Ghi chú của giám mục Marc Aillet về tuyên bố Fiducia supplicans

151

Ghi chú của giám mục Marc Aillet về tuyên bố Fiducia supplicans

Giám mục Marc Aillet, giáo phận Bayonne, Lescar và Oloron, nước Pháp

Giám mục Marc Aillet: đồng ý với chúc phúc cho các cá nhân, nhưng không chúc phúc cho các “cặp” đồng tính.

Lập luận rất vững chắc của giám mục Marc Aillet:

“Ngày 18 tháng 12 năm 2023, bộ Giáo lý Đức tin vừa công bố, với sự chấp thuận của Đức Phanxicô, Tuyên bố Fiducia Supplicans “về ý nghĩa mục vụ của các chúc phúc”.

Được ca ngợi như một chiến thắng của thế giới thế tục, và đặc biệt là của các nhà vận động hành lang LGBT, những người cuối cùng xem đây là sự công nhận của Giáo hội về các mối quan hệ đồng tính dù có nhiều hạn chế được tài liệu của Rôma nhắc lại, đây là chủ đề có những hội đồng giám mục mà toàn thể đã phản đối chưa từng có, đặc biệt là ở châu Phi và Đông Âu, cũng như từ các giám mục từ khắp các châu lục. Ngoài ra, nhiều tín hữu, kể cả những người mới, nhiều linh mục, những người phải đối diện với những tình huống mục vụ phức tạp trong một xã hội mất phương hướng, họ thể hiện lòng trung thành với giáo huấn của Huấn quyền cũng như lòng bác ái mục vụ, nhưng họ nói lên sự bối rối và sự không hiểu rõ của họ.

Bị chất vấn bởi những phản ứng này và sau khi dành thì giờ để suy ngẫm, với tư cách là giám mục, tôi muốn gởi đến các linh mục và tín hữu trong giáo phận của tôi một lưu ý nhằm giúp họ đón nhận tuyên bố này trong tinh thần hiệp thông với Tòa Thánh, đưa ra một số chìa khóa để hiểu, đồng thời đặt câu hỏi một cách tôn trọng một số điểm của tuyên bố có thể sẽ được làm rõ. Cuối cùng, tôi muốn mời gọi các linh mục trong giáo phận của tôi thực hành đức tính cẩn thận, một nhân đức tiêu biểu để phân định. Tôi ý thức ghi chú này rất dày đặc, nhưng với tôi, điều quan trọng là phải xử lý vấn đề này với đủ tầm cao thần học và mục vụ.

Một học thuyết không thay đổi về hôn nhân

Fiducia supplicans bắt đầu bằng cách nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân, như một kết hợp ổn định, độc quyền và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, mở ra một cách tự nhiên cho việc sản sinh ra những sự sống mới, vẫn vững chắc và không thay đổi (số 4). Đây là lý do vì sao bản văn khẳng định, không thể chúc phúc theo phụng vụ hoặc theo nghi thức cho các cặp vợ chồng trong tình trạng bất hợp lệ hoặc cho các cặp cùng giới tính, điều này có nguy cơ tạo nhầm lẫn nghiêm trọng giữa hôn nhân và sự kết hợp thực tế (số 5). Do đó, đây là lý do vì sao bộ Giáo lý Đức tin trước đây, trong một câu trả lời cho ad dubium (nghi ngờ) ngày 22 tháng 2 năm 2021, đã kết luận không thể ban chúc phúc cho “các cặp” cùng giới tính.

Phân biệt giữa các chúc phúc phụng vụ và các chúc phúc mục vụ

Sau đó, cả một hành trình Kinh Thánh được đề xuất để thiết lập sự phân biệt giữa các chúc phúc phụng vụ (số 10) và các chúc phúc mà chúng ta xem là mục vụ, nhằm làm sáng tỏ khả năng chúc phúc cho một người, bất kể hoàn cảnh của người đó như thế nào. Tội nhân chứng tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và xin giúp đỡ để “sống tốt hơn” và điều chỉnh cuộc sống của mình tốt hơn theo ý Chúa, có thể xin một linh mục chúc phúc, ngoài bối cảnh phụng vụ hoặc nghi lễ (số 20). Đây cũng là một phần của thực hành mục vụ cơ bản và Giáo hội đã có từ hai ngàn năm nay, đặc biệt trong bối cảnh của lòng đạo đức bình dân (số 23-24), trong đó không bao giờ có việc kiểm soát tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trên tất cả mọi người, cũng như không yêu cầu chứng chỉ đạo đức, được hiểu đây là một bí tích, không hoạt động như một bí tích ex opere operato (công việc đã vận hành trước đây), nhưng hiệu quả của ân sủng phụ thuộc vào thiện chí của người xin ơn và nhận ơn. Cho đến nay, bản văn không mang lại điều gì mới mẻ cho giáo huấn thông thường của Giáo Hội về những vấn đề này.

Một chúc phúc mục vụ được mở rộng cho các cặp đồng tính

Từ việc thực hành các chúc phúc tự phát và không chính thức có từ hàng thế kỷ, chưa bao giờ được chính quyền giáo hội nghi thức hóa, chúng ta chuyển sang những gì được trình bày trong phần giới thiệu tài liệu như đối tượng của chính nó: “Chính trong bối cảnh này (tầm nhìn mục vụ của Đức Phanxicô) rằng chúng ta có thể hiểu được khả năng chúc phúc cho các cặp trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới, mà không cần chính thức xác nhận địa vị của họ hoặc sửa đổi bất kỳ cách nào giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân” (Bài trình bày). Thậm chí người ta sẽ nói rõ rằng “cử chỉ này không đòi hỏi phải phê chuẩn hay hợp pháp hóa bất cứ điều gì” (khoản 34).

Đây là lý do vì sao trong phần thứ ba của tuyên bố, chúng ta lén lút chuyển từ khả năng chúc phúc cho một người, bất kể hoàn cảnh của người đó, sang việc chúc phúc cho một “cặp” trong hoàn cảnh trái luật

Bất chấp tất cả sự chính xác về tính chất phi phụng vụ của những chúc phúc này và ý định đáng khen ngợi “để liên kết với lời cầu nguyện của những người, mặc dù họ sống trong một kết hợp không thể nào so sánh được với hôn nhân, vẫn mong muốn phó thác mình cho Chúa và cho lòng thương xót của Ngài, xin sự giúp đỡ của Ngài và xin được hướng dẫn để có một hiểu biết lớn hơn về kế hoạch tình yêu và sự thật của Ngài” (số 30), chúng ta buộc phải lưu ý điều này, đã được hầu hết nhất trí chấp nhận, cả người thuận và người chống đối, như một “công nhận của Giáo hội về chính các mối quan hệ đồng tính”. Tuy nhiên, thật không may, theo nghĩa này, việc thực hành – đã được làm ở một số Giáo hội địa phương – chúc phúc cho “các cặp” đồng giới đặc biệt là ở Đức hoặc Bỉ, theo một cách thức hoàn toàn công khai. Điều đáng lo ngại là họ sẽ cảm thấy được khuyến khích theo cách này, như một số người đã cho thấy.

Những câu hỏi cần làm rõ

Chúng tôi hiểu mong muốn chính đáng của Đức Phanxicô là chứng tỏ sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Giáo hội đối với mọi hoàn cảnh, ngay cả những tình huống ngoài lề nhất: thực tế đây chẳng phải là thái độ của Chúa Kitô trong Tin Mừng, “Đấng đã chào đón những người thu thuế và tội nhân” (xem Mt 9:11), và điều gì tạo nên một phần tốt đẹp trong sứ vụ thường lệ của chúng ta? Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi chưa được trả lời và thực sự cần phải làm sáng tỏ, cả từ quan điểm giáo lý lẫn mục vụ.

Phải chăng những chúc phúc này không mâu thuẫn với khái niệm “bí tích” mà bất kỳ chúc phúc nào cũng phải có?

Cần lưu ý rằng lý do được đưa ra bởi Responsum ad dubium năm 2021 ít nhấn mạnh đến bối cảnh phụng vụ của chúc phúc hơn là bản chất “bí tích” của nó, bất kể bối cảnh nào: “Để phù hợp với bản chất của các bí tích khi một chúc phúc được ban hành. Được kêu gọi trên một số mối quan hệ nhất định của con người, điều cần thiết – ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia – là những gì được chúc phúc phải được sắp xếp một cách khách quan và tích cực để tiếp nhận và để nói lên ân sủng, theo Chương trình Hoạch định của Thiên Chúa đã được ghi trong Công trình Sáng tạo và được Chúa Kitô mạc khải trọn vẹn. Chỉ những thực tế tự nó được sắp xếp để phục vụ các kế hoạch này mới tương thích với bản chất của chúc phúc được Giáo hội ban” (Chú giải của Responsum). Đây là lý do vì sao bộ Giáo lý Đức tin cổ xưa tuyên bố bất hợp pháp “bất kỳ hình thức chúc phúc nào” liên quan đến các mối quan hệ tình dục nào ngoài hôn nhân, như trường hợp kết hợp những người đồng giới. Chắc chắn cần phải nhận ra và đánh giá cao những yếu tố tích cực mà mối quan hệ này có, nhưng chúng được dùng để phục vụ một kết hợp không tuân theo Chương trình Hoạch định của Đấng Tạo Hóa.

Phải chăng không có sự phân biệt giữa việc chúc phúc cho một người và việc chúc phúc cho một “cặp”?

Giáo hội luôn khẳng định “Những chúc phúc này được gởi đến tất cả mọi người và không ai bị loại trừ” (số 28). Tuy nhiên, nếu chúng ta tham khảo Sách của những Chúc phúc và Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, chúng ta thấy chúng chủ yếu quan tâm, nếu không muốn nói là riêng biệt, đến từng cá nhân, thậm chí tập hợp thành nhóm, chẳng hạn như nhóm người lớn tuổi, nhóm các giáo lý viên. Nhưng trong những trường hợp này, không phải mối quan hệ gắn kết họ là đối tượng của chúc phúc, nó chỉ mang tính chất bên ngoài, nhưng đúng hơn là con người.

Vì vậy, ở đây chúng ta đi đến điểm mới mẻ của tuyên bố Fiducia supplicans, không nằm ở khả năng chúc phúc cho một người trong hoàn cảnh bất hợp lệ hoặc đồng tính, mà là chúc phúc cho hai người tự nhận mình là một “cặp”. Do đó, chính thực thể “cặp đôi” xin được chúc phúc. Tuy nhiên, nếu văn bản cẩn thận không dùng các thuật ngữ kết hợp, hợp tác hoặc liên hệ – được Bộ cũ dùng để cấm – thì nó không cung cấp một định nghĩa về khái niệm “đôi lứa”, ở đây trở thành một đối tượng mới của chúc phúc.

Như thế, một câu hỏi ngữ nghĩa nảy sinh chưa được giải quyết: liệu cái tên “cặp đôi” có thể được đặt một cách hợp lý cho mối quan hệ giữa hai người cùng giới tính không? Chẳng phải chúng ta đã tích hợp một cách vội vàng những ngữ nghĩa mà thế giới áp đặt cho chúng ta nhưng lại làm nhầm lẫn thực tại của vợ chồng đó sao? Trong tông huấn Ecclesia in Europa (2003), Đức Gioan Phaolô II viết: “Chúng ta thậm chí còn quan sát thấy những nỗ lực nhằm chấp nhận những mô hình của các cặp vợ chồng trong đó sự khác biệt về giới tính không còn là điều cần thiết nữa” (số 90). Nói cách khác: sự khác biệt về giới tính không phải là điều cần thiết cho chính sự cấu tạo của một cặp vợ chồng đó sao? Đây là vấn đề nhân học cần được sáng tỏ để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn và mơ hồ nào, vì nếu thế giới đã mở rộng khái niệm này cho những thực tại không đi vào Chương trình Hoạch định của Đấng Tạo Hóa, thì lời huấn quyền không nên đảm bảo một sự chặt chẽ nhất định trong thuật ngữ để tương ứng tốt nhất có thể với chân lý mạc khải, nhân học và thần học đó sao?

Còn mối quan hệ đồng giới thì sao?

Việc chúc phúc cho một “cặp” đồng tính, chứ không còn cho hai cá nhân dường như tán thành hoạt động đồng tính liên kết họ, ngay cả khi, một lần nữa, chúng ta nói rõ sự kết hợp này không thể đồng hóa với hôn nhân. Vì thế, điều này đặt ra câu hỏi, vốn không được đề cập trong tuyên bố này, về tình trạng đạo đức của các mối quan hệ đồng tính. Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo hội, theo Thánh Kinh và giáo huấn thường xuyên của Huấn quyền, xem những mối quan hệ này là “rối loạn nội tại” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2357): nếu Thiên Chúa không từ chối chúc lành cho tội nhân, liệu Ngài có thể nói những điều tốt đẹp về những gì không phù hợp cụ thể với Chương trình Hoạch định của Ngài không? Phải chăng điều này không mâu thuẫn với chúc phúc nguyên thủy của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: “Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều’” (St 1:28) đó sao?

Có phải có những hành động về bản chất là xấu xa hay không?

Để chấm dứt những tranh cãi đã gây kích động các nhà đạo đức công giáo kể từ những năm 1970, về lựa chọn cơ bản và đạo đức của các hành vi con người, Đức Gioan-Phaolô II đã xuất bản một thông điệp huấn quyền Chân lý Rạng ngời Veritatis Splendor (1993), về một số vấn đề cơ bản của giáo huấn luân lý, của Giáo hội, và chúng ta đã kỷ niệm 30 năm công bố năm 2023. Thông điệp này khẳng định Phần đạo đức của Giáo lý Công giáo và phát triển một số khía cạnh của nó, đặc biệt nhắc lại huấn quyền liên tục giảng dạy về sự tồn tại của những hành vi xấu xa nội tại (số 79-83), vẫn bị cấm semper và pro semper, nghĩa là trong mọi hoàn cảnh. Giáo huấn này không mang tính tùy chọn, nó cung cấp chìa khóa để nhận thức những tình huống chúng ta gặp trong mục vụ. Chắc chắn, một hành vi trái ngược một cách khách quan với Chương trình Hoạch định của Chúa không nhất thiết là do chủ quan – bên cạnh đó, “tôi là ai để phán xét?” – câu nói nổi tiếng của Đức Phanxicô – nhưng không nhất thiết làm cho ngài là người tốt về mặt đạo đức. Tuyên bố Fiducia supplicans thường đề cập đến tội nhân xin chúc phúc – “những người khiêm tốn nhận mình là tội nhân như mọi người khác” (số 32) – nhưng vẫn im lặng trước tội lỗi đặc biệt đặc trưng cho những tình huống này. Kinh nghiệm cũng cho thấy không chắc chắn khả năng chúc phúc “vô điều kiện” này có phải là một trợ giúp cho việc hoán cải hay không.

Thực thi đức ái mục vụ có thể tách rời khỏi sứ mạng giảng dạy có tính tiên tri không?

Thật may mắn là tuyên bố này đề cập đến thừa tác vụ của linh mục và chúng ta phải tạ ơn Đức Phanxicô vì ngài đã tạo mọi cơ hội để những người ở xa Giáo hội và kỷ luật của Giáo hội khi gặp một linh mục, như ngài bày tỏ mong muốn của ngài trong tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia (2016), cảm nghiệm sự gần gũi của một “Thiên Chúa dịu dàng và nhân hậu, chậm giận và đầy yêu thương” (Tv 144, 8). Nhưng sau đó lại không có chuyện hai người cùng giới có hành động đồng tính và thể hiện mình như vậy, hoặc với các cặp vợ chồng ở trong tình trạng bất hợp lệ, phải nhờ đến một chúc phúc được ban, thậm chí một cách không chính thức, mà không có cuộc đối thoại mục vụ mà Đức Phanxicô thường khuyến khích các mục tử làm.

Theo nghĩa này, trong thừa tác vụ của linh mục, chúng ta không thể tách rời việc thực thi đức ái mục vụ khỏi sứ mệnh giảng dạy tiên tri. Và trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu vẫn là lời mời gọi hoán cải, điều mà chúng ta có thể tiếc là đã không được đề cập trong tuyên bố này. Khi Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót với người tội lỗi, Ngài luôn khuyến khích họ thay đổi cuộc đời, như chúng ta thấy, trong số các ví dụ là câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình: “Tôi cũng không lên án chị. Hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Mối quan tâm mục vụ sẽ là gì nếu chúng ta không mời gọi tín hữu không phán xét hay lên án bất cứ ai, đánh giá cuộc sống và hành vi của họ trong mối tương quan với những lời của Giao ước và Tin Mừng? Những lời này nói về kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa đối với con người, nhằm làm cho cuộc sống của họ phù hợp với kế hoạch, với ân sủng của Thiên Chúa, và theo con đường tăng trưởng, được Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “luật tiệm tiến hay con đường tiệm tiến” (Tông huấn Gia đình Kitô hữu, Familiaris Consortio số 34). Chẳng phải lời chúc phúc được ban cho hai người kết hợp với nhau bằng mối quan hệ đồng giới hoặc cho một cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp pháp có nguy cơ làm cho họ nghĩ rằng sự kết hợp của họ là một bước đi hợp pháp trong cuộc hành trình của họ hay không? Đức Gioan Phaolô II đã cẩn thận nói rõ: “Đó là lý do tại sao điều mà chúng ta gọi là luật tiệm tiến hay con đường tiệm tiến chỉ có thể nhận diện trong sự tiệm tiến của luật, như đã có trong luật của Chúa, các mức độ và các hình thức khác nhau của giới luật, tùy theo từng người và từng tình huống khác nhau.

Chúng ta có thể phản đối mục vụ và giáo lý không?

Mặt khác, liệu chúng ta có thể phản đối việc đồng hành mục vụ và giảng dạy giáo lý, như thể sự không khoan nhượng đứng về phía giáo lý và các nguyên tắc, gây phương hại đến lòng trắc ẩn và sự dịu dàng mà chúng ta phải đối xử với các tội nhân về mặt mục vụ không? Đứng trước người pharisêu muốn thử thách Ngài, về việc ly dị và bỏ vợ được ông Môsê đồng ý, Chúa Giêsu không nhượng bộ, Ngài nhắc lại “Sự thật ban đầu” (x. St 1 và 2), khẳng định nếu ông Môsê đồng ý với sự yếu đuối của họ, đó là vì “sự cứng lòng của họ” (x. Mt 19:3-9). Chính Chúa Giêsu là người tỏ ra không khoan nhượng nhất. Phải nói luật cũ không làm cho điều đó trở nên công bằng: nhưng với Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta ở dưới chế độ của Luật mới mà Thánh Tôma Aquinô đã định nghĩa, và Thánh Phaolô linh hứng, là “ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho những ai tin vào Chúa Kitô” (Summa de Théologie I-II 106, 1). Do đó, mọi hành vi mục vụ, bao gồm cả việc ban chúc phúc phải được đặt dưới chế độ của luật mới, trong đó tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, dù tình trạng tội lỗi của chúng ta có như thế nào.

Như hồng y Joseph Ratzinger khi còn là bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã nêu rõ trong thư gởi các giám mục của Giáo hội công giáo về việc chăm sóc mục vụ với người đồng tính (1986): “Thật thích hợp để nói rõ rằng việc xa cách chính mình khỏi giáo huấn của Giáo hội hoặc giữ im lặng về nó, trong nỗ lực chăm sóc mục vụ, không phải là dấu hiệu của ý thức trách nhiệm thực sự cũng như không phải là dấu hiệu của một thừa tác vụ mục vụ thực sự. Chỉ những gì chân thật cuối cùng mới có thể mang tính mục vụ. Không tính đến quan điểm của Giáo hội, đó là tước đi sự quan tâm mà họ cần và đáng được hưởng” (số 15).

Và Thánh Gioan Phaolô II cảnh báo: “Học thuyết của Giáo hội và đặc biệt là sự cương quyết bảo vệ giá trị phổ quát và vĩnh viễn của các giới luật ngăn cấm các hành vi xấu xa nội tại nhiều khi được hiểu như dấu hiệu của sự không khoan nhượng không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.” những hoàn cảnh phức tạp và xung đột của đời sống luân lý con người và xã hội ngày nay, một sự không khoan nhượng tương phản với đặc tính mẫu tử của Giáo hội. Và như thế Giáo hội thiếu hiểu biết và lòng trắc ẩn. Nhưng trên thực tế, đặc tính mẫu tử của Giáo hội không bao giờ có thể tách rời khỏi sứ mệnh giảng dạy mà Giáo hội phải luôn hoàn thành với tư cách là Hiền thê trung thành của Chúa Kitô, Đấng là Chân lý nơi con người (…) “’Trên thực tế, sự hiểu biết đích thực và lòng trắc ẩn tự nhiên phải có, nghĩa là tình yêu con người, sự thiện đích thực và sự tự do đích thực của họ. Và chắc chắn chúng ta không thể sống tình yêu như vậy bằng cách che giấu hoặc làm suy yếu sự thật luân lý, nhưng bằng cách đề xuất nó với ý nghĩa sâu xa về sự sáng láng vĩnh cửu của Thiên Chúa, hãy đến với chúng tôi trong Chúa Kitô, và trong phạm vi phục vụ, phát triển tự do và tìm kiếm hạnh phúc của mình” (Tông huấn Gia đình Kitô hữu, Familiaris Consortio số. 34). Đồng thời, việc trình bày rõ ràng và mạnh mẽ chân lý luân lý không bao giờ có thể bỏ qua sự tôn trọng sâu sắc và chân thành, được cảm hứng từ một tình yêu kiên nhẫn và tin tưởng, điều mà con người luôn cần trong suốt hành trình luân lý thường phải chịu đau đớn vì những khó khăn, yếu đuối và hoàn cảnh đau thương. Giáo hội không bao giờ có thể từ bỏ nguyên tắc “chân lý và mạch lạc, nhờ nguyên tắc này, Giáo hội không chấp nhận gọi tốt là xấu và xấu là tốt” (Reconciliatio et paenitentia n. 34), phải luôn cẩn thận không bẻ cây sậy đã giập và không dập tắt bấc đèn còn khói (x. Is 42, 3). Đức Phaolô VI đã viết: “Không hề suy giảm, giáo lý bổ ích của Chúa Kitô là hình thức bác ái cao cả với các linh hồn. Nhưng điều này phải luôn đi kèm với sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu mà chính Chúa đã nêu gương khi đối xử với con người. Đấng đến không phải để phán xét nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17), Người chắc chắn không khoan nhượng với sự dữ nhưng có lòng thương xót con người” (Thông điệp Sự sống Con người Humanae vitae n. 29). (Thông điệp Chân lý Rạng ngời Veritatis Splendor n. 95)

“Đừng bắt chước thế giới hiện tại”

Tôi ý thức vấn đề này rất tế nhị và tôi hoàn toàn tán thành ý muốn của Đức Phanxicô trong việc nhấn mạnh đến lòng bác ái mục vụ của  linh mục được mời gọi mang tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đến gần mọi người, ngay cả đến những vùng ngoại vi hiện sinh của nhân loại bị thương tổn ngày hôm nay. Nhưng tôi nghĩ đến những lời sáng ngời này của Thánh Phaolô gởi ông Titô mà chúng ta nghe trong bài đọc đêm Giáng sinh, tóm tắt toàn bộ Công trình Cứu rỗi: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tit 2:11-12.14). Lòng bác ái mục vụ thúc giục chúng ta – “Caritas Christi endet nos” (2 Cor 5:14) – tiếp cận mọi người để họ thấy họ được Thiên Chúa yêu thương biết bao – bằng chứng là Chúa Kitô đã chết và sống lại cho tất cả mọi người – thôi thúc chúng ta, một cách không thể tách rời, để loan báo cho họ Sự Thật của Tin Mừng Cứu Độ. Và Sự Thật được Chúa Giêsu trình bày cho tất cả những ai muốn trở thành môn đệ của Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (Mt 16:24). Thánh Luca nói rõ điều đó “với tất cả mọi người” (Lc 9:23) chứ không chỉ với một tầng lớp được chọn.

Một lời của Thánh Phaolô vẫn còn vang vọng trong tôi để soi sáng thái độ mục vụ của chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12:2). Tất cả mọi người, kể cả các cặp vợ chồng không bình thường hoặc đồng tính, đều khao khát điều tốt nhất, bởi vì khuynh hướng hướng tới điều thiện, điều chân thiện và điều tốt đẹp đã được Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim mỗi người: đó là tôn trọng phẩm giá và quyền tự do căn bản của họ hơn là thừa nhận nó. Và thật đáng “làm ướt áo” để giúp mọi người, bất kể hoàn cảnh tội lỗi hay mâu thuẫn với Chương trình của Thiên Chúa như được mạc khải trong Mười Điều Răn và Tin Mừng, khám phá và hành trình, qua các tiến trình tăng trưởng và nhờ ơn Chúa, để đạt được điều này. Và điều này không thể thực hiện được bằng cách tránh Thập Giá.

Thái độ mục vụ thực tế

Và để kết luận, trong bối cảnh của một xã hội thế tục hóa, nơi chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân học chưa từng có, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những mơ hồ dai dẳng:

– Tôi mời gọi các linh mục trong giáo phận, khi gặp các cặp trong hoàn cảnh bất hợp lệ hoặc những người có quan hệ đồng tính, hãy thể hiện sự chào đón tử tế: mọi người không được cảm thấy bị phán xét, nhưng được chào đón bằng cái nhìn và bằng lắng nghe, nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ.

– Sau đó, tôi mời gọi họ thiết lập một cuộc đối thoại mục vụ và có lòng can đảm, vì lợi ích của mọi người và với sự nhạy cảm thích hợp, không phán xét họ và bằng cách tự mình dấn thân vào mối quan hệ mục vụ, để nói rõ với họ về Sự thật của Giáo hội dạy về hoàn cảnh của họ.

– Cuối cùng, tôi mời các linh mục, nếu người ta xin, hãy chúc phúc cho họ, miễn là chúc phúc này dành cho từng người một, kêu gọi họ hoán cải và mời gọi họ cầu xin sự trợ giúp của ân sủng mà Chúa ban cho tất cả những ai cầu xin để Ngài làm cho cuộc sống của họ phù hợp với Thánh Ý Chúa.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chúc phúc cho các cặp đồng tính: Vatican trả lời các chỉ trích