Hồng y Tagke: “Đức Lêô XIV là mục tử lãnh đạo bằng cách lắng nghe mọi người”

55

Hồng y Tagke: “Đức Lêô XIV là mục tử lãnh đạo bằng cách lắng nghe mọi người”

vaticannews.va, Alessandro Gisotti, Vatican, 2025-05-16

Hồng y Luis Antonio Tagle phụ trách Bộ Loan báo Tin Mừng chia sẻ với Truyền thông Vatican về kinh nghiệm mật nghị và những bước khởi đầu của Đức Lêô XIV. Hồng y Tagle đã gặp Hồng y Robert Francis Prevost khi ngài còn là Bề trên Tổng quyền Dòng Âugustinô. Hồng y xúc động khi nhắc đến Cố Giáo hoàng Phanxicô.

vaticannews.va, Alessandro Gisotti, Vatican, 2025-05-16

Trong mật nghị ở Nhà nguyện Sistine, hai người ngồi cạnh nhau. Giờ đây, Hồng y Tagle và Đức Lêô gặp lại nhau trong buổi tiếp kiến ở Dinh Tông tòa, một tuần sau công bố Habemus Papam và phép lành Urbi et Orbi đầu tiên của Đức Lêô XIV. Hồng y Prevost và Hồng y Tagle đã quen biết nhau từ nhiều năm, cùng cộng tác chặt chẽ trong hai năm qua tại các cơ quan của Giáo triều: Hồng y Prevost đứng đầu Bộ Giám mục, Hồng y Tagle đứng đầu Bộ Loan báo Tin Mừng. Trong cuộc phỏng vấn với Truyền thông Vatican, Hồng y phác họa chân dung của Tân Giáo hoàng, ngài chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng trong mật nghị và xúc động nhớ lại Đức Phanxicô.

Thưa Hồng y, Đức Lêô XIV vừa bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng sau một mật nghị diễn ra nhanh chóng. Xin Hồng y cho biết Hồng y ấn tượng gì nhất nơi Đức Lêô?

Hồng y Luis Antonio Tagle: Tôi gặp Đức Lêô lần đầu tiên ở Manila và gặp ngài ở Rôma khi ngài làm Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Augustinô. Từ năm 2023, chúng tôi cùng làm việc tại Giáo triều. Ngài có khả năng lắng nghe sâu sắc và kiên nhẫn. Trước khi quyết định, ngài dành thì giờ để học hỏi và suy tư. Ngài bày tỏ cảm xúc và quan điểm nhưng không áp đặt. Ngài được chuẩn bị tốt về mặt trí tuệ, văn hóa, ngài khiêm nhường và không phô trương. Trong quan hệ, ngài mang lại sự ấm áp thanh thản, được tôi luyện qua cầu nguyện và kinh nghiệm truyền giáo.

Trước mật nghị, nhiều người nói về một Giáo hội chia rẽ, các Hồng y lúng túng khi chọn Tân Giáo hoàng. Nhưng cuối cùng ngài đã được bầu ở ngày thứ hai. Xin cha cho biết, sau mật nghị năm 2013, kinh nghiệm mật nghị lần này như thế nào?

Trước những biến cố lớn mang tầm mức thế giới, chúng ta phỏng đoán, phân tích, dự báo: mật nghị không thoát khỏi ngoại lệ này. Tôi xem việc dự hai mật nghị là một ân huệ. Năm 2013, Đức Bênêđictô XVI vẫn còn sống; năm 2025, Đức Phanxicô đã qua đời. Hoàn cảnh và bầu khí của hai lần khác nhau. Tuy nhiên, có những điểm không thay đổi. Lúc đầu, tôi thắc mắc vì sao phải mặc áo ca đoàn trong mật nghị. Sau đó tôi hiểu: mật nghị là hành vi phụng vụ, là thời gian và không gian của cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cảm hứng của Thánh Thần, những lời đau buồn của Giáo hội, của nhân loại và của Tạo dựng. Đó cũng là giây phút thanh luyện nội tâm và cộng đoàn, nhưng trên hết là thờ lạy Chúa, và ý Chúa phải được tôn vinh. Đức Phanxicô và Đức Lêô đều được bầu vào ngày thứ hai. Mật nghị dạy cho các gia đình, giáo xứ, giáo phận, dân tộc hiểu sự hiệp nhất tâm hồn và trí tuệ là có thể, nếu chúng ta thờ phượng Thiên Chúa.

Tại Nhà nguyện Sistine, cha ngồi cạnh Hồng y Prévost. Khi đủ 2/3 số phiếu, phản ứng của Hồng y Prevost như thế nào?

Đó là phản ứng đan xen giữa nụ cười và hơi thở sâu lắng. Vừa chấp nhận ý Chúa, vừa sợ một nỗi sợ thiêng liêng. Tôi thinh lặng cầu nguyện cho ngài. Khi số phiếu đủ, tiếng vỗ tay vang lên cũng như lần Đức Phanxicô được bầu. Các Hồng y bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn với người anh em Prévost. Nhưng đó cũng là giây phút riêng giữa Chúa Giêsu và Hồng y – một khoảnh khắc chúng tôi không thể và không nên xâm phạm. Tôi tự nhủ: “Hãy để thinh lặng thần thánh bao phủ Đức Giêsu và Phêrô.”

Sau người con của Thánh I-Nhã bây giờ đến người con của Thánh Augustinô. Theo cha điều này mang ý nghĩa gì?

Thánh I-Nhã và Thánh Augustinô có nhiều điểm chung. Cả hai đều đã sống cuộc sống thế tục, đều trải qua những băn khoăn thao thức làm cho họ lên đường. Rồi vào thời điểm Chúa định, họ gặp Đức Giêsu, Đấng lòng họ hằng khao khát: “Lạy Chúa, Ngài là vẻ đẹp luôn xưa cổ và luôn mới. Lạy Chúa của muôn loài.” Các “trường phái” Augustinô và Inhaxiô đều bắt nguồn từ ân sủng và lòng thương xót, giải phóng trái tim để yêu thương, để phục vụ và lên đường truyền giáo. Với tinh thần Augustinô, Đức Lêô XIV sẽ tiếp nối tinh thần Inhaxiô của Đức Phanxicô. Tôi tin Giáo hội và nhân loại được hưởng nhờ các ân huệ này. Thánh I-Nhã và Thánh Augustinô cũng như các thánh khác đều là kho tàng chung của Giáo hội. 

Đức Prévost là giám mục truyền giáo, sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng được đào tạo ở Peru. Có người gọi ngài là “Giáo hoàng của hai thế giới”. Ở châu Á, quê hương của Hồng y, giáo dân đón nhận Tân Giáo hoàng như thế nào?

Dĩ nhiên không thể phủ nhận ơn thánh trong sứ vụ của Đức Lêô, nhưng tôi nghĩ việc ngài được hình thành trong các văn hóa, môi trường tôn giáo và truyền giáo khác nhau sẽ mang đến cho sứ vụ của ngài một sắc thái riêng. Điều này đúng cho mọi Giáo hoàng. Sứ vụ Phêrô là củng cố anh em trong đức tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng mỗi Giáo hoàng thi hành sứ vụ này bằng chính con đường riêng của các ngài. Trải nghiệm đa châu lục và đa văn hóa của Đức Lêô chắc chắn sẽ giúp ngài chu toàn sứ vụ. Người châu Á yêu mến Giáo hoàng vì ngài là Giáo hoàng, chứ không vì quốc tịch. Không chỉ người công giáo mà cả các kitô hữu khác cũng yêu mến Giáo hoàng.

Nhiều người đã “ủng hộ” cha với hy vọng cha được bầu. Cha đón nhận điều này như thế nào? Cha có biết cha là một trong những “ứng viên sáng giá” không?

Tôi không thích là tâm điểm của chú ý, nên chuyện này khá bối rối với tôi. Tôi cố gắng giữ vững nội tâm và nhân bản để không bị lôi kéo. Tôi suy gẫm nhiều về lời trong Tông hiến Universi Dominici Gregis về việc trống tòa và việc bầu Giáo hoàng: “Các Hồng y phải đảm nhận một trọng trách rất lớn, vì thế cần hành động với ý ngay lành, chỉ nhìn về Thiên Chúa mà thôi”. Mỗi Hồng y khi bỏ phiếu đều tuyên thệ: “Tôi xin lấy Đức Kitô là Chúa làm chứng, Đấng sẽ xét xử tôi, rằng tôi bầu cho người mà theo ý Thiên Chúa, tôi xét là nên được chọn.” Rõ ràng không có chuyện bầu bán theo “trần thế” như bầu một chính trị gia, bầu người này để chống người kia. Khi chúng ta đi tìm lợi ích cho Giáo hội, chúng ta sẽ không tìm người thắng kẻ thua. Nguyên tắc này giúp thanh luyện tâm trí và đem lại bình an.

Sắp tròn một tháng từ khi Đức Phanxicô qua đời. Theo cha, di sản sâu sắc và lâu dài nhất của ngài để lại cho Giáo hội và nhân loại là gì?

Tôi rất vui khi nghe nhiều chứng từ của các tín hữu công giáo, các cộng đoàn kitô giáo, các tín hữu của các tôn giáo khác về giáo huấn và di sản của Đức Phanxicô. Tôi hy vọng các chứng từ này sẽ tiếp tục được lan tỏa và được giữ lại như một phần trong việc hiểu biết không chỉ về ngài, mà còn về chính sứ vụ Phêrô. Riêng tôi, tôi muốn nhấn mạnh đến món quà nhân tính đã đánh dấu suốt triều Đức Phanxicô. Nếu anh chị em có câu chuyện riêng với ngài, xin anh chị em kể lại. Thế giới hôm nay cần khám phá và trân trọng vẻ đẹp, giá trị của việc sống nhân bản đích thực. Đức Phanxicô với tấm lòng đơn sơ và cả những yếu đuối rất người của ngài đã đóng góp vô cùng lớn vào hành trình này, không vì vinh quang riêng, mà vì vinh danh Thiên Chúa, Đấng trong Đức Giêsu đã trọn vẹn là con người.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Huấn luyện viên Valerio Masella kể về việc tập thể dục thể thao cho Đức Lêô

Xin cho tôi biết Giáo hoàng Lêô nào ám ảnh bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là Giáo hoàng nào!

Bài giảng đầu tiên của Đức Lêô XIV

Phụng vụ mới được Đức Lêô mong muốn cho lễ khai mạc triều của ngài

Tham nhũng, thiếu minh bạch, biển thủ: Thách thức của Đức Lêô về tình trạng tài chính của Vatican

Đức Lêô XIV, “giáo hoàng toán học” nói lên sự thống nhất của đức tin và lý trí