Người tị nạn thất vọng về chuyến đi Thái Lan của giáo hoàng

362

Người tị nạn thất vọng về chuyến đi Thái Lan của giáo hoàng

 Trại tị nạn Mae Ra Ma Luang ở Thái Lan. Hình COERR

la-croix.com, Claire Lesegretain, Ucanews, 2019-11-07

Theo các nhà quan sát, chuyến đi ngắn của Đức Phanxicô đến Thái Lan ngày 21 và 22 tháng 11 trước khi đi Nhật đã không có chương trình để ngài gặp các người tị nạn, trong khi vấn đề tị nạn là một thực tế quan trọng của đất nước này.

Các phóng viên của hãng tin Ucanews cho biết, chương trình chuyến đi của Đức Phanxicô đến Thái Lan làm nhiều người thất vọng. Thái Lan là một đất nước có đa số người dân theo đạo Phật, một số người công giáo tại đây đã đổ lỗi cho hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovitvanit, Tổng Giám mục giáo phận Bangkok, “người không được mến chuộng nhiều trong giáo phận của mình”, đã không biết đề nghị với Đức Phanxicô có các cuộc gặp gỡ và thăm viếng phù hợp.

 Dành quá nhiều chỗ cho quyền lực

Đặc biệt cơ quan Caritas Quốc tế là một cơ quan rất quan trọng ở Thái Lan và Cơ quan Dòng Tên giúp người tị nạn (JRS) là cơ quan có mặt ở Thái Lan từ lâu rất thất vọng vì đã bị bỏ quên trong chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Bangkok.

Một chương trình chú trọng đến các cuộc gặp với nhà cầm quyền (Thủ tướng cựu đại tướng Prayut Chan-o-cha và vua Rama X) các chức sắc (Đại Hòa thượng Phật giáo Thái Lan, Somdet Phra Ariyavongsagatanana IX), cũng như chuyến thăm các cơ sở (bệnh viện Thánh Lu-i do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Chartres phụ trách).

Sự lãng quên kỳ lạ người tị nạn

Trong chương trình chính thức, không có một dự trù nào để Đức Phanxicô gặp các người tị nạn, trong khi Thái Lan là nước giáp biên giới với Miến Điện có nhiều trại tị nạn dành cho các dân tộc thiểu số bị bắt bớ và bị bỏ quên của người Karen.

Hãng tin Ucanews nhắc lại, “khác với chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II đến Thái Lan năm 1984, ngài đã dành nhiều thì giờ để nói chuyện với người tị nạn Việt, Miên, Lào ở một trại tị nạn miền Nam Bangkok”.

Đó là lý do vì sao người công giáo địa phương tự hỏi, ở một đất nước có hàng trăm ngàn người tị nạn, được đăng ký hoặc bất hợp pháp, và Giáo hội công giáo đã luôn làm việc tích cực và lâu dài để giúp họ mà Đức Phanxicô không cụ thể hỗ trợ trong khi vấn đề tị nạn và người di dân là vấn đề quan trọng của ngài. 

Thái độ mơ hồ của Giáo hội địa phương

Thêm nữa trong những ngày gần đây, các bài báo trên trang Ucanews nhắc lại tình trạng nguy kịch của các người tị nạn công giáo người Pakistan, họ rất sợ bị nhà nước để ý, họ không dám tham dự thánh lễ của giáo hoàng cử hành, cũng như tham dự buổi gặp ngày 21 tháng 11 tại sân vận động quốc gia, buổi gặp người trẻ ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời.

Các bài báo còn viết: “Giáo hội Thái Lan có thể tạo thuận lợi để giúp cho người tị nạn Pakistan kitô nhưng có vẻ như Giáo hội không muốn mối quan hệ đặc quyền của họ với cấp cao nhất của nhà nước bị tì vết”. 

Xung đột ly khai chết người

Một chủ đề trọng yếu khác không có trong chương trình chính thức, dĩ nhiên không vì thế mà ngăn Đức Phanxicô không đề cập đến trong các cuộc gặp gỡ với nhà cầm quyền: xung đột bạo lực ở miền Nam nước Thái giữa các người ly khai hồi giáo với quân đội Thái đã làm cho 7 000 người thiệt mạng.

Thái Lan: Ít nhất có hai “vụ đánh bom” trong cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, Asean

Dù sau cuộc đảo chính năm 2014, các vụ tấn công ít hơn, quân đội đã tăng cường tuần tra và kiểm soát các vụ giới nghiêm, nhưng vừa qua, một cuộc tấn công mới được cho là của phiến quân hồi giáo ly khai đã diễn ra vào ngày thứ tư 6 tháng 11 ở bang Yala miền Nam.

Các kẻ tấn công đã bắn vào hai trạm kiểm soát, làm thiệt mạng ít nhất 15 người. Đây là một trong các vụ tấn công có nhiều người chết trong lịch sử của cuộc nổi dậy ly khai nổ ra năm 2004 trong các bang có đa số người dân theo đạo hồi ở miền Nam nước Thái.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Chi tiết chương trình chuyến đi Thái Lan và Nhật Bản của Đức Phanxicô

Linh mục Niphot Thianwihan, người phục vụ các cộng đồng thiểu số ở Thái Lan