Một nữ tu giải thích vì sao xơ mang lúp

1181

Nữ tu Theresa Aletheia Noble trước khi mặc áo Dòng

fr.aleteia.org, Nữ tu Theresa Aletheia Noble, 2017-06-12

Xơ Theresa Aletheia Noble từ lâu là người vô thần, sau khi được hoán cải,  xơ đi tu và mang lúp. Xơ giải thích vì sao xơ xem việc mang lúp là dấu chỉ của một tình yêu phong phú, chứ không phải vì bắt buộc theo hình thức và khô cằn.

Khi tôi bắt đầu quan tâm đến đời tu, tôi không nghĩ ra là sẽ có các tranh luận chói tai về áo dòng trong môi trường công giáo. Đứng ngoài các cuộc tranh luận này, khi tôi tìm hiểu ơn gọi, tôi gặp nhiều tu sĩ nhiều dòng khác nhau, mặc áo dòng hoặc không mặc áo dòng, tôi luôn gặp các phụ nữ mến Chúa, mến Giáo hội và yêu thương giáo dân.

Sau nhiều cuộc viếng thăm, tôi quyết định vào một Dòng có mặc áo dòng và có mang lúp. Là người từng vô thần, từ nay tôi mong được rao giảng Tin Mừng và áo dòng thật sự là một dụng cụ để rao giảng Tim Mừng trong một thế giờ ngày càng thế tục hóa. Ở Mỹ, nếu không có áo dòng thì không ai biết tôi là nữ tu. Áo dòng và khăn lúp của tôi là một dấu chỉ, một dấu hiệu bên ngoài để thấy một cái gì vượt trên thế giới chúng ta. Áo dòng là sự nhắc lại hùng hồn cho sự hiện diện của Chúa trong một thế giới đã quên Ngài.

Rất nhiều người công giáo cùng chia sẻ suy nghĩ này. Rất nhiều người nói với tôi, họ an lòng khi thấy một nữ tu trẻ như tôi mặc áo dòng. Tôi không sinh ra trong những năm 60 khi Giáo hội trải qua giai đoạn xáo trộn, khi nhiều Dòng quyết định bỏ áo dòng. Cá nhân tôi, tôi thích mang lúp, nhưng tôi dứt khoát không đồng ý thái độ phê phán, chỉ trích, chế giễu các nữ tu không mang lúp. Biết bao nhiêu lần tôi bị cho là “đồng bạn” khi tôi nghe: “Xơ mặc áo dòng thiệt là… giỏi!” hoặc họ thì thầm với nhau: “Xơ này giỏi, xơ không mặc mấy cái quần ny-lông khủng khiếp!”

Tệ hơn, thỉnh thoảng có người còn nói: “Tôi rất bằng lòng khi thấy một nữ tu thực sự mặc áo dòng!” Một ngày nọ, có một xơ không mặc áo dòng, xơ kể cho tôi nghe cảnh xơ vừa phải chịu: xơ vào một cửa hàng có một xơ mặc áo dòng vừa đi ra. Người quản lý cửa hàng biết xơ không mặc áo dòng, ông nói to: “Này, có một xơ đúng thật là xơ vừa đi ra!” Xơ này nói lại liền: “Còn tôi thì sao, nữ tu dởm à?” Nhận xét này cho thấy, người quản lý này không biết cái gì là thiết yếu của đời sống tu trì. Đó là các lời khấn của chúng tôi và cách chúng tôi sống mới làm chúng tôi là những nữ tu, chứ không phải qua bộ áo của chúng tôi.

Khi đó lần đầu tiên tôi mới ý thức sự đau khổ mà các nữ tu bị liệt vào hàng thứ yếu vì bộ áo.

Một lần nọ, sau khi vào nhà dòng, một linh mục trẻ đã làm cho tôi và một chị tập sinh khác rất bực mình, cha chỉ trích dông dài về bộ áo của dòng “chúng tôi”, vì bộ áo mới hơi ngắn và tân thời hơn bộ áo cũ. Cha ngạc nhiên khi thấy tôi đồng ý với cha. Tôi thích bộ áo xưa, có tính cách truyền thống hơn. Nhưng tôi hỏi lại cha: “Theo cha, tôi phải làm gì bây giờ? Đổi dòng vì bộ áo không theo sở thích? Chọn dòng theo bộ áo sao?”

Việc gắn bó vào áo dòng dựa trên các tình cảm tốt đẹp : tình yêu cho Giáo hội, cho rao giảng Phúc Âm, vì cái đẹp, vì truyền thống và vì nhiều chuyện khác nữa. Nhưng đàng sau những chuyện này, có thể có những cân nhắc theo hình thức mà đôi khi trở thành ám ảnh. Một nghiêng lệch làm quên đi điều chủ yếu: làm chứng cho sự tốt lành và cao cả của Chúa, mỗi người theo một cách khác nhau.

Marta An Nguyễn dịch