Lần mổ năm 1980 của Đức Phanxicô là lý do của lần mổ mới này

76

Lần mổ năm 1980 của Đức Phanxicô là lý do của lần mổ mới này

vaticannews.va/it, 2023-06-09

Đức Jorge Bergoglio và mẹ là bà Maria Regina Sivori năm 1958,

Giáo sư Alfieri giải thích vết mổ thoát vị đã làm cho Đức Phanxicô đau là di chứng của những lần mổ trước đó. Trong quyển sách Sức khỏe của các giáo hoàng của tác giả Nelson Castro, Phanxicô đã kể lại những giai đoạn này.

Trong buổi họp báo ngày thứ tư 7 tháng 6, giáo sư bác sĩ Sergio Alfieri, người đã mổ cho Đức Phanxicô lần thứ hai giải thích nguồn gốc của thoát vị vết mổ bị kẹt và sự kết dính làm Đức Phanxicô bị đau trong những tháng gần đây là do các vết sẹo của các ca mổ trong những năm qua, đó là những lần mổ vì viêm phúc mạc, viêm túi mật hoại thư ở Argentina tạo một vết mổ thoát vị. Bác sĩ cũng đề cập đến một ca phẫu thuật cũ trước hơn khi ngài bị u nang echinococcus, đó là ca phẫu thuật trên phổi, vết sẹo ở ngực không liên quan trực tiếp đến các vấn đề gần đây nhưng nó làm thay đổi chức năng thành bụng.

Cho đến nay Đức Phanxicô đã trải qua bốn lần phẫu thuật: hai lần khi còn là linh mục ở Argentina (1957 và 1980) và hai lần khi là giáo hoàng ở bệnh viện Gemelli: một lần để cắt bỏ một đoạn ruột có túi thừa tháng 7 năm 2021 và một lần ngày thứ tư 7 tháng 6 vừa qua. Theo bác sĩ, rõ ràng là thoát vị vết mổ (thoát vị hình thành trên vết sẹo từ lần phẫu thuật trước và khi nó to ra có thể làm “kẹt” hoặc “bóp nghẹt” tạo nhiều biến chứng khác nhau) không liên quan đến ca phẫu thuật đã mổ cách đây 2 năm ở một vùng khác của ruột, nhưng từ những cuộc phẫu thuật trước đó.

Lần mổ đầu tiên là để loại bỏ “u nang echinococcus” khỏi phổi khi ngài 21 tuổi. Trong quyển sách gần đây “Sức khoẻ của các Giáo hoàng”, bác sĩ kiêm nhà báo Nelson Castro đã phỏng vấn Đức Phanxicô về bệnh sử của ngài. Ngài kể lại lần mổ năm ngài 21 tuổi: “Đó là tháng 8 năm 1957. Tôi đang học năm thứ hai tại chủng viện Villa Devoto. Mùa đông năm đó, một trận dịch cúm mạnh lan mạnh đã làm cho nhiều chủng sinh nhiễm bệnh. Tôi cũng bị nhiễm nhưng trường hợp của tôi phát triển rất phức tạp. Trong khi các bạn của tôi chỉ bị cúm vài ngày là bình phục và không có biến chứng nào thì tôi bị sốt dai dẳng”. Ngài được đưa vào bệnh viện Syria-Lebanon, tại đây bác sĩ Zorraquín, một nhà nghiên cứu về phổi nổi tiếng đã thấy ba u nang ở thùy trên phổi bên phải của ngài. Ngoài ra ngài còn bị dịch màng phổi trào ra gây đau và khó thở. Sau nhiều tháng điều trị để lấy hết dịch, bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi.

Đức Phanxicô nói trong quyển sách: “Đó là lần mổ quan trọng. Vết sẹo từ vết rạch phẫu thuật đi từ đáy đến đỉnh của nửa lồng ngực bên phải. Lần mổ này rất đau. Họ nói với tôi ca mổ rất khó khăn… và họ cần rất nhiều sức. Vì thế khi tỉnh lại sau khi gây mê, tôi bị đau dữ dội. Quá trình hậu phẫu cũng rất đau đớn. Tôi mang một ống dẫn lưu nối với một ống thông áp suất âm, để khi nó được mở ra, hiệu ứng hút sẽ được tạo ra. Và nó làm cho tôi đau dữ dội, cũng như việc rửa bằng dung dịch nước muối mà bác sĩ phẫu thuật làm mỗi sáng trong thời gian dùng thuốc. Đó là giai đoạn khó khăn nhất. Cha mẹ tôi rất buồn và lo lắng. Mỗi lần mẹ tôi đến thăm, bà ôm tôi và bật khóc”.

Ca phẫu thuật thành công hoàn hảo và Đức Bergoglio không bị một hậu quả nào. Ngài nói trong quyển sách: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay thiếu dưỡng khí. Các bác sĩ giải thích phổi bên phải đã phình to chiếm toàn bộ nửa lồng ngực cùng bên. Việc mở rộng hoàn toàn đến mức, chỉ khi nào được biết trước thì chỉ có bác sĩ chuyên khoa phổi hạng nhất mới có thể thấy được thùy bị cắt.” Và ca phẫu thuật phổi này đã được thảo luận vào ngày cuối cùng của mật nghị tháng 3 năm 2013, khi các hồng y hỏi về sức khỏe của tổng giám mục Buenos Aires. Hồng y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, khi đó là tổng giám mục của Tegucigalpa kể lại công khai, khi nghe tin đồn, đã hỏi Đức Phanxicô để ngài kể lại.

Đó là ca mổ mà giáo sư Alfieri đề cập đến, bác sĩ cho rằng đây là nguồn gốc của vết mổ thoát vị, mới xảy ra gần đây hơn, và đó là cũng là do ca mổ túi mật năm 1980. Ngài kể lại những gì đã xảy ra trong quyển sách trên: “Chuyện xảy ra khi tôi là bề trên giám tỉnh Dòng Tên. Khi đó là giờ ăn trưa và tôi đang múc súp. Đột nhiên tôi bị đau nhói và rất mạnh ở lưng làm tôi bất động. Trong một khoảnh khắc, tôi không thể cử động được. Tôi phải tạm dừng công việc đang làm và ngồi xuống. Vì quá đau, tôi uống thuốc an thần. Tôi nghĩ đó là vấn đề bắp thịt. Nhưng hàng giờ trôi qua mà cơn đau vẫn không thuyên giảm. Tôi đi khám. Bác sĩ làm một loạt các thử nghiệm, chủ yếu kiểm tra túi mật và thận. Lúc đầu bác sĩ không thấy gì bất thường. Họ nghĩ có thể là sỏi thận hoặc sỏi túi mật, nhưng các thử nghiệm là âm tính với những bệnh lý này. Cơn đau vẫn tiếp tục, bác sĩ gởi tôi đến một bác sĩ giải phẫu, sau khi kiểm tra, bác sĩ làm nội soi túi mật để biết rõ hơn. Thật không may, tôi phải ngưng thử nghiệm nửa chừng vì tôi bị dị ứng với iốt. Sự việc này và tình trạng bệnh lý dai dẳng nên bác sĩ giải phẫu quyết định phải mổ gấp cho tôi. Và ông không ngừng ở đó, ông cho biết, đây là ca mổ mạo hiểm vì ông không biết ông sẽ tìm thấy gì khi mổ bụng ra.”

Ngài nói tiếp: “Tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của tình hình, tôi không còn lựa chọn nào khác. Vì vậy, tôi nói bác sĩ cứ tiếp tục. Lúc đó, tôi đã dâng mình cho Chúa, Chúa đã giúp tôi có bình an tuyệt đối khi đối diện với ca mổ này. Sau đó tôi được biết ca mổ rất khó khăn và quá mạo hiểm, túi mật bị hoại tử, may mắn là nó đã được xử lý kịp thời. Bác sĩ giải thích với tôi, thêm một ngày nữa là tình trạng trở nên cực kỳ nghiêm trọng. May mắn là quá trình hậu phẫu không có biến chứng và tôi hồi phục hoàn toàn.”

Bác sĩ mổ lúc đó là bác sĩ  Juan Carlos Parodi, sau này ông nổi tiếng trong cộng đồng khoa học quốc tế trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch. Giáo sư Parodi giải thích: “Thời đó, quy tắc cho các ca mổ lớn là làm theo các mô hình lớn. Kỷ nguyên của phẫu thuật nội soi chưa có. Tôi rạch một đường từ bụng xuống bẹn. Sau một hồi thăm dò gay go, chúng tôi tìm ra nguồn gốc của vấn đề: một viên sỏi nằm trong ống túi mật. Hết sức cẩn thận, tôi cắt bỏ toàn bộ túi mật có thành căng và cứng, sau khi đã cắt xong và chắc chắn không còn sỏi ở các vùng khác của đường mật, tôi tiến hành loại bỏ hoàn toàn các chất dính trong ruột và thông toàn bộ vùng bụng, một công việc mất hơn một giờ. Khi tất cả đã làm xong, ca phẫu thuật đã hoàn tất. Chúng tôi may lại rất chắc, được gọi là khâu “nệm” để vết thương khép lại và chúng tôi để lại hai ống dẫn lưu tại chỗ. Đó là ca mổ rất quan trọng và rủi ro. May mắn không có biến chứng hậu phẫu.”

Tháng 4 năm 2014, khi bác sĩ Parodi đang ở London để dự một hội nghị y tế thì ông nhận tin Đức Phanxicô dành cho ông một buổi tiếp kiến riêng. Bác sĩ Parodo kể lại: “Ngay khi tôi vào Nhà thánhThánh Marta, ngài tươi cười nói với tôi: Juan Carlos, anh giống y như ngày tôi gặp anh đêm đó khi tôi thấy tôi sắp chết, anh đã cứu tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt của anh, vì ngay khi tôi thấy anh, tôi bắt đầu cảm thấy đỡ hơn.”

Đức Jorge Mario Bergoglio khi còn trẻ

Marta An Nguyễn dịch

Theo lời khuyên của bác sĩ, Đức Phanxicô sẽ không đọc Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 11 tháng 6

Cuộc cách mạng không có tên ở Vatican