Đức Phanxicô trên bước chân các vị tử đạo đầu tiên của Rôma

467

Bức tranh của Masaccio, tử đạo của Thánh Phêrô năm 67, ba năm sau các vị tử đạo đầu tiên của Rôma (Wikimedia Commons/LDD)

cath.ch, 2017-06-30

Ngày 30 tháng 6, Viện giáo hoàng Văn hóa của các vị tử đạo tổ chức một thánh lễ và một cuộc rước kiệu ở Vatican để mừng các vị tử đạo đầu tiên của Rôma. Một thánh lễ kết thúc tuần lễ có chủ đề đặc biệt tử đạo theo ý chỉ của Đức Phanxicô.

Vào cuối ngày thứ sáu, 30 tháng 6, hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về Văn hóa đã cử hành thánh lễ ở nhà thờ Đức Mẹ Pietà ở Teutonici, ngay quảng trường các vị tử đạo Rôma, tại Vatican.

Sau đó Mình Thánh Chúa được rước trên các con đường của Vatican, để tưởng niệm sự hy sinh của các kitô hữu đầu tiên. Sau vụ hỏa hoạn ở Rôma năm 64, bạo chúa Neron đã cho kitô hữu là kẻ thù của thành phố nên đã hành hạ họ khủng khiếp, sử gia Tacite đã để lại chứng từ.

“Các vị tử đạo là ngọn đuốc soi trong bóng tối”

Sử gia Tacite ghi lại, bạo chúa Neron bắt tín hữu kitô phủ da súc vật để chó dùng răng nghiến nát hoặc cột họ vào thập giá rồi dùng chất dẫn cháy đốt, khi đêm đến, họ như ngọn đuốc chiếu soi bóng tối”. Và Rôma là nơi Thánh Phêrô tử đạo ba năm sau đó, cách đây 1950 năm.

Ngày nay nơi tử đạo của các kitô hữu đầu tiên là trung tâm Giáo hội công giáo, dưới các cột đền của Quảng trường Thánh Phêrô. Cuối tháng sáu là lúc nghi lễ phụng vụ thấm đậm dấu tích các vị tử đạo.

Đức Phanxicô đặc biệt cảm nghiệm trong những ngày này, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28-6-2017, ngài nêu lên gương tử đạo cho các kitô hữu ngày nay, mời gọi giáo dân hy sinh quên mình trong đời sống hàng ngày. Ngài nhấn mạnh, “có một loại tử đạo ẩn giấu mỗi ngày”, ngài xin giáo dân đọc hạnh các thánh tử đạo.

Tấn công-tự sát

Nói rộng ra với các mục tử của Giáo hội họp lại nhân ngày lễ Thánh Phêrô – Phaolô 29 tháng 6, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô nhắc đến mối lo lắng của mình đối với các tín hữu kitô, nhất là các tín hữu ở Trung Đông. Theo ngài, họ là những người bị “sống bên lề, bị tai ương, bị kỳ thị, (…) đối tượng của các “hành vi bạo lực, thậm chí có thể dẫn đến cái chết”, trong một bầu khí im lặng đồng lõa của các quyền lực chính trị.

Dấu hiệu cho thấy vấn đề này ở trong tâm trí của ngài, trước hôm đó, lần đầu tiên Đức Phanxicô bác bỏ công khai việc cho tác giả các vụ tấn công-tự sát là người tử đạo. Ngài gằn mạnh, “ý tưởng này làm cho người kitô hữu ghê tởm”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch