Marie-Jo Thiel: “Không thể viện dẫn Kinh thánh cũng như truyền thống Giáo hội để buộc các linh mục phải sống độc thân”

119

Marie-Jo Thiel: “Không thể viện dẫn Kinh thánh cũng như truyền thống Giáo hội để buộc các linh mục phải sống độc thân”

Một chủ đề tranh luận không ngừng, đời sống độc thân của các linh mục kết tinh những hiểu lầm. Theo thần học gia Marie-Jo Thiel, bà đã viết một quyển sách về vấn đề này, luật không còn tính bắt buộc nhưng là tùy chọn. Có nguy cơ mất đi điều gì làm nên sự độc đáo của Giáo hội la-tinh không?

lavie.fr, Sixtine Chartier, 2024-10-09

Thần học gia Marie-Jo Thiel / Hình ảnh – JEAN MARMEISSE

Trong một thế giới tục hóa, việc linh mục độc thân tạo khó hiểu và hiểu lầm. Thậm chí còn hơn thế nữa vì các vụ bạo lực tình dục trong Giáo hội đã ngập tràn trên tin tức. Gần đây vụ Abbé Pierre đã làm mọi người ghê tởm. Trong Giáo hội, vấn đề này thường được giáo dân đặt lên bàn thảo luận, đặc biệt khi Đức Phanxicô loại nó ra khỏi các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng.

Là bác sĩ và là thần học gia, bà Marie-Jo Thiel viết quyển sách Ân sủng và Trọng lực (La Grâce et la Pesanteur, nxb. Desclée de Brouwer). Bà nghiên cứu nền tảng và những biện minh cho kỷ luật tình dục được các giáo sĩ từ thời Trung cổ áp dụng. Bằng ngôn ngữ uyên bác nhưng dễ tiếp cận, bà kêu gọi một tiến hóa, đi ngược lại truyền thống của Giáo hội. Bà giải thích trên báo La Vie.

Quần chúng nghĩ có mối liên hệ trực tiếp giữa đời sống độc thân của các linh mục và bạo lực tình dục của một số linh mục, như vụ Abbé Pierre gần đây. Như thế là hiểu lầm sao?

Thần học gia, bà Marie-Jo Thiel: Đúng, rõ ràng như vậy. Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ủy ban Ciase) giải thích rõ ràng, đời sống độc thân không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm dụng, nhưng là một phần trong cái nhìn nào đó về linh mục có thể tạo điều kiện cho lạm dụng sinh sôi. Sống như vợ chồng không bao giờ ngăn được tội bạo lực. Dù vậy, hiểu lầm vẫn tiếp diễn. Nhưng tôi nghĩ chính Giáo hội góp phần duy trì khi nhầm lẫn giữa độc thân, tiết dục và khiết tịnh.

Trong thực tế, đức khiết tịnh liên quan đến tất cả mọi người dù bậc sống của họ là gì. Thần học gia Xavier Theuvenot đã nói rõ ràng: castus (khiết tịnh) ngược với incastus (loạn luân). Loạn luân là không được hợp nhất, là phải cắt đứt. Tiết dục là kiêng quan hệ tình dục. Độc thân là không kết hôn. Vì thế chúng ta có thể sống độc thân mà không cần phải khiết tịnh và tiết dục.

Đức Phanxicô: “Abbé Pierre là tội phạm khủng khiếp”

Trong quyển sách của bà, bà nghĩ Giáo hội phải về với nghĩa vụ độc thân của các linh mục. Hành trình cá nhân của bà về chủ đề này là gì?

Tôi được giáo dục trong môi trường công giáo với ý tưởng bất kỳ đời sống thánh hiến nào cũng là một ân sủng đặc biệt, đến mức đôi khi tôi quên hôn nhân cũng là một ân sủng. Sau đó, tôi phát hiện các vụ tai tiếng tuyệt đối về những người thánh hiến hoặc các linh mục phạm tội lạm dụng. Điều này làm tôi tự đặt câu hỏi: đời sống độc thân có liên quan gì đến nó không? Dần dần, tôi nhận ra có nhiều yếu tố góp phần tạo những hành vi lạm dụng này, nhưng cũng có nhiều yếu tố góp phần vào việc che giấu. Chúng ta phải rất rõ ràng: đời sống độc thân không liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng. Nhưng đó là một trong những yếu tố có thể phối hợp với những yếu tố khác để góp phần tạo bạo lực trên trẻ vị thành niên hoặc với những người dễ bị tổn thương.

Làm sao đời sống độc thân phù hợp với cơ chế mục nát này?

Nền văn hóa giáo sĩ đặt linh mục lên trên giáo dân với sự bất cân xứng có thể là dốc trơn trượt dẫn đến nguy cơ bạo lực tình dục. Văn hóa này được ủng hộ bởi luật buộc sống độc thân, đặt họ lên bệ thờ trong quan hệ với giáo dân, được sự hỗ tương của họ, đôi khi cảm giác ưu việt làm cho giáo dân bị ấu trĩ hóa. Thêm vào đó họ có quá nhiều quyền lực, thường xuyên làm họ bị suy yếu, họ phân biệt đối xử với phụ nữ, và khó công nhận tính dễ bị tổn thương của chính mình… tất cả những yếu tố này phối hợp với nhau góp phần tạo nên chiều hướng “có hệ thống” được báo cáo Ciase nói rõ.

Theo Ủy ban Sauvé, tình dục vẫn là một chủ đề cấm kỵ trong Giáo hội

Nhưng bậc sống độc thân được một số linh mục đón nhận nồng nhiệt.

Đó là ơn được Thiên Chúa ban! Vì thế tựa đề của tác phẩm đảo ngược tựa đề quyển sách của triết gia Simone Weil: ân sủng, theo nghĩa ơn của Chúa đi trước sự nặng nề của xác thịt và thế gian, Thiên Chúa kêu gọi thời gian và ngược thời gian. Nhưng như Thánh Tôma Aquinô đã nói, ân sủng bao hàm bản chất. Điều này có nghĩa là nó phải mang lấy tính xác thịt, phải nhập thể để sinh hoa trái. Do đó, nó không thể tách rời khỏi trọng lực hấp dẫn chống lại nó, nhưng còn để kích thích nó. Sức hấp dẫn có thể được nâng lên nhờ tác động của ân sủng. Nếu ai được Thiên Chúa kêu gọi sống độc thân, tạ ơn Chúa! Nhưng tùy thuộc từng người. Ân sủng của Thiên Chúa luôn nảy mầm một cách độc đáo trong tâm hồn mỗi con người.

Ngoài vấn đề lạm dụng, bà xem lại các nền tảng của đời sống độc thân của các linh mục. Bà cho rằng ngày nay chúng không còn hoàn toàn có giá trị nữa. Vì sao?

Quyển sách của tôi không nói về đời sống độc thân của các linh mục, nhưng về nghĩa vụ sống độc thân. Vấn đề này không phải là giáo điều nhưng là kỷ luật. Vì thế yêu cầu về đời sống độc thân không phải là bất biến. Và việc xem lại nó có còn hợp lý hay không là hợp pháp. Bây giờ sau khi xem xét chi tiết, sau khi nhận định, tôi đi đến kết luận độc thân là một lựa chọn khả thi của một số người, nhưng việc trở thành linh mục không bắt buộc phải độc thân.

Truyền thống Giáo Hội từ những cộng đồng kitô giáo đầu tiên như thế nào?

Theo tôi, cả Kinh thánh lẫn truyền thống Giáo hội đều không thể được viện dẫn để buộc các linh mục phải sống độc thân. Chúa Giêsu đã cư xử một cách cực kỳ cởi mở với những người nam nữ ở thời đại của Ngài. Ngài tương đối hóa mạnh mẽ mọi liên quan đến việc thánh hóa tôn giáo: với Ngài, trái tim con người là trên hết chứ không phải ngày Sabát. Thánh Phaolô là một trong những người đầu tiên hiểu, ngài tổ chức các cộng đồng kitô giáo đầu tiên vào khoảng 20 năm sau khi Chúa Giêsu qua đời, dựa trên sự bình đẳng trong phép rửa tội.

Nữ thần học gia Marie-Jo Thiel được vinh danh vì công việc chống lạm dụng trong Giáo hội

Sau khi Thánh Phaolô qua đời, một lần nữa giá trị của phụ nữ bị giảm sút, càng ngày họ càng bị loại trừ, xa bàn thờ, phụ nữ bị cho là ô uế… Vào khoảng năm 200, đồng trinh được cho là cao hơn hôn nhân, hôn nhân bị cho là không đủ tư cách. Văn hóa tu viện ngày càng phát triển, văn hóa này được dùng để làm gương mẫu cho việc ưu tiên đời sống độc thân của các giáo sĩ. Và vào giữa thế kỷ thứ 3, những người cố gắng duy trì sự tiết dục, khiết tịnh và độc thân được cho là cao hơn giáo dân. Việc họ làm chủ được tình dục là dấu hiệu cho thấy sự làm chủ là cần thiết cho việc quản trị Giáo hội.

Bà nghĩ chúng ta có nên quay về mô hình ban đầu của Thánh Phaolô để tách rời bậc sống độc thân khỏi quyền lực giáo hội không?

Bằng cách duy trì tình trạng độc thân bắt buộc với các linh mục, chúng ta duy trì sự khóa chặt quyền lực-tình dục-giới tính, vốn là nguồn gốc của quyền lực giáo sĩ trong Giáo hội. Khi Thánh Phaolô xây dựng cộng đồng đầu tiên của ngài dựa trên sự bình đẳng trong phép rửa tội và sự đa dạng của các đặc sủng. Điều này làm giảm các mối quan hệ bất đối xứng giữa giáo sĩ và giáo dân và mở ra sự hợp tác. Công đồng Vatican II đã cố gắng trình bày điều này trong Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen Gentium, nhưng đã không theo được trực giác của mình, vì cần phải tìm ra những thỏa hiệp giữa người cấp tiến và người bảo thủ.

Chủ đề này không nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng, phiên họp thứ hai đã khai mạc tại Rôma ngày 1 tháng 10 với các giám mục (và một số giáo dân) từ khắp nơi trên thế giới. Bà có tiếc không?

Tình trạng các mục vụ và vấn đề về đặc sủng vẫn còn trong chương trình, vì thế vấn đề truyền chức cho các ông đã lập gia đình không bị loại trừ hoàn toàn. Nhưng trên thực tế, Giáo hội chỉ có thể tự cải cách bằng cách suy ngẫm về cách đọc Kinh thánh mới liên quan đến các mục vụ và đoàn sủng. Chúng ta nên tách biệt đặc sủng độc thân khỏi đặc sủng chức linh mục.

Con đường gập ghềnh của Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô muốn thay đổi Giáo hội như thế nào

Việc những người đương thời không còn hiểu việc sống độc thân bắt buộc là một trong những cánh cửa dẫn đến việc xin có một  thay đổi kỷ luật. Có phải sự lệch thời này là một cách tiên tri tốt không?

Tôi không nói ngược lại. Cuộc sống độc thân có tính chất lật đổ chủ nghĩa tiêu dùng trong thế giới chúng ta. Đó là dấu hiệu của lời kêu gọi theo sự tận căn của Phúc Âm. Tôi cho rằng đời sống độc thân có thể là trọng tâm của quan điểm này. Nhưng chúng ta không được đưa lý tưởng linh mục đi quá xa bằng cách đòi hỏi việc này với những người không có khuynh hướng này. 

Hình ảnh linh mục hiến dâng đời mình cho Tin Mừng gắn liền với đời sống độc thân. Chúng ta có mạo hiểm thay đổi khi tách chức linh mục với đời sống độc thân không?

Nếu bà hỏi các linh mục đã kết hôn trong Giáo hội công giáo la-mã – vì có một số trong Giáo hội phương Đông, các ông góa bụa hoặc mục sư của các Giáo hội khác chuyển sang Giáo hội công giáo -, cuối cùng chúng ta nhận thấy cuộc sống gia đình không có vấn đề gì. Những người bình thường sẽ nói với chúng ta điều này giúp linh mục hiểu họ hơn. Và chức linh mục có thể cùng tồn tại với một nghề, miễn là nó không quá xâm phạm, nghề nghiệp là một sinh kế.

Nhật ký Thượng Hội đồng: Lời kêu gọi hoán cải của Thượng hội đồng

Hôn nhân có miễn được tình trạng mệt mỏi hay cô đơn không?

Chúng ta cũng đừng lý tưởng hóa hôn nhân! Giống như cuộc sống độc thân, hôn nhân không phải là dòng sông dài yên tĩnh. Nhưng cả hai đều là những con đường để đi. Và việc linh mục buổi tối có thể chia sẻ niềm vui với người bạn đời có thể giúp họ bớt căng thẳng.

Bà đề xuất một giải pháp là truyền chức cho các ông đã lập gia đình (viri probati) giống như các Giáo hội Đông phương, hiện nay trong các Giáo hội này, các linh mục chưa lập gia đình được xem trọng hơn các linh mục đã kết hôn. Độc thân luôn là một yếu tố của thứ bậc.

Đối với mô hình Đông phương, tôi thích mô hình đoàn sủng quay trở lại sự bình đẳng trong bí tích rửa tội. Đời sống độc thân là một trong những cánh cổng khả thi để phi giáo sĩ hóa Giáo hội, nhưng nó không phải là cánh cổng duy nhất. Chúng ta đừng quên chúng ta ở trong một hệ thống nơi tất cả các yếu tố hoạt động tương tác nhau. Khi bạn kéo một sợi chỉ, toàn bộ quả bóng sẽ ở phía sau: mục vụ, phụ nữ, chăm sóc mục vụ và cả vấn đề đọc Kinh thánh, luôn được đọc theo căn tính của người đọc.

Bà là thần học gia nhưng cũng là bác sĩ. Kỹ năng bác sĩ mang lại cho bà điều gì?

Quá trình đào tạo y khoa cho tôi những hiểu biết về hoạt động của cơ thể và tâm lý. Nó luôn ẩn sâu trong cách nhận thức của tôi, ngay cả khi nó không xuất hiện đầu tiên. Điều này rất cần thiết vì chúng ta có thể nhanh chóng suy luận một cách trừu tượng. Ngoài y học, khoa học nhân văn còn góp phần vào hoạt động của cơ thể con người. Chúng rất cần thiết để hiểu con người một cách tổng thể. Bởi vì chính con người phức tạp này là lời của Chúa Kitô: “Hãy theo Ta!”

Ân sủng và Trọng lực, Marie-Jo Thiel, nhà xuất bản Desclée de Brouwer.

Marta An Nguyễn dịch