Giáo sư Didier Sicard: “Có một nhu cầu khẩn thiết cần điều tra về nguồn gốc động vật của Covid-19”

535

Giáo sư Didier Sicard: “Có một nhu cầu khẩn thiết cần điều tra về nguồn gốc động vật của Covid-19”

franceculture.fr, Tara Schlegel, 2020-03-27

Bài phân tích của giáo sư Didier Sicard, chuyên gia các bệnh nhiễm trùng, từ lâu giáo sư đã làm việc về siêu vi VIH. Giáo sư nội trú y khoa, hiện nay là giáo sư danh dự ở Đại học Sorbonne, Pháp. Giáo sư còn là chủ tịch Hội đồng Cố vấn Luân lý từ năm 1999 đến năm 2008. Hình: Isabel Pavia – Getty

Việc nghiên cứu coronavirus thường tập trung vào các phương pháp điều trị và vắc-xin, nhưng lại không để ý đến nguồn gốc động vật của dịch bệnh. Giáo sư xác định phải quay trở về lãnh vực này, nghiên cứu kỹ hơn về chuỗi truyền coronavirus.

 

Theo giáo sư Didier Sicard, điều quan trọng là phải “dựng lại tiến trình dịch tễ học đã làm cho loài dơi chịu đựng được coronavirus trong hàng triệu năm, nhưng nó cũng chính là tác nhân phân tán”.

Trong cuộc khủng hoảng này, điều ấn tượng đối với giáo sư là “sự thờ ơ lúc đầu” tại nguồn gốc đại dịch. Giáo sư là người có công trong việc thành lập Viện Pasteur ở  Lào, ông cho biết, đến điểm nào sự biến đổi rừng nguyên sơ đã đưa con người đến gần hơn với loài dơi và từ đó là một ổ vi-rút mà chúng ta nghiên cứu quá ít.

Tuy nhiên nếu ngày 24 tháng 2 vừa qua Trung quốc đã cấm “hoàn toàn và ngay lập tức” việc buôn bán động vật hoang dã, một luật tương tự đã có từ năm 2003 mà không được Bắc Kinh thực sự áp dụng. Vì thế giáo sư Sicard yêu cầu  thành lập một tòa án y tế quốc tế.

Giáo sư nhấn mạnh, trong nạn dịch này vấn đề tiếp xúc là rất quan trọng, mỗi người phải ứng xử như một người gương mẫu. 

Quý vị có muốn đi trở về nguồn gốc của đại dịch này không?

Điểm khởi đầu của nạn đại dịch là chợ trời ở Vũ Hán, nơi tích tụ các động vật hoang dã, rắn, dơi, tê tê để trong các thùng mây tre. Ở Trung quốc, các động vật được mua cho lễ Con Chuột. Khá đắt và đó là thực phẩm được lựa chọn. Tại chợ, người bán hàng là người mổ xẻ cắt xén, họ sẽ bị dính nước tiểu của chúng, và đoàn ve muỗi tạo thành một đám mây chung quanh hàng ngàn các con vật đáng thương này. Trong các điều kiện như thế, một số động vật bị nhiễm chắc chắn sẽ nhiễm qua cho các con vật khác chỉ trong vài ngày. Có thể một người bán hàng bị thương hay đụng vào nước tiểu của các con vật bị nhiễm, rồi đưa tay lên mặt. Vậy là xong!

Điều luôn gây ấn tượng cho tôi, đó là sự thờ ơ ngay từ đầu. Giống như xã hội chỉ quan tâm đến điểm đến: vắc-xin, chữa trị, hồi sức. Nhưng để điều này không lặp lại, phải xem điểm khởi đầu là quan trọng. Và thật là ấn tượng chúng ta đã coi thường điểm này đến mức như thế nào. Sự thờ ơ với thị trường động vật hoang dã trên thế giới là rất lớn. Người ta nói rằng các thị trường này kiếm được nhiều tiền cũng như thị trường ma túy. Tại Mexico, nhân viên hải quan tìm thấy các con tê tê trong va-li…

Nhưng đây có phải lần đầu tiên các động vật này là nguồn của khủng hoảng y tế không?

Trên thực tế từ lâu động vật luôn là nguồn gốc của đa số nạn dịch: VIH, cúm gà loại H5N1, Ebola. Các bệnh do vi-rút luôn có ổ chứa là vi-rút động vật. Và chúng ta thật sự không quan tâm đến. Cũng vậy với bệnh sốt xuất huyết của muỗi dengue. Tôi quan hệ rất sát với nước Lào và khi bệnh xuất hiện, người dân địa phương nói ngay  “phải giết muỗi”. Nhưng đúng ra khi mùa khô, khi chỉ có ấu trùng thì phải có chính sách diệt ấu trùng. Vậy mà không ai làm vì họ cho rằng chưa có muỗi thì vì sao lại dùng thuốc diệt trùng?”  Viện Pasteur ở Lào luôn xin người dân nỗ lực làm trước khi dịch phát, nhưng vô hiệu.

Và đó đúng là công việc phải làm với con dơi. Chúng là động vật mang khoảng ba chục loại coronavirus! Chúng ta cần phải làm việc trên các con này, một công việc không dễ: đi vào các hang động được canh kỹ để bắt rắn, tê tê, kiến xem các vi-rút mà chúng chứa chấp, đây là công việc vô ơn và thường bị các phòng thí nghiệm coi thường. Các nhà nghiên cứu nói: “Chúng tôi thích làm việc trong phòng thí nghiệm sinh học phân tử với mũ áo của phi hành gia. Vào rừng, mang muỗi về thì nguy hiểm hơn!”  Tuy nhiên đây là con đường thiết yếu.

Mặt khác, chúng ta biết các nạn dịch này sẽ bắt đầu lại trong các năm sắp đến, tôi lặp lại, nếu chúng ta không triệt để cấm buôn bán động vật hoang dã. Như thế sẽ trở nên trọng tội như buôn bán ma túy tự do. Phải phạt tù loại tội ác này. Tôi cũng nghĩ đến các trại nuôi gà heo công nghệ trong chuồng tầng bằng sắt ở Trung quốc. Mỗi năm chúng tạo các loại cúm mới do vi-rút có nguồn gốc gia cầm. Quy tụ động vật như vậy là làm ăn không lương thiện. Như thử nghệ thuật thú y và nghệ thuật y tế không liên quan đến nhau. Nguồn gốc bệnh dịch phải là mục đích của tầm vóc huy động quốc tế lớn.

Theo giáo sư các loại nghiên cứu nào nên thực hiện?

Chúng ta phải cố gắng xây dựng lại con đường dịch tễ học nào đã làm cho loài dơi chịu đựng được coronavirus từ hàng triệu năm nay, và cách chúng phát tán vi-rút. Như thế nó cũng làm nhiễm qua các động vật khác. Khi dơi bám vào hang động và chết, chúng rơi xuống đất. Vì vậy loài rắn, đặc biệt là rắn vi-pe rất thích chúng và ăn ngay. Cũng như các con dơi nhỏ khi rơi xuống cũng được các con rắn này nuốt chửng, như thế có thể đây là động vật trung gian của các vi-rút. Thêm nữa trong các hang động đầy muỗi và đầy các con ve cứng (tique) này phải xem loại côn trùng nào có khả năng truyền vi-rút.

Một giả thuyết khác liên quan đến việc lây truyền là khi ban đêm con dơi ra ngoài để ăn trái cây, đặc biệt là loài hoa hải đường (begonia). Chúng có phản xạ gần như tự động, ngay khi chúng nuốt, chúng đi tiểu. Do đó chúng sẽ làm nhiễm loại cây này và các con xi-vét khi ăn loại cây này sẽ bị nhiễm. Loài kiến cũng ở trong tập đoàn này, thức ăn ngon miệng của tê tê là kiến, chúng ăn kiến và đến lượt chúng, chúng bị nhiễm.

Toàn bộ nhiễm này cần được khám phá. Ổ chứa vi-rút nguy hiểm nhất là rắn vì chúng luôn ăn dơi, và chính chúng là động vật mang vi-rút. Và đó là  những gì chúng ta cần biết và kiểm chứng. Như thế các nhà nghiên cứu phải hiểu rõ loài dơi, cũng như các con tê tê, xi vét và kiến, cố gắng tìm hiểu khả năng chịu đựng vi-rút của nó. Đây là công việc hơi phí công, nhưng thiết yếu. 

Đâu là mối liên hệ của dân chúng địa phương và các con dơi này?

Điều gây ấn tượng cho tôi là ở Lào, rừng nguyên sơ ở Lào đang bị thu hẹp vì người Trung quốc đến đây xây nhà ga và xe lửa. Các xe kửa này đi qua rừng mà không có bất cứ một biện pháp phòng ngừa sức khỏe nào, đó có thể trở thành vếc-tơ của bệnh ký sinh trùng và siêu vi trùng đi qua các nước Trung quốc, Thái Lan, Mã Lai và ngay cả Singapour. Con đường tơ lụa mà hiện nay người Trung quốc đang hoàn thành có thể sẽ trở thành con đường truyền các bệnh nặng.

Tại chỗ, các hang động này ngày càng dễ đến hơn. Người dân có xu hướng đến gần nơi dơi sống, đây cũng là các thực phẩm được tìm kiếm nhiều. Hiện nay người ta lại xây các công viên cây ăn trái rất gần với các hang động này vì thiếu cây do nạn phá rừng. Người dân có cảm tưởng họ có thể chiếm thêm đất như ở Amazonie. Và họ cũng xây các khu vực nông nghệp gần các ổ chứa vi-rút rất nguy hiểm.

Còn tôi, tôi không có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi này, nhưng tôi chỉ biết điểm khởi đầu đã không được biết đến nhiều. Và nó hoàn toàn bị coi thường. Chúng ta chỉ đưa ra các bài phát biểu hội thảo kiểu phường chèo. Chúng ta nói về con dơi như lời nguyền rủa thời pharaôn.

Nhưng theo giáo sư, chúng ta chưa có đủ nghiên cứu nghiêm túc về khả năng của dơi để dung chứa coronavirus phải không?

Nếu, chắc chắn có những nghiên cứu nghiêm túc, tôi không thể nói không có gì. Nhưng tôi thấy điều này rõ, khi tôi đến Viện Pasteur Lào do bác sĩ Paul Brey, một người rất xuất sắc điều khiển. Bác sĩ giám đốc có tinh thần của nhà bác học Louis Pasteur, từ hai mươi năm nay, ông say mê tìm hiểu vấn đề truyền tải. Nhưng ông cực kỳ cô độc. Ngay cả nghiên cứu về muỗi là căn bản để tìm hiểu sự lây truyền bệnh ở Lào cũng bị bỏ rơi. Và ông Paul Brey lặp lại với tôi, có ba mươi loại coronavirus ở loài dơi. Các nỗ lực khoa học vì thế không ở tầm cao của nó.

Chúng tôi rụng rời khi Bộ Ngoại giao Pháp rút nhà dịch tễ học Brey ra khỏi Viện Pasteur, Viện này chỉ cách biên giới Trung quốc vài trăm cây số. Đó là vào tháng 11 năm 2019. Chúng tôi sẽ cố gắng để có công việc này lại, nhưng thật đáng sợ vì ngay ngưỡng mà các bệnh truyền nhiễm vi-rút có thể đến, chúng tôi lại khó mà dốc toàn lực để làm việc.

Viện Pasteur Lào chỉ được nước Pháp hỗ trợ chừng mực, nhưng lại được người Nhật, người Mỹ, người Luxembourg hỗ trợ. Người Pháp đóng góp nhưng không làm cho nó trở thành một công cụ nghiên cứu chính.

Vai trò chính xác của Viện Pasteur này là gì?

Nhiệm vụ là đào tạo các nhà nghiên cứu địa phương. Để thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học về các vi-rút hiện có như chikungunya, sốt xuất huyết và bây giờ là coronavirus. Là nơi nghiên cứu khoa học sinh học cấp cao ở một vùng lãnh thổ nhiệt đới xa xôi, nhưng có một phòng thí nghiệm với độ an toàn rất cao. Ở gần nơi xảy ra dịch bệnh và có các phòng thí nghiệm cao cấp. Thật khó cho một nước tương đối nghèo có thiết bị khoa học tầm cao. Mạng lưới các Viện Pasteur – có mặt trên nhiều nước – là một cơ cấu mà cả thế giới ghen tị với nước Pháp. Nhưng các Viện này cũng như Viện ở Lào cần sự giúp đỡ nhiều hơn, chứ không như hiện nay. Các Viện này khó mà cân bằng ngân sách và họ cũng khó để tuyển các nhà nghiên cứu. Đa số các nhà nghiên cứu thích ở phòng thí nghiệm Paris hay trong phòng thí nghiệm của các công ty dược phẩm Sanofi, Merieux, nhưng để trở thành nhà thám hiểm trong rừng thì không ai thích. Và đó là những gì ngày xưa nhà bác học Louis Pasteur làm, ông đến vườn nho gặp nông dân, ông đến đồng cỏ thăm các mục đồng và đàn cừu của họ. Ông ra khỏi phòng thí nghiệm của mình. Cũng như bác sĩ Alexandre Yersin đã ở Việt Nam khi bác sĩ khám phá vi trùng bệnh dịch hạch.

Như thế nghiên cứu về côn trùng học và về động vật lây truyền không ở tầm mức cao của vấn đề. Dù nó vẫn còn nhưng chỉ chiếm 1% trong công việc nghiên cứu. Bởi vì điều hấp dẫn cho các vị được Giải Nobel là tìm ra thuốc chữa trị hay tìm ra một vi-rút mới trong sinh học, chứ không tái cấu trúc các chuỗi dịch tễ học. Vậy mà các khám phá truyền nhiễm chính lại được sinh ra theo cách này: tác nhân sốt rét, Plasmodium được bác sĩ người Pháp Alphonse Laveran (1845-1922) tìm ra trên cánh đồng ở Tunisia. Và đó là các nghiên cứu nền tảng đã được thực hiện trên một quy mô mà chúng ta phần nào đã quên. Như thử tầm nhìn vi mô rồi cuối cùng làm biến mất tầm nhìn vĩ mô.

Giáo sư có ví dụ nào khác cho thấy nghiên cứu về hành vi động vật là rất quan trọng không?

Bệnh dịch hạch là một ví dụ rất hay. Bể chứa dịch hạch là chuột. Có những giống chuột rất kháng thuốc và truyền vi khuẩn, và chúng trơ trơ không biết gì đến dịch. Và có những giống chuột rất nhạy cảm. Chỉ một ngày, một vài con chuột của giống nhạy cảm gặp giống chuột kháng cự là chúng lây qua. Các con chuột nhạy cảm chết. Lúc đó bọ chét sống nhờ máu của chuột không có gì ăn sẽ đi chích người. Khôi phục lại sự khởi đầu của chuỗi lan truyền có thể giúp chúng ta hành động. Ở những nơi bệnh dịch hạch tác hại như ở bang California, ở Madagascar, ở Iran hay ở Trung quốc, khi người ta thấy một vài con chuột bắt đầu chết, thì đó chính là lúc phải can thiệp: lúc này là lúc cực kỳ nguy hiểm, vì bọ chét bắt đầu đi chích người. Trong các vùng dịch hạch, khi có hàng trăm con chuột chết, thì đó là hố bom.

May mắn thay bệnh dịch hạch là bệnh của quá khứ. Cũng còn 4 000 hoặc 5 000 trường hợp dịch hạch trên thế giới. Nhưng không đáng kể vì thuốc trụ sinh rất công hiệu. Nhưng đây là một ví dụ chứng tỏ cho thấy nguồn gốc động vật là căn bản và luôn khó nắm bắt. Tuy nhiên nó rất cần thiết để hiểu và giúp thiết lập chính sách phòng ngừa. Ngày nay nếu chúng ta tiếp tục bán động vật ngoài chợ thì chúng ta ở trong tình trạng hoang tưởng. Phải áp dụng nguyên tắc phòng ngừa. 

Nhưng buôn bán động vật hoang dã bị cấm. Vẫn còn công ước quốc tế ấn định mọi buôn bán này.

Có, nhưng đặc biệt ở Trung quốc, công ước quốc tế này không được tôn trọng. Phải thành lập một loại tòa án y tế quốc tế. Rõ ràng là nếu chúng ta yêu cầu mỗi quốc gia tự tổ chức tòa án thì sẽ không có gì thay đổi. Mới đầu Trung quốc làm áp lực trên Tổ chức Y tế Thế giới để Tổ chức này không nói đây là đại dịch. Trung quốc quyết ngăn chặn mọi sự vì Trung quốc đóng góp lớn cho Tổ chức Y tế Thế giới. Như thế phải có tòa án y tế hoàn toàn độc lập, như tòa án quốc tế tội ác chiến tranh quốc tế, với các điều tra viên độc lập theo dõi những gì đang xảy ra ở hiện trường.

Các vùng nông thôn ở Lào có nhiều chợ bán động vật hoang dã chung với gia cầm gà, thỏ. Trong sự dửng dưng của mọi người vì đó là văn hóa địa phương, mà văn hóa là chuyện khó khăn nhất trong sự tiến triển của một dân tộc.

Trong nạn dịch này, giáo sư là chuyên gia các bệnh nhiễm trùng, giáo sư thấy điều gì nổi bật trong thái độ của dân chúng?

Đó là cách biệt giữa một thái độ dửng dưng quá lố, một cái nhìn hơi có tính cách chỉ trích với nước Ý và Trung quốc và sự khám phá phủ phàng của thảm họa sức khỏe. Chúng ta đi từ một thái độ vô lo đến một thái độ cực kỳ lo lắng, cả hai đều độc hại như nhau: vô lo tạo ra lây nhiễm, lo thái quá dẫn đến các hành xử vô lý. Tôi giận cho những người ở các thành phố lớn như Paris, Lyon đã bỏ thành phố về nhà nghỉ mát của họ ở nhà quê, dưới mắt tôi, trước hết là họ thiển cận, tưởng như mình có thể tránh được như trong thời chiến tranh tránh được quân đội Đức đến. Tiếp đó là cách hành xử cực kỳ ích kỷ trong nghĩa xấu nhất của chữ này: ‘Ai thoát được thì thoát, còn tôi ở nhà quê, kệ người khác, tôi bảo vệ tôi là được’. Đương nhiên là tôi mong họ bảo vệ được cho người lớn tuổi thì tốt hơn. Khi tôi thấy các cặp vợ chồng trẻ hay nhóm bạn trẻ bây giờ rủ nhau đi nghỉ hè! Đúng là sốc hơn cả sốc trong thời đại dịch, làm gì thì làm tôi thoát là được. Và ngược lại là hình ảnh của một người biết tự hỏi, làm sao để mình được xem là người gương mẫu. 

Vì thế chúng ta cần đưa ra một thái độ chung.

Đúng, mình không được đặt mình “ra ngoài.” Không thể nghĩ, mình 30 tuổi, mình có sức khỏe và mình không bị các loại diễn văn này lừa mình. Tôi nghĩ đến các cặp thoải mái hôn nhau ngoài đường, cho rằng mình ở chung nhà, mình không làm lây nhau. Trong khi chúng ta biết khoảng 1/3 người gây nhiễm không có một triệu chứng nào. Vì thế phải xem mỗi người có khả năng lây lan cho người khác mà mình không biết. Và nếu người này đến một nơi hoàn toàn chưa có vi-rút thì hành vi của họ đúng là một quả bom cho nhiều người khác.

Dịch bệnh lan truyền bởi những người từ Trung quốc hoặc Ý về. Tôi đơn cử trường hợp một phụ nữ Ý đến Argentina. Bà dự một đám cưới và ôm hôn mọi người. Phụ nữ này đã nhiễm cho 56 người! Trong thời gian dịch bệnh, sự vô trách nhiệm gây tác hại vô cùng. Ngược lại, phải tuân thủ các biện pháp ngăn chặn. Chẳng hạn phải chờ ở siêu thị trước khi bước vào.

Còn khẩu trang là bảo vệ người đi đường, chứ không ngăn được vi-rút. Mỗi người phải nói: tôi làm tất cả để người khác không trách tôi. Chúng ta cần có thái độ xem trọng người khác trước khi nghĩ đến mình. Chỉ duy có thái độ này mới mang lại hiệu quả.

Vì sao giáo sư nói khẩu trang không phải là vật dụng bảo vệ?

Dĩ nhiên khẩu trang là dụng cụ bảo vệ cho các bác sĩ và các nhân viên chăm sóc trong môi trường có vi-rút luân lưu. Nhưng khi chúng ta thấy người đi đường mang khẩu trang thì thật không nghĩa lý. Họ nghĩ họ bảo vệ để khỏi bị người khác lây qua, nhưng có một khác biệt đáng kể giữa sự vô dụng của khẩu trang trên đường phố và trong bệnh viện. Chính tôi, tôi vào tiệm thuốc sáng thứ bảy, tôi trình thẻ bác sĩ để mua khẩu trang. Người dược sĩ trả lời họ không còn. Như thế, nếu tôi cần khẩu trang để đi săn sóc bệnh nhân thì tôi không thể, hoặc tôi có thể bị lây. Chúng ta thấy có quá nhiều người mang khẩu trang đi ngoài đường như một loại trang trí. Có cả một thảm kịch chính trị to lớn trong việc thiếu khẩu trang.

Có nên dành riêng cho những người săn sóc?

Có, tất nhiên rồi, cho tất cả những người làm việc gần vi-rút. Khi bạn thấy nhân viên ở siêu thị không có mặt nạ, trong khi khách hàng có, thì có một cái gì đúng là phản tác dụng. Những ai không cần thì có, những ai cần thì không có. Và điều này liên hệ đến cách hành xử cá nhân. Không bao giờ tôi dám cho phép mình mang khẩu trang đi ngoài đường khi những người chăm sóc không có. Đó là điều làm cho tôi hãi sợ. Điều này về cơ bản cho thấy sự mù quáng và thiếu hiểu biết của nhiều người. Nếu mình đi ngoài đường mà không gặp ai chung quanh thì không có lý do để mang khẩu trang.

Về quan điểm đạo đức, giáo sư nghĩ gì về những người săn sóc ở tuyến đầu trong khi cách đây vài tuần họ đang đình công?

Đó là chức năng của họ. Một bác sĩ được thúc đẩy từ chính nội tâm mình phải hành nghề. Những người hèn đã không đi làm ngay từ những ngày đầu. Vì vậy với tôi, tôi vừa ngưỡng mộ vừa thấy bình thường. Nỗi đau khổ của môi trường bệnh viện tôi đã thấy từ mười, mười lăm năm nay. Đa số các đồng nghiệp của tôi đều noi tôi quá may mắn đã về hưu! Chúng tôi đau đớn, thật khủng khiếp, bệnh viện trở thành như việc kinh doanh. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của họ: bệnh viện đã bị hy sinh. Với các quyết định hoàn toàn dựa trên kinh tế, bỏ qua lợi ích của bệnh nhân, của bác sĩ.

Phải xem đến số lượng các bác sĩ về hưu sớm, họ giải thích nghề của họ không còn có ích, họ có cảm tưởng làm cho qua giờ, ngồi điền giấy tờ, ngôi vô sổ. Từ mười năm nay đã có một sự tàn phá trong bệnh viện công. Bộ trưởng y tế cuối cùng còn ý thức được vai trò của mình và tôn trọng nhân viên y tế đó là bộ trưởng Xavier Bertrand. Sau đó, là thảm họa.

Nhưng sự tan vỡ hệ thống bệnh viện có phải là hậu quả ngày nay trong thời gian khủng hoảng sức khỏe không?

Không, có một tách biệt. Tất cả các biện pháp làm cho bệnh viện không hoạt động tốt đã tạm thời biến mất. Các nhà quản trị hãi sợ, họ ngồi trong văn phòng của họ và không làm được gì thêm. Chính các bác sĩ làm tất cả. Các bác sĩ tìm lại được toàn quyền của họ. Đối với họ, họ có một hạnh phúc khi tìm lại nghề mà họ muốn làm. Ban quản trị xếp khăn gói, hoặc chính xác là họ làm theo lệnh bác sĩ. Quan hệ quyền lực đảo ngược: cách đây một năm các bác sĩ theo lệnh ban quản trị, bây giờ ban quản trị theo lệnh bác sĩ. Đây là một hiện tượng rất đặc biệt. Các bác sĩ không còn bị buộc phải lấp đầy giường với các bệnh nhân mang nhiều tiền đến, mà đó là nguyên tắc từ trước đến bây giờ. Bây giờ, họ làm theo lương tâm nghề nghiệp. Với cuộc chiến chống tử thần. Thực chất, họ tìm lại được ADN sâu sắc nghề nghiệp của họ.

Và gần như một nguyên lý: có ít đau khổ trong cơ quan y tế hiện đang hoạt động cao điểm hơn là đau khổ cách đây sáu tháng khi họ thấy mình tuyệt vọng và xuống tinh thần, khi thấy nghề của mình bị mất ý nghĩa.

Giáo sư có nghĩ rằng giới chính trị sẽ nhớ chuyện này không?

Có, tôi nghĩ có. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thay đổi thời đại. Tôi có thể cho bà một ví dụ về công việc mà  tôi chiến đấu từ hai năm nay. Tôi sẽ không nêu tên bệnh viện, nhưng tôi biết một nữ bác sĩ giải phẫu đặc biệt trong khoa phỏng nặng. Ở bệnh viện, khoa của bà đóng cửa và bà không còn việc. Tuy nhiên bà mong tiếp tục làm việc với các em bé bị phỏng. Nhưng bộ phận của các em bé bị phỏng biến thành bộ phận phẫu thuật mông và vú. Bởi vì ngành này mang lại nhiều tiền hơn. Bà luôn nói với tôi, nếu có hỏa hoạn ở trường học và có mấy mươi em bị phỏng thì bệnh viện không đủ sức chữa, họ đã xem phỏng không đem lại tiền, phẫu thuật cho các ngôi sao mang lại nhiều tiền hơn. Từ mười năm nay, cái nhìn nghiêng về kinh tế này đã gây ra thảm họa tuyệt đối. 

Đó có phải là bệnh viện công không?

Tất nhiên. Ở các bệnh viện tư, họ làm theo những gì họ muốn. Nhưng ở lãnh vực công, người ta bỏ các khoa không có lợi – vì các trường hợp bị phỏng rất tốn kém và ít mang lợi, không có bệnh viện tư nào có thể làm được – bỏ những chuyện này để chạy theo lợi nhuận là chuyện không bình thường. Về cơ bản, bệnh viện công lo lắng phải đầu tư khổng lồ cho các thiết bị cao cấp để ngang hàng với bệnh viện tư. Và lãnh vực công sẽ không bao giờ có đủ tiền như lãnh vực tư, sẽ không bao giờ đuổi kip họ. Cứ chi tiền cho các lãnh vực cực kỳ chuyên biệt thì cuối cùng chúng ta bỏ bê việc đón nhận những người có hoàn cảnh bấp bênh nhất, các người lớn tuổi, các người bị nghiện rượu, những người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn. Như tôi đã nói nhiều lần, rồi thì bệnh viện công quên chức năng bệnh viện của mình.

90% các bác sĩ nhận thức điều này, và đó là nỗi đau khổ da diết của họ. Cũng giống như y tá và các người chăm sóc khác, họ làm một nghề liên quan đến tiền bạc.

Giáo sư có nghĩ các chính trị gia có thay đổi cách nhìn về bệnh viện không?

Không có gì chắc chắn, nhưng tôi nghĩ người dân Pháp sẽ nhớ và sẽ đòi trả giá. Tổng thống Macron đã hứa ngưng định suất hoạt động của hệ thống tài trợ hiện nay cho các bệnh viện.  Các nhà kinh tế đã rít lên chúng ta không thể đo lường được hoạt động này, hoạt động kia tốn đến bao nhiêu. Và nguyên thủ Quốc gia đã bỏ cuộc. Tôi, tôi nghĩ sau cuộc khủng hoảng này, Tổng thống sẽ thay đổi định suất hoạt động. Bệnh viện sẽ đòi trả những gì họ thực hiện và những gì họ xem là ưu tiên. Phải tin tưởng bệnh viện không chữa trị bệnh nhân một cách vô ích, và lấp đầy giường như thử mình là câu lạc bộ dành cho người giàu.

Bệnh viện sẽ tìm lại đúng chức năng săn sóc quần chúng của mình.

Marta An Nguyễn dịch