Aleteia, 04-09-2015
Nổi tiếng hay vô danh, độc giả của Aleteia hay nhân vật của quần chúng, tất cả đều muốn chia sẻ kỷ niệm họ có với Đức Gioan-Phaolô II.
Giáo hội gởi chúng tôi đi truyền giáo – “Một kỷ niệm đáng nhớ? Ngày Giới Trẻ 2000 tại Rôma: chúng tôi nhìn nhau, giây phút thật sâu đậm, tôi có cảm tưởng như ngài biết tôi từ lâu nhưng thật sự tôi chưa bao giờ gặp ngài. Một thông điệp chính? Trong những năm 2000, tôi bỏ nhiều thì giờ để nói về Chúa trên các diễn đàn Internet. Tôi chưa biết đó là phúc âm hóa. Và giám mục Dominique Rey vừa được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục địa phận Toulon khuyến khích tôi, nói đó là cách rao truyền phúc âm mới mà Đức giáo hoàng đã khởi xướng cách đây mấy năm: như tiếng click mở khóa cho giây phút quyết định đời sống Kitô hữu của tôi, vì Giáo hội gởi chúng tôi đi truyền giáo! Từ đó tôi liên tục mở ra các chương trình rao giảng phúc âm trên Net. Và khi tôi gặp người bạn đời của tôi, cũng như tôi, cô muốn đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của chúng tôi tên là Karol. Năm nay Karol lên 6! Cám ơn Chúa cho chúng con Giáo hoàng thánh này!”
Jean-Baptiste Maillard, tác giả quyển Thiên Chúa và Internet, 40 câu hỏi để châm lửa trên Web (EDB 2011).
Giọng của ngài vẫn còn vang trong đầu tôi – “Một kỷ niệm đáng nhớ? Đáng nhớ nhất chắc chắn là kỷ niệm: lần tham dự Ngày Giới Trẻ của tôi đầu tiên ở Rôma vào Ngày Lễ Lá năm 1984. Năm 1981 tôi đã gặp Đức Gioan-Phaolô II ở Lisieux, tôi đã thấy ngài ở Sainte-Anne d’Auray, Ngày Giới Trẻ Paris và nhiều dịp khác. Chúng tôi ngủ dưới đất ở một giáo xứ, 24 giờ ngồi xe kiệt sức vì xe cũ kỹ không tiện nghi, nhưng rẽ tiền đối với siêu việt chúng tôi! Thật là cả một bầu khí! Và một kỷ niệm không cách nào phai được: đêm canh thức cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Gioan-Phaolô II không dự trù là sẽ xuất hiện ở ban công dù chúng tôi thấp thỏm hy vọng rất nhiều, nhưng sau khi chúng tôi đọc nhiều kinh thì thấy ngài xuất hiện. Ngài đọc kinh Kính Mừng với chúng tôi. Tôi vẫn còn giữ giọng của ngài trong đầu. Tôi thường quay lại “cuốn phim”, cứ đến giây phút đó, tôi cảm thấy tình yêu của Đức Thánh Cha dành cho chúng tôi, lời nhắn của ngài thật thuyết phục, thuyết phục chúng tôi đi theo Chúa Kitô. Ngài biết nói với người trẻ! Đơn giản, nhiệt tình, khác thường! Chúng tôi sống một cái gì đó rất đặc biệt. Từ đó và chính xác lúc đó, tôi cảm nhận tôi thuộc về thế hệ của Đức Gioan-Phaolô II! Thánh Gioan-Phaolô II xin cầu bàu cho chúng con…”
Philippe Gosselin, nghị sĩ
Một nhà ngôn sứ vĩ đại – “Đối với tôi, Đức Gioan-Phaolô II là nhà ngôn sứ vĩ đại, ngài vẫn còn tiếp tục dạy chúng tôi. Vượt quá thần học về thân xác của ngài, ngài đã sống cụ thể qua cuộc đời của ngài, từ một thân thể tráng kiện của một kịch sĩ đến thể xác đau đớn giờ hấp hối của ngài, ai cũng biết điều này. Ngài là giáo hoàng của gia đình, trong bài giảng của ngài ở Washington vào tháng 10 năm 1979, ngài kêu gọi mọi người hãy đứng lên – “We will stand up” – để bảo vệ nhân phẩm, mãi mãi và ở mọi nơi. Bài giảng này vẫn còn tính thời sự cho đến bây giờ.”
Arnaud Bouthéon
“Thánh Gioan-Phaolô II là tổ phụ của đức tin. Chúng tôi có mặt trong Ngày Giới Trẻ, dù ngài đã yếu nhưng ngài luôn là món quà tặng cho người trẻ.
Pommeret
“Anh chị em đừng sợ! Câu châm ngôn vẫn còn nồng ấm mỗi ngày.”
Aliénor Atinault
“Lúc đó tôi 10 tuổi, gia đình tôi không giữ đạo, dù tôi đã được rửa tội nhưng tôi không thuộc một kinh nào hết, không một kinh! Rồi một ngày, trên màn hình đen trắng thời đó, tôi thấy tân giáo hoàng được bầu chọn. Đó là tháng 10 năm 1978. Sau khi nhìn các tấm hình đầu tiên của Đức Gioan-Phaolô II, tôi xin bà ngoại dạy tôi đọc kinh và bà đã dạy. Sau đó tôi xin được rước lễ và được thêm sức. Tất cả những việc này là nhờ Đức Gioan-Phaolô II. Tôi không biết tại sao, nhưng từ khi 10 tuổi, khi thấy ngài, tôi tự nhủ: Chúa Giêsu đã trở lại! Đi xem cho biết tại sao! Từ đó ngài là thiên thần hộ thủ và là người hướng dẫn tôi, bây giờ tôi sắp 47 tuổi, tôi có đức tin là nhờ ngài và như ngài đã nói, tôi không còn sợ gì dù cho có bệnh tật… Con xin cám ơn Thánh Gioan-Phaolô II.”
Arielle-Jeanne Poecker
“Khi ngài mất, tôi mới 8 tuổi nhưng ngài đã làm cuộc đời của tôi thay đổi. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy ngài trên đài truyền hình, tôi bị ám ảnh; nụ cười, lòng nhiệt tình của ngài đã làm cho tôi hiểu ngay, đây là người rất đặc biệt và có rất nhiều tình thương. Sau này khi lên năm đầu tiên trung học, tôi thảo một bức thư cho Đức Bênêđictô XVI để cả lớp cùng ký xin phong thánh cho ngài. Và ngày 23 tháng 4 năm 2014, tôi có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi quá sức cảm động vì thấy giấc mơ của mình đã thành sự thật. Trong lòng tôi, tôi đã cầu nguyện cho ngài được nên thánh từ rất lâu, tôi xin ngài cùng đồng hành với tôi trên con đường đức tin mỗi ngày, và ngài đã làm. Ngài luôn ở bên cạnh tôi, ngài là bạn của tôi và tôi chỉ biết cầu nguyện càng ngày càng nhiều hơn.”
Madison Mille
“Nhờ Thánh Gioan-Phaolô II mà tôi có được đức tin. Tôi theo dõi triều giáo hoàng của ngài; khi còn nhỏ tôi chưa được rửa tội nhưng tôi đã xúc động khi nhìn con người thánh thiện này giảng Lời Chúa. Tôi học giáo lý vào tháng mười hai… Ngài đã làm cuộc đời tôi thay đổi. Từ đó, tôi có đức tin và hạnh phúc được sống trong gia đình của Chúa Giêsu, tôi xin cám ơn ngài.”
Virginie Gada
“Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cho tôi biết thế nào là lòng thương xót và biết bí tích hòa giải nhân Ngày Giới Trẻ ở Manila.”
Anaig OEccher
“Lịch sử Giáo hội xứ Côte d’Ivoire của tôi đã được đánh dấu bởi Thánh Gioan-Phaolô II qua ba lần ngài đến thăm xứ tôi. Tôi thật sự xúc động. Thật không thể tưởng tượng được ngài quan tâm đến các dân tộc ở xa như vậy. Tôi cảm nhận mình là người công giáo đích thực. Tôi 19 tuổi khi ngài mất, tôi thật sự chưa biết các cuộc viếng thăm của ngài, tôi bắt đầu cầu nguyện với niềm xác quyết đây là một vị thánh đã rời chúng tôi… Con xin cám ơn Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.”
Fabrice Ochou
“Tôi nhớ lại lần ngài viếng thăm nước Pháp đầu tiên, ngài gọi nước chúng tôi là: Trưởng nữ của Giáo hội.”
Marianne Franco Pellegrino
“Kỷ niệm tôi có về Đức Gioan-Phaolô II là tôi cảm nhận ngài đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần.”
Catherine Sagna
“Khi tôi còn nhỏ, giấc mơ lớn nhất của tôi không những được thấy ngài Đức Gioan-Phaolô II mà còn được ngài ôm vào lòng, vì đối với tôi, ngài là “hiện thân của tình yêu”. Ánh mắt của ngài là ánh mắt để lại niềm vui và tình yêu của Chúa Giêsu. Khi nghe tin ngài mất, tôi chao đảo, tôi không hiểu vì sao Chúa lại để tôi như vậy mà tôi không nhận ra… Nhưng vài năm sau, tôi có được dịp may không thể tưởng tượng, tôi được đón tiếp ngài trong căn nhà của tôi, thánh tích của ngài ở trong nhà tôi một tháng! Giấc mơ đã thành sự thật, cuối cùng tôi được ôm “hình ảnh của tình yêu” này trong lòng! Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi dịp may này. Tôi nhận ra Chúa đã hành động. Nhưng Chúa hành động khi nào Ngài muốn và theo cách của ngài. Vậy mà tôi cứ trách Chúa đã bỏ tôi. Xin Chúa mở lòng con, con tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm trong cuộc đời con. ‘Ta đến để các con có sự sống!’”
Martin Chauvet
“Trong suốt thời gian dài bệnh tật, tôi đi theo ngài với các quyển sách, các suy niệm của ngài… Ngài đã che chở tôi và tôi đã lành ngày 2 tháng 4 năm 2006.”
Andrée-Luce Dubois
“Tôi biết Đức Gioan-Phaolô II qua quyển sách Ơn gọi của tôi, Món quà và Huyền nhiệm của ngài. Quyển sách này đã soi sáng trong tôi ước muốn của một ơn gọi qua Chúa Thánh Thần. Đức Gioan-Phaolô II thật sự là người của Chúa.”
Herbert Ndayiragije
“Nhờ Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II mà tôi trở thành người công giáo. Tôi 42 tuổi, tôi ở trong một gia đình không giữ đạo nhưng tôi được Đức Gioan-Phaolô II dạy dỗ. Đó là Giáo hoàng của tuổi thơ, tuổi trẻ và ngay cả bây giờ của tôi. Chính ngài đã khai mở đức tin cho tôi và cho tôi được gia nhập vào một gia đình mới, gia đình Kitô.”
Valérie Berna
“Hình ảnh của ngài ở Haiti năm 1986 vẫn còn trong ký ức của người công giáo. Ngài đã tuyên bố: “Phải có một cái gì thay đổi!”
Nasoj Simon
“Kỷ niệm của tôi là khi ngài ở cách tôi vài mét trong lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ ở Longchamp, Paris.”
Clotilde Lardoux
“Có một cái gì thanh thản nơi ngài mà tôi thấy thật phi thường, và như một người cha, ngài kết hiệp các dân tộc lại với nhau. A, ngài còn nói được nhiều thứ tiếng! Ngài là gương mẫu của tình yêu đến mức ngài còn đi thăm người đã muốn giết hại mình… Tôi hãnh diện vì giáo xứ của tôi mang tên ngài.”
Laety Guei
“Ngài dạy cho chúng tôi tình yêu tha nhân và lòng tha thứ.”
Bijou Shako
“Nhờ Thánh Gioan-Phaolô II mà chúng tôi biết được Ngày Giới Trẻ và chúng tôi có được mầu nhiệm thứ bốn của tràng chuỗi mân côi. Bao nhiêu là bối cảnh để chúng tôi hiểu và biết được Giáo hội Công giáo hơn. Thánh Gioan-Phaolô II xin cầu bàu cho chúng con!”
Antoinette Kodjo
“Tôi ấn tượng với tình yêu cao cả ngài dành cho Thiên Chúa của lòng thương xót và Mẹ của Đức Chúa Trời. Với ngài, tôi dám phó thác mình cho Chúa và tôi được sung mãn! Trong thời gian tôi được đào tạo ở chủng viện, các bài viết, các lời nói, các cử chỉ yêu thương của ngài với những người không có tiếng nói, những người ở bên lề đã cho tôi ước muốn được phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân. Tôi mới trưởng thành thì ngài đã về với Chúa, nhưng ngài là thánh Giáo hoàng của cuộc đời tôi. Hôm nay tôi là linh mục, càng ngày tôi càng nhận ra ơn gọi của tôi thật sự là một “món quà và là một huyền nhiệm”. Trọn một lòng!
Mọse Degodo
“Ngài đã làm cho tôi xúc động vô cùng, nhưng chỉ sau khi ngài chết, tôi mới biết ngài quan trọng đối với tôi như thế nào. Tôi đã khóc như khóc một người cha…”
Béal Chambon François
“Ngày 2 tháng 4 năm 2005, khi nghe tin Đức Gioan-Phaolô II mất, tôi cảm nhận thế giới như đang sống trong một bầu khí linh thiêng đặc biệt, bầu khí tiễn biệt một người thánh thiện đã về trời. Và lúc đó tôi xác quyết, khi một người thánh về trời, họ đem theo lời cầu xin của người ở nhân gian này về với Chúa và tôi quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy cha thánh, xin cha đánh con của con một trận, nhưng xin cha đánh nó nhè nhẹ.” Số là đứa con trai đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới của tôi cực kỳ mê xe, quên cả học hành. Nó trang trí chiếc xe như… cung vàng điện ngọc! Tối hôm sau, từ dưới phố, con tôi điện thoại về báo: “Mẹ ơi, con bị mất xe rồi!” Tôi ngỡ ngàng, tôi không ngờ lời cầu xin của tôi đã được nhận lời nhanh như vậy. Ai lấy được món đồ chơi này trong tay con tôi? Từ đó cháu không còn mê xe nữa và từng chuyện dần dần vào quy cũ. Bây giờ tôi hay nói với cháu: ‘Con là con của Đức Gioan-Phaolô II đó nghe.’” Tôi tạ ơn Đức Gioan-Phaolô II không bao giờ cho đủ.
Marta An Nguyễn dịch