Đối với xơ, một Hiệp Hội là điều chủ yếu
Trích sách Tôi 100 tuổi, và tôi muốn nói…
Xơ Emmanuelle với Jacques Duquesne và Annabelle Cayrol, nhà xuất bản Plon, 2008
Rất nhiều người thời buổi này có sáng kiến đi giúp người khác.
Giúp đỡ không phải lúc nào cũng yêu thương. Nó chỉ có nghĩa thương hại thôi. Thương xót là tốt nhưng cũng chưa đủ. Phải thực hiện, phải xây dựng. Không phải chỉ cho vì quả tim nóng lên. Rất tốt, rất tốt, không phải xơ muốn nói ngược lại. Nhưng phải theo đuổi, phải có thì giờ: “Thì giờ là tiền bạc”, hồi xơ còn trẻ người ta hay nói như vậy. Sự thật, thì giờ còn hơn tiền bạc. Hơn xa. Vì vậy các hiệp hội được thành lập để mọi người cho thì giờ, cho sáng tạo, cho xây dựng.
Xơ nói đến Hiệp Hội Asmae của xơ được không?
Được chứ, xơ quan tâm đến rất nhiều. Rất thiết yếu đối với xơ, là công việc chủ lực của xơ.
Xơ bắt đầu như thế nào?
Đây là cả một câu chuyện. Đương nhiên là câu chuyện của xơ và cũng của những người phi thường. Và con sẽ không chán khi nghe xơ kể câu chuyện này.
Từ năm 1971 xơ sống trong khu phố ổ chuột Embatta, phía bên kia sông Nil. Một nơi… không có cây cối, không có chim chóc. Chỉ là những túp lều tranh rách nát, nơi người, vật, heo, chuột, chó, gà, dán, ruồi muỗi ở chung chất đống với nhau, đâu đâu cũng là rác. Một mùi hôi thối khủng khiếp, không chịu được, nó thấm vào toàn người mình và mình chẳng làm gì được với nó.
Còn xơ, xơ có gì? Xơ sẽ làm được gì? Cũng có gần năm ngàn người bươi rác. Nhưng dù họ có iùt hơn mười lần, xơ cũng bất lực để làm chừng đó việc.
Xơ không có tiền: chỉ có 2 đôla mỗi tháng. Xơ không thể giúp họ, chỉ chia sẻ đời sống với họ, cảm nhận trong từng sớ thịt của xơ, toàn con người của xơ, trong tâm hồn của xơ thế nào là cái nghèo cùng cực, cái nghèo cùng quẫn. Bởi vì họ chịu đựng cái cùng quẫn, xơ phải cùng với họ chịu cái cùng quẫn này, sống với họ như người chị của họ.
Họ phải hiểu rằng họ thuộc về nhân loại, họ có một phẩm chất cao cả là con của Chúa. Họ phải hiểu nếu xơ đến chia sẻ cuộc sống với họ là vì cuộc sống của họ có một giá trị cao cả. Và cuối cùng, họ hiểu được ý nghĩa này. Đó là hành động đầu tiên của xơ. Một hành động cực kỳ quan trọng. Và đương nhiên đó cũng chưa đủ.
Và thế là đến năm 1974, xơ về Âu châu. Xơ có vài địa chỉ và trong đầu chỉ có một ý: quyên được 30.000 đô la. Cũng không phải dễ vì lúc đó nước Pháp, Âu châu cũng đã cho nhiều. Đương nhiên là không phải mọi nơi. Nhưng cũng còn những người khốn cùng. Rất khó quyên, gần như là không thể được. Dù vậy, cuối cùng thì xơ cũng có được số tiền. Nhờ lòng hảo tâm của người Mỹ, người Âu châu, xơ xây được những căn nhà vững chắc, các lớp học, các trung tâm cho các bà mẹ trẻ. Đương nhiên là không ngay lập tức. Tất cả đều cần thời gian.
Xơ muốn nhấn mạnh ở đây sự trợ giúp của các nhân viên ở sứ quán Pháp. Họ đến gặp xơ và nói: “Thưa xơ, dứt khoát xơ phải thành lập một Hiệp hội để đảm trách các công việc này.” Chính bà đại sứ đích thân đến. Bà để xe xa khu phố ổ chuột vì không thể nào đem xe đến khu vực này, con tưởng tượng xem. Bà và xơ đi khắp chỗ, trên sỏi đá, trong đống rác, ôi cái mùi rác! Khi quay trở lại, bà ngừng một lúc, nhìn thẳng xơ và nói – con nghe rõ nghe và con nhớ bà là vợ ông đại sứ -, bà nói: “A! xơ Emmanuelle! Xơ thật là may mắn! Con muốn ở địa vị của xơ!” Xơ trả lời xơ không thích ở địa vị của bà, dứt khoát không; làm vợ một đại sứ không phải dễ, không. Nhất là vào thời buổi đó.
Cuối cùng, bà thuyết phục chồng và một vài người khác thành lập Hiệp Hội Thân Hữu xơ Emmanuelle và ông là chủ tịch đầu tiên. Đó là một nhân vật đáng kính, xơ không bao giờ quên ơn họ, cả hai ông bà.
Sau đó là một hiệp hội thứ nhì, hội Asmae, được giáo sư Benoit Lambert thành lập nhằm tổ chức các công trường và phối hợp nhân viên, các thiện nguyện viên để làm việc ở Ai-Cập và các xứ xơ đã xây dựng cơ sở. Sau đó thì hai hiệp hội này sát nhập vào nhau.
Xơ xin họ ưu tiên lo cho trẻ con, giúp trẻ con. Bởi vì chúng là những người yếu nhất. Người lớn, dù gặp khốn khó nhưng lúc nào cũng có những khả năng nho nhỏ để vươn lên sống trong khi trẻ con thì hoàn toàn yếu đuối, nếu người lớn không săn sóc thì chẳng bao giờ chúng vươn lên được. Ở đâu cũng vậy, trẻ con là quan trọng nhất. Làm cho một em bé đứng thẳng ngày hôm nay là giúp một người lớn đi đúng đường ngày mai, một cách bình tâm, không bị yếu đuối, ngu dốt làm cản trở con đường đi. Ở các khu phố ổ chuột, xơ biết đàn bà là con số không, trẻ con thì gần như chẳng có gì.
Với xơ Sara, một nữ tu luôn luôn tươi cười người Ai-Cập, xơ Sara và cả nhóm đến giúp xơ, mọi người đều có một mục đích: trẻ con.
Trước hết là lo sức khỏe, sau là giáo dục. Hai lãnh vực dính liền nhau. Không giáo dục được nếu không có sức khỏe tốt, và không có sức khỏe thì không học được.
Sức khỏe là vấn đề ưu tiên một. Xơ đến Xu đăng. Và khi con thấy một bà mẹ không còn sữa, bồng chặt đứa con sắp chết, thì con sẽ nghĩ ngay, không làm gì để giúp họ là phạm tội ác, một tội ác không tha thứ được.
Giáo dục cũng vậy. Trên lãnh vực này, đôi khi có đụng chạm với cha mẹ. Khi xơ mở ngôi trường đầu tiên ở khu phố ổ chuột, xơ đi đến từng căn lều, nhất là xơ Sara để kêu trẻ con đi học. Thường thường, cha mẹ không muốn cho trẻ con đi học. Nhưng trẻ con lại muốn đến trường như các bạn, và chúng bắt đầu khóc. Ở bên đó, cha mẹ không cầm cự được với tiếng khóc trẻ con. Vậy là trẻ con được đến trường. Và nhờ trường học mà mọi chuyện được thay đổi ở khu phố ổ chuột.
Ngày nay, Hiệp Hội luôn luôn hoạt động trong lãnh vực trường học. Nhưng không hẳn chỉ có vậy. Tổ chức của xơ có một con đường đi đặc biêt. Xơ sẽ giải thích cho con hiểu. Cách đây bốn, năm năm, xơ tham dự một chương trình truyền hình, những người thực hiện chương trình rất tốt, muốn để cho xơ nói trước, như con bây giờ. Xơ nói với họ: “Xin quý vị hỏi người kế nghiệp, những người trong Hiệp Hội đã rành công việc. Họ sẽ giải thích cho quý vị rõ hơn tôi.”
Và xơ im lặng?
Gần như vậy. Xơ ngồi nghe. Bởi vì rất thích thú. Các cô, bà trong Hiệp Hội giải thích rằng mục đích của Hiệp Hội không phải là cho thức ăn, áo quần, thuốc men. Nếu làm như vậy thì rất nhiều tổ chức Phi Chính Phủ đã làm trong những trường hợp khẩn cấp.
Nhưng như thế cũng chưa đủ: cho, có thể nguy hiểm vì nếu mình chỉ cho! Cho, cho, cho và không làm gì hơn thì mình dìm giá trị người khác. Họ chỉ có một bận tâm: xin. Ngược lại, giải pháp cho vấn đề là giúp họ tự lập. Trong viễn cảnh này, giáo dục là dụng cụ ưu tiên giúp cho trẻ con trở thành người lớn có trách nhiệm sau này, có thể làm cho xứ sở tiến một cách lâu bền đi đến công chính.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Đời sống khó khăn của phụ nữ