Khi các phụ nữ làm điếm gặp các đan sĩ “tu kín”

471

Khi các phụ nữ làm điếm gặp các đan sĩ “tu kín”

fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2018-04-06

Trong tác phẩm “Từ ngoài đường đến đan viện”, ký giả Alexandre Duyck kể câu chuyện gần như không tin được của các cô gái điếm Paris với các đan sĩ của đan viện En Calcat, vùng Tarn, nước Pháp.

Cuộc phiêu lưu này bắt đầu cách đây 5 năm. Từ giam hãm đến giải thoát, đã đưa một nhóm các ông không gia cư đến sống vài ngày ở đan viện En Calcat, “vài ngày cắt đứt” theo tiếng lóng của tổ chức, để cắt đứt với đời sống hè phố và sống vài ngày ngoài không gian và thời gian. Khi đó nữ tu Solange, 80 tuổi, thiện nguyện viên của tổ chức nghĩ đến việc làm sao đưa các phụ nữ làm điếm về sống vài ngày trong ngôi làng nhỏ bé xinh xắn này. Năm ngoái, tác giả và nhà phóng viên lớn Alexandre Duyck đã có thể thực hiện sứ mạng ‘khó khăn’ này. Ông theo dõi sáu phụ nữ làm điếm ở đường Saint-Denis, nơi có mạng lưới Captifs để đưa họ về Paris vài ngày sau đó.

“Chúng ta tất cả là anh em”        

Quyển sách của ông như quyển nhật ký đường dài. Ông kể các tương tác giữa các đan sĩ và nhóm đặc biệt này. Nhưng ông cũng kể tiến trình cá nhân của nhiều người trong số họ. Tác phẩm là chứng tá về thực tế của nạn làm điếm ngày nay. Các phụ nữ này lên tiếng và cho biết họ đã rất đau lòng khi phải làm điếm. Nhưng trước hết, đây là câu chuyện gặp gỡ giữa các người đàn ông và phụ nữ. Một trong các tu sĩ nói, họ “không phải là nhà giáo, người làm việc xã hội, họ chỉ là anh em với nhau”.

Ký giả đã rất xúc động bởi kinh nghiệm này: “Các cô đã tin tưởng ở tôi, đã kể cho tôi đời sống của họ và trong trường hợp nào họ đã rơi vào con đường làm điếm. Tôi rất xúc động”. Độc giả đi theo quá trình của các cô Marie-Paule, Yoko, Rosemary… Họ là người Pháp, người Nigeria, người Lào, người Trung quốc… Và họ cũng là tín hữu công giáo, tin lành, phật tử. Và độc giả cũng biết đến các đan sĩ Dòng Biển Đức: Philippe-Joseph, Daniel, Columba… Đan sĩ Philippe-Joseph “đúng thật là danh hề, đan sĩ méo mặt gần như trong tất cả các hình chụp”. Độc giả khám phá tiến trình của họ. Các đan sĩ luôn sẵn sàng để gặp và lắng nghe các phụ nữ này.

“Thấy sự tái sinh lại cô gái nhỏ ngày xưa nơi họ”

Tác giả Alexandre Duyck giải thích đây là những người đàn ông duy nhất mà các cô tin tưởng và chấp nhận để họ có các cử chỉ trìu mến dịu dàng. Ông kể: “Thật xúc động khi thấy các phụ nữ Phi châu được ở trong vòng tay của các đan sĩ. Ở đan viện, họ vui cười rất nhiều hơn là tôi hình dung”. Khi có khách hỏi các đan sĩ các phụ nữ này là ai, đôi khi họ trả lời, đó là “một nhóm bạn”. Đan sĩ Philippe-Joseph có câu nói thật tuyệt vời: “Thật là đẹp khi thấy sự tái sinh lại cô gái nhỏ ngày xưa nơi họ, phần này trong chính con người họ đã không bao giờ biến mất”. Một câu chuyện với rất nhiều tình tiết và đầy xúc cảm.

“Từ ngoài đường đến đan viện” nhật ký của cuộc gặp gỡ không thể tưởng tượng được (De la rue au monastère: journal d’une rencontre inimaginable, Alexandre Duyck, Nxb. Bayard).

Marta An Nguyễn dịch