“Ngày nay có ai còn cảm thấy mình liên hệ đến Tuần Thánh?”
la-croix.com, nhà tiểu luận Jean de Saint-Cheron, người phụ trách chuyên mục báo La Croix, 2024-03-25
Chúa nhật tuần này chúng ta chính thức bước vào Tuần Thánh, kết thúc bốn mươi ngày Mùa Chay. Trong bài viết này, tác giả đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự kiện này ngày hôm nay. Theo tác giả, cần có một đức tin lớn lao để vẫn tin rằng thế giới hiện nay của chúng ta cần được cứu rỗi.
Jean de Saint-Cheron trong sân của Viện Công giáo Paris, ngày 15 tháng 12 năm 2022. Aleister Denni
Chúa nhật Lễ Lá. Hôm nay không phải ngày lễ Truyền Tin nhưng lịch của tôi rõ ràng đúng là ngày 25 tháng 3. Các ngày lễ cứu rỗi lớn thường được xếp hạng cao hơn những ngày mặc áo lễ tím, tôi sẽ không phàn nàn nếu khai mạc Tuần Thánh với áo lễ trắng, với thực đơn của ngày lễ có chai rượu vang ngon. Theo nguyên tắc lễ Truyền Tin được cử hành ngày 25 tháng 3, năm nay bị hoãn đến ngày 8 tháng 4 vì Tuần Thánh, nhưng không vì vậy mà ngăn chúng ta không xem lại việc vì sao một thiên thần đột ngột hiện ra cách đây hai mươi thế kỷ với một thiếu nữ do thái Galilê vừa ngạc nhiên vừa được nâng cao: “Bà sẽ đặt tên con là Giêsu” (Lc 1:31).
Và đó là điều thiên thần vừa đến thông báo. Chúa Giêsu, “Chúa cứu độ”. Tất cả đã được nói. Vào ngày thứ hai Tuần Thánh, thông báo này làm chúng ta phải cực kỳ tập trung xem lại tác động của ơn cứu độ: Thiên Chúa quyết định đến vì tình yêu, Ngài ban cho chúng ta Mình và Máu Thánh Ngài vì tình yêu, Ngài chết vì yêu, Ngài phục sinh cũng vì yêu. Chúng ta đã được cứu. Chúng ta đừng tìm đâu xa để biết ý nghĩa vì sao Ngài xuống thế gian.
Một thế giới được cứu… có vẻ như không phải vậy
Tuy nhiên, không dễ như khi liếc mắt đọc báo để nhận ra Chúa đã xuống thế để cứu chúng ta và Ngài đã làm được. Phải có một đức tin lớn lao để tiếp tục nhìn vào thế giới được cứu độ này với một niềm hy vọng, một thế giới dường như không như vậy. Cũng không dễ để tôi nhìn vào chính thói ích kỷ của tôi – về tất cả tội lỗi mà tôi không thể thoát – để thuyết phục chính tôi, rằng cá nhân tôi đã được cứu.
Tuy nhiên, cần khiêm tốn để nhận ra những điều tốt đẹp diễn ra trong chính chúng ta, những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, và thậm chí còn hơn thế nữa, khi chúng ta nhìn vào những điều tốt đẹp người khác làm. Có một cách can đảm để xem lợi ích khách quan, đặc biệt là đời sống siêu nhiên của các thánh để không tuyệt vọng. Và đến lượt chúng ta, chúng ta quyết định ra khỏi tình trạng nô lệ. Triết gia Bergson, người vẫn là người do thái cho đến cuối cùng, nhưng kitô giáo đã làm mê hoặc và thu hút ông hơn bất kỳ tôn giáo nào khác đã viết: “Tại sao các thánh lại có những người bắt chước?… Họ không đòi hỏi gì nhưng họ lại có được. Họ không cần phải xin; họ chỉ tồn tại; sự tồn tại của họ là lời kêu gọi” (1). Công thức thật tuyệt vời.
Những người của thời 68 và những người theo trào lưu chính thống
Xin lỗi, tôi cắt đứt bầu khí (tôi tự bắn vào chân tôi): ý nghĩa của một bài viết như thế này ở Pháp năm 2024 là gì? Ngày nay ai cảm thấy mình quan tâm đến Tuần Thánh? Ai biết lễ Truyền Tin thường được cử hành ngày 25 tháng 3? Ai vẫn còn xem trọng những lời đầu tiên của Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái? Năm này qua năm khác, số liệu thống kê của việc giữ đạo ngày càng buồn thê thảm. Các chủng viện gần như không còn ai vào. Các sách của sử gia Guillaume Cuchet phân tích Làm thế nào thế giới chúng ta không còn là kitô giáo (Comment notre monde a cessé d’être chrétien, nxb. Seuil, 2018) và Liệu Công giáo có còn tương lai ở Pháp không? (Le catholicisme a-t-il encore de l’avenir en France?, nxb. Seuil, 2021) còn ai đọc?
Tuy nhiên trong số những kitô hữu cuối cùng, nhiều người vẫn tiếp tục chỉ tay vào những lỗi lầm của “phía” đối lập: đó là lỗi của những người thời 68 đã phản bội điều thiêng liêng (1). Đó là lỗi của những người chính thống phản bội đức bác ái! v.v. Trên thực tế, thay vì tố cáo một quá khứ được cho là lỏng lẻo hay la hét các người trẻ mặc áo chùng vẫn có lòng quảng đại muốn dâng hiến đời mình, chúng ta có thể hướng cái nhìn biết ơn đến cô gái nhỏ bé của làng quê Nadarét, xứ Galilê qua lời xin vâng kín đáo, ở một thời mà giới tư tế tham nhũng, một hoàng gia thối nát đang bóp nghẹt người dân Israel, thì qua lời xin vâng của cô, Đấng tạo dựng thế giới đến với chúng ta. Xin lỗi những nhận xét trong sách giáo lý này có vẻ “lạc đề” đối với một số người, đặc biệt dưới ngòi bút của một kẻ có tội. Nhưng xin các vị ‘tài tử’ hiểu, vì chỉ có các thánh mới có thể cho chúng ta biết Tuần Thánh là gì.
- Hai nguồn gốc của đạo đức và tôn giáo, 1932. (Les Deux Sources de la morale et de la religion, 1932).
- Phong trào biểu tình bất ổn ở Pháp năm 68 ảnh hưởng đến xã hội, được cho là bước ngoặt văn hóa, xã hội và đạo đức trong lịch sử, tạo ra một cuộc cách mạng xã hội ở Pháp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch