Phim “Chức linh mục”: Đời sống mục vụ của các linh mục

159

Phim “Chức linh mục”: Đời sống mục vụ của các linh mục

Cha Paul, linh mục trẻ của giáo phận Orléans, nói trong buổi ra mắt phim Chức linh mục ngày 18 tháng 10 năm 2023: “Có lẽ tôi chuẩn bị cho những năm tháng khó khăn của tôi trên trần thế với tư cách là linh mục, không phải là khơi dậy lòng tin tưởng nhưng đúng hơn là phải dè chừng với những người tôi gặp.” Con xúc xắc được thảy ngay từ cảnh đầu tiên.

cath.ch, Lucienne Bittar, 2023-10-18

Với phim Chức linh mục, đạo diễn người Pháp Damien Boyer mang lại uy tín cho hình ảnh linh mục đã bị xấu đi qua các tiết lộ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Năm linh mục người Pháp, với lý lịch khác nhau, thẳng thắn nói về hành trình cá nhân, động cơ, những nghi ngờ và đức tin của họ.

Một cam kết đòi hỏi can đảm

Phải có một can đảm nào đó để bước vào chức linh mục. Các linh mục trẻ không còn được sự tôn trọng nội tại gắn liền với chức vụ mà các linh mục lớn tuổi đã có được. Thế tục hóa, tiếp theo là khủng hoảng lạm dụng tình dục và thiêng liêng trong Giáo hội, thường liên quan đến luật độc thân bắt buộc, bị hiểu sai là nguyên nhân làm chức linh mục bị mất uy tín.

Poster phim “Chức linh mục” | © Saje Productions

Các số liệu nói lên chính hiện trạng. Năm 1990 có 2.188 linh mục trong các giáo phận Thụy Sĩ, năm 2016 chỉ còn 1.415 linh mục. Năm 1995 ở Pháp có khoảng 29.000 linh mục, nhưng năm 2020 chỉ còn 12.000 linh mục, hơn một nửa đã trên 75 tuổi. Vậy linh mục, một nghề có nguy cơ biến mất?

Đạo diễn Damien Boyer không phải là người công giáo nhưng thích thực hiện các phóng sự và các phim về những sự kiện xã hội có liên quan đến các giá trị thúc đẩy xã hội, ông mời chúng ta có một cái nhìn về chức linh mục. Dù có nhiều cạm bẫy đang chờ, có phải lúc nào người trẻ công giáo cũng sẵn sàng dấn thân vào cuộc phiêu lưu chức linh mục không? Điều gì thúc đẩy họ?

“Thật gần nhưng lại không đến gần được”

Trong một phỏng vấn với công ty phát hành phim Sage Productions, chuyên phát hành các phim kitô giáo, đạo diễn Damien Boyer cho biết: “Về phần tôi, tôi có hình ảnh khá tích cực về một số linh mục tôi đã gặp, dù đôi khi điều này là cả một bí ẩn với tôi: tình trạng độc thân của họ, hệ thống thứ trật… Nhưng họ là ai? Siêu anh hùng hay chỉ là người bình thường?”

Ông tiếp tục: “Hiện diện trong những thời điểm quan trọng trong đời sống tín hữu như rửa tội, đám cưới hay đám tang, nhưng đời sống thân mật của họ ít được biết đến. Rất gần nhưng lại không đến gần được. Bộ phim muốn nói lên khả năng ảnh hưởng, trải nghiệm của họ và cuộc sống hàng ngày khác thường của những người độc đáo này. Tóm lại, một lần, tôi muốn bắt họ nói với tư cách là ‘tôi’ chứ không nhân danh Giáo hội.”

 Đức Phanxicô và đạo diễn Damien Boyer

Năm linh mục, năm hành trình được tiết lộ

Con xúc xắc thảy đã thành công. Trước ống kính cùng đi với họ trong suốt hành trình, năm linh mục Pháp tự tin phát biểu.

Cha Paul làm chứng trong phim “Sacerdoce” của đạo diễn Damien Boyer | © Saje Production

Cha Paul, 36 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư, linh mục của một giáo xứ nông thôn ở Loiret với 26 tháp chuông, đang chuẩn bị cho giải vô địch đua xe đạp của giáo sĩ Pháp (cha thắng giải khi quay phim). 

Cha Antoine, lớn tuổi hơn một chút, làm mục vụ ở những ngôi làng hẻo lánh Ariège trên chiếc xe lữ hành. Cha ở lại vài ngày ở một ngôi làng, cha gõ cửa từng nhà để giới thiệu mình với rủi ro sẽ không được tiếp.

Cha Gaspard, hướng dẫn viên miền núi, cha đưa các nhóm trẻ đi chinh phục các đỉnh núi Alpes và cũng để chinh phục chính họ, để họ gặp Thiên Chúa.

Cha François, linh mục trưởng nhóm ở giáo phận Paris, cựu sĩ quan hải quân, quyết định ngưng thám hiểm biển để “thám hiểm trái tim”, cha đồng hành với hàng trăm cặp vợ chồng chuẩn bị hôn nhân.

Cha Matthieu, sống ở đường phố Manila, Phi Luật Tân để giúp đỡ trẻ em đường phố trong Hiệp hội Anak-Tnk.

 

Bài đọc thêm: Tìm Chúa trong thùng rác ở Manila, Phi Luật Tân

Thẳng thắn nói

Máy ảnh lần lượt đưa chúng ta đi trên những con đường của miền quê nước Pháp xanh tươi, trên những đỉnh núi phủ đầy tuyết của dãy Alpes hay trên những con đường hoang vắng của khu ổ chuột Manila, để gặp năm linh mục nhưng cũng để gặp những người được giao phó cho họ: những nông dân thờ ơ hoặc gắn bó với Giáo hội, những nạn nhân bị linh mục lạm dụng, những thanh thiếu niên thắc mắc về sản phẩm khiêu dâm, các trẻ em bị ngược đãi…

Với tấm lòng chân thành khiêm tốn, họ thẳng thắn kể lại niềm vui cũng như khó khăn trong đời sống linh mục, từ lối sống độc thân họ chọn, điều này đôi khi làm bóp méo quan hệ của họ với phụ nữ, làm cho họ xa rời niềm vui của khoái cảm tình dục mà Thiên Chúa mong muốn và không có được sự dịu dàng. Sự trung thành với mong muốn của họ, đôi khi phải trải qua trong đau khổ hoặc tạo những vết thương về mặt tinh thần.

Họ cũng nói về niềm vui mà thể thao, âm nhạc hay thiên nhiên đã mang lại cho họ. Họ nói về sự thế tục hóa, sự “cạnh tranh” của các con đường tâm linh khác như pháp sư, vốn “gợi cảm” hơn. Và tất nhiên là đau buồn của họ trước những vụ bê bối lạm dụng làm giáo dân mất đức tin.

Một Giáo hội hoạt động bên lề

Người xem có thể nói đạo diễn đã chọn các linh mục có quá trình đặc biệt, có sự tự do khá hiếm trong Giáo hội để làm cho bộ phim tài liệu của hấp dẫn hơn và gởi một hình ảnh hiện đại hơn về chức linh mục.

Nhưng dần dần, những ý tưởng khác xuất hiện. Cuộc đời của mỗi linh mục không phải là độc đáo sao? Đây là một trong những thành công của phim: làm cho người xem chạm vào được con người đằng sau chức vụ của họ. Và việc đặt các hình ảnh này xen chồng vào những số phận “nguyên thủy” lại không vẽ nên bộ mặt của Giáo hội bên lề mà Đức Phanxicô thường xuyên kêu gọi đó sao? Ở đây một lần nữa cuốn phim làm người xem chuyển hướng nhìn.

Cha Antoine nói: “Cuộc sống cổ điển của một linh mục quản xứ là không đủ với tôi. Tôi thấy mình như người chỉ ban các phép bí tích… Tôi phải đặt mình vào những tình huống là chính mình chứ không phải đóng vai một thừa tác viên của Giáo hội.”

Vị linh mục thích mạo hiểm, thích mở cánh cửa nhà thờ đóng kín, nói: “Khi tôi đi bộ vào một ngôi làng, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, tôi không thể trốn sau chiếc cổ cồn của tôi. Tôi có cảm tưởng bị khép kín. Chính nỗi sợ hãi đã làm cho các nhà thờ phải đóng cửa. Nhưng chẳng sao nếu người ta ăn cắp những gì có trong nhà thờ! Chúng ta khép lòng với Chúa khi chúng ta đóng cửa một nhà thờ!” 

Các bí tích để đem Chúa Kitô đến với mọi người

Ước muốn mang Chúa Kitô đến với giáo dân hoặc đến với tất cả những người họ gặp trên đường đi, cuối cùng chính là điều gắn kết năm nhân vật chính lại với nhau, mang ý nghĩa cho bộ phim. Và các bí tích chiếm một vị trí đặc biệt ở đây. Cha Paul kể: “Khi tôi còn nhỏ, chắc chắn có những người lớn cần linh mục của họ. Theo nghĩa là họ được bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng mỗi chúa nhật. Lúc đó tôi hiểu linh mục là người của bí tích. Và nếu chúng ta cần linh mục, thì đó là vì có giáo dân cần các bí tích.”

Một nhu cầu vẫn còn tồn tại ở các quốc gia ít thế tục hóa hơn, Cha Matthieu ở Manila chứng minh: “Rất khó để đưa giáo dân đến với Chúa Kitô, nhưng lại rất dễ dàng mang Chúa Kitô đến với họ qua các bí tích”. Bằng công thức ngắn gọn và hiệu quả, cha Matthieu  tóm tắt sứ mệnh đến Manila của cha như sau: “Đó là hướng về Chúa Kitô, hướng về thánh giá”. Và thời gian không ảnh hưởng gì đến sứ mệnh này.

Cha François, bị bệnh bệnh ung thư đã nhiều năm, cha cho biết: “Chúng ta thường giản lược tôn giáo thành một hệ thống, thành một tư tưởng, một học thuyết, một đạo đức. Nhưng đức tin trước hết là một người đi trước. Đó là Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô giải thoát tôi, đó không phải là tôn giáo.”

Trên đỉnh núi tuyết, rìa của một vách đá dựng đứng, khoảng mười thanh niên, được Cha Gaspard huấn luyện, đang dựng một cây thánh giá lớn bằng băng tuyết. “Amen, các bạn làm tốt lắm!”

Marta An Nguyễn dịch

Đức Phanxicô muốn xem bộ phim Pháp “Chức linh mục”

“Chức linh mục”: Cuốn phim thành công đáng kinh ngạc về cuộc đời các linh mục

Phim “Chức linh mục” bước vào đời sống linh mục

Đoạn video giới thiệu phim Chức linh mục