Đức Phanxicô lên tiếng: một tín hữu kitô buồn thì không đáng tin cậy

163
Đức Phanxicô lên tiếng: một tín hữu kitô buồn thì không đáng tin cậy
“Một kitô hữu không hài lòng, buồn bã, bất mãn, thậm chí còn tệ hơn khi họ có tinh thần oán giận hoặc hận thù thì không đáng tin cậy”, Đức Phanxicô nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến chung ngày 15 tháng 11 năm 2023, cần phải loan báo Tin Mừng trong sự “văn minh hóa của vô tín ngưỡng bị lập trình và tính thế tục bị thể chế hóa”.
Đức Phanxicô tươi cười trong buổi tiếp kiến chung ngày 3 tháng 4 năm 2019. M.MIGLIORATO/CPP/CIRIC
famillechretienne.fr, I.Media, 2023-11-15
Đức Phanxicô dành bài giáo lý ngày thứ tư 15 tháng 11 cho một thái độ đặc trưng của người rao giảng Tin Mừng: “Vui vẻ!” Trước hàng ngàn người tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài kể một ngày nọ ngài được kể về các tín hữu kitô “có bộ mặt lạnh lùng”, họ không bày tỏ niềm vui Tin Mừng.
“Hoặc chúng ta vui mừng loan báo Chúa Giêsu, hoặc chúng ta không loan báo”
Sau đó ngài nhấn mạnh tinh thần vui vẻ phải có trong mỗi tín hữu kitô. Vì thế theo ngài, những người đầu tiên được truyền giáo là chính chúng ta, người tín hữu kitô. Ngài ứng khẩu: “Nếu ai trong chúng ta không cảm nhận được niềm vui này, hãy để họ tự hỏi xem họ đã tìm thấy Chúa Giêsu chưa. Ngài là nguồn vui.”
Theo ngài, các kitô hữu cũng phải loan báo Tin mừng cho thế giới: “Tin Mừng ngày nay được mong đợi: nhân loại ở mọi thời đại đều cần đến Tin Mừng, dù văn minh vô tín ngưỡng đã bị lập trình và tính thế tục đã bị thể chế hóa; và nhất là khi xã hội không còn nơi chốn nào mang ý nghĩa tôn giáo.”
Vào cuối bài giáo lý, ngài ứng biến lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa ở trong con, con muốn gặp Chúa mỗi ngày. Chúa là một con người, không phải là một ý tưởng. Chúa là người bạn đồng hành chứ không phải một chương trình; là tình yêu giải quyết được rất nhiều vấn đề. Chúa là người khởi đầu việc truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn vui.”
Với bài giáo lý này, Đức Phanxicô kết thúc khóa giáo lý về “lòng nhiệt thành tông đồ”. Ba chủ đề khác sẽ theo sau.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch