James Foley, nạn nhân của những người man rợ

118

James Foley, nạn nhân của những người man rợ

Paris Match, Flore Olive và Olivier O’Mahony gởi từ New York, 22-8-2014

Khi hành nghề của mình, ký giả Mỹ mơ giải hòa được các dân tộc.

Trên con đường đến Alep, cách trạm kiểm soát biên giới Bab al-Hawa vài cây số, nơi đang bị quân phiến loạn chiếm đóng, chiếc xe van Huyndai không mang biển số rượt nhanh. Trước nó là chiếc taxi. Đến Taftanaz thì chiếc xe van lấn tới chiếc taxi và buộc tài xế phải ngừng lại. Ba người trang bị súng AK-47 từ xe van bước xuống. Một trong ba mang mặt nạ. Họ bắn chỉ thiên và bắt hành khách trong chiếc taxi đi xuống, sau đó họ dí khách xuống đất để trói lại. Ngày hôm đó là ngày 22-11-2012. James Foley vừa bị bắt cóc.

Từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ bên kia, Nicole Tung, 24 tuổi đang chờ đồng nghiệp và cũng là bạn của mình. Cả hai đã tác nghiệp ở đây từ nhiều tháng nay. Nicole bỏ James ở đó để về Istanbul sửa máy chụp hình nhưng họ hẹn phải gặp nhau đúng 5 giờ chiều hôm đó ở thành phố Reyhanli, một thành phố nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào đúng 5 giờ chiều, Jim không xuất hiện và không ai trả lời trên các điện thoại của anh. Nicole gọi Mustafa, đồng nghiệp địa phương vừa là người hướng dẫn vừa là người thông dịch cho họ. “Tôi rất tiếc”, anh lặp đi lặp lại. Sau cuộc phục kích, Mustapha và người tài xế taxi được thả. James và một đồng nghiệp ký giả vừa lên chiếc taxi đó, anh gọi taxi từ vỉa hè nơi có căn cứ của quân phiến loạn ở Binnish, hai người đến quán càphê để gởi tin về gia đình nhân ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Sau khi ghé về phòng để lấy đồ đạc cá nhân, rồi lại ghé quán càphê nơi Mustafa để quên điện thoại di động của anh, sau đó nhóm của anh lên đường rời xứ.

Sinh năm 1973, James Foley lớn lên ở thành phố Wolfeboro (New Hampshire), trong một cộng đồng nhỏ ở thôn quê, gần hồ Winnipesaukee. James có đạo, da trắng, giữ truyền thống Mỹ quốc cổ truyền. Ngay từ khi còn học trung học, James đã viết truyện. Cắm sâu trong thực tại. Anh quan tâm đến các “con dê tế thần” của lớp,  Heather MacDonald, cô bạn thơ ấu của anh cho biết anh đã tỏ ra là người có lòng “có tính hiếu kỳ, có lòng thông cảm cho người khác”. Theo cô, anh chia sẻ một nền văn hóa chính trị cánh tả và một lòng mê văn chương. Anh làm cho cô biết đến Junot Diaz, Albert Camus. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi dạy. Ở bang Massachusetts, các học trò đầu tiên của anh là các em học sinh tuổi vị thành niên người Portoricain, thất học, gia đình nghèo. Sau đó là các học sinh không giấy tờ của Arizona, rồi đến các trẻ phạm pháp ở Illinois. Anh cũng dạy các lớp xóa mù chữ ở nhà tù Chicago, nơi anh thấy tác hại của nạn kỳ thị xã hội và chủng tộc. “Anh biết giải mã người dân, đọc được số phận của họ. Anh có trực giác cao”, Yago Cura người bạn thân nhất của anh giải thích, Cura là giáo sư và giám đốc một tạp chí chuyên về thơ.

Quan hệ với Chúa của anh không suy suyển. Để có thể vinh danh Chúa, James chọn theo đạo của những người bắt anh

Heather nói về anh như một người “đi đây đi đó” mà cô “không bao giờ biết chỗ ở chắc chắn của anh cũng như không biết anh có mối tình nào”. Jim là người qua đường, không ai nắm bắt được anh. Làm chứng trở nên lý lẽ sống của anh. 35 tuổi anh bước vào ngành báo chí. Ở trận tuyến đầu. Nơi thế giới đang rung chuyển, nơi có những con người đang đau khổ trên mãnh đất đang động. Anh đi theo Quân đội Mỹ ở Afghanistan, ở Irak, nhưng anh không thích nguyên tắc “gắn vào” quân đội, buộc ký giả phải theo các câu thúc của quân đội. James biết rõ vấn đề này: ba anh em của anh ở trong quân đội, một làm việc ở Không Quân Mỹ (US Air Force). Ở trong quân đội anh cảm thấy mình bị tách rời với những người anh muốn làm chứng cho họ: những người không có tiếng nói, những người vô danh trong các nước đang lâm vào cảnh chiến tranh. James ghi chú cẩn thận tên từng người anh quay phim. Dù họ chết hay sống. Đối với anh, không một nạn nhân nào là vô danh. Người trả tiền chính cho các bài viết của anh là báo GlobalPost, báo này khuyên anh không nên đi Lybia. James trả lời anh phải đến tại chỗ để xác nhận các sự kiện cũng như xác nhận các trực giác của anh thay vì ngồi nhà rà đoán theo tin đồn trên các trang mạng xã hội. Đó là người rất tinh nhạy, người làm việc rất cầu toàn, không phải người làm việc theo kích thích của chất ađrênalin.

Năm 2011, anh gặp nữ ký giả Nicole Tung ở Benghazi, cùng với cô anh phiêu dạt đến Syria. Trong phòng báo chí ở khách sạn Alnoran, nơi có một nhóm truyền thông, Nicole đang tranh luận trên mạng Internet ương ngạnh thì James đề nghị giúp đỡ cô. Nicole ngạc nhiên thấy “chàng này quảng đại, cởi mở, không cạnh tranh”. Ba ngày sau, James và ba bạn đồng nghiệp bị quân lực của Khadhafi phục kích. Ký giả Nam Phi Anton Hammerl bị giết; phần nhóm còn lại bị bắt. Sau 44 ngày James được phóng thích. “Một người lính dí mặt bạn xuống băng ghế xe. Bạn bị chảy máu, đó là loại sốc khủng khiếp nhất”, anh mô tả như thế khi nói với các học sinh của đại học cũ của anh. “Sáng hôm sau khi bạn thức dậy, bạn mới nhận ra điều khốn khổ nhất đời vừa xảy ra cho bạn. Anton đã chết, chúng tôi bị bắt cóc và không ai biết chúng tôi đang ở đâu. Khi bạn phiêu lưu nguy hiểm, khi bạn đứng trước báo động nghiêm trọng, bạn phải đặt câu hỏi. Điều này có đáng để cho bạn đổi mạng sống không. Theo Heather, James nói ra nỗi đau mà anh có thể tạo ra cho gia đình. “Anh có mặc cảm tội lỗi rất nặng”, cô nói. Giữ đạo sốt sắng, có đức tin, được giáo dục trong đạo Công giáo, ở trong tù, người ký giả cho biết chính nhờ đức tin mà anh đứng vững.

Trong một buổi lễ mừng anh được phóng thích tổ chức ở Half King, New York, một câu lạc bộ quảng cáo ở đường thứ 23, nơi các ký giả phóng viên thường lui tới, gia đình anh đã đe dọa sẽ giấu thẻ thông hành của anh để anh khỏi đi nữa. Nicole có mặt ở đó. Anh biết cô và đó là khởi đầu của một tình bạn, khởi đầu “cặp bài trùng” như bạn bè hay nói đùa về họ. “Chúng tôi bổ túc cho nhau, Nicole giải thích. Giữa chúng tôi có ximăng dính, chúng tôi không cần nói mới hiểu nhau.” Người xúc cảm, Nicole thích tính trầm tĩnh, tính kềm chế, khả năng giải căng thẳng, tinh thần hài hước trong mọi thử thách của anh. Chịu đựng dai sức, James có thể ngủ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. “Như con mèo, cô nói. Anh có thể ngủ dưới đất với cả y phục trên người, anh ngủ trong bất cứ tư thế nào.” James chính trực, yên lòng, anh không phải là người bỏ người khác sau lưng khi gặp tình huống xấu.

James được mô tả là “người vững chắc, rất nhạy cảm đối với người khác.”

Ở miền Bắc Syria, nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan tràn ngập, liên minh hay chống đối, James bị bắt ở đó gần hai năm. Vùng này đầy cả hang động, hầm mộ La Mã, các cơ sở kỷ nghệ cũ, các xà lim dưới đất. Những nơi kín đáo, nơi chôn giấu vũ khí, nơi xây các nhà tù lý tưởng mà các lực lượng không quân không thể nào đập phá được. Trong vòng tám tháng cho đến khi được phóng thích vào tháng tư vừa qua, Didier François, ký giả lớn của đài Europe 1 Pháp đã ở chung phòng giam với James. Ký giả Pháp ấn tượng với sức mạnh của người bạn tù, “một người kiên định, rất nhạy cảm với người khác, một người có tinh thần đồng đội”. Trong loại hoàn cảnh này, khi nỗi sơ xâu xé, một vài người quy phục thậm chí còn tự làm khổ mình trong các điều kiện giam giữ, họ không dám làm gì vì họ nghĩ người canh tù sẽ hành hạ họ, trong khi một vài người khác nghĩ cái gì không cấm thì được phép nên họ dám làm. James ở trong số những người này. Với những người dám đương đầu thì người khác có thể dựa trên họ vì họ không bị tê liệt trước kẻ thù. Anh đưa ra các quy tắc chung và phân phát bánh mì. Một công việc có tính cách sống chết cũng như có tính cách biểu tượng. Nếu anh trở thành người xoa dịu đau thương là vì anh không bao giờ nhường bước cho cai tù dù anh phải trả giá nào đi nữa.

“Bạn càng ngẩng cao đầu thì bạn càng bị đánh, Didier François giải thích. Nhưng Jim có chọn lựa của anh, anh dám lấy nguy cơ. Đó là cách anh nói: “Tôi không bị gãy đổ, tôi đứng vững.” Khả năng kháng cự này làm các cai tù bực mình. Để giết thì giờ thì phải vận động đầu óc, kích thích chất xám, những người bị bắt làm con tin ứng tác các câu chuyện văn hóa. Didier ấn tượng vì tầm hiểu biết của James về văn chương Mỹ, anh nói rất hay. Cùng nhau họ bàn đến “Moby Dick”, Steinbeck, London, Beckett hay Garcia Marquez, họ bình giải các bản văn về việc bắt giữ. James nghĩ rất nhiều về gia đình anh. Anh chấp nhận vào đạo Hồi để có thể tiếp tục cầu nguyện. Giữ liên kết chặt chẽ với Chúa có nghĩa là gần với mẹ mình, mẹ của anh rất mộ đạo. Nơi anh, đức tin mang một tầm vóc có thể sờ thấy được. Dù hình thức như thế nào, quan hệ với Chúa của anh là cốt tử, không suy suyển. Để có thể vinh danh Chúa, James theo đạo mà những người hành hạ anh bắt anh theo và cũng nhân danh đạo này, họ hành quyết anh sau khi họ đã giả danh Chúa thành tên đồ tể khát máu.

Trên video do Chính quyền Hồi giáo cực đoan dàn dựng, người ta phân biệt được một người đàn ông khác đứng đàng sau James, cũng như anh, quỳ gối mặc bộ đồ màu cam. Đó là Steven Sotloff, cũng là ký giả Mỹ, 31 tuổi.

Sau khi con mình bị hành quyết, cha mẹ của James là ông bà John và Diane Foley đã xin những người bắt cóc tha cho các con tin khác. “Chuyện này không có một ý nghĩa nào, ông John đã tuyên bố như trên. James đã cho thấy lòng can đảm của những người chiến đấu chống bức hại để xây dựng một thế giới tốt hơn dù phải chịu nguy hiểm. […] Anh chết một cách khủng khiếp nhất. Biết con tôi đau khổ đến chừng nào, điều này in hằn trong trí tôi.”

Marta An Nguyễn dịch