Đức Phanxicô nói với giới trẻ Nga: “Xin các con hãy là người kiến tạo hòa bình giữa các xung đột”
Ngày thứ sáu 25 tháng 8, Đức Phanxicô gởi thông điệp qua hội thảo truyền hình để nói với các bạn trẻ tham dự Ngày Thế Giới Trẻ Nga diễn ra tại Saint Petersburg. Ngài kêu gọi họ hãy là “những người gieo hạt giống hòa giải, những hạt giống nhỏ sẽ không nảy mầm trên mặt đất băng giá của mùa đông chiến tranh này, nhưng sẽ nở hoa vào mùa xuân sắp tới”.
vaticannews.va, Antonella Palermo, Vatican, 2023-08-26
Một khoảng cách 2.500 cây số ngăn cách nhưng không ngăn Đức Phanxicô và các bạn trẻ công giáo Nga “được ở bên nhau một chút”. Trong hơn một giờ, qua hội thảo truyền hình, Đức Phanxicô đã nói chuyện với khoảng 400 thanh niên nam nữ tham dự Ngày Thế Giới Trẻ Nga lần thứ 10 được tổ chức tại Saint Petersburg cho đến ngày 27 tháng 8.
Hiệp nhất dưới tấm áo của Giáo hội hoàn vũ
Trong những ngày này, một sự kiện đã có từ năm 2000, lần đầu được tổ chức tại Saint Petersburg, một số các bạn tham gia đã phải đi 9000 cây số để đến đây. Đúng vậy, các bạn trẻ quy tụ tại Saint Petersburg đến từ 54 thành phố của Liên bang, từ Kaliningrad đến Vladivostok. Nhưng nhờ công nghệ, “chúng ta có thể đến với nhau trong Chúa Thánh Thần, giống như vòng ôm của Đức Maria dành cho bà Elizabeth”, tổng giám mục Paolo Pezzi, tổng giám mục giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Matxcova đã phát biểu khi giới thiệu cuộc gặp gỡ. Đó là một trong những dịp hiếm hoi để các bạn trẻ làm quen, chia sẻ chứng từ đức tin với nhau; mở đầu, ngài nhấn mạnh việc giao tiếp với Đức Phanxicô mang lại một niềm vui đặc biệt, vì giúp chúng ta trải nghiệm không chỉ trong sự hiệp nhất với Giáo hội địa phương mà còn với Giáo hội hoàn vũ.
Thay thế nỗi sợ hãi bằng giấc mơ
Sau khi nghe hai chứng từ của hai bạn Alexander và Varvara, Đức Phanxicô ngỏ lời với các bạn trẻ, ngài lấy ba ý tưởng lấy từ chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, “Đức Maria trổi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39), để các bạn có thể suy ngẫm sau.
“Cha chúc các con, các bạn trẻ Nga trở thành những người xây dựng hòa bình giữa rất nhiều xung đột và giữa quá nhiều phân cực đến từ mọi phía và đang gây đau khổ cho thế giới chúng ta. Cha xin các con gieo hạt giống hòa giải, những hạt giống nhỏ sẽ không nảy mầm trêm mặt đất băng giá của mùa đông chiến tranh này, nhưng sẽ nở hoa vào mùa xuân sắp tới. Như cha đã nói ở Lisbon: các con hãy can đảm, thay thế nỗi sợ hãi bằng những giấc mơ; đừng trở thành người quản lý nỗi sợ hãi mà hãy trở thành người kinh doanh các giấc mơ! Các con hãy cho mình sự xa xỉ của những giấc mơ lớn!
Ngài nhắc lại cuộc gặp giữa Đức Mẹ và bà Elisabeth, hai người đã trở thành chứng nhân cho quyền năng biến đổi của Thiên Chúa. Và Đức Mẹ vội vàng loan truyền niềm vui của mình.
Đức Phanxicô cũng nói, khi Chúa gọi chúng ta, Ngài bắt đầu bằng cách gọi tên chúng ta, trước tài năng, trước công nghiệp, trước bóng tối và trước vết thương của chúng ta.Khi Ngài gọi, chúng ta không thể đứng yên, chúng ta phải đứng dậy và vội vã vì thế gian, anh em, những người đau khổ, những người tách biệt và không biết đến hy vọng của Thiên Chúa, họ cần phải đón nhận, đón nhận niềm hy vọng, niềm vui của Chúa.”
Đại hội lần thứ 10 của Giới trẻ công giáo Nga tại Nhà thờ Thánh Catarina ở Saint Petersburg
Tình yêu Chúa dành cho mọi người
Ngài nhấn mạnh, “tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và Giáo hội dành cho tất cả mọi người” và nhắc chúng ta nhớ đến Tin Mừng, nhớ đến lời mời gọi của người chủ tiệc ra ngã tư đường để mang Tin Mừng đến cho mọi người, với mọi người: “Đó chính là điều Chúa Giêsu muốn nói: mọi người, mọi người”.
“Giáo hội là người mẹ có trái tim rộng mở, chào đón và đón nhận, đặc biệt là những người cần được quan tâm. Giáo Hội là người mẹ yêu thương, vì Giáo Hội là nhà của những người được yêu thương và những người được gọi. Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể được chữa lành ở nơi chúng ta cảm thấy được tiếp nhận. Và Giáo Hội đón nhận chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi mơ một Giáo hội không có ai là dư. Xin các con đừng để Giáo hội thành cơ quan hải quan chọn lọc ai vào, ai không. Vào cửa tự do cho mọi người, và sau đó, mọi người nghe lời mời của Chúa Giêsu để đi theo Ngài, và thấy Ngài đứng trước mặt Thiên Chúa như thế nào; và trên con đường này chúng ta có các bài học giáo lý và các bí tích.”
Trẻ và già cởi mở với nhau
Ở đây, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô nhắc lại ý tưởng thiết thân của ngài về cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già, cũng như tầm quan trọng của việc trao truyền kinh nghiệm. Ngài quay lại cuộc gặp giữa Mẹ Maria và bà Elisabeth, đó là giấc mơ. Ngài mời gọi các bạn trẻ trở thành “những người xây cầu nối giữa các thế hệ, nhìn nhận những ước mơ” của ông bà: “Sự liên minh giữa các thế hệ giữ cho lịch sử và văn hóa của một dân tộc được sống động”.
Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc trở thành “dấu chỉ của hy vọng, dấu hiệu của hòa bình và niềm vui, giống như Đức Maria. Trong hình ảnh khiêm nhường của Mẹ Maria, Đức Phanxicô mong “các bạn trẻ đổi lịch sử mà các bạn đang sống”.
“Vì vậy, người già mơ ước dân chủ và sự thống nhất giữa các quốc gia, người trẻ nói tiên tri và được kêu gọi để là những người thợ xây dựng môi trường và hòa bình. Bà Elisabeth, với sự khôn ngoan của tuổi tác đã củng cố Đức Maria trẻ trung và đầy ân sủng, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn”.
Alexander, chỉ có Chúa Kitô mới giải thoát chúng ta ra khỏi bóng tối
Lời chứng của anh Alexander Baranov, 34 tuổi, là lời chứng của người từng theo tà phái satan, tham dự vào các nghi lễ huyền bí cách đây hơn mười năm, trước khi quyết định vào chủng viện và phân định để chịu chức. Alexander giải thích: “Điều quan trọng nhất là đưa mọi người ra khỏi bóng tối, nếu không thì những nỗ lực làm cho Giáo hội trở nên “hấp dẫn” đều vô ích. Nỗi sợ hãi, nỗi đau mất mát, trải nghiệm về sự yếu đuối của bản thân, trải nghiệm bạo lực, tổn thương đều là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc như thế. Những điều kiện từ đó có thể nảy sinh cảm giác không xứng đáng với hạnh phúc và có thể dẫn đến hận thù. Alexander đề cập đến nhiều người tin vào mê tín, trong đó có giới trẻ. Anh nhấn mạnh, chúng ta nên nói về cách mà Chúa Kitô chứng tỏ, bất chấp sự yếu đuối và tiêu cực của chúng ta, chúng ta xứng đáng với sự sống, sự cứu rỗi và tình yêu, anh nói: “Theo tôi, cảm nghiệm giải phóng này quan trọng hơn tất cả các kế hoạch của chúng tôi để đưa mọi người đến với Chúa Kitô. Nó quan trọng hơn tất cả những tranh chấp của chúng ta về hình thức phụng vụ, về các nhà thờ, các tòa nhà, về vai trò của một số người trong Giáo hội. Đối với tất cả những điều này, không thể thu hút hay cứu vãn. Chính Chúa Kitô là Đấng thực sự chữa lành, là Đấng thực sự dẫn từ bóng tối đến ánh sáng, từ cái chết đến sự sống, từ satan đến với chính Ngài và đến với Chúa Cha”.
Varvara: đức tin và Giáo hội giúp đỡ trong những hy sinh hàng ngày
Varvara Molotilova là con thứ hai trong một gia đình có 8 người con. Cô kể cho Đức Phanxicô biết đức tin công giáo được sống và trao truyền trong gia đình cô như thế nào. Cha mẹ cô kết hôn ở nhà thờ cộng đồng Urals, và linh mục Yaroslav, giáo xứ Yekaterinburg làm chủ tế. Varvara nói, dù cô ở trong gia đình công giáo, nhưng đi theo Chúa là lựa chọn tự do của cô. Cô ca ngợi tình yêu của cha mẹ, là tín hữu kitô, nhờ sự hỗ trợ của Giáo hội, đã dạy dỗ con cái trong tinh thần khiêm tốn, kiên nhẫn và phẩm giá khi đối diện với những hy sinh hàng ngày.
Các Ngày công giáo Nga
Cuộc họp quốc gia ở Saint Petersburg tiếp tục cho đến ngày 27 tháng 8, gồm các bài giáo lý buổi sáng cho các nhóm từ 25 đến 30 người ở những nơi khác nhau trong thành phố, theo mô hình Lisbon và xoay quanh các chủ đề như sinh thái toàn diện, tình bạn xã hội và lòng thương xót Thiên Chúa. Mục tiêu là áp dụng phương pháp đồng nghị với giới trẻ, để họ có thể trải nghiệm ý nghĩa của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng. Các linh mục, tu sĩ nam nữ trách nhiệm mục vụ giới trẻ và năm giám mục: tổng giám mục Paolo Pezzi, tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mátxcơva, Đức ông phụ tá Nikolai Dubinin; ciám mục Clemens Pickel, giáo phận Thánh Clement ở Saratov; giám mục Joseph Werth, giáo phận Novosibirsk, và giám mục Kirill Klimovich, giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk đồng hành với các bạn trẻ trong tiến trình này.
Sinh viên nước ngoài sống ở Nga, từ Armenia, Azerbaijan, Ấn Độ, Colombia và các nước khác, cũng tham gia vào những ngày này. Vào buổi chiều, họ gặp nhau tại ba giáo xứ khác nhau của thành phố, và họ cùng nhau cử hành phụng vụ. Ngày thứ năm 24 tháng 8, một ngày dành riêng cho ơn gọi đã được tổ chức, trong đó đại diện của các cộng đồng tu viện và giới trẻ khác nhau nói về mục vụ của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch