Thierry Magnin: cuộc đối thoại nào giữa khoa học thần kinh và đức tin?
cath.ch, Maurice Page, 2024-03-24
Linh mục Thierry Magnin, trưởng khoa nhân văn tại Đại học Công giáo Lille | © Jacques Berset
Phần lớn thế kỷ 20, khoa học và đức tin xem như đối kháng nhau, mỗi bên đều tuyên bố mình giải thích được sự sống. Linh mục Thierry Magnin nghĩ rằng ngày nay khoa học và đức tin có thể đối thoại để hiểu được sự phức tạp của cuộc sống.
Những suy tư thần học và triết học được củng cố bởi những khám phá khoa học và ngược lại. Linh mục Magnin, trưởng khoa nhân văn tại Đại học Công giáo Lille, đã khai triển suy nghĩ này trong quyển sách có tựa đề Đức tin và khoa học thần kinh đối thoại về con người sống (Foi et neurosciences dialogue sur l’homme vivant, xuất bản năm 2022). Linh mục trình bày luận án trong ngày nghiên cứu tại Trung tâm đào tạo Giáo hội ở Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp (CCRFE).
Ngẫu nhiên và cần thiết
Năm 1970, nhà sinh hóa Pháp Jacques Monod thắc mắc về sự tiến hóa
Linh mục Thierry Magnin cho biết: “Khi tôi bắt đầu Toán Cao đẳng (Math Sup) năm 1970, quyển sách của nhà sinh hóa học Jacques Monod (Nobel sinh hóa 1965) Ngẫu nhiên và cần thiết vừa được phát hành. Ông giải thích, ngẫu nhiên là động lực thúc đẩy quá trình tiến hóa. Tầm nhìn này đã giải thích lại ý nghĩa của con người và lịch sử đã thống trị trong những năm đó.” Còn phần mình, khoa học thần kinh đang nổi lên vào thời điểm đó đã cố gắng phân tích con người như một cỗ máy sinh học. Sau đó trí tuệ nhân tạo xuất hiện với ý tưởng căn bản “suy nghĩ là tính toán”. Người ta cho rằng máy móc cũng có thể làm tốt nếu không muốn nói là tốt hơn đầu óc con người.
Khoa học không thể giải thích được tất cả
Năm mươi năm sau, tiến bộ kỹ thuật bộc lộ một hệ tư tưởng kém rõ ràng hơn nhiều. Chúng tôi nhận ra chủ đề này không có lời cuối cùng về thực tế, và khoa học không thể giải thích tất cả. Ngày nay chúng ta đang nói về sự không hoàn hảo của khoa học, điều này hoàn toàn không phải khoa học thất bại nhưng là điều kiện để khoa học thực hiện. Theo linh mục Thierry Magnin, đây là cuộc cách mạng nhận thức luận (nghiên cứu kiến thức khoa học).
“Ngược với những gì chúng ta nghĩ cho đến gần đây, bộ não phát triển trong suốt cuộc đời”
Các nhà thần kinh học ngày nay quan tâm đến vấn đề ý thức, một vấn đề cho đến nay vẫn là lãnh vực của các nhà thần học và triết học. Hay chính xác hơn là các cơ chế để đến với ý thức. Linh mục lưu ý, để làm được điều này, họ cần tương tác với các nhà tâm lý hoặc triết gia. Cuộc đối thoại này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các quá trình của khả năng nhận thức như tri giác, chú ý, ngôn ngữ, trí nhớ, lý luận, những hình ảnh của não trạng hay quá trình ra quyết định.
Công nghệ hiện nay có thể làm thành hiển nhiên các mối quan hệ giữa sinh học, tâm lý và tâm linh theo cả hai hướng. Trong tâm lý học, người ta sẽ nói đến tâm-thân (psycho-somatique). Linh mục Magnin giải thích, trên lãnh vực của mình, nhà sinh vật học có thể nhận thức được, nếu không phải là hiểu chúng, các tác động của tâm lý và tinh thần lên cơ thể.
Mở ra trước sự phức tạp của người sống
Khoa học thần kinh đặc biệt quan tâm đến biểu sinh (épigénétique) có nghĩa là điều biến các gen được biểu hiện ít nhiều mạnh mẽ bằng cách gây ra các thay đổi trong cơ thể. Chúng ta thấy môi trường tâm lý, trải nghiệm của con người, có ảnh hưởng đến sự điều tiết này, chẳng hạn qua thức ăn, niềm vui, căng thẳng, v.v. Chúng ta có thể đưa ra những thay đổi trạng thái của thai nhi tùy thuộc vào sự căng thẳng hay nghỉ ngơi của người mẹ. Cũng vậy, những thay đổi về thần kinh đã được ghi nhận ở các thiền sư vĩ đại. Theo cha Magnin, chúng ta phải thận trọng trong việc giải thích những yếu tố này.
Cánh cửa dẫn đến sự phức tạp của cuộc sống mở ra một chút và chúng ta có thể nhìn vào các mối quan hệ sinh động bên trong chính nó và với thế giới bên ngoài. Linh mục lưu ý, các sinh vật sống vẫn “dẻo” và có thể bị môi trường làm biến đổi. Đây là cái mà chúng tôi gọi là tính dễ bị tổn thương của các sinh vật sống – phải được phân biệt với tính mong manh của chúng. Vì thế, chúng tôi có hệ nhị phân dễ tổn thương/mạnh mẽ.
Một tiếng vọng từ Thánh Irênê thành Lyon
Tầm nhìn này không phải là không cộng hưởng với truyền thống kitô giáo được Thánh Irênê ở Lyon đại diện, vào thế kỷ thứ 2, ngài đã nói thể xác chỉ là một phần của con người, tâm hồn chỉ là một phần của con người, tinh thần chỉ là một phần của con người. Chính sự kết hợp và thống nhất của tất cả những yếu tố này tạo nên con người trọn vẹn.
Theo ngài, thể xác con người không phải là trở ngại cho sự hoàn thiện. Ngược lại, nó là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Như thế, nó rất xa với thuyết nhị nguyên tách biệt thể xác và linh hồn, đã thấm sâu trong giáo dục tôn giáo xem linh hồn là tù nhân của thể xác.
Linh mục Magnin lưu ý: qua các phương tiện hoàn toàn khác nhau, chúng ta thấy một quan niệm tương tự về sự phức tạp của con người, không chỉ là một cỗ máy sinh học. Khoa học thần kinh cho thấy con người suy nghĩ bằng cơ thể mình. Để chính xác, chúng ta dùng từ hy lạp ‘bios’ sang ‘zoe’, từ sống còn sang Sống.
Thánh Irênê là giám mục thứ hai của Lyon vào thế kỷ thứ 2
Câu hỏi về ý thức
Linh mục Magnin tin rằng, trong sự hội tụ có thể có giữa khoa học và đức tin, câu hỏi về ý thức sẽ chiếm một chỗ đứng mới.
Câu hỏi về khả năng tiếp nhận ý thức được phát triển cùng với những vấn đề khác, từ kinh nghiệm của Phineas Cage, người công nhân Mỹ ở thế kỷ 19 đã bị xà beng xuyên qua não. Ông không những không chết mà dường như còn có cuộc sống và trí thông minh bình thường. Nhưng chúng tôi dần dần nhận ra, bị tước đi một phần trí nhớ và điểm tham chiếu cảm xúc, tính cách và hành vi của ông đã thay đổi, ông gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định cũng như trong các mối quan hệ xã hội đúng đắn. Trong những năm 1990, nhà thần kinh học Antonio Damaso bắt đầu để ý đến trường hợp này và tìm cách tái tạo lại khía cạnh lâm sàng của chấn thương.
“Ý thức là một vòng xoắn ốc đồng-tiến hóa khủng khiếp, nơi trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng tưởng tượng, dự đoán, tính toán và chia sẻ kết hợp với nhau”
Cân bằng và thích ứng
Linh mục đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc cân bằng điều hòa sinh môi (homéostasie), có nghĩa năng lượng sống luôn tìm cách cân bằng, thông qua khả năng thích ứng lớn lao. Khía cạnh thứ hai là mối liên hệ giữa cảm xúc và lý trí. Các nhà tâm lý đã biết từ lâu, nhưng với khoa học thần kinh thì nghiên cứu về nó vẫn còn mới mẻ. Chúng tôi đã phát hiện được sự tồn tại của các ‘điểm đánh dấu’ trong cơ thể và mối liên hệ giữa cảm nhận (nhờ giác quan tạo ra), tình cảm và cảm xúc. Từ đó, não thiết lập các “bản đồ thần kinh” đi vào ý thức và tương tác với suy nghĩ.
Tương tự như vậy, một nhà thần kinh học người Pháp làm việc với các tù
nhân đã chứng minh, xúc giác của họ bị thay đổi khi bị giam giữ và đã làm thay đổi chức năng não bộ cũng như mối quan hệ của họ với thế giới.
Một vòng xoáy đồng-tiến hóa
Theo nhà thần kinh học, chính ý thức trước hết chỉ định cảm giác thuần túy mà chủ thể có được về trải nghiệm chủ quan của chính mình. Vì thế chúng ta nói đây là ý thức sơ khai. Đi xa hơn, chúng ta có thể xem việc tiếp cận ý thức là vòng xoắn ốc đồng-tiến hóa khủng khiếp, nơi trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng tưởng tượng, dự đoán, tính toán và chia sẻ kết hợp với nhau. Thiên nhiên và sự nuôi dưỡng, hay nói cách khác, thiên nhiên và văn hóa hoạt động theo một vòng lặp.
Do đó, những gì các triết gia đã biết đều được xác nhận bằng việc phân tích các cơ chế thần kinh. Như thế chúng ta có thể ‘nhìn thấy’ trong não sức nặng vượt trội của hiện tại và cá nhân.
Từ đó các nhà khoa học thần kinh cũng có khả năng tiết lộ các thành kiến về nhận thức xã hội như trực giác, tự biện minh, sự thoải mái, khen thưởng hoặc dưới ngưỡng ý thức. Những yếu tố ‘có thể nhìn thấy được’ thông qua các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, đôi khi được gọi là ‘hormone khoái cảm’.
Khoa học thần kinh và phân định
Chúng ta vẫn có thể xem xét các cơ chế quyết định sau đây với tính tiện dụng, thích ứng, ghi nhớ, cảnh giác hoặc có sức nặng tương ứng với sự phân định của Thánh I-Nhã ở thế kỷ 16. Đây có thể là những quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng nhưng cũng có thể mang tính tự phát hoặc mang tính thói quen như khi chúng ta lái xe với tay lái, cần số và phanh. Bộ não đã ghi nhớ những cử chỉ này hoạt động theo cách của “người lái tự động’.
Theo linh mục Thierry Magnin, ngày nay chúng ta có thể nghĩ đến một liên minh thú vị giữa khoa học thần kinh và con đường nhận thức đã được truyền thống kitô giáo đôi khi gọi đó là ‘la bàn nội tâm’, nên khoa học và tôn giáo có thể kết hợp với nhau để phục vụ lợi ích chung. Hay nói theo cách nói của nhà thần nghiệm Thụy Sĩ Maurice Zundel: “Con người là sinh vật được mời gọi để tái sinh trong nhân tính của mình.”
Trí tuệ nhân tạo có thể nâng cao kiến thức và đức tin như thế nào? | DR
Trí tuệ nhân tạo: con người và máy móc
Theo quan niệm cơ bản, trí thông minh là khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới. Trí tuệ nhân tạo có thể làm được điều đó, nhưng sự khác biệt với trí tuệ con người vẫn là căn bản. Linh mục Thierry Magnin lưu ý, cỗ máy không hiểu nó đang làm gì, dù nó mượn ngôn ngữ của chúng ta.
AI là trí thông minh không có cơ thể. Nó thu thập, góp nhặt, lựa chọn, khôi phục các dữ liệu. Công việc của nó duy nhất là thống kê. Nhờ khả năng tính toán và sự ‘huấn luyện’ của nó, nó có khả năng thực hiện những màn trình diễn đáng kinh ngạc, nhưng nó không có ý thức cũng như khả năng sáng suốt. Nhà nghiên cứu khẳng định: đó là cỗ máy không sống, được làm bằng silicon! Một thử nghiệm nhỏ thú vị, hỏi AI cùng một câu hỏi hai lần, nhưng đặt câu hỏi khác nhau. Câu trả lời sẽ khác nhau mỗi lần.
Dù bây giờ có một số người nói về tế bào thần kinh nhân tạo, hoạt động của AI không liên quan gì đến bộ não con người. Mô phỏng sinh học, được cho là bắt chước hoạt động của các sinh vật sống, rất phổ biến. Linh mục Magnin lưu ý, khi giảm thiểu sinh vật sống chỉ qua chức năng của chúng, chúng ta mất đi một phần lớn sự phức tạp của chúng.
Điều này có nghĩa chúng ta phải cẩn thận trước những hành vi lạm dụng khi giao cho AI các nhiệm vụ liên quan đến khía cạnh đạo đức, chẳng hạn như trong lĩnh vực quân sự. Máy không thể làm việc cho chúng ta từ A đến Z.
Theo nghĩa này, theo linh mục Magnin, nhân học thể xác-linh hồn-tinh thần kitô giáo vẫn rất phù hợp và rất hiện thời.
Marta An Nguyễn dịch
Trí tuệ nhân tạo phục vụ ơn cứu độ
Thierry Magnin
Vừa là tiến sĩ khoa học vật lý vừa là tiến sĩ thần học, ban đầu linh mục Thierry Magnin là giáo sư-nghiên cứu gia vật lý tại Trường Cao đẳng Hầm mỏ Saint-Étienne (École nationale supérieure des Mines de Saint-Étienne) sau đó tại các trường đại học Lille và Lyon. Luận án tiến sĩ của ngài tập trung vào mối quan hệ giữa khoa học và đức tin.
Chịu chức năm 1985, ngài là tổng đại diện của giáo phận Saint-Étienne từ năm 2002 đến năm 2010. Linh mục là phó-viện trưởng Học viện Công giáo Toulouse, sau đó là viện trưởng Đại học Công giáo Lyon, từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2019. Linh mục còn là tổng thư ký và phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, chức vụ ngài rời năm 2020 để làm Chủ tịch và viện trưởng phụ trách Nhân văn tại Đại học Công giáo Lille.
Quyển sách mới nhất của ngài có tựa đề Đức tin và khoa học thần kinh đối thoại về con người sống được phát hành năm 2022 (Foi et neurosciences dialogue sur l’homme vivant).