Đức Phanxicô xin các nhà báo nói với Thượng Hội đồng nên vượt ra ngoài logic của các khẩu hiệu

43

Đức Phanxicô xin các nhà báo nói với Thượng Hội đồng n vượt ra ngoài logic của các khẩu hiệu

Xin anh chị em nhìn thẳng vào thực tế sự việc, đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ hận thù. Đó là một trong các ưu tiên Đức Phanxicô đưa ra cho giới thông tin trong cuộc gặp tại Vatican với phái đoàn Giải “Đó là báo chí” được thành lập năm 1995 và được Đức Phanxicô trao. Đức Phanxicô xin các nhà báo không tường trình về Thượng hội đồng về tính đồng nghị “với những câu chuyện được làm sẵn”, nhưng tường trình sự kiện này thực sự đã xảy ra như thế nào.

Đức Phanxicô gặp phái đoàn Giải “Đó là báo chí” ngày thứ bảy 26 tháng 8-2023

vaticannews.va, Amedeo Lomonaco, 2023-08-26

Đức Phanxicô luôn từ chối những lời đề nghị trao giải, ngay cả trước khi ngài là giám mục giáo phận Rôma. Điều này đã được chính ngài nhấn mạnh khi ngài gặp phái đoàn Vatican của Giải “Đó là báo chí”, gồm những nhà báo nổi tiếng Ý trong giới thông tin. Ngài giải thích ngài chấp nhận nhận lời đề nghị này vì một lý do: “Sự cấp bách của một giao tiếp mang tính xây dựng, ủng hộ văn hóa gặp gỡ chứ không đối đầu; văn hóa hòa bình chứ không chiến tranh; văn hóa cởi mở với người khác và không thành kiến”

Đức Phanxicô xin giúp đỡ  

Đức Phanxicô đã liên kết “lời xin giúp đỡ” với sự cấp bách này, ngài nhắc lại, chỉ còn một tháng nữa, các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ về Rôma để tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Ngài nói, thượng hội đồng là hành trình đã được Đức Phaolô VI bắt đầu và đã mang lại thành quả lớn. Và đó là điều mà “Giáo hội ngày nay cống hiến cho thế giới, một thế giới nhiều khi không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi sự sống còn của chúng ta bị đe dọa”.

Chúng ta đang cố gắng học một cách sống mới trong các mối quan hệ, lắng nghe nhau để nghe và làm theo Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã mở cửa, chúng ta đã mang đến cho mọi người cơ hội tham gia, chúng ta đã tính đến nhu cầu và đề xuất của mọi người. Chúng ta muốn cùng nhau góp phần xây dựng một Giáo hội nơi mọi người cảm thấy như ở nhà, nơi không một ai bị loại trừ. Lời của Tin Mừng là lời rất quan trọng: lời của tất cả mọi người. Tất cả, tất cả: không có người công giáo hạng nhất, hạng hai và hạng ba: không. Tất cả cùng nhau. Mọi người. Đó là lời mời gọi của Chúa… Và đó là lý do vì sao tôi dám xin anh chị em giúp đỡ trong vấn đề này, xin các bậc thầy báo chí: xin anh chị em giúp tôi nói rõ quá trình này thực sự là gì, xin anh chị em thoát khỏi logic của những khẩu hiệu và những câu chuyện làm sẵn.

Hãy nhìn vào thực tế của sự thật

Với “lời xin giúp đỡ” này, Đức Phanxicô cũng nói lên niềm hy vọng: “Trong thời đại mà mọi người bình luận mọi thứ, thậm chí bất chấp sự thật và thường ngay cả trước khi được thông tin, chúng ta khám phá lại và trau dồi nhiều hơn nữa nguyên tắc thực tế”. Ngài nói thêm: “Thực tế luôn cao hơn ý tưởng”. Chúng ta phải nhìn vào “tính năng động của các sự kiện”, đừng bao giờ “bất động”: các sự việc luôn tiến triển dù theo hướng tốt hay xấu. Vì thế chúng ta phải quan sát “thực tế của sự thật” để không có nguy cơ biến một xã hội thông tin thành một xã hội của thông tin sai lệch”. Chúng ta cần “truyền bá một nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe người khác và lý do của họ”. Ngài cũng đưa ra “tội lỗi của báo chí”:

Thông tin xuyên tạc là một trong những tội lỗi của báo chí, gồm bốn tội: thông tin xuyên tạc, khi không đưa tin hoặc đưa tin sai; vu khống – bị vi phạm nhiều; phỉ báng, khác với vu khống nhưng có tính hủy diệt; và thứ tư là bệnh thích những chuyện tai tiếng, bẩn thỉu. Những chuyện bê bối làm báo bán chạy. Và thông tin sai lạc là tội đầu tiên của các tội, sai lầm đầu tiên của báo chí.

Xin anh chị em đừng bị ảnh hưởng của những lời nói hận thù

Tiếp theo Đức Phanxicô nhấn mạnh “văn hóa kỹ thuật số” đã mang lại “nhiều khả năng trao đổi mới”. Nhưng nó cũng đi kèm với nguy cơ “biến truyền thông thành khẩu hiệu”. Ngài nhắc lại, truyền thông là đối thoại dựa trên lắng nghe, ngài lo ngại về những thao túng, chẳng hạn trường hợp của những người ích kỷ tuyên truyền tin giả để hướng dẫn dư luận.

Xin anh chị em đừng nhượng bộ trước logic của chống đối, đừng để mình bị ảnh hưởng bởi những ngôn ngữ hận thù. Trong thời điểm bi thảm mà châu Âu đang trải qua, với chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine, chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm cao. Tôi hy vọng tiếng nói hòa bình sẽ có chỗ cho những người cam kết chấm dứt chiến tranh cũng như với rất nhiều cuộc xung đột khác, chúng ta có chỗ cho những người không đầu hàng trước logic chiến tranh “anh em giết nhau”, nhưng tiếp tục tin tưởng vào logic hòa bình, logic đối thoại, và logic ngoại giao.

Lý do xin giáo hoàng trao giải thưởng

Theo thông báo của ban tổ chức, lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với những gì các nhà báo Indro Montanelli, Enzo Biagi, Giorgio Bocca và Giancarlo Aneri đã đặt ra khi họ thành lập Giải “Đó là báo chí” năm 1995”: nhằm giúp báo chí “nhận thức rõ hơn về vai trò của quyền tự do phát biểu và đóng góp vào việc xây dựng công lý thông qua việc phục vụ sự thật”. Và Đức Phanxicô là tiếng nói duy nhất, can đảm dùng đối thoại để nói những lời hòa bình. Quyết định xin giáo hoàng trao Giải “Đó là báo chí” là một tín hiệu quan trọng với giới thông tin, đặc biệt là với thế hệ các nhà báo trẻ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch