Một nhóm thanh niên Nga và 300 người trẻ Ukraine được mong chờ ở Lisbon
Ngày Thế Giới Trẻ được tổ chức tại Lisbon từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 sẽ chào đón một phái đoàn gồm vài trăm người Ukraine và một nhóm 18 người Nga.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-07-27
Hình minh họa: Thánh lễ chúa nhật ở nhà thờ công giáo Thánh Phêrô-Phaolô ở thành phố Lviv, Ukraine, ngày 10 tháng 4 năm 2022. YURIY DYACHYSHYN / AFP
Liệu Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon có thể là nơi gặp gỡ của giới trẻ Nga và Ukraine không? Theo báo Thập giá (La Croix) được biết, đây là điều mà một số nhà tổ chức ở Vatican và Lisbon hy vọng, vì hai nhóm từ hai quốc gia đang có chiến tranh nên có mặt ở Bồ Đào Nha.
Theo Hiệp hội Đông phương, gần 300 thanh niên Ukraine sẽ đến Lisbon, chủ yếu họ đến từ đất nước của họ. Tổ chức Hỗ trợ các tín hữu kitô Đông phương đài thọ một phần chi phí của chuyến đi này. Theo thông tin của báo Thập giá, 18 bạn trẻ từ Nga, được một giám mục tháp tùng cũng sẽ đến thủ đô Bồ Đào Nha. Hai nhóm này chủ yếu là thiếu nữ trẻ, nam giới bị giữ lại ở cả hai nước vì nghĩa vụ quân sự.
Những người trẻ đi từ Nga một số là người Nga, nhưng cũng có những sinh viên nước ngoài ở Nga, họ thành lập một nhóm nhỏ tham gia Ngày Thế Giới Trẻ. Cũng như các người tham dự ở tất cả các quốc gia, các buổi giáo lý bằng tiếng Nga cũng được lên chương trình tại Lisbon.
Rôma không ngần ngại giới thiệu sự kiện này như một cơ hội để “hòa giải” công dân giữa hai quốc gia đã tham chiến vào tháng 2 năm 2022. Một nguồn tin ở Vatican cho biết, “theo truyền thống, Đại hội Giới trẻ Thế giới là thời điểm gặp gỡ giữa các văn hóa và cũng là dịp gặp gỡ của hòa bình”.
Cũng nguồn này khẳng định, các bạn trẻ từ các quốc gia khác có chiến tranh cũng tham gia vào các cuộc họp được tổ chức tại Lisbon, như các bạn đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Mặt khác, nhóm thanh niên công giáo Syria đã lên kế hoạch đi Ngày Thế Giới Trẻ, nhưng phải hủy kế hoạch vì chính quyền Bồ Đào Nha từ chối cấp thị thực cho họ.
“Bình thường tất cả các quốc tịch đều được đại diện”
Khi đề cập đến sự hiện diện của người Nga và Ukraine ở Ngày Thế Giới Trẻ, ở Vatican người ta nhấn mạnh: “Không có gì là khác thường, bình thường tất cả các quốc gia đều có đại diện.”
Chương trình chính thức của Đức Phanxicô không tiết lộ bất kỳ sáng kiến cụ thể nào nhằm quy tụ những người trẻ của hai quốc gia, nhưng nhiều người thừa nhận một khả thể như vậy có thể có.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Đức Phanxicô đã hai lần kết hợp người Ukraine và người Nga lại với nhau, mỗi lần như vậy đều tạo ra tranh cãi gay gắt, châm ngòi cho những người cáo buộc ngài, nếu không thân Nga, thì ít nhất cũng đặt hai nước ngang hàng nhau. Đó là lần đi Đàng thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 7 tháng 4 năm 2023 tại Rôma, khi một người Nga và một người Ukraine cùng chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh, và một lần vào năm 2022, khi một phụ nữ Nga và một phụ nữ Ukraine cùng thinh lặng vác thánh giá.
Tháng 4, trong buổi tiếp kiến hàng tuần, Đức Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các bà mẹ của người lính Ukraine và Nga đã chết trong chiến tranh, gây ra sự chỉ trích giống như hai lần đi đàng thánh giá.
Fatima, nơi của biểu tượng
Chủ đề hòa bình luôn hiện diện trong các bài phát biểu của Đức Phanxicô. Ngày thú bảy 5 tháng 8, dự trù Ngài sẽ đến thánh địa Fatima, cách Lisbon 130 cây số về phía bắc. Đầu thế kỷ 20, đây là nơi Giáo hội công giáo thường xuyên cầu nguyện cho sự trở lại của nước Nga. Năm 1929, một trong các em được thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cho biết, 12 năm trước đó, Đức Mẹ đã nhờ em cho giáo hoàng biết phải thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Đức Phanxicô đã thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Nước Nga trong thông điệp bí mật Fatima, được chuyển đến Đức Piô XI năm 1929, nên đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quan điểm của Rôma với Liên Xô. Hơn nữa, chính thông điệp này đã được Đức Phanxicô nhắc đến vào tháng 3 năm 2022, khi ngài thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Trong lễ thánh hiến được tổ chức ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô cảnh báo: “Đây không phải là một công thức ma thuật, nhưng là một hành động thiêng liêng.” Ngài xem việc thánh hiến này là lời kêu gọi đến người “mẹ”. Ngài nói: “Tôi long trọng dâng lên Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria tất cả những gì chúng ta đang trải qua. Tôi mong lặp lại việc thánh hiến Giáo hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ, cách đặc biệt là các dân tộc Ukraine và Nga, những người tôn kính Mẹ như Mẹ của họ với tấm lòng hiếu thảo.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch