Lời nói giá trị (1-3)

308

Lời nói giá trị (1-3) 

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Một sứ điệp luôn hợp thời 

Như thế sư huynh khiêm nhường Fernand của thành phố Lisbon đã trở thành Thánh Antôn Pađua. Ngài an nghỉ ở vương cung thánh đường nguy nga mà sau Vatican, đó là vương cung thánh đường được thăm viếng nhiều nhất thế giới. Vì sao ở thế kỷ 21 còn có một nơi thu hút khách hành hương ở tất cả mọi nước như vậy? Để có một khái niệm về việc này thì phải nhìn lại suốt cuộc đời của ngài ở trần thế để thấy sứ điệp của ngài vẫn còn phù hợp với người công giáo ngày nay.

Đúng, Thánh Antôn nổi tiếng là người làm nhiều phép lạ. Thật vậy, chúng ta không thể phủ nhận hiếm có thánh nào cầu bàu cùng Chúa mà nhận được vô số ơn đủ loại như vậy. Mà các phép lạ này không phải là lý do thiết yếu để được phong thánh, chỉ cần ba phép lạ sau khi qua đời là đủ. Đó chỉ là kết quả cho điều này. Đây là dấu hiệu hữu hình Chúa cho chúng ta thấy về đường hướng tông đồ đặc biệt của ngài: vai trò của người thuyết giảng. Người thuyết giảng nhắc chúng ta nhớ các sự thật của Tin Mừng , mà chúng ta cần nghe lại khi xã hội vật chất không mang lại các giá trị làm cho con người được hạnh phúc. Một nhà thuyết giảng mời chúng ta nuôi dưỡng đời sống mình bằng Lời Chúa và noi theo gương Chúa Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô là sự thật, là đường và là sự sống; chỉ có Ngài mới cho chúng ta hạnh phúc thật ở trần thế và đời đời.

Nhà thuyết giảng là người như thế nào?

Thánh Antôn trả lời cho chúng ta bằng cách tự mô tả mình:

“Tất cả công việc của nhà thuyết giảng kitô chỉ có một mục đích: các tâm hồn được cứu rỗi. Nhiệm vụ của họ là nâng những người đã bị ngã, an ủi kẻ khóc lóc, khiêm nhường mang lại ơn Chúa cho người thiếu thốn, bất vụ lợi như mây trời đổ mưa xuống để làm đất đai được phì nhiêu. Lời cầu nguyện phải mang lại nét dịu ngọt, lời suy niệm phải là men cho tâm hồn. Nếu nhà thuyết giảng làm được như vậy, thì Lời của Chúa, Lời của Sự thật, của Sự sống, của tình yêu và của ân sủng sẽ đổ xuống trên họ và sẽ làm cho họ tràn ngập trong sự huy hoàng rực rỡ của họ.” Đó là trường hợp của Thánh Antôn.

Ngài lập lại cùng chủ đề thấm đậm tinh thần Thánh Phanxicô: “Nhà thuyết giảng là người con của tiên tri Dacaria, có nghĩa là ký ức của Chúa. Họ phải khắc ghi trong lòng Sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Họ phải sống với Ngài, trong đêm tăm tối của thù nghịch và trong bình minh của thịnh vượng. Khi đó Lời của Chúa sẽ đến với họ, Lời của bình an, của sự sống, Lời của ân sủng và sự thật… Lời của Chúa không làm tổn thương tâm hồn nhưng làm tâm hồn vui tươi! Ôi, Lời của Chúa dịu dàng mang đến hy vọng cho các tâm hồn đau khổ! Lời của Chúa tưới cho các tâm hồn bị dằn vặt trong khô héo.

Từ bài giảng viết đến bài giảng nói

Ngày nay chúng ta có ý kiến nào về các bài giảng của Thánh Antôn mà người đương thời của ngài gọi là “búa của những điều dị giáo” và giáo hoàng Grêgôriô IX cho đó là “Vòm Tân Ước hay Vòm Tin Mừng không?” Chúng ta chỉ có thể có một cái nhìn thoáng qua. Ngài viết vì vâng lời bề trên, để đào tạo các chủng sinh trẻ mà trước ngài họ không có một kiến thức vững chãi về thần học. Ngài đã dạy trong nhiều năm. Thêm nữa, nếu ngài viết bằng tiếng la-tinh văn chương thì ngài đọc bằng tiếng la-tinh bình thường hoặc bằng thổ ngữ để mọi người đều hiểu. Như thế chúng ta hiểu những gì còn lại đã mất đi phần nào tính tự phát.

Để hiểu tác động của các bài giảng này trên đám đông, có khi trên ba mươi ngàn người thì chúng ta phải nghĩ về hiệu ứng hấp dẫn mà một đám đông như vậy có thể tạo ra. Phải tưởng tượng sự ấm áp trong lời của diễn giả, sống động và linh hoạt, sức mạnh của các lập luận, âm điệu trữ tình của các câu thơ chêm vào, các so sánh và ẩn dụ, lòng nhiệt huyết kêu gọi hoán cải… Đôi khi ngài nhìn thẳng vào người này người kia để mọi người cảm thấy mình được quan tâm. Thêm vào đó là các cử chỉ chính xác, các câu hỏi, các chất vấn… các giây phút thinh lặng ngắn, gián đoạn bằng lời kêu gọi đi xưng tội, tha thứ, sửa mình và đôi khi là một phép lạ…

Trên thực tế, chúng ta không rõ liệu các bài giảng của Thánh Antôn có nhiều hơn các nhà thuyết giảng khác không. Sức hấp dẫn của nghệ thuật nói như hỏa diệm sơn sẽ nguội như dung nham trong văn viết. Chúng ta hiểu, nếu Chúa muốn giữ lại cái lưỡi còn nguyên của Thánh Antôn sau hơn bảy thế kỷ là để mời gọi chúng ta khám phá và tiếp thu lời mà cái lưỡi này đã nói lên. Những lời có sức mạnh của Chúa Cha, có lòng thương xót của Chúa Con, lửa và dầu của Chúa Thánh Thần. Đó là tia sét đánh vào các tâm hồn, sét đánh tan sự dữ, là sương mai làm tươi mát, là nước tinh khiết làm dịu cơn khát, là mật ngọt nuôi dưỡng và chữa lành vết thương. Khi nghe lời giảng, đám đông như nghe lời của Ngôi Lời nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.

Cái lưỡi được tôn kính

Đây là lý do vì sao chúng ta hiểu khách hành hương đến tôn kính cái lưỡi trong bình đựng bằng pha lê và bạc. Nếu các bạn muốn có một lời cầu nguyện để dâng lên ngài thì các bạn nên thành tâm đọc lời cầu nguyện của linh mục truyền giáo Dòng Capuxinô Marie-Antoine: “Ôi lưỡi thánh! Khiêm nhường đã giữ bạn trong im lặng và bóng tối, học hỏi đã lấp đầy hiểu biết cho bạn, vâng lời buộc bạn phải nói. Bạn đã soi sáng cho người dị giáo, hoán cải kẻ có tội; bạn thu phục các tâm hồn. Bạn đã trở thành đối tượng ngưỡng mộ của các ông hoàng, là kinh hoàng cho các bạo chúa, là dịu ngọt cho kẻ công chính, là an ủi cho người đau khổ; bạn đã dạy tất cả con đường để được thánh thiện.

Ôi lưỡi thánh! Bạn đã tiết lộ bí mật của các tâm hồn, đã nói các chuyện tương lai; lời bạn từ xa người ta cũng nghe… Lưỡi của nhà thông thái, bậc thầy của thánh thư, diễn giả thấm nhuần Sách Thánh, tiến sĩ của Giáo hội thánh, tông đồ sốt sắng, người làm phép lạ vinh quang nhất chưa từng thấy!… Cái chết đã làm ngưng lời nói của ngài, nhưng tác động của ngài vẫn rất lớn cho những người đến tôn kính ngài. Cho đến khi nào con còn sống, xin cho con biết dùng lưỡi của con để ca ngợi Chúa! Xin Thánh Antôn cho con được như Ngài, đến hơi thở cuối cùng kêu tên cực thánh Chúa Giêsu! Amen.” 

Bài giảng có bố cục vững

Chúng ta trở lại với các bài giảng của Thánh Antôn và xem cấu trúc của chúng.

Các bài giảng thường ở dưới dạng chưa triển khai, nhưng chủ đề được đề cập trước hết: một bài đọc trong ngày, một bài về đức tin hay một huyền nhiệm lớn lao… Sau đó Thánh Antôn đặt bài giảng phù hợp với một bài tương đương trong Cựu Ước và thường là bài loan báo trước. Đầu tiên, ngài đưa ra các danh từ chủ chốt và giải thích các nghĩa khác nhau theo tu từ học. Kế đó ngài chuyển sang các phụ cấp để giải thích ý nghĩa văn chương, thiêng liêng, đạo đức hay ẩn dụ. Ngài đưa vào ẩn dụ của các Giáo phụ, của triết gia Cicéron hay Aristote, từ các anh hùng của Homer hay của Virgile rồi đến thiên nhiên, đến đời sống hàng ngày, đến thời sự hoặc đến các hư cấu…. Trong phần kết, ngài viết lời cầu nguyện để xin Chúa ban các ơn lấy cảm hứng từ chủ đề trong ngày. Trên thực tế, ngài nhắc nhở cử tọa các sự thật cao cả của đức tin được Giáo hội giảng dạy để làm nổi bật các nét đẹp, các ưu điểm rút ra từ đó như bình an, vui vẻ, rọi sáng…

Bao nhiêu là ân sủng người tín hữu kitô có thể nhận được ở đây, không giống như những gì người dị giáo có được qua việc giảng dạy một chủ thuyết tê liệt dẫn đến tình trạng bi quan và tuyệt vọng. Người nào không theo đạo đức cơ bản rút từ quy luật tự nhiên, người đó sẽ trơ trơ khi nghe công kích về sự biến chất, một sự biến chất kéo theo cám dỗ mê tiền bạc, quyền lực, dối trá, vu khống, các bất hạnh tạo ra cho các nạn nhân.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Mai táng gặp vấn đề (1-3), Thánh Antôn Pađua

Mai táng gặp vấn đề (2-3) Thánh Antôn Pađua

Mai táng gặp vấn đề (3-3), Thánh Antôn Pađua

Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua