Chương 4 – Niềm vui bảo vệ môi trường

188

Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator

Một thử thách lớn: Ngưng làm hại ngôi vườn mà Chúa đã giao phó cho chúng ta để tất cả cùng có thể hưởng. Phanxicô, 2 tháng 7-2015

Niềm vui bảo vệ môi trường

Mười điều răn bảo vệ hành tinh theo tinh thần Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato Si’), thông điệp đầu tiên về các vấn đề môi sinh của thế giới hiện nay do một Giáo hoàng viết.

  1. Con đưa thế giới ra khỏi tình trạng dửng dưng

Sự gia tăng con số người di dân đi trốn cảnh khốn cùng là một thảm cảnh. Cuộc khủng hoảng di dân này là kết quả của tình trạng dửng dưng chung. Đứng trước tình trạng không còn ý thức trách nhiệm với đồng loại, chúng ta phải hành động vì nó có hại cho đời sống của chúng ta trong xã hội.

  1. Con chiến đấu chống tình trạng khí hậu nóng lên

Đứng trước hiểm họa đe dọa hệ thống môi sinh, chúng ta ý thức để có một lối sống, một lối sản xuất và tiêu thụ mới để khí hậu bớt nóng lên và các nguyên do từ con người gây ra.

  1. Con cung cấp nước cho toàn trái đất

Thế giới có một món nợ xã hội rất nặng với các dân tộc bất hạnh nhất hoàn cầu, những người dân sống thiếu nước. Về ngắn hạn, sự khan hiếm nước và chiến đấu để có quyền kiểm soát nước sẽ có nguy cơ đưa thế giới vào trong vòng xoắy của các cuộc xung đột.

  1. Con đặt người nghèo vào trọng tâm

Một sự tiếp cận đích thực với môi sinh không thể tách rời với sự tiếp cận xã hội. Sự toàn cầu hóa các hiện tượng của tình trạng sống bấp bênh và loại trừ không được xử lý như một sự thiệt hại bên lề, nhưng là ưu tiên hàng đầu mà mọi sự tùy thuộc vào đó.

  1. Con chiến đấu chống huyền thoại của sự tiến bộ vô tận

Sự tin tưởng ngây ngô vào sự tăng trưởng và tiến bộ không giới hạn nghiến nát tất cả suy tư kinh tế và chính trị. Sự phát triển toàn diện phải có chiều kích đúng của sản xuất, của phân bố công minh, của bảo vệ môi sinh có trách nhiệm, của tôn trọng quyền các thế hệ tương lai.

  1. Con kháng cự lại sức mạnh tối thượng

Sự tuần phục của các chính trị gia vào kỹ thuật và vào hệ thống tài chánh có trách nhiệm trong việc làm chậm trễ, đã không chận đứng được sự hủy hoại môi trường và chận không cho người nghèo có phương tiện để có được nguồn nhu yếu phẩm cần thiết.

  1. Con theo sự hợp lý của tinh thần cho không điều kiện

Người ta không thể cho rằng mình bảo vệ thiên nhiên mà không làm lành mạnh tất cả mọi quan hệ nền tảng của con người.

Giải pháp cho khoa học môi sinh cũng tùy thuộc vào khả năng suy nghĩ về khủng hoảng của con người. Cả hai loại khủng hoảng này liên hệ với nhau.

  1. Con làm thuận lợi cho việc truyền tải năng lượng

Con người ở trong thời buổi hậu-kỹ nghệ sẽ có thể bị cho là một trong những người vô trách nhiệm nhất của lịch sử, chúng ta hy vọng con người của thế kỷ 21 sẽ ở trong ký ức lịch sử là những con người có tinh thần trách nhiệm cao.

  1. Con sẽ chấp nhận một sự giảm tăng trưởng nào đó

Đã đến lúc các xã hội có trình độ kỹ thuật cao phải chấp nhận một số biện pháp điều độ hơn, thích ứng với lối sống mới, giảm nhu cầu năng lượng và cải thiện các điều kiện tiêu dùng.

  1. Con tìm cách để cổ động cho một “hạnh phúc trong thanh đạm”

“Thống trị trái đất” không có nghĩa là khai khác một cách hoang dã, cũng không phải là hủy hoại thiên nhiên. Ngược lại, sứ mệnh của con người là “vun trồng và giữ gìn trái đất”, tôn trọng quan hệ hỗ tương một cách có trách nhiệm giữa con người và thiên nhiên.

Thánh Phanxicô Axixi

Lễ kính ngày 4 tháng 10

Tiểu sử của ngài

Thánh Phanxicô sinh tại Axixi năm 1182 trong một gia đình khá giả. Sau thời tuổi trẻ sống vô tư, năm 1204 Thánh Phanxicô bị liệt giường vì một căn bệnh làm tiên tan giấc mơ làm kỵ sĩ của ngài. Từ chối của cải, Phanxicô sống một cuộc sống cầu nguyện và khổ hạnh. Cách Thánh Phanxicô sống tận căn với Phúc Âm đã làm cho ngài có nhiều đồ đệ. Họ thành lập một cộng đoàn huynh đệ sống khó nghèo và khiêm nhường. Năm 1210, Đức Giáo hoàng chấp nhận luật Dòng Phan Sinh. Sau khi nhận nhiều dấu thánh của sự Thương Khó và bị bệnh, Thánh Phanxicô Axixi qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226.

Linh đạo của ngài

Thánh Phanxicô Axixi khổ nhiều vì sức khỏe của mình yếu: để chữa mắt đau, người ta dùng sắt nung đỏ đặt hai bên màng tang… Niềm vui của ngài sâu đậm hơn là sự đau khổ vì ngài phân định được sự hiện diện của Chúa ngay cả khi tâm hồn hay thể xác của ngài bị đau đớn. Thánh Phanxicô hay nói đến “niềm vui trọn vẹn” này với các đồ đệ. Đó là niềm vui của người ăn xin. Niềm vui trọn hảo không phải là thỏa mãn khi bị loại trừ hay thích thú khi ở trong tuyết giá hay bị lạnh, nhưng là một tình yêu khá lớn để đủ mạnh hơn sự đau đớn khi bị người thân cận của mình bỏ rơi, khi không được những người mình yêu thương chấp nhận.

Gương mẫu của ngài

“Thánh Phanxicô yêu và được yêu vì niềm vui, vì sự dấn thân quảng đại, vì quả tim rộng mở của ngài. Đó là nhà thần nghiệm và lữ khách hành hương, ngài sống đơn sơ, hài hòa với Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính mình. Nơi ngài, chúng ta thấy được đến độ nào mức độ quan tâm đến thiên nhiên, công chính cho người nghèo, dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm là những chuyện không thể tách rời nhau.” Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Phanxicô, 24 tháng 5-2015

Sách: Phanxicô Axixi, người đục tường: di sản để suy tư về vấn đề liên văn hóa của thế kỷ 21, Michel Sauquet (Le passe-murailles, François d’Assise: un héritage pour penser l’interculturel au XXIè siècle), Éditions franciscaines, 2015

Marta An Nguyễn chuyển dịch