Peter Tabichi, giáo viên giỏi nhất thế giới là tu sĩ Dòng Phanxicô!
Peter Mokaya Tabichi, giáo viên giỏi nhất thế giới là người Kenya và là tu sĩ Dòng Phanxicô!
lavie.fr, Violaine des Courières, 2019-03-27
Ngày 24 tháng 3, giáo viên sư huynh Peter Mokaya Tabichi được chọn là “giáo viên giỏi nhất”, nhưng trước hết sư huynh được hướng dẫn bởi đức tin và tình yêu cho người nghèo. Báo La Vie kể lại quá trình của sư huynh.
Ngày 20 tháng 3, lần đầu tiên trong đời, sư huynh Peter Mokaya Tabichi đi máy bay. Nơi đến: Dubaï. Vài phút sau khi máy bay cất cánh, sư huynh viết trên trang mạng xã hội: “Tôi cám ơn Chúa vì tình yêu mãi mãi của Ngài”. Bốn ngày sau, người giáo viên bước lên bục trước núi camera toàn cầu, dưới các tràng pháo tay vang dội và trong tiếng bấm flash liên hồi. Sư huynh nhận giải “giáo viên giỏi nhất thế giới” với trị giá một triệu đôla. Sư huynh tuyên bố: “Tôi được ở đây duy nhất là nhờ các học sinh của tôi”. Quỹ Fondation Varkey là quỹ có thế giá. Năm 2010 quỹ này được ông Sunny Varkey thành lập, ông là doanh nhân người Ấn Độ có cơ sở ở Dubaï, ông đứng đầu một trong các mạng lưới trường tư lớn nhất thế giới. Giải thưởng được một hội đồng gồm các nhà giáo uy tín, nhưng cũng có các ngôi sao điện ảnh như diễn viên Freida Pinto người Ấn Độ trao, giải này được xem là “Nobel của nhà giáo”.
Dù bây giờ giáo viên Peter được thế giới nhắc đến, nhưng không thể không nhắc đến gốc gác ơn gọi của giáo viên, vì người lên lãnh giải mặc áo nâu Dòng Phanxicô và người ta thường quên khía cạnh này. Nhưng chính ơn gọi là gốc rễ của sự hiến thân trọn vẹn của người ngoài ba mươi tuổi này, tận tâm tận tụy với học sinh của trường Keriko, Kenya. Và nếu sư huynh dành 80% lương của mình cho trường là vì sư huynh thuộc dòng khất thực. Và nếu sư huynh dạy thêm buổi chiều hay các ngày cuối tuần là vì sư huynh là nhà truyền giáo. Bà Michelle Njeri, một nhân viên của giáo phận Nakuru cho biết: “Tất cả hành động của sư huynh Peter đều được hướng dẫn theo tinh thần Thánh Phanxicô Axixi. Sư huynh là người sống cho người nghèo”. Bà Njeri biết sư huynh Peter và cho biết mình rất kính phục tính “khiêm tốn” của sư huynh.
Tất cả hành động của sư huynh Peter đều được hướng dẫn theo tinh thần Thánh Phanxicô Axixi. Sư huynh là người sống cho người nghèo
Năm 2016 khi sư huynh đến trường Keriko ở Pwani, miền Tây Kenya, sư huynh có hình dung mình sẽ thành công như vậy không? Điều ghi khắc đầu tiên trong ký ức của sư huynh là nạn nghèo khổ cùng cực của các gia đình ở thung lũng Rift. Năm 2017 vùng này rơi vào cuộc xung đột do việc bầu Tổng thống Mwai Kibaki thời đó. Phần lớn do cuộc khủng hoảng này mà một phần ba học sinh của trường bị mồ côi. Ngày 1 tháng 3, sư huynh kể trên nhật báo Union của Kenya: “Chúng tôi có các học sinh nghiện ma túy, các cô nữ sinh lấy chồng và mang thai rất sớm. Một số em bỏ học, một số em tự tử”. Kèm theo tệ nạn này phải nói đến nạn nghèo khổ vật chất. Rất nhiều gia đình không có gì ăn mỗi ngày. Đa số học sinh đi bộ từ ba đến năm cây số để đến trường. Để thuyết phục cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục, thầy đi thăm các gia đình có các em dễ có nguy cơ bỏ học và giúp họ lo học phí cho các em. Thầy cũng giải thích với các cha mẹ không nên cho các cô bé gái lập gia đình sớm mà phải khuyến khích các em đến trường.
Trường học không có phương tiện tài chánh, chủ yếu sống nhờ Dòng Phanxicô. Sách vở giáo khoa thiếu thốn. Mạng nối Internet rất yếu và đội ngũ giáo viên không được trả lương thích đáng. Thêm vào đó là số học sinh quá đông, giữa những năm 2015 và 2018, con số này đã tăng gấp đôi.
Nhưng ơn gọi làm thầy giáo, sư huynh đã được tạc dạ từ gia đình. Sư huynh lớn lên được tám giáo sư bao quanh, trong đó có thân phụ của sư huynh. Là người con thứ năm trong gia đình có bảy anh em, sư huynh có lòng ngưỡng mộ vô bờ với người cha của mình, mẹ của sư huynh qua đời khi sư huynh lên mười một tuổi. Ngày 5 tháng 12 năm 2018, ngày khấn trọn sư huynh đã viết trên bản tin của Dòng: “Đối với anh em chúng tôi, cha chúng tôi là tất cả. Cha đã trao truyền mọi thứ cho chúng tôi và săn sóc tôi trong từng chi tiết, đến cả chuẩn bị bữa ăn cho tôi”. Ở Dubaï, cha của sư huynh có mặt trong buổi phát giải và chính người cha mà sư huynh muốn nói lên lời cám ơn trước hết.
Dù việc giảng dạy là việc hầu như của gia đình nhưng phương pháp sư phạm của sư huynh là phương pháp của Dòng Phanxicô. Từ năm 2012, sư huynh Peter là giáo sư toán ở trường Adraa, Uganda. Sư huynh vào trường năm các sư huynh Dòng Phanxicô thành lập, trên trang mạng của cộng đoàn cho biết: “Ở Adraa, mục đích ban đầu của chúng tôi là giúp dân chúng được hiệp nhất vì họ bị chia rẽ vì nội chiến và dạy cho các người trẻ phương pháp trồng trọt lâu bền”. Và chẳng bao lâu trường đã thành công. Sự tận tụy làm việc của sư huynh đã làm cho ngôi trường ở vùng quê này được thắng giải trường giỏi nhất trong cuộc thi quốc gia liên trường về khoa học. Đến mức bốn năm sau, các sư huynh giáo viên của trường thí điểm này được gởi đến các cơ sở công cộng, trong số này có sư huynh Peter. Năm 2016, sư huynh về trường Keriko, trong một tu viện có năm sư huynh. Bà Michele Njeri, một nhân viên của giáo phận cho biết: “Khi sư huynh đến, thầy muốn áp dụng các phương pháp giảng dạy của trường Adraa và thầy đã thành công đến mức tôi không hình dung nổi.”
Niềm vui của tôi là thấy các học sinh có được đức tính kiên trì, thấy các em lớn lên với lòng tự tin và có được các kỹ năng mới.
Nhưng sư huynh Peter cũng tận dụng hết khả năng của mình. Thầy xuất sắc, đậu bằng cử nhân toán và vật lý năm 2006. Thầy có tinh thần đấu tranh, tinh thần này được người cha hun đúc cho thầy từ nhỏ. Và lẽ tự nhiên là thầy cũng muốn hun đúc cho học sinh của mình như vậy. Trong một video phát trên Youtube vài ngày trước khi được giải Varkey, sư huynh Peter phát biểu: “Tôi chỉ chọn một môn học là môn khoa học, và học thật giỏi môn này. Các thành quả này không phải là phép lạ nhưng là do hy sinh”. Sư huynh tự nhận mình là người “hướng nội” vì thế phải vượt thắng tính rụt rè tự nhiên của mình. Sư huynh giải thích: “Niềm vui của tôi là thấy các học sinh có được đức tính kiên trì, thấy các em lớn lên với lòng tự tin và có được các kỹ năng mới”.
Làm thế nào giáo viên đạt được mục đích của mình? Bằng cách biến lớp học thành nhóm. Để làm được điều này, sư huynh thành lập các “câu lạc bộ”. Đầu tiên, để tạo tinh thần hiệp nhất giữa các học sinh, sư huynh thành lập “câu lạc bộ hòa bình”, khi thành phố còn chia rẽ bởi các vụ bạo động năm 2007. Sư huynh nói trên Youtube: “Rất nhiều trẻ em mất cha mẹ trong cuộc xung đột này. Phải giúp các em lật qua trang khó khăn này trong đời các em”. Sau đó phải quy trọng tâm giảng dạy trên “câu lạc bộ khoa học”. Tại “câu lạc bộ” này sư huynh khuyến khích học sinh suy nghĩ về các sáng tạo. Và thế là lớp lên một chương trình chưa từng có, đo lường các đồ vật cho các người khiếm thị: năm 2018, các học sinh của thầy thắng giải quốc gia và bây giờ các em đang chuẩn một cuộc thi quốc tế về khoa học sẽ được tổ chức ở bang Arizona nước Mỹ vào cuối năm 2019. Đồng thời trong hai năm vừa qua, các trường hợp vi phạm kỷ luật từ 30 xuống còn 3 trường hợp mỗi tuần. Về phần mình, sư huynh tham dự vào cuộc thi. Theo lời khuyên của bạn bè, thầy ghi tên dự thi vào giải thưởng quốc tế giáo viên giỏi nhất. Và chúng ta đã biết kết quả… Khả năng dẫn dắt học sinh đi đến thành công đã làm cho ban giám khảo ngạc nhiên. Và một triệu đôla thắng giải sẽ giúp cho Dòng Phanxicô mở rộng phương pháp sư phạm này cho khắp Đông Phi.
Dòng Phanxicô do Thánh Phanxicô Axixi sáng lập hiện nay có 18.000 tu sĩ trên khắp thế giới. Các tu sĩ khấn đức khó nghèo và làm việc vì lợi ích xã hội theo tính khẩn thiết của thời buổi. Các sư huynh Dòng Phanxicô có mặt ở Phi châu từ năm 1976. Họ là các thầy giáo ở các vùng quê, đào tạo các nông dân trẻ về nông nghiệp lâu bền và sáng tạo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: “Giáo viên Toàn cầu” Peter Tabichi là tu sĩ Dòng Phanxicô!
Dive into the world of @PeterTabichi, the winner of the 2019 Global #TeacherPrize: pic.twitter.com/feBjRSQnAP
— Global Teacher Prize (@TeacherPrize) March 24, 2019