Luân hồi có phải là một giả thuyết đáng tin cậy không?

277

Luân hồi có phải là một giả thuyết đáng tin cậy không?

fr.aleteia.org, Linh mục Michel Gitton, 2024-04-15

Luân hồi là một giải pháp dễ dàng, không biết đến tầm cao cả gồm cả xác lẫn hồn, và khả năng đi vào đời sống đời đời của con người. Đó chính là nét đẹp trong kế hoạch của Thiên Chúa như Kinh Thánh đã cho biết.

Tin vào luân hồi là một ý tưởng có từ xa xưa. Các nghiên cứu cho biết ý tưởng về luân hồi đã có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ý tưởng này lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng đến nhiều thời đại văn hóa: chính từ thời điểm này luân hồi đã được nói đến ở Hy Lạp cổ đại (Plato liên kết luân hồi vào một huyền thoại có nguồn gốc từ Armenia), Ấn Độ giáo và Phật giáo, cũng như ở Ai Cập cổ đại, lúc đó không định hướng nhiều theo hướng này; ý tưởng này chưa lan truyền ở Trung Quốc, ở đạo Lão và Nho giáo nhưng nó có ảnh hưởng đến đạo do thái cổ đại (người Essenes) và ngày nay một số người do thái vẫn còn tin… Cựu Ước không nói rõ ràng lắm về cuộc sống sau khi chết, nhất là khi chúng ta không tính đến các sách mà hệ chính thống do thái đã loại bỏ như quyển thứ hai sách Macabê, trong đó nêu bật sự sống lại của xác thịt. Triết gia Pythagore là người đầu tiên nói đến chứng “métempsychose” tiếng hy lạp là “chứng di tâm hồn”, sau đó Plato phát triển một cách nhìn nhị nguyên về con người: cơ thể là một bộ phận mang lại, đè nặng lên tâm hồn. Ông nói đến linh hồn trong cơ thể như người lái cỗ xe: người lái xe lái cỗ xe đến nơi họ muốn, nhưng không được để cỗ xe dẫn dắt, cỗ xe vẫn ở bên ngoài và người lái có thể bỏ qua cỗ xe. Suy tư này làm chúng ta tưởng tượng sự biến mất của thân xác, như một giải thoát khỏi nhà tù. Sau đó trong Đạo đức học giải thích cho Nicomaque, triết gia Aristote đã cân bằng lại, nhưng ông làm với một trừu tượng khác, đó là phân biệt giữa hình thức và vật chất. Điều này thích hợp để nói đến sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác, nhưng lại không thích hợp để nói về trạng thái của linh hồn bị tách rời sau khi chết.

Linh hồn, nguyên lý hoạt động của cơ thể

Aristote định nghĩa linh hồn là nguyên lý hoạt động của cơ thể và do đó mỗi linh hồn được liên kết với một cơ thể. Theo nghĩa này, khoa học hiện đại đã có thể minh họa cái nhìn này về linh hồn, như một nguyên lý sinh động vượt ra ngoài vật chất, vì ngày nay chúng ta biết, trong cơ thể của một thiếu niên không có nguyên tử của đứa bé trước đó còn sót lại. Trong khoảng mười năm, mỗi phần, mỗi tế bào của cơ thể đều được đổi mới, kể cả xương! Vật chất trôi qua, nhưng còn một cái gì đó trong chúng ta vẫn còn tiếp tục, một cái gì còn duy trì, đó là chính chúng ta, cá nhân chúng ta, một con người cụ thể, một cách liên tục. Nguyên tắc tổ chức cơ thể và hoạt động của con người bao gồm chiều kích tâm linh, vì chúng ta ý thức rõ ràng mình là cùng một con người, có cùng một suy nghĩ, cùng một tinh thần, do đó không liên kết với vật chất, tồn tại xuyên suốt cuộc sống được liên kết với cơ thể này và chỉ với cơ thể này. Theo nghĩa triết học và khoa học này, việc luân hồi là không thể, vì linh hồn về cơ bản được liên kết với cơ thể.

Theo nghĩa triết học và khoa học này, việc luân hồi là không thể, vì linh hồn về cơ bản được liên kết với cơ thể.

Aristote phân biệt giữa thực chất (chẳng hạn linh hồn con người) và ngẫu nhiên (vật chất cơ thể). Trong cái nhìn gợi ý này, nói chung, chúng ta có thể thay đổi tất cả các bộ phận của một vật thể phức tạp (con dao hoặc máy tính), nhưng nó vẫn cùng một vật thể: nó cùng một “chất” và chỉ có tai nạn mới làm nó thay đổi. Chúng ta có thể nói như thế với cơ thể: điều quan trọng không phải là chất liệu của tế bào, vì cơ thể là một dòng chảy của các tế bào và các hạt. Khi sống lại, chúng ta không nhất thiết phải giữ lại những phân tử thịt mà chúng ta có vào ngày chết. Những phân tử này hầu như sẽ biến mất, nhưng cơ thể vinh quang sẽ có mối quan hệ với cơ thể chúng ta, theo nghĩa nó sẽ từ cùng một cấu trúc, từ cùng một tổ chức: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1 Cr 15:42-44).

Trong nhân học do thái

Nhân chủng học do thái thường phân biệt ba cấp độ trong tâm hồn: Nefesh, phần thấp và hữu hình của tâm hồn, Ruah, tinh thần và Neshama phần thiêng liêng. Ba phần này càng ngày càng gần với Thiên Chúa. Đó là ý tưởng có nhiều lớp vỏ, theo một cách nào đó giống như trái atisô: từng lớp lá bọc trái tim. Trên thực tế, Kinh thánh thường nói như vậy, trái tim là phần sâu kín nhất của con người. Chúng ta có thể trích dẫn một số đoạn: Sách Đệ nhị luật đoạn 6,5 được Chúa Giêsu nhắc lại trong phúc âm Thánh Luca 10, 26: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi”. Hoặc trong thư Thánh Phaolô 1Tx5:23: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm.” Hoặc thư gởi tín hữu Do Thái: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

Hai cực

Về cơ bản, tất cả đều đồng ý có hai cực: thể xác vật chất và linh hồn làm sinh động thể xác, đó là bản chất thiêng liêng tạo nên bản sắc tối thượng của con người. Điều mà Thánh Phaolô gọi là “tinh thần”, đó không phải là tinh thần theo nghĩa của thuyết ngộ đạo, mà là con người thiêng liêng, là toàn bộ mục đích hành trình của chúng ta, và “linh hồn” phải được hiểu theo nghĩa những gì chúng ta gọi là tâm hệ, là tất cả thực tế trung gian này, trong đó chúng ta thấy tất cả các loại hoạt động kể cả khoa tâm lý, các ngành khoa học có thể nghiên cứu được, đồng thời lại có mối liên hệ rất sâu sắc với chúng ta, nên chúng ta có thể chuyển điều này thành các tư thế, sự kiện… Tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta đặt tên cho sự việc. Nếu chúng ta muốn cái mà chúng ta gọi là “tinh thần” là nơi chứa đựng nhân cách cuối cùng của con người, nó sẽ đi qua các giai đoạn liên tiếp – vì sao không? – chúng ta sẽ buộc phải nói linh hồn ít nhiều liên kết với thể xác và nó cũng sẽ chờ đợi sự sống lại để tái xuất hiện. Điều quan trọng là phải thống nhất được ý nghĩa mà chúng ta gán cho các từ. Nhưng dù sao, chúng ta phải khẳng định có hai cực. Có một danh tính cuối cùng của con người vẫn chưa biến mất kể từ khi chúng ta được tạo ra. Chúa sẽ không bao giờ rút lại những gì Ngài đã làm, ngay cả với những kẻ đáng nguyền rủa. Ngoài ra còn có cơ thể này được tạo ra cùng lúc với tâm hồn, đó là phương tiện để tâm hồn hòa nhập vào thế giới cũng như để tiếp xúc với người khác.

Có một danh tính cuối cùng của con người vẫn chưa biến mất kể từ khi chúng ta được tạo ra. Chúa sẽ không bao giờ rút lại những gì Ngài đã làm, ngay cả với những kẻ đáng nguyền rủa.

Rất nhiều nhầm lẫn

Ngày nay, nhiều người không thấy rõ sự khác biệt giữa sự sống lại, luân hồi, sự sống còn của linh hồn và tất cả các vấn đề liên quan. Tất cả đều giống nhau với những người không muốn tìm hiểu thêm. Một số người vẫn nói, việc tin vào cuộc sống sau khi chết là điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó: “Chuyện này cũng không đến nổi tệ. Chúng ta đừng đòi hỏi quá cao, ngoài ra còn nhiều chuyện chúng ta không thực sự biết. Vậy có luân hồi hay không có luân hồi, hay chuyện gì khác, chỉ cần chúng ta khẳng định có đời sống sau khi chết là đủ. Chúng ta có cần đi vào chi tiết không, chẳng hạn luân hồi có phải là một giả thuyết đáng tin cậy như hồi sinh không? Từ các sự việc, có cần khẳng định có cuộc sống sau khi chết không?” Chúng ta có nên đấu tranh về các các cách nói đủ sắc thái này không? Nhưng đây không phải là vấn đề sắc thái, dĩ nhiên, vì nó liên quan đến đời sau của chúng ta và cách chuẩn bị cho đời này. Nhưng phong trào Thời đại Mới và các thời trang phương Đông khác nhau đã đưa chủ đề này trở lại trọng tâm. Vì vậy, chúng ta nên nói về nó!

Những người nói về luân hồi đôi khi cố gắng dựa vào một số văn bản Kinh thánh nào đó. Nhưng niềm tin này rõ ràng mâu thuẫn với Kinh thánh và Truyền thống Giáo hội. Chẳng hạn, tiên tri Êlia bị bắt đi (2V 2.1-12) và phải trở về (Ml 3.23 được nhắc lại trong Mt 11.14 và 17.11), hoặc thần khí của tiên tri Êlia được  gởi đến cho tiên tri Êlisê (2V 1.15) hoặc Enoch, người bị Chúa bắt đi (St 5.24; Dt 11.5) và chắc chắn sẽ quay trở lại. Hoặc trong Tin Mừng theo cách một số người hiểu các câu hỏi về Chúa Giêsu: “Ông ấy là một tiên tri từ xưa đã trở lại, v.v.” (Mc 6:14-16). Hay cảnh người chết tái hiện trong Tin Mừng sau cuộc Khổ nạn trong Phúc âm Thánh Matthêu… Ở đây là dấu hiệu cánh chung, cuộc phán xét đang diễn ra vì khi Chúa Giêsu chết, chúng ta ở thời điểm cuối cùng, rất gần sự kiện cuối cùng mà chúng ta đã bắt đầu thấy trở thành hiện thực. Đó là kiểu dự đoán về hồi sinh chung sẽ như thế nào, không liên quan gì đến luân hồi. Từ tất cả những điều này, một số người nghĩ rằng có một niềm tin rất chung chung về luân hồi, sau đó chỉ có giáo điều kitô giáo mới phản đối việc này. Về vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta phải trả lời càng rõ ràng càng tốt vì nhiều lý do, nó hoàn toàn không xảy ra, chúng ta sẽ phát triển. 

Luân hồi không phải là sống lại

Người do thái cổ đại thực sự có một tầm nhìn hoàn toàn trái ngược: trước hết sự sống trên Trái đất với thể xác và linh hồn là điều duy nhất có thể thực sự được khẳng định. Trong Cựu Ước, cuộc sống trần thế có giá trị và mọi thứ khác ít được xem trọng… Thánh Vịnh đã viết: “Kẻ chết không ca ngợi Chúa” (Tv 113,17), có nghĩa, trong thời gian đầu, sự sống sau khi chết là sự sống sót nhạt nhẽo không đáng quan tâm. Ý tưởng thiết yếu là thành công ở đời sống này trên trái đất. Có lẽ người do thái có quan điểm này về mọi thứ vì họ phản đối quan điểm của người Ai Cập và các dân tộc khác về thế giới bên kia: áp đặt lý tưởng hóa thế giới này cho thế giới kia. Với người do thái, điều này làm giảm bớt quyền năng của Thiên Chúa, như thể Ngài bằng lòng tán thành giấc mơ này của những người muốn vượt qua cái chết. Ý tưởng của Kinh thánh là chúng ta không biết điều gì rõ ràng về cái chết và chúng ta phải hoàn toàn trông cậy vào Chúa. Đây là khải tượng đầu tiên được tìm thấy trong các bản văn cổ nhất, đặc biệt là trong một số Thánh vịnh. Tuy nhiên, từ một thời điểm nào đó, dường như tấm màn che bắt đầu được vén lên. Họ nói về “sự phục sinh”. “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên (Is 26:19)”. Cũng có trong sách Đanien. Ngoài ra còn có thị kiến về những bộ xương khô của tiên tri Êdêkien (Ed 37:9), và sách thứ hai của tiên tri Macabê xác định rõ ràng sự sống lại của thể xác. 

Chúng ta nói về “sống lại”. “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên” (Is 26:19).

Vì thế Cựu Ước kết thúc với ý tưởng, một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ làm con người đứng dậy với cả thể xác và linh hồn, định cho họ một hạnh phúc vĩnh cửu. Và Chúa Giêsu hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn này khi Ngài nói về phục sinh, phục sinh không phải là một ý tưởng, nhưng với Ngài là một thực tế (x. Lc 20:38). Ngài khẳng định dựa trên sách Xuất Hành, trong đó Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, nghĩa là Thiên Chúa luôn hiện hữu. Chẳng hạn Ngài nói sau khi sống lại, sẽ không còn hôn nhân giữa con người với nhau, theo nghĩa sinh sản của con người vì chúng ta sẽ được sự bổ sung đầy đủ: chúng ta sẽ giống như các thiên thần trên trời và chúng ta sẽ hạnh phúc khi ở gần Thiên Chúa như Ngài đã hứa (Mt 22:30). Ngày tận thế cũng hoàn toàn theo hướng này.

Mỗi người là duy nhất

“Số phận loài người là phải chết một lần rồi bị phán xét” (Dt 9:27). Giáo hội chấp nhận truyền thống lâu đời này bằng cách khẳng định, con người tồn tại từ khi được thụ thai và sau đó trải qua cái chết một lần – và chỉ một lần – và lúc này con người bị phán xét, mở ra một lựa chọn triệt để giữa ý Chúa và ngược lại, khước từ Thiên Chúa với khả năng có thể, nếu cuộc sống không phải lúc nào cũng ở trong trục lựa chọn tích cực này thì có một chỉnh sửa, một thanh tẩy: đó là luyện ngục. Sau đó sẽ đến phán xét cuối cùng và sự sống lại của thể xác như trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.” Chính Chúa Kitô Cứu Thế giải thoát chúng ta, chứ không phải đi qua một loạt luân hồi cho đến khi chúng ta hoàn hảo dựa trên sức mạnh của chính chúng ta.

Sách Khải Huyền nhấn mạnh ý tưởng mỗi con người là duy nhất trước mặt Thiên Chúa.

Sách Khải Huyền nhấn mạnh ý tưởng mỗi con người là duy nhất trước mặt Thiên Chúa. “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?

Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo cách đó, và không có luân hồi thành người khác. Điều đó là không thể, phi logic, trái với đức tin và cũng không có yếu tố lý trí nào để tin vào điều đó.

Linh hồn và thể xác có mối liên kết nội tại

Ý tưởng luân hồi trái ngược trực diện với cái nhìn về linh hồn và thể xác của kitô giáo. Theo quan điểm Kinh thánh và trong mọi logic triết học truyền thống, linh hồn và thể xác có mối liên kết nội tại tạo nên con người. Rõ ràng cái nhìn này của con người đang bị đe dọa, có nghĩa là mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác. Chúng ta là gì? Có phải chúng ta là kết hợp của xác thịt và tinh thần, thân thể có phải là thứ chúng ta nhận, rồi bỏ đi không? Đây sẽ là dạng của chủ nghĩa Platon trong đó tính hữu hình sẽ không được nghiêm túc xem trọng, cũng như khái niệm về phán xét.

Hợp chất con người do Chúa tạo không phải một bên là linh hồn, một bên là thể xác. Như chúng ta đã thấy, trên quan điểm triết học, linh hồn có mối liên hệ sâu sắc với thể xác, chúng ta có thể dựa trên Kinh thánh, như thế còn vững chắc hơn. Đó là lý do vì sao Giáo hội khẳng định không có một tồn tại trước của linh hồn, dù cho Giáo phụ Origen đáng kính của Giáo hội đã khẳng định. Giáo hội đã rõ ràng bác bỏ học thuyết liên quan đến thuyết luân hồi, đặc biệt tại Công đồng Constantinople lần thứ hai vào thế kỷ thứ 6: chúng ta không tồn tại trước khi được sinh ra, chúng ta không là gì trước khi được thụ thai và bản chất của chúng ta là một hữu thể gồm có linh hồn và thể xác. Theo mặc định, chúng ta không phải là thiên thần: chúng ta không phải là “thiên thần thứ hai”, như Công đồng đã nói.

Ở bản lề của vật chất và tinh thần

Điều đặc biệt, con người là bản lề của thế giới vật chất và thế giới tâm linh. Điều làm nên nhân tính của chúng ta là chúng ta ở bản lề của hai mệnh lệnh sáng tạo mà Thiên Chúa muốn: sự sáng tạo vật chất, với tất cả vẻ huy hoàng của nó, vũ trụ với vô số sinh vật đa dạng sinh sống trong đó, và, trên đó là cuộc sống tâm hồn, lý trí, suy nghĩ và tình yêu, vốn là những gì thuộc về thiên thần, nhưng thiên thần là những hình thức phi vật chất. Chúng ta ở trong tình trạng được phép làm cho tạo vật vô tri hát lên (mà nếu không có điều này thì sẽ không có tiếng hát). Và việc ca ngợi Đấng Tạo Hóa mang lại ý nghĩa cho sự sáng tạo này.

Thiên Chúa không tìm thấy niềm vui của Ngài nhiều trong chuyển động đều đặn của các quả cầu cho bằng sự tự do được tạo ra này, được kêu gọi cộng hưởng với sự tự do vĩnh cửu của Ngài. 

Thiên Chúa không tìm thấy niềm vui của mình nhiều trong sự chuyển động đều đặn của các quả cầu cho bằng trong tự do được tạo ra này, được kêu gọi cộng hưởng với tự do vĩnh cửu của Ngài. Ngài muốn qua những thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta có được tự do tương tác với Ngài và có ý thức về mọi tạo vật. Nhưng tất cả điều này chỉ có thể có được vì chúng ta tràn ngập trong sự sáng tạo này qua cơ thể chúng ta. Do đó, cái chết, tất nhiên tồn tại từ khi ông Adong phạm tội, là sự phá vỡ điều tuyệt vời mà Thiên Chúa mong muốn. Và dĩ nhiên có điều gì đó trong chúng ta có thể sống sót sau cái chết của thể xác. Chúng ta không đi đến sự tuyệt chủng hoàn toàn. Chúng ta không biết gì nhiều về linh hồn, Kinh thánh có vài từ nói về linh hồn: “Con người bên trong”, “trái tim” và “linh hồn” như chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10:28).” Như thế có nghĩa có một cái gì đó trong chúng ta vẫn còn sót lại, giống như sợi chỉ nối những viên ngọc trai của chiếc dây chuyền, chính linh hồn kết nối các giai đoạn khác nhau trong sự tồn tại của chúng ta: trên trái đất, sau khi chết và cho sự sống lại.

Chủ thể tâm linh của chúng ta được một cái gì đó mang theo sẽ không phải chịu cái chết, nhưng cái chết sẽ chạm tới sâu sắc, giống như con ốc sên không có vỏ. Khi Thiên Chúa nghĩ đến con người, Ngài nghĩ đến toàn thể con người, cả thể xác lẫn linh hồn. Chẳng hạn nụ cười – đó là tâm hồn hay thể xác? – cả hai, cùng nhau. Và mọi thứ có được như một trải nghiệm trọn vẹn trong cuộc đời chúng ta, đều được thực hiện qua tâm hồn và cơ thể, giống như bảng điều khiển âm thanh. Chính với sự tồn tại này mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta. 

Khái niệm về phán xét

Niềm tin này ngược với quan niệm về sự phán xét của Thiên Chúa, vốn là điều thiết yếu và chúng ta nhận từ Truyền thống Kinh thánh, vì một phán xét lặp đi lặp lại không còn là phán xét nữa. Chúng ta thường nghe: “Làm sao, vào cuối một cuộc đời ngắn ngủi tẻ nhạt, chúng ta lại bị xét xử vĩnh viễn?” hoặc “Chúng ta sống trên trái đất này là gì? Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, năm mươi năm… những năm tháng này có ý nghĩa gì với vĩnh cửu? Chúng ta mạo hiểm toàn bộ tương lai chỉ một lần tung xúc xắc: không thể tin được! Thiên Chúa không thể phán xét chúng ta như vậy, cũng như Ngài không thể phán xét trẻ em: chúng đã làm gì sai?”, v.v. Niềm tin vào luân hồi trấn an hơn: “Được, hành động của chúng ta sẽ có hậu quả; nếu chúng ta tàn nhẫn, chúng ta sẽ sống lại trong dạng động vật để cố gắng tôi luyện; sẽ có một hình phạt nội tại, nhưng sẽ không có phán xét dứt khoát và chúng ta sẽ có thể, từ đời này sang đời khác, thanh lọc bản thân cho đến khi lên Niết bàn, v.v..” Việc bác bỏ khái niệm phán xét tuyệt đối dựa trên một kiếp sống cũng là một phần trong lập luận của những người theo thuyết luân hồi. 

Vì con người được tự do

Đứng trước những điều này, trước tiên chúng ta phải quay trở lại với khái niệm “phán xét” trong Kinh thánh, vốn không phải là một phán xét tùy tiện. Không có một Thiên Chúa chướng khí nào  nói mà không có lý do: “Người này sẽ xuống hỏa ngục, người này sẽ lên thiên đàng”. Nhưng phán xét là cập nhật định hướng sâu sắc của quyền tự do với những lựa chọn liên tiếp mà con người thực hiện. Chính trong cuộc đối đầu cuối cùng giữa con người và Thiên Chúa mà sự vĩnh cửu của con người sẽ được diễn ra, con người được mời gọi đưa ra câu trả lời dứt khoát cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta không thể đưa ra câu trả lời chân thực cho Chúa, điều đó có nghĩa, mọi thứ luôn có thể bị đặt vấn đề và chúng ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc lâu dài. Nếu những lựa chọn chúng ta đưa ra vào một lúc nào đó, và có thể bị nghi ngờ vào một lúc khác, thì điều đó sẽ rất đáng buồn, vì như thế chúng ta sẽ không bao giờ trải nghiệm được hạnh phúc lâu dài. Vì vậy, ngược lại, nếu chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng chúng ta vì tình yêu, vì Ngài muốn chúng ta có hạnh phúc vĩnh cửu, có nghĩa là vào một lúc nào đó – không phải ngay lập tức, không phải trong giây lát – mà là ngày phục sinh, Thiên Chúa đã nhận được từ chúng ta câu trả lời dứt khoát, Ngài sẽ mang lại cho chúng ta một hạnh phúc cũng dứt khoát: chia sẻ cuộc sống với Ngài mãi mãi. 

Thiên Chúa đã nhận được từ chúng ta câu trả lời dứt khoát, Ngài sẽ mang lại cho chúng ta một hạnh phúc cũng dứt khoát: chia sẻ cuộc sống với Ngài mãi mãi.

Sự phán xét không gì khác hơn là khả năng của con người trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách đích thực. Đó là sự vĩ đại của con người chúng ta khi phải chịu lựa chọn cuối cùng. Sự tự do của chúng ta thành một lựa chọn thực sự, một lựa chọn liên quan đến cuộc sống. Và đây là phán xét sẽ được thực hiện trong công lý, sự thật và tình yêu. Trong những lời chứng về trải nghiệm cận tử, chúng ta tìm thấy một hình thức xác nhận giáo lý kitô giáo: thật đáng ngạc nhiên khi tất cả các châu lục và trong mọi văn hóa, tất cả những người trở về sau tình trạng cận tử đều mô tả trải nghiệm về mọi mặt phù hợp với giáo lý kitô giáo, với ý tưởng về sự phán xét trong tình yêu và ánh sáng, giữa hiệp thông của các thánh và sự gần gũi tâm hồn của những người thân yêu. 

Có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát

Làm thế nào chúng ta có thể hiểu và giúp đỡ những người có cái nhìn về những điều có vẻ yên tâm hơn, tự nhiên hơn, bình thường hơn, ít căng thẳng hơn so với ý tưởng về sự phán xét cuối cùng? Chúng ta phải nhấn mạnh, sự cao cả của con người là có thể trả lời dứt khoát với Chúa, và nếu chúng ta không làm được thì chúng ta không thể có được hạnh phúc hoàn hảo và lâu dài. Chắc chắn sẽ tốt đẹp khi chúng ta vượt lên bậc thang của đời sống hiện tại, nhìn qua bên kia cuộc sống và cuối cùng nhận thức được sự tồn tại của chúng ta là một phần của vận mệnh toàn cầu, chứ không chỉ đơn thuần là một hiện tượng phụ được định sẵn và sẽ biến mất. Nhưng mặt khác, giải pháp của luân hồi đưa ra, tưởng chừng như đơn giản và dễ dàng, lại làm chúng ta rơi vào trạng thái tuổi thơ và ngăn chúng ta đối diện với thực tế. Đó là ý tưởng cho rằng trong sâu thẳm, chúng ta luôn có thể xóa bản sao của mình, nhưng ngược lại, chúng ta biết trong thế giới thực, có những lựa chọn không thể thay đổi được và chính khi đối diện với chúng, chúng ta xây dựng được chính con người mình. 

Một hoạch định của Chúa

Ngược lại, Sự sống lại phần xác như Tân Ước kể cho chúng ta, hoàn toàn không phải là hình ảnh mà con người có một cách tự nhiên về thế giới bên kia. Đó không phải là kết quả của phóng chiếu ước vọng của chúng ta, vì chúng ta sẽ không mong muốn hay tưởng tượng ra điều đó, nó không đến từ giấc mơ về một cõi vĩnh hằng bù đắp cho nỗi buồn kiếp này. Nó thực sự phù hợp với những gì Thiên Chúa đã mặc khải về kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta. Nếu chúng ta không tiếp nhận nó, chắc chắn nó sẽ không bao giờ nảy mầm và hơn nữa, ý tưởng này không tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác ngoài kitô giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch