Khí phách của các nhà truyền giáo đầu tiên ở Thái Lan
fr.aleteia.org, Colombe de Barmon, 2019-05-28
Năm nay giáo hạt Xiêm, Thái Lan mừng kỷ niệm 350 năm thành lập. Ở đây, Giáo hội địa phương còn giữ các kỷ niệm về các nhà truyền giáo của họ. Và các kỷ niệm đẹp! Đó là các nhà truyền giáo có khí phách.
Trong bài giảng ngày 18 tháng 5 – 2019 ở Sampran, một thành phố không xa thủ đô Bangkok nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập giáo hạt Xiêm, Đức Hồng y Fernando Filoni nêu lên: “Chúng tôi rất biết ơn công việc truyền giáo của các nhà truyền giáo Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP), và sau đó là các nhà truyền giáo, các tu sĩ của nhiều hội khác nhau đã tiếp tục. Qua lòng nhiệt thành tông đồ, những người đã tận tâm tận tụy gieo cấy Giáo hội vào quốc gia vĩ đại này là ai?”
Tất cả bắt đầu từ 360 năm trước, khi các đại diện tông tòa đến Thái Lan lúc vương quốc Xiêm mở cửa cho các cường quốc thực dân phương Tây đến. Bà Charlotte de Montagu, thiện nguyện viên hiện nay làm việc cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris bên cạnh người Karen nói với báo Aleteia: “Họ định cư ở thủ đô Ayutthaya thời đó và thành lập sứ mạng đầu tiên, một chủng viện và Dòng Mến Thánh Giá.” “Nhiệm vụ của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris là nền tảng của Giáo hội và ngày nay vẫn còn hoạt động. Vì thế không có hàng giáo sĩ thì Giáo hội khó có thể tồn tại.” Tất cả mọi thứ bị hư hỏng vào cuối thế kỷ 17. Khi vua Lu-i XIV gởi các nhà ngoại giao đến vương quốc Xiêm và chính sách của họ dẫn đến cuộc đảo chánh năm 1688. Bà Montagu nói thêm: “Các nhà thờ bị đốt, các nhà truyền giáo bị giam tù và các nữ tu sĩ bị bắt đi làm điếm.” Là người Pháp và người công giáo thì không thể sống ở Thái Lan vào giai đoạn này. Vì vậy, năm 1767, người Miến Điện đã phá hủy thủ đô Ayutthaya. Sau đó thủ đô được dời về Bangkok như hiện nay.
Nhà thần nghiệm của nhóm
Từ lúc đó, sứ mệnh được nối lại với việc thành lập các trường học, các bệnh viện, các nhà thờ và chủng viện… Dần dần Giáo hội Thái Lan được củng cố và trưởng thành, Hội Thừa sai Hải ngoại Paris giao các trường học, giáo xứ, bệnh viện, giáo phận cho Giáo hội Thái Lan để họ điều khiển và đảm nhận trách nhiệm.
Sứ mệnh Công giáo Karen – Charlotte de Montagu
Ngày nay Giáo hội công giáo là một thiểu số nhỏ trong dân chúng Thái Lan: chỉ không đầy 0,8% dân chúng nhưng là một “Giáo hội có cấu trúc và năng động”, bà Charlotte de Montagu ghi nhận. Dù sao, Giáo hội vẫn còn giữ ký ức về các nhà truyền giáo của họ. Và các kỷ niệm đẹp! Ba nhà truyền giáo đầu tiên của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris đến Thái Lan là các nhà truyền giáo có khí phách.
Bắt đầu là Giám mục François Pallu (1626-1684), nhà tổ chức và nhà du hành. Ngài là người chính và ở trong nhóm các nhà sáng lập Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, ngài đã dành rất nhiều thì giờ ngược xuôi trên đường biển, đường bộ để đến châu Á. Với ba chuyến đi đi về về giữa Rôma và nước Xiêm, ngài dành thì giờ suy nghĩ đến sứ mạng và làm cho sứ mạng này lâu dài trong lòng Giáo hội.
Còn về Giám mục Pierre Lambert de La Motte (1624-1679), cũng là một trong các nhà sáng lập Hội Thừa sai Hải ngoại Paris là nhà thần nghiệm của nhóm. Ngài mang chiều kích thiêng liêng đến cho sứ mạng, ngài thường hay nói: “Các vụ trở lại sẽ không bắt đầu nếu không có sự trở lại của chính người đi truyền giáo.” Ngài làm việc rất nhiều để đào tạo và thành lập hàng giáo sĩ địa phương.
Và cuối cùng là Giám mục Louis Laneau (1637-1696), người đầu tiên được đặc biệt gởi đến Xiêm. Theo bà Charlotte de Montagu, “ngài là con người của văn hóa, của hội nhập văn hóa và các ngôn ngữ, ngài nói thành thạo tiếng địa phương.”
Gần đây hơn là linh mục Joseph Quintard (1934-2003), ngài cũng là nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris và được gởi đến làm việc với người Karen. Ngài là người tiên phong đến với dân tộc này, một dân tộc còn thờ vật linh, ngài cùng đồng hành với cộng đoàn, hướng họ đến một đức tin được nuôi dưỡng và được tôn vinh. Ngài là người xây dựng đường xá, trường học, nhà thờ, ngài qua đời vì kiệt sức nhưng hạnh phúc vì được phục vụ một dân tộc mà ngài rất yêu thương. Vào cuối một cuộc đời trọn vẹn và dâng hiến, ngài tâm tình: “Người Karen là hạnh phúc của tôi và tôi chết cho họ.”
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Linh mục Niphot Thianwihan, người phục vụ các cộng đồng thiểu số ở Thái Lan