Vâng lời và tự do có mâu thuẫn với Chân phước Carlo Acutis không?

68

Vâng lời và tự do có mâu thuẫn với Chân phước Carlo Acutis không?

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

 

Chúng tôi đã gặp những người từng biết Carlo, họ nhớ Carlo là cậu bé nhiệt tình, năng động, ngoan ngoãn và tự do. Tôi xin hỏi Andréa: Carlo có gặp khó khăn khi vâng lời, nhưng vẫn giữ được tự do và năng động không?

Tự do là điều mong muốn hàng đầu của con người; có thể nói đó là một phần cấu thành con người. Và các thanh thiếu niên  trẻ có một đam mê đặc biệt với tự do vì từ khi sinh ra, họ đã bị cha mẹ và các thầy cô kềm giữ tự do này, họ thích thoát ra để được tự do. Vì vậy, điều quan trọng nhất là giúp các em hiểu tự do là gì. Tự do thường được hiểu là không bị ràng buộc trong cuộc sống, chắc chắn điều này có một tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt nếu nó liên quan đến việc giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc bất công. Về mặt chính trị, chúng ta là người thừa kế Cách mạng Pháp, xã hội nỗ lực xây dựng hệ thống dân chủ có khả năng tránh được các chế độ chuyên chế, dù khi làm như vậy, đôi khi chúng ta lại rơi vào một hình thức độc tài mới.

Bất chấp tất cả, khi lớn lên, trẻ em nhanh chóng nhận ra với tự do này, được cho là không bị ràng buộc về vật chất, thường gặp những trở ngại không thể vượt qua được. Thêm nữa, chúng ta ở trong cái gọi là không gian-thời gian. Không tránh được, thời gian chỉ đi theo một hướng: chúng ta chỉ có thể sống trong thời điểm hiện tại và thời gian đã mất sẽ không bao giờ tìm lại được. Kiến thức vật lý hiện nay cho chúng ta biết, bất kỳ vật thể nào có trọng lượng chỉ có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác với một năng lượng lớn và khoảng cách gần như bằng không nếu chúng ta so sánh chúng với khoảng cách vô tận của vũ trụ. Những thăng trầm của cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến khi chết, lại còn phụ thuộc vào vô số yếu tố không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Chúng ta không quyết định được khi nào, nơi nào, đất nước nào, gia đình nào chúng ta sinh ra, chúng ta sẽ gặp ai và sẽ phải đấu tranh trong hoàn cảnh nào.

Nếu chúng ta ru ngủ con cái trong hy vọng ảo tưởng chúng có thể tự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc không thể tránh này, chúng ta sẽ biến chúng, ngay từ khi sinh ra thành những kẻ thua cuộc, những người bằng mọi giá sẽ tìm cách thoát khỏi thế giới này, với những trò giải trí ít nhiều hợp pháp. Nhưng làm sao tâm trí con người lại ham muốn mãnh liệt như vậy với những thứ không thể đạt được? Hạnh phúc phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu chúng ta có thể có được điều mình mong muốn. Liệu sau đó chúng ta có bị đau khổ không? Hay chúng ta hướng ham muốn của mình tới những thứ không bao giờ làm chúng ta thỏa mãn?

Vì sao chúng ta lại nói với con cái “điều quan trọng là con phải vui vẻ, điều quan trọng là con phải có sức khỏe, con phải học vì nếu con không học, con không có việc làm, cuộc đời con sẽ thất bại.” Vui vẻ một cách lành mạnh, có sức khỏe, có công việc lương cao: đó là những điều tốt đẹp chúng ta tạ ơn Chúa nếu chúng ta có được, nhưng chúng ta không nói, những chuyện này là mãi mãi, rõ ràng chúng ta biết tất cả rồi cũng sẽ kết thúc. Carlo đã dùng tất cả những điều tốt đẹp của thế gian, nhưng thế gian không phải là nơi Carlo cất kho báu. Vấn đề là chúng ta đã quá quen đi tìm kho báu ở nơi không phải là kho báu. Cảm giác thoát khỏi ràng buộc vật chất là một trong những kho báu giả tạo này. Chúng ta cảm nhận chúng ta được tự do, tự do mà chúng ta liên tục được mời gọi thực hiện qua những lựa chọn của mình. Ngay cả trước khi được đức tin soi sáng, chúng ta biết có một tự do, mặc dù phi vật chất, nhưng không bị ràng buộc: tự do khao khát, tự do yêu những gì chúng ta muốn. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta bám chặt vào khả năng con người của mình, chúng ta có thể cảm nhận bản chất của cuộc sống phải gắn liền với tự do này và do đó, việc con cái chúng ta dùng tự do này sẽ quyết định mức độ thành công trong cuộc sống của chúng.

Vì thế chúng ta hãy để cho đức tin của mình được soi sáng. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng, đơn giản và tuyệt vời. Chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng là Tình Yêu, Đấng Tối Cao gõ cửa trái tim chúng ta và nói với chúng ta: Ta là Tình yêu; Ta đã tạo dựng nên con để con yêu và được yêu; con có  khao khát Tình yêu này không? Nếu chúng ta trả lời có, chúng ta biết chắc chắn chúng ta có thể được ban vì đó là một trong những lời hứa của Ngài. Đó là nơi bản chất và động cơ tự do của chúng ta được bộc lộ. Làm sao Thiên Chúa có thể cho chúng ta đón nhận tình yêu của Ngài nếu trước tiên Ngài không ban cho chúng ta một tâm hồn thiêng liêng có khả năng nhận tự do, khả năng nói xin vâng với Tình Yêu, như chúng ta nói xin vâng với người yêu trong bí tích hôn nhân. Quyền tự do yêu gắn liền với khả năng của tâm hồn chúng ta: trí thông minh và ý chí. Trí thông minh giúp chúng ta biết những gì là tốt đẹp, ý chí giúp chúng ta chọn yêu những gì tốt đẹp. Vậy chúng ta phải khiêm tốn hiểu, không phải không có sự trợ giúp của ơn Chúa, Chúa đã cho chúng ta sáp nhập vào đời sống thiêng liêng qua các bí tích của Ngài.

Khi đó nhiệm vụ của cha mẹ sẽ đơn giản vô cùng. Sức khỏe của con cái, công việc tương lai của chúng, mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống không còn là mục tiêu mong muốn nhưng đơn thuần là phương tiện để đạt mục tiêu, đó là Chúa. Không giống như những ham muốn của thế gian, có thể thành hiện thực nhưng cũng thường kết thúc trong thất bại, để chúng ta trong tình trạng sợ hãi, chúng ta trốn thoát bằng nhiều cách giải trí khác nhau (do đó có câu ‘điều quan trọng là bạn phải vui vẻ’), trái ngược với những ước muốn của thế gian này, chúng ta phải dạy con cái có một lòng khao khát Thiên Chúa, một Thiên Chúa kiên định và chân thành không thể thất bại; vì điều duy nhất đòi hỏi chúng ta là chính chúng ta phải kiên quyết mong muốn điều này và hành xử phù hợp, nói xin vâng với tất cả những điều tốt lành Chúa ban cho chúng ta, với sự trợ giúp của ân sủng, Ngài sẽ không bao giờ từ chối nếu chúng ta không chống lại Ngài. Nếu người trộm lành làm được thì chúng ta và con cháu chúng ta làm được. Với tất cả những điều này chúng ta phải trả giá đắt vì chúng ta không muốn từ bỏ những kho báu giả tạo. Vì vậy, đây là cách chúng ta phải dùng thời gian cho cuộc đời mình: liên tục xin vâng với tình yêu, quyết tâm và quyết tâm hơn bao giờ hết, nói không với tất cả những gì cản trở việc lấy kho báu trên thiên đàng. Và Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những vật chất và tinh thần mà chúng ta cần trên đường đi của chúng ta.

Nhờ sự quan phòng đặc biệt của Chúa, từ khi còn rất nhỏ, Carlo đã có được sự hiệp nhất đặc biệt, từ hòa hợp nội tâm đến những điều được đổi mới hoàn toàn khi đặt Thiên Chúa lên hàng đầu, và từ đó giữ điều răn yêu thương của cuộc đời. Chúng ta chói tai với từ “điều răn” vì điều răn bị các quyền tự do sai lầm của thế giới này bóp méo. Nhưng có phải tình yêu là niềm đam mê chúng ta phải theo đuổi để có hạnh phúc đó không?

Cảm giác và niềm đam mê đến rồi đi, lúc mạnh lúc yếu, thường do các yếu tố tâm lý liên quan đến quá trình sinh hóa trong não chúng ta. Chúng ta dạy con nên nghe những gì chúng cảm nhận khi theo đuổi tình yêu, cũng như dạy cho các con biết có rất nhiều Pinocchio không có tự do. Pinocchio nghĩ mình được tự do khi làm theo những gì mình muốn. Chúng ta phải dạy con cái, tình yêu trước hết là hành động của ý chí, không dính đến cảm giác. Thực ra, trong bí tích hôn nhân, chúng ta không hứa sẽ yêu người kia cho đến khi nào người kia vẫn còn hấp dẫn, nhưng chúng ta hứa sẽ yêu họ cho đến khi cái chết làm chúng ta chia lìa. Đó là cách chúng ta cần hiểu điều răn kính Chúa yêu người.

Vì sao các thánh lại thu hút được nhiều người đến như vậy? Vì họ đã làm tốt đẹp cho quyền tự do của họ, họ đích thực được Tình yêu thúc đẩy, không giả dối, chia rẽ, ác ý, Tình yêu hiện diện một cách vô thức nơi những người tôn thờ các kho báu không phải là kho báu Đấng Tối Cao, họ chọn tự do một cách sai lầm.

Marta An Nguyễn dịch