Tại Papua Tân Ghinê, Đức Phanxicô kêu gọi các công ty đa quốc gia chia sẻ miếng bánh họ khai thác với người nghèo

22

Tại Papua Tân Ghinê, Đức Phanxicô kêu gọi các công ty đa quốc gia chia sẻ miếng bánh họ khai thác với người nghèo

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Port Moresby, 2024-09-07

Trong chặng thứ hai của chuyến tông du đến Châu Á và Châu Đại Dương, Đức Phanxicô đưa ra một thông điệp chính trị gay gắt hơn thường lệ. Ngày thứ bảy 7 tháng 9, ngài đến Port Moresby, thủ đô Papua Tân Ghinê, trong cuộc họp với chính quyền, qua trao đổi đau lòng với hàng trăm trẻ em đường phố được các nữ tu nuôi nấng dạy dỗ, trong buổi nói chuyện với hàng giáo sĩ, Đức Phanxicô nói với họ hai từ thân thiết của ngài: “Gần gũi và gần gũi!”

Ngài dự buổi trình diễn của các em trong y phục truyền thống cực kỳ đơn giản bằng lông vũ và vỏ sò, trả lời câu hỏi ‘vì sao con bị tàn tật?’, ngài nói: “Chính tình yêu sẽ mang lại cho các con niềm vui.” Câu nói có vẻ chung chung nhưng rất cần thiết. Vì trong ký ức của các em, hình ảnh còn đọng lại là cử chỉ, là ánh nhìn đơn giản, là kỷ niệm của những giây phút ồn ào náo nhiệt bên cạnh ngài. Một em thì thầm vào tài ngài: “Cám ơn cha đã đến thăm chúng con.” Trên chiếc xe lăn, ông già mặc áo trắng rõ ràng đã rất cảm động trước các em bé mồ côi được các nữ tu chăm sóc, những phụ nữ không mệt mỏi khi làm các công việc này.

Vậy Giáo hoàng là người như thế nào khi ngài đi tông du? Một mục tử thiêng liêng? Một nhà truyền giáo? Người hướng dẫn thiêng liêng? Người vạch ra các lỗi lầm? Một chính trị gia, một nhà địa chính trị? Tất cả và không vai trò nào ngài làm một cách riêng lẻ.

Của cải “được Thiên Chúa dành cho toàn thể cộng đồng”

Sáng thứ bảy 7 tháng 9, khi phát biểu trước các chính trị gia, các nhà ngoại giao ở đất nước trù phú này, ngài đã nói một câu đáng kinh ngạc, hiếm khi được nghe: “Một dân tộc cầu nguyện sẽ có tương lai khi dân tộc này rút sức mạnh và hy vọng của mình từ bên trên.” Hiếm khi một giáo hoàng đến thành trì của các quốc gia để nói lên những gì mà các chuyến đi phi thường này cho phép. Một dân tộc có 10 triệu dân, rất sùng đạo và 100% dân số là tín hữu kitô, trong đó một phần ba nhỏ là công giáo, ngài nêu rõ: “Các giá trị tinh thần đã ảnh hưởng đáng kể đến việc xây dựng các thành phố, các thực tại trần thế, các tâm hồn vì các giá trị này đã thấm vào từng dự án.”

Đây là điểm chính của chuyến đi đặc biệt này: “Cuộc gặp thiêng liêng với người dân, một ý thức thiêng liêng sâu đậm nhưng cũng là một tâm hồn tập thể ở một đất nước ít ai nhắc đến. Những chuyến đi này là dịp ngài gặp nhiều nhân vật khác nhau, từ các nhân vật cấp cao đại diện chính quyền đến người dân thấp bé, họ là người có đức tin hay không, kể cả các tù nhân. Trong một thời gian kỷ lục, ngài tiếp xúc với nhiều hạng người và thường gặp những tình huống cực kỳ cực đoan. Ngày chúa nhật 8 tháng 9, ngài đi trực thăng khứ hồi dài 5 giờ bay đến các bờ biển miền bắc Papua Tân Ghinê để tìm thăm người bạn là linh mục truyền giáo người Argentina và cộng đồng giáo dân nhỏ bé của linh mục, mất hút giữa khu rừng nhiệt đới.

Đông Timor, quốc gia công giáo đầu tiên trên thế giới nồng nhiệt chào đón Đức Phanxicô

Nét đa dạng của các nhân vật ngài gặp mang lại cho ngài quyền tự do nói lên các thông điệp chính trị với sức mạnh khác nhau tùy từng quốc gia. Ngài đồng thuận ở Jakarta, nhưng gay gắt hơn ở Port Moresby. Ngài đưa ra một thực tế, 40% người dân sống dưới mức nghèo khổ, họ không được hưởng tài nguyên giàu có của đất nước: “Đất nước của anh chị em giàu tài nguyên đất đai và biển. Những tài nguyên này đã được Thiên Chúa dành cho toàn thể cộng đồng, dù việc khai thác đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, phải có các công ty quốc tế đầu tư, nhưng nhu cầu của người dân địa phương phải được tính đến một cách hợp lý trong việc phân phối thu nhập và việc làm để cải thiện đời sống của họ.”

Hỗ trợ cho độc lập

Ngài cũng yêu cầu “chấm dứt bạo lực bộ lạc đã tạo ra nhiều nạn nhân. Bạo lực không cho phép chúng ta sống hòa bình và cản trở sự phát triển.” Hàng trăm hòn đảo làm nên đất nước với hơn 800 ngôn ngữ! Nhà nước chỉ có 3% lãnh thổ, phần còn lại thuộc về các bộ tộc theo quyền tổ tiên. Chủ quyền tài sản không có, chủ quyền chỉ được ghi nhận bằng thông lệ. Chẳng hạn công ty Exxon đã phải thương lượng với gần 150.000 “sở hữu chủ” để lắp đặt đường ống dẫn khí xuyên đất nước… Những dải đất này không được bảo vệ bằng những chiếc kéo thường, nhưng bằng dao, bằng súng, bằng bạo lực tàn nhẫn, giết người nếu cần giữa các bộ tộc.

Điểm cuối Đức Phanxicô thay mặt Giáo hội công giáo, ngài ủng hộ tiến trình độc lập của đảo Bougainvile sau cuộc trưng cầu dân ý. Đảo này nằm giữa Quần đảo Salomon và Tân Guinê. Chính nhà hàng hải Louis-Antoine de Bougainville đặt tên cho viên ngọc này năm 1768… Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2019, 98% dân số đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập của lãnh thổ có diện tích bằng một nửa Tân Caledonia. Người dân dựa vào nguồn tài nguyên của các mỏ vàng và đồng khổng lồ, nhưng Papua Tân Ghinê chưa sẵn sàng từ bỏ mỏ vàng mà người Trung Quốc đang để mắt tới. Đức Phanxicô thận trọng ủng hộ một “giải pháp cuối cùng” để tránh “sự trỗi dậy của những căng thẳng cũ”. Ngài có thể đã không nói về chuyện này.

Vai trò của phụ nữ trong xã hội

Liệu những tuyên bố này có nặng ký không? Các chính trị gia sẽ vỗ tay và họ sẽ quên. Các “công ty đa quốc gia” bị Đức Phanxicô chỉ trích gay gắt trong việc khai thác rừng Amazon sẽ lưu ý, đây là lần đầu tiên ngài nói phải công bằng phân phối lợi ích của việc khai thác khoáng sản. Bị quỷ nhập, họ sẽ trân trọng nghe rồi quên đi, may mắn là các chuyến đi của giáo hoàng chưa tác động đến họ. Nhưng ai biết các thính giả không chú ý nhất của ngài sẽ là những thính giả chú ý nhất? Không được an ủi trước những bất hạnh của mình, 800 học sinh mồ côi có lẽ sẽ không bao giờ quên giờ phút của Giáo hoàng đến từ nơi xa xôi đã dành cho các em. Các em sẽ lắng nghe bằng đôi tai của trái tim.

Vì ký ức vẫn còn lâu ở những nước truyền khẩu. Trong bài phát biểu chào mừng, Toàn quyền Bob Bofeng quỳ gối nhắc lại vai trò quan trọng của người công giáo kể từ khi những nhà truyền giáo đầu tiên đến quần đảo này vào đầu thế kỷ 19 (họ thường là người Pháp).

Đức Phanxicô và ông Bob Bofeng, Toàn quyền Papua Tân Ghinê

Ngài sẽ nhấn mạnh hành động của Giáo hội công giáo trong việc bảo vệ nhân quyền và tôn trọng phụ nữ, quan tâm của ngài đến hoàn cảnh bi đát của phụ nữ ở Papua Tân Ghinê.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc xác nhận 62% các ông công nhận đã có hành vi bạo lực tình dục với phụ nữ. Nhưng bài phát biểu của ngài được lọc để không đề cập đến vấn đề này. Lãng quên. Chỉ là hạt cát. Chắc chắn ngài cảm thấy mình thiếu sót. Trong bài phát biểu, ngài đã ứng biến một đoạn rất hay về vai trò người phụ nữ trong xã hội. Không ai nhìn thấy bất cứ điều gì ở đó, nhưng họ đã nghe.

Marta An Nguyễn dịch