Thụy Sĩ: các linh mục nước ngoài đau buồn trước các lời tuyên bố của Giám mục Morerod
cath.ch, Raphaël Zbinden, Maurice Page và Bernard Hallet, 2020-12-16
Đức Giám mục Charles Morerod, giáo phận Lausanne, Geneva và Fribourg
Cảm xúc của các linh mục nước ngoài ở Thụy Sĩ dao động giữa thất vọng và cay đắng sau nhận xét của Đức Giám mục Charles Morerod giáo phận Lausanne, Geneva và Fribourg trên báo NZZ và trên báo Công giáo Thụy Sĩ (cath.ch) về những khó khăn với các linh mục đến từ xa. Các linh mục này không phản đối một cuộc cải cách nhưng cuộc cải cách phải được thực hiện “với những người đã có mặt trên địa bàn”.
Linh mục Kawecki Slawomir, cha xứ điều hành mục vụ của Khối Mục vụ Arve et Lac, Genève than thở: “Tôi thực sự buồn và lấy làm tiếc với những lời nhận xét của giám mục Charles Morerod về các linh mục Ba Lan. Buồn và chua xót. Đây là hai cảm nhận mà đa số các linh mục được trang Công giáo Thụy Sĩ tiếp xúc cho biết, nhưng họ không muốn làm chứng công khai.
Tìm nguyên nhân của vấn đề
Theo linh mục Kawecki Slawomir, đã ở Thụy Sĩ từ nhiều năm nay, những lời của giám mục Morerod về các linh mục nước ngoài làm chuyển hướng một chút trên vấn đề thực tế, đặc biệt là việc giữ đạo bị giảm: “Tại sao các nhà thờ của chúng ta trống rỗng? Và phải làm gì để sửa chữa? Trước đại dịch Covid-19, các nhà thờ của chúng ta chật kín”. Linh mục Slawomir nói thêm: “Chúng tôi luôn cố gắng cải thiện việc chăm sóc mục vụ của mình, nhưng không cần phải có một cuộc cách mạng”.
Một linh mục Phi châu nói: “Điều này không phải dễ, Tôi cảm thấy không thoải mái. Chúng ta không nên quên Giáo hội công giáo Thụy Sĩ có rất nhiều tín hữu người gốc nước ngoài. Chúng ta cũng không nên đưa ra kết luận chung chung từ một tình trạng thưa vắng ở nông thôn. Nếu không tính đến người Bồ Đào Nha, người Ý, người Tây Ban Nha hay người Châu Phi, thì chẳng còn bao nhiêu người công giáo ở Thụy Sĩ. Giáo hội Thụy Sĩ là một phần của Giáo hội phổ quát mà Chúa Kitô mong muốn”.
Cải cách cần được phối hợp
Theo linh mục Slawomir, về thực chất giám mục Morerod có lý khi tính đến việc cải tổ, nhưng cần phải có sự phối hợp: “Chúng ta phải suy nghĩ từ thực tế để đưa ra chẩn đoán và không đưa ra những thông báo chung chung gây nhầm lẫn và phức tạp hóa công việc. Thật nản chí cho nhiều tình nguyện viên đã tham gia và làm những công việc tốt lành cho giáo xứ”.
“Chúng ta phải suy nghĩ từ thực tế địa bàn để đưa ra một chẩn đoán.” Linh mục Kawecki Slawomir
Linh mục Phi châu bổ túc: “Chúng ta không nên giảm công việc của linh mục vào việc dâng thánh lễ và trao bí tích. Đó là một quan niệm giản lược, là điều thiệt hại và thậm chí là nghiêm trọng. Linh mục ở đó để đồng hành với cộng đồng của mình, vì lợi ích gần gũi, đó là điều mọi người mong đợi, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch này”.
Các linh mục được kêu gọi
Linh mục Slawomir cho biết: “Tôi đã đưa một số linh mục Ba Lan được đào tạo rất tốt và có nhân cách tốt để phục vụ Giáo hội Thụy Sĩ. Đó là công việc khó khăn mà giám mục luôn cám ơn tôi.”
Linh mục Phi châu nói thêm: “Các linh mục nước ngoài đến vì họ được gọi. Mọi người đều có quá trình, trình độ học vấn, nhân cách của họ.” Linh mục không phủ nhận có thể có vấn đề. Nhưng theo linh mục, các vấn đề này không liên quan đến nguồn gốc hay màu sắc.
Cùng đồng hành với các linh mục nước ngoài
Về vấn đề này, linh mục Giuse Văn Truyền người Việt thuộc giáo xứ Lausanne, St-Amédée cho biết cha không gặp vấn đề với tiếng Pháp: “Tôi đã học tiếng Pháp khi còn ở Việt Nam. Tôi đến giáo xứ ở Thụy Sĩ năm 1991. Tuy nhiên, tôi biết các linh mục Việt Nam gặp khó khăn trong việc hiểu tiếng Pháp, đặc biệt vì giọng nói. Nhưng đây cũng là trường hợp của các linh mục thuộc các quốc tịch khác. Linh mục tự hỏi về việc giáo phận có các khóa học nâng cao trình độ cho các linh mục muốn học ngoại ngữ để làm việc trong giáo phận không”. Điều này đặt ra câu hỏi về việc tháp tùng các linh mục đến từ các quốc gia khác để làm việc mục vụ ở Thụy Sĩ.
Linh mục Phi châu thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Các vấn đề cũng có thể đến từ việc các linh mục nước ngoài này không được chuẩn bị trước và họ cần được tháp tùng cần thiết. Là các linh mục Phi châu, nhiều người trong chúng tôi đã đến đây từ nhiều thập kỷ trước. Chúng tôi đã phải xoay sở để hòa nhập vào xã hội”.
“Thêm nhiều người hơn trên địa bàn”
Linh mục Kawecki Slawomir cho biết: “Dù với tình trạng hiện nay, chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với giám mục Morerod trong tinh thần tin tưởng. Dù khó khăn như thế nào, trong hoàn cảnh này chúng tôi không được cắt đứt quan hệ với giám mục. Tôi nghĩ ngài đúng khi đề nghị cải cách. Chẳng hạn có quá nhiều công chức trong Giáo hội, cần có thêm nhiều người trên địa bàn, v.v.”
Linh mục nói thêm: “Cần có cải cách để làm sống động Giáo hội và mang giáo dân về lại giáo xứ. Phải nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng và tìm cách tốt nhất để tiến hành việc cải cách này, nhất là đối thoại với những người trên địa bàn”. Linh mục vẫn giữ lạc quan cho tương lai.
Linh mục Phi châu nhắc lại: “Mọi Giáo hội là Giáo hội truyền giáo. Giáo hội Phi châu được các nhà truyền giáo nước ngoài đến giảng Tin Mừng. Chúng ta không ở trong lô-gích của thị trường. Chúng ta nên tự hỏi đâu là khuôn mặt của Giáo hội Thụy Sĩ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thụy Sĩ: Giám mục Charles Morerod muốn giảm một nửa nhân lực giáo phận mình
Thụy Sĩ: Giám mục Morerod chỉnh lại lời tuyên bố về việc giảm một nửa số linh mục giáo phận