Tham nhũng, thiếu minh bạch, biển thủ: Thách thức của Đức Lêô về tình trạng tài chính của Vatican
Bị loại khỏi mật nghị nhưng chưa hoàn toàn thất sủng, Hồng y Becciu ngoài 70 vẫn tham dự các cuộc họp tiền mật nghị. Ở Vatican ngày 5 tháng 5 © Pascal Rostain cho Paris Match
parismatch.com, François de Labarre, 2025-05-14
Hồng y Becciu là gương mặt tiêu biểu cho những bê bối tài chính làm mục nát giáo triều. Đây là một việc làm vừa cấp bách vừa nguy hiểm của Đức Lêô.
Ngày thứ ba 6 tháng 5, một người đi vội vã trên Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ giữa các hàng cột. Đó là Hồng y Angelo Becciu, ngài nóng lòng muốn đọc báo. Từng là người giật dây và đỡ đầu cho các mạng lưới tài chính mờ ám. Trong phiên xử sơ thẩm ngài bị kết án năm năm rưỡi tù vì tội gian lận và biển thủ công quỹ. Nhà báo và tác giả nổi tiếng Gianluigi Nuzzi viết trên nhật báo La Stampa: “Hành trình của một hồng y, biểu tượng cho cuộc chiến chống tham nhũng mà Đức Phanxicô quyết liệt theo đuổi, nhưng với một số người, đây là một việc bất công.”
Bài viết được đưa ra vào lúc chiến dịch truyền thông nhằm bôi nhọ công việc của công tố viên Alessandro Diddi đang ở cao điểm. Bị cho là nghiêm khắc, hồng y vướng vào các bẫy của các phe nhóm ở Vatican giăng ra. Mười hai năm nỗ lực của Đức Phanxicô vẫn không đủ để ngài thực hiện các lời hứa của mình. Hệ thống tư pháp của Tòa Thánh không đủ sức chống lại tội phạm tài chính. Sau nhiều thập niên dung túng, lẽ ra phải có cả một đội ngũ thẩm phán mới giải quyết nổi vấn đề. Năm 2020, các chuyên gia đã viết: “Số lượng thẩm phán quá ít.” Năm 2025, tình trạng vẫn không thay đổi.
Người gắn liền với cuộc chiến này là Hồng y Angelo Becciu, 76 tuổi. Là nhà ngoại giao lão luyện, kín tiếng theo kiểu người Sardegna, ngài đã làm sứ thần Tòa Thánh tại Angola rồi Cuba năm 2009. Hai năm sau, ngài về Rôma để đảm nhiệm chức vụ chiến lược là Phó Quốc vụ khanh. Ngài từng nói “ngài không hào hứng làm việc ở Giáo triều”. Để thuyết phục ngài, Hồng y Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh của Đức Bênêđictô XVI đã ca ngợi đội ngũ “đoàn kết và tài giỏi”, nhưng điều này không đúng. Hồng y Becciu nhanh chóng hòa nhập và làm theo những gì “hệ thống” yêu cầu. Trong phiên tòa, ngài nói ngài “theo sát thông lệ của các vị tiền nhiệm”. Theo nhà vatican học Marco Politi, Vatican vẫn là một “thuộc địa của Ý”. Và Phủ Quốc vụ khanh là trung tâm quyền lực.
Danh sách đen
Đức Bênêđictô XVI đã siết chặt quản lý, tăng thêm minh bạch. Ngài thành lập cơ quan giám sát tài chính và ban hành luật chống rửa tiền đầu tiên. Ngài tự hào về điều này. Nhưng cố vấn tài chính thân cận nhất của ngài lại là người phản bội lớn nhất: Hồng y Bertone bị cáo buộc làm luật mất tác dụng và cho sa thải Chủ tịch Viện Giáo vụ (IOR) – ngân hàng Vatican – một người thân cận với Giáo hoàng. Không những không báo trước cho Đức Bênêđictô XVI, Hồng y Bertone còn viện cớ một “báo cáo tâm lý” được một người quen viết qua loa sau bữa ăn tối để hợp thức hóa việc sa thải. Giới chuyên gia châu Âu lo lắng. Người Mỹ đưa Vatican vào “danh sách đen” của các ngân hàng quốc tế và cắt đứt quan hệ. Trong nhiều tháng, không ai điều khiển được tình hình. Hàng triệu âu kim bốc khói.
Ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, du khách vào xem Bảo tàng viện Vatican không thể dùng thẻ ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Ý ngừng dịch vụ thanh toán điện tử. Lý do: “Ngân hàng hoàn toàn không có biện pháp chống rửa tiền.”
Cải cách của Đức Phanxicô
Vấn đề được giải quyết ngay sau khi Đức Phanxicô đắc cử. Ngài khởi xướng hàng loạt cải cách và thành lập Ban Thư ký Kinh tế, giao cho Hồng y George Pell người Úc đứng đầu. Với vóc dáng cao to 1m95, Hồng y Pell tuyên bố sẽ mở cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng. Nhóm của ngài gõ cửa khắp nơi để đòi sổ sách kế toán. Mục tiêu: xác định nguồn gốc và các khoản tiền đi đâu. Một thành viên kể lại: “Chúng tôi như các chú giúp lễ, chúng tôi nghĩ uy quyền Giáo hoàng là đủ, nhưng Giáo triều không hợp tác. Họ cản trở tất cả. Chúng tôi chỉ dừng lại ở bề mặt, và ai cũng nghĩ chúng tôi chẳng trụ được lâu.” Hồng y Bertone bị buộc phải rút lui về căn hộ 700 mét vuông, được sửa sang bằng tiền của Bệnh viện Nhi đồng Gesù. Lúc này Hồng y Becciu là người nắm thực quyền trong giáo triều, ngài ra vào văn phòng giáo hoàng như nơi không người.
Ngày 28 tháng 6 năm 2018, Đức Phanxicô phong Giám mục Angelo Becciu làm hồng y và bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Phong thánh, cơ quan đảm trách các tiến trình phong chân phước và phong thánh. © Alessandra Tarantino/AP/SIPA
Một điểm tích cực của Đức Phanxicô: nhóm của Hồng y George Pell đã dọn sạch ngân hàng Vatican, nơi bị tai tiếng từ thập niên 1980. 5.000 tài khoản của người trốn thuế bị xóa. Chủ tịch Chủ tịch Viện Giáo vụ IOR Jean-Baptiste de Franssu tuyên bố Vatican không còn là thiên đàng trốn thuế. Có vẻ mọi việc đang đi đúng hướng. Một cuộc kiểm toán được giao cho hãng Price Waterhouse Coopers, nhưng Hồng y Becciu tuyên bố hủy bỏ. Một động tác đánh lạc hướng khác: Cơ quan Quản lý Tài sản Tòa Thánh (Apsa) – một tổ chức tài chính khổng lồ – đột ngột không còn bị cơ quan giám sát tài chính quốc tế kiểm soát.
Apsa quản lý tài sản động sản và bất động sản của Tòa Thánh, nhưng theo thời gian, đã giành được những quyền hạn mơ hồ và quá rộng: như một quỹ đen cho các “nhiệm vụ đặc biệt” và là ngân hàng song song cho “bạn bè của giáo triều”. Điều tra tư pháp đã phát hiện khoảng 100 tài khoản mã hóa do Apsa quản lý ở Thụy Sĩ, đặc biệt tại Ngân hàng BSI – nơi đã bị cơ quan giám sát tài chính Thụy Sĩ giải thể năm 2016. Hồng y George Pell tin rằng còn nhiều điều chưa được khám phá, nhưng ngài bị buộc phải dừng lại. Bị cáo buộc lạm dụng, ngài rời Vatican để về Úc hầu tòa. Bị kết án và ngồi tù 400 ngày tại trại giam an ninh cao, ngài được Tòa án Tối cao tuyên bố trắng án hoàn toàn. Khi về lại Vatican năm 2020, ngài tố cáo Hồng y Becciu âm mưu gài bẫy ngài. Ngài yêu cầu điều tra các khoản chuyển tiền từ Phủ Quốc vụ khanh chuyển sang Úc, nghi ngờ đó là số tiền chi cho người tố cáo. Hồng y Becciu phủ nhận. Vụ việc dừng lại tại đó.
Vụ án “London”
Các thẩm phán Vatican bận rộn với vụ “London”. Năm 2014, Phủ Quốc vụ khanh giao “quỹ chiến lược” 200 triệu đô-la cho nhà đầu tư Ý-Anh Raffaele Mincione. Người này đầu tư thua lỗ, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu euro nhờ hoa hồng và lợi tức vô lý. Đổi lại, Vatican nhận về một tòa nhà ở London và một khoản nợ. Năm 2020, Đức Phanxicô tức giận khi biết sự việc. Người kế nhiệm hồng y Becciu là Đức ông Peđa Parra lại tiếp tục mắc sai lầm. Vatican dính thêm vụ lừa đảo và cuối cùng phải bán lỗ tòa nhà. Tổng thiệt hại: 140 triệu âu kim. Hậu quả nặng nề hơn: các khoản tiền đóng góp bị sụt giảm nghiêm trọng.
Năm 2020, Hồng y Becciu bị liên lụy trong một vụ án, liên quan đến một tòa nhà sang trọng ở London. © Gregorio Borgia/AP/SIPA
Hồng y Becciu là người đầu tiên bị truy tố, bị nghi ngờ là trung tâm của một hệ thống tài chính mờ ám. Ngài còn bị tố ghi âm lén cuộc trò chuyện với Đức Giáo hoàng. Cùng thời gian đó, ngài chuyển 575.000 âu kim cho một nữ cố vấn với lý do giúp giải cứu một nữ tu người Colombia bị bắt cóc ở Mali. Nhưng số tiền lại bị bà cố vấn này chi tiêu trong các khách sạn sang trọng, mua sắm các vật dụng xa xỉ, Hồng y cho đó là “âm mưu bôi nhọ”, nhưng Đức Phanxicô không lay chuyển. Ngày 24 tháng 9 năm 2020, ngài buộc Hồng y Becciu từ chức, bị tước bỏ mọi quyền hạn. Theo ý nguyện của Đức Phanxicô, Hồng y Becciu không được dự mật nghị tiếp theo.
Cái chết của Hồng y George Pell
Thời gian trôi qua. Đức Phanxicô qua đời. Ngày 5 tháng 5 năm 2025, từ cửa sổ dinh thự trên cao của Bộ Giáo lý Đức tin, Hồng y Becciu nhìn các hồng y vào phòng mật nghị. Sau khi tuyên bố ngài sẽ dự mật nghị, cuối cùng Hồng y từ bỏ tham dự. Báo chí Ý cố tô vẽ cho ngài, nhưng chẳng ích gì. Các nhà tài trợ Mỹ từng đến Rôma với mong muốn Vatican phải làm trong sạch bộ máy không nhân nhượng. Trong một cuộc gặp, Hồng y Becciu bị cho là “kẻ trộm, là kẻ sát nhân”.
Các nhóm bảo thủ Anglo-Saxon chưa nguôi vụ George Pell. Tháng 1 năm 2023, hồng y Pell đột ngột qua đời ở Rôma vì biến chứng tim sau ca mổ nhẹ. Điều kỳ lạ: khi linh cữu về Úc, người thân mở ra thì thấy thi thể ngài trong tình trạng bẩn thỉu, mặc sơ sài, thân thể bầm tím. Nhiều người cho rằng ngài bị sát hại. Một số khác cho đó là thông điệp cuối cùng của “giới giang hồ”: “Tạm biệt Hồng y…” Một lần nữa, vụ việc chìm xuồng. Nhưng giáo dân Mỹ đang ở Rôma rất đông cảnh giác. Năm 2013, họ đã tụ họp ngoài mật nghị để yêu cầu minh bạch triệt để tài chính, cải tổ cơ cấu quản trị. Lần này, họ sẽ không chấp nhận thỏa hiệp. Họ biết ngân hàng Apsa vẫn chưa bị cơ quan giám sát tài chính kiểm soát. Các báo cáo tài chính của Apsa được công bố nhưng không được kiểm toán độc lập. Theo nguồn tin của chúng tôi, một công ty quản lý gần đây đã từ chối thực hiện các lệnh đầu tư do lo ngại rửa tiền: “Họ sợ rằng các khoản tiền từ Apsa sẽ ‘làm nhiễm bẩn’ các kênh tài chính khác của Vatican.”
Được các nhà tài trợ Mỹ hậu thuẫn, Đức Lêô XIV biết rõ chương trình hành động của ngài: phải đặt Apsa dưới sự giám sát của một cơ quan kiểm tra, kiểm toán tài khoản qua một tổ chức độc lập và làm rõ chức năng của tổ chức này. Ngài cũng phải buộc các cơ quan áp dụng các quy tắc do Đức Phanxicô đề ra nhưng chưa bao giờ thực thi: giao việc quản lý tài khoản ủy thác cho một mình ngân hàng Vatican và đảm bảo Hội đồng đạo đức có thể thực sự hoạt động. Chỉ khi đó mới có thể khẳng định tài chính Vatican đã được làm sạch. Còn về Hồng y Becciu, nếu được tòa án Vatican tha bổng, ngài sẽ không nhận được chìa khóa vào thiên đàng mà chỉ là chìa khóa căn phòng của một viện dưỡng lão.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền
Đức Lêô XIV, “giáo hoàng toán học” nói lên sự thống nhất của đức tin và lý trí
Hồng y Tagke: “Đức Lêô XIV là mục tử lãnh đạo bằng cách lắng nghe mọi người”
Huấn luyện viên Valerio Masella kể về việc tập thể dục thể thao cho Đức Lêô
Xin cho tôi biết Giáo hoàng Lêô nào ám ảnh bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là Giáo hoàng nào!
Bài giảng đầu tiên của Đức Lêô XIV
Phụng vụ mới được Đức Lêô mong muốn cho lễ khai mạc triều của ngài