một chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân văn của tôi, mà cuối cùng thì nó cũng rất giống chủ nghĩa nhân văn của người tín hữu kitô. Dấu ấn tôi muốn để lại, trong tư cách là một tác giả, là nhà tư tưởng, là đóng góp chất liệu để suy nghĩ, tìm giải pháp cho những cạm bẫy gặp phải. Dù tôi không còn ở đó để xem. Như vậy, cái chết của tôi sẽ thành công.
Ông mong thấy điều gì thay đổi cho các bệnh nhân ung thư?
Ung thư là căn bệnh đáng sợ. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, chúng ta dần dần chiến thắng, chúng ta đưa người bệnh ra khỏi nanh vuốt của nó! Chúng ta đã giúp những người tuyệt vọng tìm lại cuộc sống đầy tương lai. Dĩ nhiên cần cố gắng thêm trong việc kiểm soát cơn đau. Tôi là nhân chứng cho điều này. Nhưng thông điệp của tôi là: chúng ta đừng buông tay. Đừng nản lòng. Phải trả thù cho chúng ta! Phải trả thù cho những người thân yêu của mình! Chúng ta cố gắng huy động nhiều hơn nữa. Trên thực tế, căn bệnh ung thư đang thoái lui từng bước. Và nếu không may mình phải chết, thì xin đừng sợ. Những ngày trước mặt có thể đẹp! Bạn có thể vui vẻ. Và xin các bạn đừng bỏ cuộc!
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Bác sĩ Axel Kahn: “Cuộc chiến cuối cùng với căn bệnh ung thư, giai đoạn rất quan trọng trong đời tôi.”
“Cái chết không làm tôi sợ”: bác sĩ Axel Kahn làm chứng đoạn cuối đời trên đài BFMTV
Axel Kahn: “Chưa bao giờ có sự sống mà không có virus”
Axel Kahn: “Tôi tin vào một nhân loại rạng rỡ”
Axel Kahn: “Nhân loại luôn thoát ra được”