Đi khắp thế giới (4/6)

325
  • Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul

Cha Piô có ơn hiện diện một lúc tại hai nơi, dù ai cũng biết, từ năm 1916, cha không bao giờ rời tu viện San Giovanni Rotondo. Nhưng người ta nhận ra sự hiện diện của cha ở một vài nơi, hoặc người ta thấy con người thật của cha, hoặc qua mùi hương đặc biệt tỏa ra từ người của ngài.

Một ngày nọ, khi nói chuyện với các bạn đồng tu của mình về vấn đề này, ngài nói: “Người mà khi chuyện xảy ra, họ biết họ muốn gì, nơi họ sẽ đi và tại sao, nhưng họ không biết, họ di chuyển như thế chỉ với tinh thần của mình, hay với cả thể xác và tâm hồn.” Và đó là huyền nhiệm của Đấng Toàn Năng.

Sau đây là một số câu chuyện nói lên khả năng này.

Ở California

Nhật báo Nước Ý và Tiếng nói của Người dân (Italia et la Voce del Popolo) xuất bản ở San Francisco, California, nước Mỹ ngày 3 tháng 3 năm 1956 đăng câu chuyện của linh mục Giuseppe G Tursi.

Ông Bartolomeo Pollina, một người di dân Silice, nước Ý, từ nhiều năm nay ông ở thành phố Fresno, California. Ông bị bệnh sa ruột càng ngày càng nặng. Bác sĩ khuyên ông nên mổ gấp. Nhưng bệnh nhân không muốn nghe đến chữ mổ! Nhờ đọc đủ thứ báo mà ông biết Cha Piô và các việc kỳ diệu của cha. Ông nuôi hy vọng cha sẽ chữa cho ông lành mà không cần phải mổ.  Và thế là ông viết thư cho cha, xin cha cầu bàu cùng Chúa cho ông khỏi bệnh. Nhà Dòng trả lời cho ông là Cha Piô quan tâm đến trường hợp của ông, cầu nguyện cho ông và khuyến khích ông cũng cầu nguyện và phó thác tin tưởng vào Chúa.

Thời gian trôi qua và không có gì xảy ra. Nhưng vào một buổi chiều, khi ông vừa đi ngủ thì ông nghe có tiếng thở mạnh dưới chân giường. Có một cử động mạnh nhưng rồi mọi sự trở nên yên tỉnh trong đêm. Ngày hôm sau, cũng lặp lại như vậy, nhưng lần này ở phía bên cạnh giường. Tối thứ ba, cũng có tiếng thở mạnh, và lần này thì trên đầu giường. Cuối cùng, vào sáng ngày thứ tư, ông Pollina thấy có hai bàn tày sờ vào vùng ruột bị sa và sắp đặt mọi sự vào chỗ của nó. Ông thức giấc và run rẩy theo dõi vụ giải phẫu này, trong lòng tin chắc Cha Piô đến chữa cho ông. Ông cảm thấy bình an vô cùng.

Khi ông đứng dậy, ông sờ ở chỗ bị đau và thấy đã lành hoàn toàn. Ông không sợ và sinh hoạt bình thường trở lại. Đầy lòng biết ơn, ông viết thư cám ơn Cha Piô đã nghe lời ông cầu xin và hứa ngày càng sống đạo tốt hơn. Trong thư trả lời, Cha Piô khuyên ông nên cám ơn Chúa và tin tưởng ở Ngài.

Tôi biết rõ hơn cha!

Năm 1949, ở Pietrelcina (Bénévent) quê của Cha Piô, người ta xây một ngôi nhà thờ để tôn kính Thánh Gia. Khi xây xong, người ta chuẩn bị khánh thành ngày 20 tháng 5. Trước ngày hôm đó, Giám mục Agostino Mancinelli phải thánh hiến nhà thờ. Các bề trên Dòng Capuxinô tìm cách để Cha Piô tham dự, nhưng không muốn vì vậy mà khuấy động dân chúng. Vì thế họ muốn giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, cho dù cẩn thận đến mức nào, tin này cũng lọt ra ngoài và không thể nào đưa Cha Piô đến Pietrelcina được. Cha có vẻ như không biết gì về việc khánh thành nhà thờ.

Nhưng có một ngày, trong một buổi nói chuyện, cha Alberto D’Apolito nói với Cha Piô: “Kính Cha Thiêng Liêng (tên các bạn đồng tu đặt cho Cha Piô), khi nào tiện, cha đến thăm nhà thờ… đẹp lắm!” Cha Piô trả lời: “Tôi biết nó hơn cha!

– Cha có xem hình à?

– Tôi có đến đó. Tôi có thể tả từng chi tiết một cho cha. Cha có biết số bậc thang đi vào không? Đúng là cha D’Apolito không biết vì cha có bao giờ đếm đâu.

Sự hiện diện của Cha Piô ở Pietrelcina được báo của Bề trên Tỉnh Dòng hồi đó là cha Agostino da San Marco, Lamis xác nhận. Vì thế có ngày cha Agostino nói với Cha Piô, mình rất vui khi thấy tu viện được mở ở Pietrelcina. Cha Piô loan báo: “Và cha sẽ là Bề trên Dòng sau khi làm Bề trên Tỉnh Dòng!

– Vậy anh sẽ đến dự lễ không?

– Tôi sẽ có mặt ở Pietrelcina cùng một lúc khi tôi ở tòa giải tội ở San Giovanni Rotondo”.

Cha Piô ở Uruguay, Nam Mỹ

Giám mục Damiani ở giáo phận Salto, Uruguay, Nam Mỹ muốn đến San Giovanni Rotondo để sống những ngày cuối đời bên cạnh Cha Piô. Ngài hỏi Cha Piô về vấn đề này, nhưng cha trả lời chỗ của ngài là ở giáo phận Salto, chứ không phải ở San Giovanni Rotondo. Khi đó Giám mục Damiani hỏi Cha Piô có đến bên cạnh mình trong giờ lâm chung không. Cha Piô cầu nguyện một lát và hứa sẽ đến. Sau này lời hứa đó đã được giữ, Giám mục Barbieri, ở giáo phận Montevideo kể lại câu chuyện này.

Năm 1941, Giám mục Alfredo Viola, giáo phận Salto mừng kim khánh chức linh mục, có rất nhiều giám mục tham dự, trong số này có giám mục Barbieri. Một đêm nọ, trong giấc ngủ, giám mục Barbieri nghe có ai đập cửa phòng. Giật mình thức dậy, cha thấy một tu sĩ Dòng Capuxinô đến nói: “Dậy, đến thăm giám mục Damiani, ngài sắp qua đời”. Giám mục Barbieri dậy đi ngay, cha mang Dầu Thánh đi cùng với vài linh mục. Cha thấy giám mục Damiani sắp mất nhưng vẫn còn sáng suốt. Cha cho rước lễ và xức dầu và cha thấy giám mục Damiani tắt thở trong sự thanh thản sâu xa.

Trên bàn bên cạnh giường, cha thấy tấm giấy chữ viết run rẫy: “Cha Piô đến”. Cha quyết định giữ tấm giấy này cẩn thận trong ý muốn kiểm lại chính xác khi cha về Ý.

Ngày 13 tháng 4 năm 1949, nhân chuyến đi Ngũ niên (Visite ad Limina) thường kỳ của các giám mục về Rôma hội kiến với Đức Giáo hoàng, cha đến thăm Cha Piô, cha biết ngay Cha Piô đã đến báo cho mình đêm hôm đó. Nhưng để chắc ăn, cha hỏi Cha Piô về chuyến đi Uruguay. Cha Piô im lặng không muốn nói gì, giám mục Barbieri sợ Cha Piô không nghe nên hỏi lại nhưng Cha Piô vẫn giữ thinh lặng.

Và thế là giám mục hiểu sự việc này có thật. Ngài nói: “Tôi hiểu!”. Cha Piô gật đầu: “Đúng, cha đã hiểu!… ”

Cha Piô ở đâu?

Một ngày nọ, có một chiếc xe hơi sang trọng ngừng trước tu viện San Giovanni Rotondo. Các bà sang trọng xuống xe, một anh chàng lăng nhăng dắt các bà đi, họ không che đậy ý muốn chế giễu Cha Piô. Anh chàng hỏi người qua đường: “Cha Piô ở đâu? – Trong phòng thánh, cha giải tội ở đó”. Chàng thanh niên vào nhà thờ và vội vã vào phòng thánh. Nhưng ở đó không có ai.. . Anh hỏi những người chung quanh: “Cha Piô ở đâu?”

– Cha vừa đi ra nhà thờ, anh không gặp sao?

– Không!

– Sao lại thế được, cha vừa đi ra chính nơi anh vừa đi vào.

Anh thanh niên và các bà bắt đầu bực mình. Lúc đó có một số tu sĩ Dòng đi đến, họ cũng đi tìm Cha Piô nhưng không thấy. Vô ích… Họ tìm từng góc trong tu viện, ngoài vườn, nhà thờ nhưng cũng không thấy cha. Các tu sĩ bối rối thú nhận: “Chúng tôi rất tiếc nhưng chúng tôi không thấy Cha Piô đâu hết…” Anh thanh niên nóng nảy hét lên: “Như vậy Cha Piô đã ra khỏi nơi đây. Vậy cha đi đâu?

– Cha không bao giờ ra khỏi đây! Chúng tôi thật sự không biết cha ở đâu”.

Cả nhóm giận dữ bực mình, họ vừa cáu gắt vừa vào xe. Các nhân chứng nhìn theo xe họ mất hút trên đường. Nhưng họ thấy ai khi quay lại? Họ quá ngạc nhiên, đó là Cha Piô! “Cha, cha ở đâu? Mọi người đi tìm cha và không ai thấy! – Nhưng cha ở đó. Cha đi lui đi tới đây mà các con không thấy sao?” Rồi cha vào nhà thờ và tiếp tục giải tội.

Marta An Nguyễn dịch