Antôn nói, Chúa chứng duyệt (4-6)
Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Hai hình ảnh đẹp
Trong số các tu sĩ nam nữ của Thánh Phanxicô, Antôn đặc biệt chú ý đến hai người. Ở Dòng Clara có Hélène Enselmini, con gái của nhà quý tộc giàu có, năm 12 tuổi, cô bỏ trốn đời sống hạnh phúc trong dinh thự huy hoàng của cha mẹ để nhận khăn lúp Dòng tu do chính tay Thánh Phanxicô đội.
Cô nói với Antôn tất cả bí mật tâm hồn của mình, đặc biệt các lần xuất thần và các sự kiện huyền bí mà cô rất lo âu. Antôn trấn an và nói cho cô biết nguồn gốc của các sự kiện này, xác nhận với cô, các thị kiến của cô về trời hoặc Luyện ngục là đến từ Chúa không nhầm lẫn vào đâu được. Thêm nữa cô không khoe điều này với các chị em mình, cô chưa bao giờ đề cập đến. Và khi cô bị bệnh liệt giường, Antôn an ủi và xin cô kết hiệp đau khổ của mình với đau khổ của Chúa Giêsu trên Núi Sọ, để được an ủi trong thánh giá mình phải vác.
Người thứ hai là sư huynh Luc Belludi, thầy cũng đã được Thánh Phanxicô tiếp nhận. Ngay khi thầy đến đan viện Mẹ Maria, Antôn thấy thầy tuân thủ luật Dòng, có lòng sốt sắng mộ đạo, và nhất là đức tính khiêm nhường của thầy. Được các anh em mình biết đến vì kiến thức cao, thầy cố hết sức để che giấu. Mối quan tâm lớn nhất của thầy là ẩn mình… Thánh Phanxicô đã chọn thầy là người tín cẩn và cùng đồng hành với ngài trong các chuyến đi tông đồ. Thầy Luc vâng lời tuân thủ dù cảm thấy mình không xứng đáng được vinh dự này. Thầy luôn biết giữ chừng mực. Nhưng cũng có lúc thầy xin Antôn làm phép lạ, thầy xin cho một em bé được lành lặn lại tay chân và xin cho một em khác được lành chứng giựt kinh phong…
Antôn chạm trán với bạo chúa
Nhân vật mà Antôn sắp gặp thì không làm cho người khác ngưỡng mộ như hai nhân vật trên. Không tạo ngưỡng mộ nhưng tạo kinh hoàng. Ông tên là Ezzelino. Là rể của vua Philippe II, ông ủng hộ nhà vua trong việc chống lại Giáo hội và nước Ý, nên ông làm đủ mọi cách để chinh phục tất cả các thành phố. Ông sống trong lâu đài của mình ở Bassano, gần Vérone mà ông có được nhờ sự giúp đỡ của những người Gibelin rất quyền lực. Say sưa với thành công như vậy, ông quyết định đến Pađua. Ông có được chiến công khi chiếm lâu đài Castelforte của ông Tiso, bá tước Campo San Piero. Bá tước là bạn thân của Antôn và là một trong những người đầu tiên được nhận vào Dòng Ba. Một vài tác giả còn cho rằng phép lạ Chúa Giêsu Hài Đồng đã xảy ra ở nhà ông. Nhưng dù sao chúng ta biết ông Ezzelino đã bắt bỏ tù người cháu của bá tước Tiso.
Người dân Pađua rất buồn khi nghe tin này. Họ đã nghe Antôn giảng. Họ biết tài năng giảng dạy và nghệ thuật hoán cải tâm hồn của Antôn. Đối với họ, Antôn là người duy nhất có thể thuyết phục bạo chúa từ bỏ việc lấn quyền. Antôn chấp nhận thuyết phục bạo chúa. Vì đi bộ quá mệt nên Antôn mượn một con lừa để cùng với thầy Luc đi đến Bassano. Ông Ezzelino đã được báo trước Antôn sẽ đến. Ông suy nghĩ làm sao để tạo ấn tượng cho vị tu sĩ nghèo nàn này, ông chuẩn bị bệ ngồi bằng vàng óng ánh, đệm ngồi bằng nhung lụa. Ông nói với các người bảo vệ: “Giới thiệu với tu sĩ khốn khổ này cho ông biết tay. Ông sẽ run sợ trước sự cao sang của tôi.”
Nhưng Antôn không hề sợ sệt khi đến gặp ông. Nếu có người run thì chính bạo chúa chủ nhà là người run khi nghe Antôn dõng dạc công kích: “Kẻ thù của Chúa Giêsu Kitô, tên bạo chúa hung dữ, con chó dại khùng điên… Ông vẫn tiếp tục làm cho máu của tín hữu kitô đổ phải không? Ông hãy nghĩ ngày phán xét sắp đến gần, vì hình phạt sẽ rất khủng khiếp.” Antôn đánh đúng ngay cú đầu tiên. Và Antôn tiếp tục nói giọng thân tình và dịu hơn: “Ông hãy ăn năn trở lại trong khi còn kịp. Hãy để cho thành phố được bình yên. Tôi đến để xin ông theo lời Chúa dặn…”
Khi nghe các lời công kích, những người đi theo bảo vệ bạo chúa chờ lệnh để bắt người dám chỉ trích chủ mình… Nhưng họ không thấy lệnh đưa ra. Ông Ezzelino xanh mặt. Xanh như cái chết ông gieo khắp nơi ông đi qua. Không nói một lời, ông đứng dậy, cởi dây thắt lưng quấn vào cổ, dấu hiệu của sự phục tùng. Rồi ông đến quỳ trước Antôn, thú nhận các tội ác của mình và hứa sẽ chuộc những gì có thể chuộc.
Thừa lúc bạo chúa ăn năn hoán cải, Antôn xin ông trả tự do cho thanh niên trẻ Guillaume và anh đã được tự do; Antôn cũng xin phục hồi lại lâu đài Castelforte cho bá tước Campo San Piero. Trong chốc lát, thành phố Pađua được cứu… Ông Ezzelino hứa… Về điểm này ông giữ lời cho đến khi Antôn qua đời. Còn Antôn cùng bạn đồng hành lên đường đi Bologne.
Sau khi Antôn ra đi, những người đi theo ông Ezzelino hỏi ông vì sao ông chịu nhục trước một tu sĩ khất thực như thế. Vẫn còn thấm đậm sự hiện diện của Antôn, ông trả lời:
“Ah! Quý vị đừng ngạc nhiên nếu tôi thú nhận các lỗi lầm của tôi, khi tôi quỳ trước người Chúa gởi đến này, tôi thấy trên gương mặt của tu sĩ một ánh sáng thần thánh và các tia sáng toát ra từ đôi mắt của Antôn làm cho tôi sợ trong khoảnh khắc tôi sẽ xuống hỏa ngục ngay. Tôi không biết cái gì làm cho tôi phải kính phục và quỳ xuống trước người này để thú nhận tội lỗi của tôi. Nếu lúc đó, Antôn đòi hỏi tôi nhiều hơn nữa, tôi cũng chấp nhận tất cả.”
Dưới hào quang không chống đỡ được của Antôn, trong một thời gian, ông Ezzelino bị khống chế, ông không làm các hành động hung dữ của mình. Nhưng bị thần dữ tác động và ảnh hưởng của các cận thần, ông nghĩ ra một mưu chước xảo trá để làm nhụt chí và để làm yếu đi ảnh hưởng của Antôn trên dân chúng. Ông cho người làm đem nhiều quà cáp đến tặng Antôn, ông dặn họ: “Nếu sự khó nghèo của Antôn chỉ là đạo đức giả, nếu ông nhận quà cáp này chứng tỏ ông chỉ là người thô bỉ lợi dụng hào quang thánh thiện thì quý vị đừng sợ hãi, cứ giết ông ấy. Ngược lại nếu ông từ chối, nếu gia sản đích thực của ông là hạt ngọc quý Tin Mừng, là sự khó nghèo tột cùng cho con cái ông Ađam, thì khi đó tôi sợ, quý vị không được đụng đến ông.”
Khi các sứ giả của ông Ezzelino đem quà cáp đắt tiền đến, Antôn liếc nhìn với ánh mắt khinh bỉ và nói với họ: “Của cải là ở trên trời chứ không phải ở dưới đất… Chúa gìn giữ tôi, tôi không nhận của cải các ông cho tôi. Các ông đừng nghĩ rằng các của cải này không dính máu? Người vô tội bị tước của cải của họ một cách tàn ác… Các ông về đi và nói với chủ các ông, tôi đã cảnh cáo ông ta lời tôi nghe từ Trời. Mong ông ấy hiểu và đừng quên, không được lợi dụng lòng kiên nhẫn của Chúa.”
Khi họ về nói lại cho ông nghe, ông nói: “Người này đúng là người của Chúa và là một vị thánh. Chúng ta hãy để ông tự do giảng dù ông chống lại chúng ta. Đừng đụng đến ông, chúng ta để ông yên.”
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua
Antôn nói, Chúa chứng duyệt (1-6)