Thánh Phanxicô Salê

1200

Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, nhà sáng lập dòng

Trích sách Lời các thánh (Paroles de saints), Bernard-Marie và Jean Huscenot

Thánh Phanxicô Salê gốc Thorens gần Annecy (1567-1622); ngài là linh mục, rồi giám mục ở Geneva năm 1602. Cùng với thánh nữ Jeanne de Chantal, ngài thành lập dòng Thăm Viếng. Vua Henri IV nói về ngài như sau: “Công dân thành phố Geneva này có tất cả mọi nhân đức và không có một khuyết điểm nào. Đó là loài chim quý hiếm!”

Vị trí hàng đầu của đức ái

Thánh Chantal hỏi: “Xin cha cho con biết đâu là quy tắc con phải theo để sống?”

“Con làm tất cả vì tình yêu và không làm gì trái ngược với tình yêu. Phải thích vâng lời hơn là sợ không vâng lời. Cha để con hoàn toàn tự do suy nghĩ!”

Một khiếm khuyết dai dẳng

Có người hỏi ngài: “Khi nào thì tính tự ái sẽ chết?”

“Nó chỉ chết khi thân xác mình chết!”

Không chạy trốn hiện trạng cuộc sống

Giám mục Camus giáo phận Belley nói với Giám mục Phanxicô Salê, giáo phận Geneva:

“Thưa cha, tôi muốn từ bỏ chức vụ giám mục để sống cuộc đời cô tịch. Cha nghĩ sao?”

“Cha sẽ giống như thầy Léonice tốt lành, thầy thường được ơn trên an ủi trong cuộc sống khó khăn ở đan viện. Nhưng thầy không còn được an ủi khi thầy xin bề trên cho thầy về ở phòng riêng để chuyên chiêm nghiệm. Do đó, cha nên biết: Thiên Chúa ghét bình an nơi những người đã được chỉ định để ra trận!”

Sự trọn hảo của kitô hữu

Giám mục Camus hỏi cha Phanxicô:

“Thưa cha, làm thế nào để được trọn hảo?

– Hãy yêu mến Chúa hết lòng và yêu người như mình vậy.

– Những gì cha đòi hỏi con là phương thế thích hợp để học yêu mến.

– Phương thế thích hợp nhất, dễ dàng nhất, ngắn nhất và hữu dụng nhất để yêu mến Chúa hết lòng… đó là yêu mến Ngài hết lòng! Có nhiều người đã hỏi tôi về phương pháp, cách thế, bí quyết của việc trọn hảo như cha hỏi vậy. Và tôi trả lời  họ giống như trả lời cho cha: Tôi không còn biết cách nào khác ngoài việc yêu mến Chúa hết lòng. Bởi vì, người ta học để hiểu trong khi học, học để nói trong khi nói, học để chạy trong khi chạy, học để làm việc trong khi làm việc, vậy thì học mến Chúa yêu người cũng qua việc mến Chúa yêu người mà thôi. Ai theo cách khác thì sẽ lạc lối!”

Trí nhớ và phán xét

Ngày kia, Giám mục Phanxicô Salê tâm sự với giám mục Camus rằng:

“Trí nhớ thường làm cho tôi lầm lỗi.”

Giám mục Camus đáp:

“Lỗi lầm này sẽ được bù đắp bằng phán xét. Chính phán xét mới là thầy, trí nhớ chỉ là người phục vụï, nó gây ồn ào nhưng ít có hiệu quả nếu phán xét không đi theo bước đi của nó,”

Giám mục Phanxicô liền nói lại:

“Kinh nghiệm chung cho thấy, trí nhớ tốt và phán xét lớn thường không ở cùng một nhà… Khi về già, tôi không chờ để trí nhớ tôi được cải thiện, tôi mong tôi có đủ trí nhớ để nhớ đến Chúa là được rồi!”

Lời phàn nàn của Giám mục Camus

Ngày kia, Giám mục Camus nói với thánh Phanxicô:

“Đây là chuyện xấu người ta làm cho tôi. Tôi có lý do gì để than phiền không?

– Đúng là họ có lỗi. Điều đó không xứng với con người của họ. Nhưng trong tất cả các chuyện này, tôi thấy chỉ có một chuyện bất lợi cho cha.

– Chuyện gì vậy?

– Đó là cái làm cho cha khôn ngoan hơn khi cha giữ im lặng!”

Sự hiện diện của các bà quanh giám mục giáo phận Geneva

Ngày kia, có người nói với giám mục Phanxicô Salê:

“Người ta chỉ thấy các bà chung quanh ngài!

– Đúng vậy, ngài đáp, nhưng không bằng được với Thiên Chúa chúng ta.

– Tôi không hiểu vì sao như vậy, bởi vì tôi không thấy cha nói chuyện gì với họ cũng không thấy cha nói gì cao quý cả.

– Anh không cho phép họ nói hết lời sao? Các bà chỉ nói đủ cho họ và cho tôi. Có lẽ sự dễ dàng lắng nghe này đã làm cho họ đến với tôi, vì với người nói nhiều, họ không thích gì hơn là có người kiên nhẫn và thanh thản ngồi nghe.

Mácta và Maria

Ngày kia, có người nói trước mặt Giám mục Phanxicô:

“Có phải các nữ tu làm những công việc khó khăn và nặng nhọc thì công đức trước mặt Chúa ít hơn so với các nữ tu hát kinh trong ca đoàn, sống cuộc đời chiêm niệm bình lặng không?

Giám mục liền đáp:

“Công đức lớn nhất luôn đi đôi với việc bác ái. Vì vậy, Mácta làm việc nhưng không kiềm chế Maria và Maria chiêm niệm nhưng không khinh dễ Mácta, vì Thiên Chúa chỉ xét đến tấm lòng mà thôi.”

Đạo đức và bác ái

Ngày kia, Giám mục Camus hỏi Giám mục Phanxicô:

“Làm sao thỉnh thoảng lại có chuyện tín hữu kitô rất đạo hạnh nhưng lại rất độc ác? Lòng đạo của họ là giả hình sao?

– Không phải, thánh Phanxicô đáp, lòng đạo của họ là có thật. Chính tự nó, lòng đạo chỉ là một nhân đức luân lý do tập luyện mà có chứ không phải do thiên phú. Nói cách khác, nó phải mang tính thần học vậy mà nó không mang. Nhưng, dù những nhân đức thần học như đức tin, đức cậy, người ta có thể phạm tội nặng nhưng vẫn có đức tin, đức cậy. Khi các nhân đức này không có đức ái thì chúng bị biến dạng và chết. Như thánh tông đồ dạy: người ta có thể có đức tin dời núi nhưng không có đức ái. Người ta có thể vừa là ngôn sứ vừa là người độc ác như các ông Saun, Balaam và Cạpha. Người ta có thể làm phép lạ, như Giuđa đã làm và cũng có thể là người phản bội. Người ta có thể bố thí nhiều của cải cho người nghèo vừa tử đạo mà không có đức ái. Nói đơn giản: người ta vừa là người đạo đức vừa là người ác độc. Đạo đức này là đạo đức chết.

– Nhân đức chết có còn là nhân đức thật hay không?

– Còn chứ, giám mục Phanxicô trả lời, giống như thân xác chết cũng là thân xác thật, dù nó không còn linh hồn.

– Nhưng, Giám mục Camus vặn lại, thân xác thật này không phải là con người thật.

– Tất nhiên nó không phải là con người toàn diện; nó là xác thật của một người thật, nhưng đã chết. Lòng đạo mà không có đức ái cũng vậy: đó là lòng đạo thật, nhưng chết. Nhờ đức ái, con người trở nên tốt lành. Chỉ nhờ lòng đạo mà thôi, thì nó chỉ là lòng đạo. Khi đánh mất đức ái, thì mất tốt lành chứ không mất lòng đạo. Vì tội trọng, chúng ta không thể mất đi tất cả mọi nhân đức đạt được, ngay cả đức tin và đức cậy, trừ khi làm những chuyện đặc biệt như bất trung và tuyệt vọng.”

Phúc thật tuyệt vời của thánh Phanxicô

Ngày kia, có người hỏi giám mục Phanxicô Salê:

“Theo cha, trong tám mối phúc thật, mối phúc nào là tuyệt vời và cao trọng nhất? Có phải là mối phúc cho người hiền lành không?

– Không phải, tôi thích mối phúc thứ tám hơn cả: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính.”

– Tại sao nó cao trọng hơn các mối phúc khác?

– Vì cuộc sống của những người bị bách hại vì công chính thì hoàn toàn ẩn giấu trong Chúa cùng với Đức Kitô và điều đó làm cho họ nên giống hình ảnh của Chúa hơn. Và cũng vì suốt cuộc đời Đấng Cứu Thế bị bách hại vì công chính, ngài đã hoàn tựu về mọi khía cạnh. Như anh biết, những người bị bách hại, họ sống ẩn mình trong gương mặt ẩn giấu của Chúa: họ có vẻ dữ nhưng họ tốt lành; họ tưởng như chết nhưng họ lại sống; họ tưởng như nghèo nhưng họ lại giàu, họ tưởng như điên nhưng họ lại khôn ngoan. Nói ngắn gọn, Họ bị khinh trước mặt người đời nhưng lại được chúc phúc trước thiên nhan Thiên Chúa.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch