Các thách thức lớn đang chờ Giáo hoàng kế nhiệm
cath.ch, I.Media, 2025-04-28
“Sẽ rất khó để kế vị Giáo hoàng Phanxicô.” Câu nói thường vang lên trong các hành lang của Vatican, giờ đây lại càng thấm thía hơn. | © Vatican Media
Được bầu chọn năm 2013 để hướng Giáo hội ra vùng ngoại vi và tiến hành cải cách Vatican, Đức Phanxicô qua đời ngày 21 tháng 4 năm 2025 lúc 7h25 sáng. Ngài để lại cho Giáo hoàng kế nhiệm một số công việc cần tiếp tục và nhiều thách thức phải đối diện.
Việc kế vị Giáo hoàng “làm đảo lộn”
“Sẽ rất khó để kế vị Giáo hoàng Phanxicô.” Từ đầu triều của ngài năm 2013, câu nói này đã chạm tới cả những khía cạnh biểu tượng lẫn thực tế, trước hết là chỗ ở.
Ngài chọn sống tại Nhà Thánh Marta, nơi các hồng y trên thế giới về ở trong thời gian mật nghị, để giữ lối sống cộng đoàn quen thuộc của một tu sĩ Dòng Tên. Nhưng giáo hoàng kế nhiệm có thể ở các Căn hộ Giáo hoàng ở Dinh Tông tòa, Dinh đã được niêm phong ngay khi ngài qua đời, dù ngài chưa từng ngủ ở đó. Một linh mục Rôma giải thích: “Với những ai đi qua Quảng trường Thánh Phêrô buổi tối, ánh đèn bật sáng ở căn hộ giáo hoàng là biểu tượng quan trọng dưới các triều giáo hoàng trước đây, dấu hiệu của sự hiện diện và bảo vệ của ngài với người dân thành phố Rôma.”
“Với tôi, việc đi lại không còn dễ dàng như trước”, Đức Phanxicô chia sẻ khi trở về từ Mông Cổ tháng 9 năm 2023. | © Truyền thông Vatican
Một thay đổi quan trọng khác là phong cách giao tiếp: ngài đã có 200 cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông, thẳng thắn phát biểu làm cho chính quyền của ngài nhiều phen lúng túng. Các buổi họp báo trên máy bay cũng rất tự do. Liệu Giáo hoàng kế nhiệm có trở lại cách phát biểu mang tính học thuật, chuẩn mực dù ít được chú ý hơn không? Dường như các hồng y mong muốn có một giáo hoàng ít phát biểu hơn, nhưng người kế vị vẫn phải hiểu và dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để truyền tải sứ điệp.
Đức Phanxicô cũng thay đổi hình ảnh giáo hoàng bằng cách gần gũi với người nghèo và vùng ngoại vi, thúc đẩy đối thoại liên tôn, đặc biệt với hồi giáo, và làm mới thông điệp công giáo về bảo vệ môi trường gắn liền với công bằng xã hội. Người kế nhiệm cần phát huy di sản này trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bất bình đẳng gia tăng, kéo làn sóng di cư mạnh hơn.
Giáo hoàng tương lai và thế tục hóa
Triều Phanxicô không ngăn được sự thế tục hóa ở phương Tây, một quá trình lâu dài, phức tạp, thể hiện rõ qua sự sụt giảm ơn gọi. Từ 2011 đến 2021, châu Âu giảm 27.000 linh mục, 6.000 chủng sinh và gần 80.000 nữ tu. Số linh mục toàn cầu giảm từ 413.418 xuống còn 407.872. Dù số linh mục tại châu Phi và châu Á tăng nhưng vẫn không bù đắp được mức suy giảm toàn cầu. Ngay cả ở Châu Á, số chủng sinh cũng giảm 9% trong cùng năm.
Tiếp nối động lực hướng về các vùng ngoại, Giáo hoàng kế nhiệm cần tìm cách làm tái sinh sức sống công giáo tại các quốc gia truyền thống. Trong bối cảnh khó khăn này, sự gia tăng số người lớn và các bạn trẻ rửa tội tại Pháp và Anh đã gây ngạc nhiên và hy vọng tại Rôma. Một Hồng y thân cận với Đức Phanxicô nhận xét: “Có điều gì đó đang diễn ra ở Pháp. Có thể đó là dấu hiệu mùa xuân mới của Giáo hội.”
Đảm bảo sự hiệp nhất trước nguy cơ Giáo hội tiến nhanh
Nhiều vì sao làm chia rẽ đã xuất hiện dưới thời Đức Phanxicô, nhất là sau việc hạn chế việc cử hành thánh lễ theo nghi thức trước Công đồng Vatican II từ mùa hè 2021. Quyết định này bị cho đã “làm tan nát trái tim Đức Bênêđíctô XVI”. Giáo hoàng kế nhiệm phải xử lý hồ sơ này, cũng như vấn đề đối thoại với Huynh đoàn Thánh Piô X.
Các Thượng Hội đồng giám mục về gia đình, giới trẻ, Amazonia dưới thời Phanxicô cho thấy hình ảnh Giáo hội công giáo dưới nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt trong các vấn đề tế nhị như luật độc thân linh mục, đồng tính hay cho người ly dị tái hôn rước lễ. Đầu năm 2024, việc các giám mục châu Phi phản đối tuyên bố Fiducia Supplicans cho phép chúc phúc cho các cặp đồng giới cho thấy những rạn nứt sâu sắc.
Hồng y Fridolin Ambongo kêu gọi Giáo hội tại Châu Phi xem xét kết quả của Thượng hội đồng | © Truyền thông Vatican
Tiến trình Thượng Hội đồng về tính đồng nghị từ năm 2021 đã đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Nhưng câu hỏi về phó tế nữ chưa được giải quyết do thiếu đồng thuận. Một số người lo ngại về nguy cơ “Anh giáo hóa” của Giáo hội công giáo với những dị biệt giáo lý nảy sinh giữa các châu lục.
Đức Phanxicô, bằng cách không ban hành Tông huấn sau Thượng Hội đồng cuối cùng, đã để ngỏ quyết định cho người kế nhiệm. Một điều chắc chắn: Giáo hoàng kế nhiệm sẽ không thể không theo tinh thần cải cách của Ngài. Trước khi qua đời, ngài đã công bố lịch trình Thượng Hội đồng kéo dài đến năm 2028, huy động sự tham gia của các giáo phận trên toàn thế giới.
Sự hiệp nhất của Giáo hội Trung Quốc tiếp tục là một thách thức lớn, gần bảy năm sau khi ký kết thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục nhưng việc thực thi gặp nhiều khó khăn.
Khủng hoảng lạm dụng tình dục
Khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của hàng giáo sĩ đã làm rung chuyển triều Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục ảnh hưởng đến triều Đức Phanxicô. Dù thành lập Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ năm 2014, ngài vẫn phải đối diện với sự thất bại, sự rút lui của các thành viên và thiếu hợp tác của Giáo triều.
Cựu Hồng Y Theodore McCarrick Lạm Dụng Trẻ Vị Thành Niên Và Người Lớn | © flickr/usipeace/CC BY-NC 2.0
Nhiều vụ bê bối tiếp tục nổ ra: từ việc toàn bộ giám mục Chi-lê từ chức, đến việc giáng chức cựu hồng y Theodore McCarrick, các báo cáo chấn động tại Đức và Pháp, và những tiết lộ về các nhân vật nổi tiếng như vụ linh mục Dòng Tên Marko Rupnik, nghệ sĩ người Slovenia thân cận với Đức Phanxicô, bị khoảng 20 phụ nữ tố cáo lạm dụng. Giáo hoàng kế nhiệm sẽ phải tiếp tục cuộc chiến chống lại thảm trạng này, đặc biệt tại châu Phi và châu Á.
Giáo hoàng kế nhiệm sẽ phải tiếp tục tiến hành các cải cách trong Giáo Triều.
Đức Phanxicô đã thực hiện một chương trình cải cách Giáo triều đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa, tăng cường minh bạch và phục vụ tốt hơn cho các giáo phận. Cải cách này đã dẫn đến việc ban hành Tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium năm 2022.
Tuy nhiên, Ngài phải đối diện với nhiều phản đối nội bộ và các quyết định gây tranh cãi trong quản lý nhân sự, dẫn đến sự bất mãn trong đội ngũ nhân viên. Tình hình tài chính của Vatican vẫn ở trong tình trạng thâm hụt, một phần do việc đóng góp bị giảm sút.
Vụ tòa nhà London đã làm nổi bật sự mờ ám kéo dài trong việc quản lý tài chính của Vatican. © Bernard Hallet
Dù Đức Phanxicô đã làm minh sạch sổ sách, nhưng tình hình tài chính của Vatican vẫn chưa được cải thiện bền vững, với thâm hụt cấu trúc vì giảm đóng góp đã ảnh hưởng đặc biệt đến quỹ hưu trí.
Vụ bê bối tài chính liên quan đến bất động sản ở London làm Vatican thiệt hại hàng chục triệu âu kim và Hồng y Angelo Becciu bị án năm năm tù treo, việc phơi bày sự mờ ám trong quản lý tài chính phản ánh quyết tâm của ngài trong việc loại bỏ tham nhũng và gia đình trị. Các nguồn tin từ Vatican cho rằng Giáo hoàng kế nhiệm phải tiếp tục cải cách nhưng phải mềm mỏng, tránh làm tổn thương bộ máy.
Sự hiệp nhất Kitô giáo: Một chân trời xa vời?
Đức Phanxicô đã lên kế hoạch đi Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 để dự lễ kỷ niệm Công đồng Nicêa, đánh dấu nỗ lực xích lại với Chính thống giáo. Người kế nhiệm có thể thực hiện chuyến đi mang tính biểu tượng này.
Dưới triều Đức Phanxicô, đối thoại với Tòa Thượng phụ Constantinople đã có những tiến triển, nhưng quan hệ với các Giáo hội Chính thống khác đặc biệt với Tòa Thượng phụ Mátxcơva vẫn bế tắc. Cuộc gặp của Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill ở Cuba năm 2016 đã mở ra hy vọng, nhưng đã bị đổ vỡ do sự ủng hộ cuộc chiến Nga-Ukraine của Thượng phụ Kirill, một lập trường Rôma không thể chấp nhận.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Giáo hội Chính thống giáo Nga và Điện Kremlin vẫn duy trì mối quan hệ đặc quyền | © Mikhail Metzel/POOL/TASS/KEYSTONE/TASS
Ngoài ra, tuyên bố Tuyên ngôn Fiducia supplicans về mục vụ của các chúc lành về việc chúc phúc cho các cặp đồng giới đã gây đổ vỡ trong đối thoại với Giáo hội Coptic và một số Giáo hội Đông phương khác.
Nhưng đối thoại với các giáo phái Tin Lành – Anh giáo, Lutheran, Phúc Âm và Vaudois – lại có được những tiến bộ đáng kể. Người kế nhiệm có thể tận dụng nền tảng này để xây dựng các hợp tác xã hội đồng thời bảo vệ bản sắc công giáo.
Một thế giới đầy chiến tranh
Triều Đức Phanxicô phải đối diện với nhiều cuộc chiến tranh, ngài luôn đặt trọng tâm vào hòa giải qua các chuyến đi khó khăn đến Bosnia, Trung Phi, Colombia, Myanmar, Iraq, Congo đến Nam Sudan, nơi ngài luôn kêu gọi hòa giải.
Thành phố Kherson đang hứng chịu các đợt pháo kích dữ dội từ quân đội Nga, cùng với các ngôi làng lân cận. | © Jaroslaw Krawiec
Đức Phanxicô quan tâm rất nhiều đến cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nỗ lực trung lập và làm trung gian của ngài đều thất bại. Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Volodymyr Zelensky bên lề tang lễ của ngài chứng minh Vatican vẫn là cây cầu ngoại giao quan trọng.
Chiến tranh Gaza là dấu ấn đau buồn triều của ngài. Mỗi tối ngài đều điện thoại cho giáo xứ Gaza, ngay cả khi ngài ở bệnh viện, ngài đã góp phần cứu sống nhiều sinh mạng. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài không thể ngăn chặn sự tàn phá của cuộc chiến.
Nhìn chung, thế giới năm 2025 sẽ ngày càng phân hóa. Giáo hoàng kế nhiệm sẽ đối diện với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và các chế độ độc tài, đe dọa trật tự toàn cầu.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Đức Phanxicô, một thiên tài truyền thông?
Năm tiêu chuẩn không chính thức để được bầu làm Giáo hoàng
Năm bài học quan trọng của Đức Phanxicô giúp chúng ta điều chỉnh suy nghĩ của mình