Lạm dụng tình dục: Bà Natalia Trouiller xem xét kỹ sự tiến bộ và những điểm mù của Giáo hội

65

Lạm dụng tình dục: Bà Natalia Trouiller xem xét kỹ sự tiến bộ và những điểm mù của Giáo hội

Ba năm sau khi công bố báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Báo cáo Sauvé), bà Natalia Trouiller, tác giả, cựu giám đốc truyền thông của giáo phận Lyon đã thành nhân viên hỗ trợ nạn nhân, bà đưa ra quan điểm không khoan nhượng về việc quản lý bạo lực tình dục trong Giáo hội.

la-croix.com, Héloïse de Neuville, 2024-10-06

Bà Nathalie Trouiller, tác giả, cựu giám đốc truyền thông của giáo phận Lyon / Flavien Edenne –  La Croix

Xin bà cho biết về bà và bà khám phá chủ đề bạo lực tình dục trong Giáo hội như thế nào? 

Bà Natalia Trouiller: Tôi đã lập gia đình, là mẹ của ba đứa con, đó là công việc chính của tôi (Cười). Tôi là nhà báo của báo công giáo và tôi cũng là tác giả. Năm 2013, tôi được yêu cầu phụ trách truyền thông cho giáo phận Lyon và tôi đã làm việc hai năm rất tốt đẹp ở đây. Năm 2015, tôi bị bệnh và dần dần nghỉ việc. Năm sau, vấn đề bạo lực tình dục nổi lên ở giáo phận với các vụ lạm dụng ấu dâm của linh mục Preynat.

Tôi bị sốc nhưng chưa lập tức dự vào cuộc chiến. Thậm chí tôi còn bảo vệ Hồng y Barbarin, tôi thấy thật bất công khi ngài là biểu tượng của cái ác tuyệt đối, thậm chí còn vượt xa trường hợp của linh mục ấu dâm Bernard Preynat. Nhưng Báo cáo Ciase năm 2021 như một cú sét đánh từ trên cao. Khi đó tôi hiểu chúng tôi phải xắn tay áo. Trên Twitter, tôi bắt đầu nói về nỗi đau của các nạn nhân và dần dần tôi thu thập chứng từ của họ.

Hiện nay bà làm công việc gì với các nạn nhân bạo lực tình dục và thiêng liêng trong Giáo hội công giáo?

Tôi nhanh chóng hiểu, chỉ nghe thôi chưa đủ. Các nạn nhân không chỉ làm chứng về bạo lực mà còn về việc Giáo hội thiếu phản ứng thích đáng. Thật đáng sợ, vì nếu việc chạm trán với kẻ săn mồi có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong Giáo hội, thì nạn nhân sẽ phải chịu thêm một loạt hình phạt nữa. Công lý theo giáo luật quan tâm đến sự cứu rỗi của linh mục hơn là của nạn nhân, các nạn nhân thường bị bỏ mặc trong sự thiếu hiểu biết và đôi khi còn bị loại trừ khỏi cộng đồng.

Công việc của tôi trước hết là vì tình bạn: tôi duy trì liên lạc, tôi nhận được tin tức dù nguồn lực dường như đã cạn kiệt. Sự hỗ trợ này là cần thiết để phá vỡ sự cô đơn của họ. Sau đó, tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người. Tôi giúp họ định hướng trong các ngõ ngách của giáo luật, tòa án, luật sư, tâm lý gia… Cùng với đội ngũ giáo dân giúp, tôi cố gắng đưa ra các giải pháp phù hợp.

Kể từ khi báo cáo Sauvé được công bố năm 2021, bà thấy Giáo hội đã tiến bộ như thế nào?

Việc công bố báo cáo Sauvé là hết sức cần thiết để chúng ta hiểu lạm dụng trong Giáo hội là một hiện tượng mang tính hệ thống ở một quy mô rộng lớn. Nhưng ngày nay tôi thấy vấn đề ở chỗ, nhiều người dựa vào tầm nhìn hiệu quả của Báo cáo này, như thể vì nó đã diễn ra nên mọi thứ đang diễn ra trong giáo phận là tốt, không còn “lạm dụng nào” nữa. Nhưng lạm dụng luôn luôn có. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta áp dụng quy trình nào để khi có lạm dụng, các vụ này sẽ được xử lý một cách chuyên nghiệp ngay lập tức để hành vi này không tiếp tục tác hại trên người khác và kẻ lạm dụng sẽ bị vô hiệu hóa.

Cụ thể, trong những năm gần đây, sau các vụ lạm dụng đã được biết, nhiều linh mục bị trừng phạt không bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, lại được đưa về những nơi họ có thể lạm dụng tiếp trên các nạn nhân khác. Làm thế nào để hành động?

Tôi không có tất cả các câu trả lời, nhưng tôi thấy có một ảo tưởng nguy hiểm chúng ta cương quyết phải đấu tranh: Tôi thường nghe tốt hơn nên để các linh mục lạm dụng tiếp tục công việc và Giáo hội giám sát. Nhưng hoàn toàn sai. Giáo hội không có phương tiện để giám sát kẻ xâm lược cũng như không chống lại kẻ thao túng. Các giám mục và linh mục không phải là cai ngục, họ không được đào tạo để làm việc này. Đó là trách nhiệm họ không thể gánh vác.

Thông thường, các linh mục này được đặt vào những vị trí ít bị lộ diện hơn một chút, ở đó, cộng đồng không biết, họ không được phép gặp phụ nữ hoặc trẻ em, cũng như không được hỗ trợ, nhưng cuối cùng điều này lại biến thành một vụ tái phạm. Giáo hội phải ý thức Giáo hội không có phương tiện cũng như kỹ năng để kiểm soát kẻ gây hấn hoặc kẻ thao túng. Nếu muốn các biện pháp trừng phạt có hiệu quả tối thiểu, Giáo hội không thể thoát khỏi cuộc tranh luận về việc công bố các hành động này. Sự minh bạch là đồng minh của việc tôn trọng các biện pháp trừng phạt do Giáo hội áp đặt và bảo vệ tín hữu.

Tương tự như vậy, trong những tháng gần đây, tin tức tiết lộ một số linh mục lạm dụng đã được giám mục bổ nhiệm bất chấp sự phản đối của hội đồng chủng viện. Đây có phải là một vấn đề phổ biến?

Tất nhiên. Chúng ta có các giám mục, và tôi hiểu họ, họ ở trong các giáo phận không thể đứng vững theo nghĩa đen của thuật ngữ này. Quá nhiều giáo họ, quá nhiều việc phải làm. Họ bị áp lực rất lớn để có linh mục. Vì vậy, họ thỏa hiệp với các linh mục này, đây là một vấn đề rất lớn. Thay vì chạy theo con số, tôi muốn chúng ta bắt đầu bằng một suy tư thần học về sa mạc mà Giáo hội đang trải qua.

Bà thấy có những tiến bộ nào trong cuộc chiến chống bạo lực tình dục trong Giáo hội không?

Tôi thấy có hai tiến bộ chính: việc thành lập tòa án hình sự giáo luật quốc gia (TPCN) và các Ủy ban bồi thường (CRR). Tòa án hình sự là một bước tiến quan trọng, giúp cho công việc của các giáo phận, một điều hoàn toàn cần thiết, họ được đào tạo để lo các vụ án và khi họ xét xử, họ làm tốt, nhưng vì thiếu phương tiện nên họ làm việc chậm.

Về Ủy ban bồi thường, họ làm việc rất tốt khi làm việc tự nguyện, khi không tự nguyện thì đó là một con đường gay go. Inirr – cơ quan bồi thường cho các nạn nhân vị thành niên của các linh mục giáo phận – đã thành công tốt. Họ đưa ra những quy trình thậm chí chưa có ở nơi nào khác, họ đặt nạn nhân vào trọng tâm. Tôi thán phục công việc của họ. Và nếu các Ủy ban khác làm theo cách làm của họ thì thật tốt đẹp.

Còn cách Giáo hội xử lý các trường hợp bạo lực tình dục và thiêng liêng với người lớn thì như thế nào?

Trong Giáo hội, có quan điểm cho rằng lạm dụng người lớn không thực sự là lạm dụng vì về cơ bản, người lớn có phương tiện để nói lên sự không đồng ý của họ, không giống như trẻ em. Điều này đúng, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua các hình thức chế ngự tinh thần có hệ thống trước mỗi tấn công tình dục. Bạo lực tình dục thường là mắt xích cuối cùng trong chuỗi áp đặt quyền lực trên người khác. Một ý tưởng đã định sẵn: hậu quả của tấn công trên người lớn sẽ ít nghiêm trọng hơn. Nhưng đặt câu hỏi như vậy là bắt đầu từ việc nạn nhân cố gắng đánh giá tác hại của họ. Bây giờ chúng ta phải bắt đầu từ Chúa.

Nói chung, việc dùng Chúa để thao túng sự mật thiết thiêng liêng nhất của con người, dù họ là người lớn hay trẻ em, có nghiêm trọng không?

Câu trả lời của tôi là có, nó rất nghiêm trọng. Và hậu quả sẽ khác, dù người lớn nhưng khi chúng ta đặt niềm tin vào người của Chúa thì chúng ta cũng như trẻ con cần đến người mẹ. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, chúng ta đầu hàng và chúng ta từ bỏ phần thiêng liêng nhất của chính mình. Và phần thiêng liêng nhất này bị ô uế, bị chà đạp. Như thế dù trẻ em hay người lớn, chuyện này thật kinh tởm. Sẽ có những hậu quả vô cùng tàn khốc. 

Theo bà, vấn đề chính mà Giáo hội phải tiến tới để trở nên đáng tin cậy trong việc điều trị và ngăn ngừa bạo lực tình dục là gì?

Giáo hội phải chuyển từ phản ứng sang chủ động. Chúng ta phải ngừng loại phản ứng đơn giản trước các vụ bê bối và công bố những thông cáo báo chí như: “Chúng tôi thất vọng khi biết linh mục…”. Hai tháng sau, chúng ta biết các cấp cao đã biết việc này, họ chờ vụ bê bối nổ ra trên báo chí để lên án.

Ngay khi một nạn nhân tiềm năng xuất hiện hoặc được biết đến, chúng ta nên tiến hành kêu gọi nhân chứng nhưng phải tôn trọng quy luật suy đoán vô tội. Điều quan trọng là phải bảo đảm hỗ trợ cụ thể cho các nạn nhân: tiếp xúc với các giám mục, thanh toán chi phí chăm sóc, chi phí pháp lý. Chính nhờ hành động chủ động và minh bạch mà Giáo hội mới có thể lấy lại được uy tín trong cuộc chiến chống lạm dụng.

Marta An Nguyễn dịch