Ở Seine-et-Marne, tinh thần tương trợ khi gia đình có tang
lavie.fr, Laurent Grzybowski, 2018-01-24
Để tháp tùng các gia đình có tang và hỗ trợ họ về mặt tài chánh, các cư dân của một cộng đoàn nhỏ ở Seine-et-Marne đã thành lập một hiệp hội tương trợ.
“Ở đây, chúng tôi chôn cất miễn phí!” Câu này hơi kém lịch sự nhưng không phải là câu treo cùng trên thành phố, nó chỉ thể hiện tinh thần tương trợ của các thành viên của hiệp hội Ngày Hôm Sau (Le lendemain) ở Châtelet-en-Brie (Seine-et-Marne), nước Pháp, một hiệp hội nâng đỡ về mặt tinh thần và tài chánh cho các gia đình có tang. Tình tương trợ đứng trước cái chết! Hiệp hội được thành lập năm 1912, khởi đầu mục đích của Hội là để nâng đỡ các tang gia nghèo nhất. Ông Maurice Boucheny, chủ tịch hiệp hội cho biết: “Cái chết là một thị trường rất lợi lộc và đắt tiền cho những người không có phương tiện”.
Sự giúp đỡ của Hội trước hết là về mặt tinh thần. Đứng trước cái chết, thân nhân thường không biết làm gì, các thủ tục giấy tờ phức tạp và phải làm trong một thời gian ngắn. Văn phòng của Hội giúp làm các thủ tục, giúp lời khuyên. Ông Maurice Boucheny nói: “Kinh nghiệm của chúng tôi giúp cho các tang gia rất nhiều”. Công việc của Hội trải rộng trên diện tích 100 cây số chung quanh vùng Châtelet-en-Brie có 4500 người dân), ngoài giúp tang lễ, Hội Ngày Hôm Sau còn giúp các công việc khác. Một nhóm gồm hơn mười người thiện nguyện, các tài xế và người khiêng hòm lo mộ bia, đưa đón tang gia đến nhà thờ, đến nhà quàn nếu gia đình muốn, giúp thân nhân đến vườn rải tro hay đưa vào nơi cất tro.
Các trợ giúp này giúp gia đình tiết kiệm được 1500 âu kim trên tổng số 4 đến 5000 âu kim trung bình cho tang lễ. Ngoài ra Hội còn giúp tang gia về mặt tài chánh đáng kể: nhờ tiền niên liễm hàng năm của 1975 hội viên, tang gia nhận 800 âu kim (hội viên đóng 40 xu cho một tang gia). Vì hàng năm có khoảng 30 tang lễ nên mỗi hội viên đóng 10 âu kim mỗi năm.
Theo năm tháng, hội có những lúc thăng trầm. Nhiều lần hội đã đương đầu với các công ty tư tìm cách “lấy lại thị trường”. Nhưng ông Maurice Boucheny cho biết: “Bây giờ chỗ đứng của chúng tôi đã được biết và được công nhận, chúng tôi hợp tác tốt với các nhà quàn trong vùng. Mục đích của chúng tôi không phải để cạnh tranh nhưng để giúp đỡ về mặt tinh thần cho những người có lợi tức thấp để họ không bị hụt tiền”. Để điều hành công việc và bảo trì xe, hội nhận trợ cấp của cộng đoàn tập thể 1300 âu kim mỗi năm.
Cho đến bây giờ, tiền mua hòm là số tiền đắt nhất trong tang lễ (vài ngàn âu kim) thì hội chưa lo được. Ông Boucheny nói: “Chúng tôi cần có nhiều hội viên hơn”. Tấm gương của hội đã làm cho nhiều cộng đoàn khác ở Pháp cũng muốn bắt chước nhưng họ không làm được: “Dựng lên một cơ cấu như thế này bây giờ rất khó. Trước hết về luật pháp càng ngày càng hạn chế hơn, sau đó là áp lực của các công ty tư nhân rất mạnh”.
Trong khi chờ đợi, các thiện nguyện viên của Hội không buông tay, ông Maurice Boucheny xác nhận: “Chúng tôi biết, đây là một việc làm hữu ích, nhưng không, không vụ lợi. Chúng tôi được may mắn còn sống và cách hay nhất khi mình còn sống là làm điều tốt lành chung quanh mình. Khi chúng tôi bỏ thì giờ ra để lắng nghe các gia đình có tang chế, an ủi họ trong lúc họ đau buồn thì những chuyện này có tác dụng tốt đẹp trên chúng tôi. Chúng tôi tạo ra được các quan hệ bền vũng vàng với nhau, và điều này có tác động mạnh trên đời sống của làng”.
Đoàn kết với nhau trong cuộc sống cũng như trong cái chết!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Ở Boston, khi không có ai chôn người chết thì các học sinh chôn
Ở Boston, khi không có ai chôn người chết thì các học sinh chôn