Sư huynh Binish Mulackal: Dược sĩ ở Vatican
Binish Mulackal là tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa | © Arthur Herlin /I.MEDIA
cath.ch, Arthur Herlin, 2018-02-11
Cây viết trên túi, áo trắng tinh, vẻ rất bận rộn, nhìn bên ngoài không ai biết đây là giám đốc nhà thuốc Vatican, Sư huynh Binish Mulackal là một tu sĩ… Vậy mà. Sư huynh giải thích: “Tôi ở trong một Dòng rất hoạt động, không phải chỉ có cầu nguyện”.
Cũng như bảy người tiền nhiệm đứng đầu nhà thuốc Vatican trước đây, Sư huynh thuộc Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa. Thầy vào Dòng từ năm 1988. Dòng này được Thánh Gioan Thiên Chúa thành lập năm 1539 ở Grenade (Tây Ban Nha), Dòng có sứ mệnh chuyên lo cho người nghèo và người bệnh. Hiện nay Dòng có 454 cơ sở trên 53 nước trên thế giới đón nhận và săn sóc hơn một triệu người bệnh và người nghèo. Dòng bắt đầu làm việc tại Vatican từ năm 1874.
Sư huynh kể: “Tôi vào Dòng năm 1998 ở bang Kerala, Ấn Độ. Sau khi học xong năm 2007, tôi được gởi qua Rôma, khi đó tôi mới 26 tuổi, tôi chưa khấn trọn và cũng chưa biết nói tiếng Ý”. Sau đó Sư huynh học các khóa học tiếng Ý và làm phó giám đốc nhà thuốc năm 2011, đến năm 2016 thì Sư huynh Mulackal làm giám đốc.
Dược sĩ người Ấn Độ khiêm tốn cho biết: “Nhà Dòng có khoảng 1’100 tu sĩ. Tôi là một trong số này được nhà Dòng giao phó cho công việc trên. Tôi luôn nghĩ mình sẽ làm ở một trong các bệnh viện của Dòng, chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày tôi là giám đốc nhà thuốc Vatican”.
Một công việc mà Sư huynh làm một cách hiệu quả và rất nghề nghiệp nếu chúng ta nhìn thấy tầm mức của các công trường đang làm: mở rộng nhà thuốc, tối tân hóa phòng thử nghiệm, sắp xếp lại khâu nước hoa, bào chế các sản phẩm mới: chế các dung dịch mẫu, chế tinh chất nghệ, gừng tự nhiên… vv.
Sư huynh Binish Mulackal (người thứ ba từ trái qua) được đề cử làm giám đốc nhà thuốc Vatican vào tháng 9 – 2016. | © Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa
2’500 khách mỗi ngày
Sư huynh giám đốc trẻ dự trù rô-bô hóa khâu vận chuyển sản phẩm từ kho đến quầy bán hàng. Tiết kiệm công việc cho các dược sĩ để họ có thì giờ cho khách hàng nhiều hơn và cũng để tránh các sai lầm của con người, điều không thể tránh được do số lượng khách hàng quá lớn mỗi ngày ở đây, có vào khoảng 2500 khách một ngày, nhà thuốc Vatican ở trong số các nhà thuốc đông khách nhất thế giới.
Dù công việc bề bộn của mình, Sư huynh Mulackal vẫn duy trì cho mình một đời sống thiêng liêng sốt sắng. Trước hết, đức tin là mối quan hệ sâu đậm của sư huynh với Chúa, dù không mặc áo dòng hay mang dấu hiệu đặc biệt. Nhưng “mọi sinh hoạt của tôi, cách đối xử của tôi đều thấm nhuần đức tin”. Đứng trước bao nhiêu công việc phải đối đầu hàng ngày ở nhà thuốc Vatican, “đức tin được nuôi dưỡng bằng hy vọng và tình yêu đối với tôi là nguồn hỗ trợ quý giá. Còn hơn thế nữa, đó là điều cần thiết để có thể xứng với tầm trách nhiệm của tôi”.
Một đức tin đặc biệt nổi bật qua lời khấn thứ tư: sự tiếp đón ân cần. Đó là điểm khác biệt với một dược sĩ thế tục. “Điều làm cho chúng tôi khác là chúng tôi luôn hợp tác với các cơ quan khác của Giáo hội để phục vụ những người yếu đuối nhất, nhất là với các ban tuyên úy mà qua họ chúng tôi phân phát rất nhiều thuốc men”.
Với lòng tin tưởng vào Chúa giúp cho Sư huynh Binish Mulackal có một thái độ tích cực, luôn cảm thấy mình là dụng cụ khiêm tốn của Chúa để phục vụ người bệnh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch