Mầu nhiệm của thăng thiên

63

Mầu nhiệm của thăng thiên

Ronald Rolheiser, 2024-05-13

Thăng thiên là gì? Thăng thiên là một sự kiện trong đời Chúa Giêsu và các môn đệ tiên khởi của Ngài, cũng là ngày lễ của kitô giáo, một thần học, một linh đạo, tất cả kết lại thành một mầu nhiệm mà hiếm khi chúng ta cố gắng giải thích. Thăng thiên là gì?

Có một phần trong sự Thăng thiên là bí ẩn nghịch lý đến kỳ lạ. Đó là nghịch lý: một người nào đó đã đi vào cuộc đời chúng ta, chạm đến chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, xây dựng chúng ta, đem lại cho chúng ta sự sống, người đó là một ơn đem lại sự sống tuyệt diệu. Nhưng trong việc cuối cùng khi chúng ta phải tạm biệt sự hiện diện của người đó, thì họ cũng mang lại một ơn khác. trong việc người nào đó ra đi, cũng có một ơn. Sự hiện diện cũng phụ thuộc vào sự vắng mặt. Có ơn lành chúng ta chỉ có thể trao khi ra đi.

Chính vì thế, khi từ biệt các môn đệ trước lúc thăng thiên, Chúa Giêsu đã có những lời: “Ta đi thì tốt hơn cho anh em. Giờ anh em sẽ buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui. Đừng giữ Ta, Ta phải lên trời.”

Chúng ta nên hiểu những lời này như thế nào? Người chúng ta yêu thương giờ đi xa thì làm thế nào nào có thể tốt hơn được? Làm thế nào mà nỗi buồn của chia ly và sự rời xa đau đớn lại trở thành niềm vui? Làm sao một lời từ biệt cuối cùng lại đem đến sự hiện diện sâu sắc hơn của người đó?

Chuyện này khó giải thích, dù ai cũng có kinh nghiệm trong cuộc đời về chuyện này. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Năm tôi 23 tuổi, chỉ trong vòng ba tháng, cả cha mẹ của tôi đều lần lượt qua đời. Với tôi và các anh chị em, nỗi đau mất cha mẹ quá lớn. Như với bất kỳ nỗi mất mát lớn nào, ban đầu chúng ta cảm thấy đau khổ, bị đoạn tuyệt, lạnh lẽo, bất lực, yếu đuối, mất đi mối liên hệ sống còn của mình, và cảm nhận sự tàn bạo của cái chết tuyệt đối ập đến khi chúng ta chưa chuẩn bị đủ. Trong mọi mất mát, cái chết hay một chia ly đau đớn, mới đầu không có gì là ấm áp.

Dĩ nhiên thời gian có thể chữa lành mọi thứ, nhưng nó không chỉ có nghĩa chúng ta được bình an qua năm tháng, nó còn hơn thế. Sau một thời gian, với tôi là vài năm, tôi không còn cảm thấy lạnh lẽo nữa. Cái chết của cha mẹ không còn là chuyện đau đớn. Thay vào đó, sự vắng mặt của họ biến thành sự hiện diện ấm áp, nặng nề nhường chỗ cho nhẹ nhàng trong linh hồn, dường như việc họ không thể nói chuyện với tôi lại là một hiện diện liên tục, vững vàng mới mẻ đầy kinh ngạc, và ơn lành họ chưa mang lại trọn vẹn cho tôi khi còn sống, thì bây giờ lại bắt đầu thấm sâu hơn, vững chắc hơn vào tận tâm hồn tôi. Với các anh chị em của tôi cũng thế. Nỗi buồn của chúng tôi biến thành niềm vui, và chúng tôi bắt đầu tìm thấy lại cha mẹ một cách thâm sâu hơn, ở một nơi sâu thẳm hơn của linh hồn, cụ thể là những nơi mà tinh thần của họ đã bừng nở khi còn sống. Họ đã lên trời, chúng tôi được tốt hơn nhờ thế.

Chúng ta thường xuyên có dạng trải nghiệm này, chỉ là ít mãnh liệt hơn. Chẳng hạn khi con cái trưởng thành ra khỏi nhà để xây dựng cuộc sống riêng, cha mẹ rất buồn. Cái chết thật sự phải xảy ra, sự thăng thiên phải xảy ra. Cách kết nối cũ phải chết đi, dù có đau lòng đi chăng nữa. Nhưng chúng ta biết, con cái chúng ra rời đi thì tốt hơn.

Và chuyện này cũng đúng với mọi chuyện khác trong đời. Khi chúng ta đến thăm ai, điều quan trọng là chúng ta đến, nhưng việc chúng ta đi cũng quan trọng. Chúng ta đi, dù đau đớn, nhưng đó là một phần của món quà khi chúng ta đến thăm. Sự hiện diện của chúng ta phần nào phụ thuộc vào sự vắng mặt của chúng ta.

Chúng ta cẩn thận phân biệt điều này với ý của câu: “Xa cách làm lòng thêm yêu thương.” Câu này phần lớn là không đúng. Sự vắng mặt làm yêu mến thêm, nhưng chỉ trong một thời gian và hầu hết là vì những lý do sai. Sự vắng mặt về thể lý, sự xa cách đơn thuần không có động lực tinh thần sâu sắc thì thường chấm dứt mối quan hệ hơn là đào sâu mối quan hệ. Cuối cùng, gần như lúc nào chúng ta cũng đơn giản là xa rời nhau. Cách sự thăng thiên đào sâu thân mật, hiện diện và ơn lành thì không như thế.

Thăng thiên đào sâu sự thân mật bằng cách cho chúng ta một hiện diện mới, sâu sắc hơn và phong phú hơn, nhưng nó chỉ đến nếu như cách thức hiện diện cũ của chúng ta bị rời đi. Có lẽ chúng ta hiểu chuyện này rõ nhất qua kinh nghiệm con cái trưởng thành và rời nhà. Thật đau đớn khi thấy con cái lớn lên và xa chúng ta. Thật đau đớn khi phải nói tạm biệt. Thật đau đớn khi để ai đó ra đi.

Nhưng nếu con cái có thể nói những lời mà lòng chúng cảm nhận thì chúng sẽ nói như Chúa Giêsu đã nói trước khi thăng thiên: “Con đi thì tốt hơn cho cha mẹ. Giờ cha mẹ sẽ buồn, nhưng nỗi buồn sẽ biến thành niềm vui khi một ngày không xa, con sẽ đứng trước cha mẹ như người con trường thành, có thể cho cha mẹ món quà sâu sắc hơn từ sự trưởng thành của con”.

J.B. Thái Hòa dịch