Hai hồng y Pháp Pierre và Bustillo nhận giáo xứ Rôma của các ngài
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-04-22
Hồng y Christophe Pierre và François Bustillo nhận giáo xứ Rôma của các ngài ngày thứ bảy 20 và chúa nhật 21 tháng 4-2024, vài tháng sau khi được Đức Phanxicô phong hồng y. Nghi lễ này có ý nghĩa quan trọng với hai hồng y cử tri giáo hoàng.
Hồng y François Bustillo, 55 tuổi nhận giáo xứ Rôma Đức Mẹ Lộ Đức ở Boccea, ngày thứ bảy 20 tháng 4. Alessia Giuliani / CPP
Từ phía sau gian giữa nhà thờ, một cậu bé nghiêng đầu để nhìn rõ toàn cảnh. Trước mặt em là người đàn ông cao lớn, mặc áo màu đỏ đứng sau bàn thờ. Em chưa biết linh mục này, đây là lần đầu tiên em thấy. Thứ bảy 20 tháng 4, hồng y François Bustillo, 55 tuổi đến nhận giáo xứ Rôma Đức Mẹ Lộ Đức ở Boccea của ngài. Truyền thống quy định, tất cả các “hoàng tử của Giáo hội” nhận một nhà thờ ở Rôma trong tinh thần gần với giám mục giáo phận Rôma là giáo hoàng, bây giờ hồng y Bustillo là linh mục của nhà thờ Rôma nhỏ bé, sáng sủa và ấm áp được xây vào giữa những năm 1980.
Vài phút trước đó, ngài đi chiếc Fiat Argenta màu đen trước các cặp mắt tò mò của giáo dân, họ cố gắng nhận ra khuôn mặt của người họ nhìn thấy trên tấm áp phích dán ở phía sau giáo xứ quen thuộc của mình. Khi ngài bước vào, mọi người đều mỉm cười với ngài, ngài gật đầu chào lại và chúc lành cho vài em bé. Hồng y trẻ, tu sĩ Dòng Phanxicô giải thích trong bài giảng: “Là hồng y không phải là một chức vị nhưng là một sứ mệnh. Với tôi, đó là trách nhiệm phục vụ Giáo hội, là mối liên kết với Rôma nhưng cũng là một tầm nhìn. Một số người chỉ xem danh hiệu này là một danh hiệu giáo hội.”
Hồng y Bustillo được cho là một trong những nhân vật làm ngạc nhiên trong nhóm các hồng y được Đức Phanxicô phong trong công nghị tháng 9 năm 2023, trong bài phát biểu, hồng y nêu lên “ba phẩm chất của mục tử”: cống hiến cuộc đời, hiểu biết và lắng nghe. Trước các giáo dân của quận Rôma hơi xa lạ gồm các gia đình, người già, khoảng 20 nữ tu và các linh mục người Pháp làm việc tại Giáo triều Rôma, hồng y Bustillo cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ để chúng con sống như người tín hữu kitô tràn đầy hy vọng. Như hồng y vẫn thường giảng, bài giảng của hồng y đơn giản như bài giảng của một cha xứ. Một đơn giản mà Đức Phanxicô đã đánh giá cao trong các bài viết về ơn gọi linh mục khi đối diện với khủng hoảng của hồng y.
Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”
Hồng y Christophe Pierre, nhà ngoại giao chuyên nghiệp
Nhưng khi chọn các hồng y, Đức Phanxicô đề cao những người không giống mình: hồng y Christophe Pierre. Ngày chúa nhật 21 tháng 4, hồng y Pierre đã nhận giáo xứ Ostiense ở Rôma. Lần này, các linh mục và các nữ tu của Giáo triều nhường chỗ cho các nhà ngoại giao, vì hôm nay, chúa nhật 21 tháng 4, hồng y Christophe Pierre, 78 tuổi, sứ thần tại Hoa Kỳ đến nhà thờ San Benedetto fuori porta San Paolo nhận giáo xứ của ngài. Nhà thờ được xây vào nửa cuối thập niên 1980. Khẩu hiệu của ngài được khắc bằng tiếng la-tinh trước nhà thờ: “Ora et laba”, Cầu nguyện và làm việc .
Nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã làm việc ở một số quốc gia Nam Mỹ, ngài chưa bao giờ là linh mục của một giáo xứ. Ngài nói: “Hôm nay, sau hơn 50 năm đi vòng quanh thế giới, Đức Phanxicô đưa tôi về Rôma giao cho tôi một giáo xứ. Giáo xứ mà tôi chưa bao giờ có”. Buổi lễ có sự hiện diện đông đảo của gia đình ngài, một số sứ thần (Pháp, Uruguay, Hoa Kỳ) và tổng giám mục Paul Gallagher, “bộ trưởng bộ Ngoại giao” của giáo hoàng.
“Tôi sợ trở thành một linh mục không gốc rễ”
Trong bài giảng bằng tiếng Pháp và sau đó bằng tiếng Ý xen lẫn tiếng Tây Ban Nha, hồng y Pierre nhìn lại hành trình của mình: “Khi rời khỏi quê hương Bretagne, tôi sợ tôi sẽ là linh mục không có gốc gác. Một quản trị viên. Nhưng không phải vậy. Kinh nghiệm của tôi là tôi đã tìm thấy gốc rễ ở khắp những nơi tôi đến. ” Sứ thần tại Hoa Kỳ, người có sứ mệnh tế nhị là thực hiện đường lối của Đức Phanxicô trong một Giáo hội Hoa Kỳ rất phân cực giữa những người bảo thủ và cấp tiến, đã kiên quyết đặt mình đi theo đường lối của giáo hoàng Argentina.
Hồng y nói: “Tôi muốn nói với mọi người, tôi yêu mến Đức Phanxicô. Ngài mời gọi chúng ta là nhà truyền giáo, thoát ra khỏi chính mình để gặp mọi người. Đức tin của tôi rất đơn giản, một đức tin như đức tin của các bạn.”
Một niềm tin đã hợp nhất hai tân hồng y Pháp.
Marta An Nguyễn dịch
Hồng y Pierre nhận giáo xứ Ostiense ở Rôma ngày chúa nhật 21 tháng 4