Tổng giám mục Kikuchi, tân chủ tịch Caritas Quốc tế: “Caritas giúp những người bị bỏ quên tìm lại hy vọng”

64

Tổng giám mục Kikuchi, tân chủ tịch Caritas Quốc tế: “Caritas giúp những người bị bỏ quên tìm lại hy vọng

Tổng giám mục Isao Kikuchi, chủ tịch Caritas Quốc tế ở phòng thu âm Vatican News

vaticannews.va, Devin Watkins, 2023-05-14

Tổng giám mục Kikuchi: “Caritas giúp những người bị bỏ quên tìm lại hy vọng”. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với cơ quan Truyền thông Vatican, tổng giám mục thủ đô Tokyo, tân chủ tịch vừa được bầu của Caritas Quốc tế nói về công việc của nhiều tình nguyện viên và nhân viên Caritas nhằm hỗ trợ nhân đạo và để Giáo hội công giáo gần gũi với những người bị bỏ rơi.

“Giúp mọi người biết họ không bị bỏ quên, đó mới thực sự là sứ mệnh của Caritas”. Một ngày sau ngày được 400 đại biểu có mặt trong đại hội khoáng đại lần thứ 22 bầu làm tân chủ tịch Caritas Quốc tế, với nhiệm kỳ 4 năm, tổng giám mục Tarcisio Isao Kikuchi nói về khả năng của cơ quan từ thiện quốc tế này. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vatican News, Đức Tổng Giám mục chia sẻ những hy vọng về sứ mệnh mới của mình và cũng là một thông điệp trực tiếp đến vô số tình nguyện viên thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trong các hành động phục vụ cụ thể.

Trọng kính giám mục, trong chức vụ tân chủ tịch Caritas Quốc tế, cha có những mục tiêu gì cho sứ mệnh này?

Tổng giám mục Isao Kikuchi. Caritas Quốc tế là cơ quan viện trợ nhân đạo lớn thứ hai trên thế giới sau Hội Hồng Thập Tự Quốc tế. Vì thế Caritas được biết đến như một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng trên thực tế, chúng tôi không chỉ là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi còn hơn thế nữa. Chúng tôi là một tổ chức của Giáo hội công giáo và là một tổ chức phục vụ Giáo hội. Điều này có nghĩa Caritas phải là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, những gì chúng tôi làm không chỉ cung cấp lương thực, vật chất hay bất kỳ sự giúp đỡ nào khác, nhưng chúng tôi còn là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, để mọi người thấy Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế nào.

Một trong những quan tâm hàng đầu của cha trong phiên họp Đại hội đồng là hướng đến những người bị bỏ quên, những người không được các tổ chức khác hỗ trợ. Caritas giải quyết những trường hợp này như thế nào?

Tôi rút kinh nghiệm khi tôi làm tình nguyện viên cho Caritas Nhật Bản. Năm 1995, tôi được gửi đến trại tị nạn Rwanda ở Bukavu, Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo). Ở đây tôi gặp một số người tị nạn. Dĩ nhiên họ thiếu tất cả, không có thức ăn, áo quần, không nơi nương thân và mọi người cần tất cả. Sau đó, lần thứ hai tôi đến trại, tôi gặp một số lãnh đạo của họ, tôi hỏi họ cần gì, tôi mong họ nói: “Chúng tôi cần thức ăn, giáo dục, thuốc men, chỗ ở hoặc đại loại như vậy. Nói tóm lại, một danh sách dài các nhu cầu của họ. Nhưng thay vào đó thì họ nói: ‘Thưa cha, cha đến từ Nhật, vậy khi cha về lại Nhật, xin cha nói với người dân, chúng con vẫn còn ở đây: tất cả chúng con đã bị bỏ quên.” Khi nghe vậy, tôi thực sự bị sốc. Sau kinh nghiệm đó, tôi gặp nhiều người ở các khu vực khác, ở các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh hoặc các cuộc xung đột tàn phá. Tôi luôn nghe cùng một câu chuyện và cùng một tiếng kêu: “Chúng con bị bỏ quên.” Đây thực sự là sứ mệnh của Caritas: giúp người dân biết họ không bị bỏ quên. Chúng tôi muốn ở bên cạnh họ. Dĩ nhiên chúng tôi cung cấp hỗ trợ chuyên nghiệp, nhưng đồng thời chúng tôi muốn nói với họ, chúng tôi luôn ở bên cạnh họ, chúng tôi luôn làm việc với họ, nhớ đến họ. Không ai bị loại trừ, không ai bị bỏ quên. 

Tổng giám mục Isao Kikuchi trong buổi phỏng vấn

Bản thân cha là linh mục truyền giáo và cũng là tình nguyện viên. Việc này ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cha như thế nào?

Tôi thuộc Dòng Thừa Sai Ngôi Lời, sau khi chịu chức năm 1986, tôi được gởi đến một giáo xứ ở Ghana, Tây Phi, sâu trong rừng rậm, không điện không nước. Tôi là cha xứ ở đó bảy năm, tổng cộng tôi ở  Ghana tám năm. Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm thực sự quan trọng với tôi, nó giúp tôi tạo nên bản sắc của tôi. Đặc biệt trong những năm này, kinh tế Tây Phi không tốt, người dân còn rất nghèo. Nhiều người chết vì không có thuốc và căn bệnh HIV-AIDS đang hoành hành. Châu Phi có đủ loại vấn đề. Nhưng mọi người trông rất hạnh phúc, họ tươi cười mỗi ngày. Vì vậy, tôi hỏi một số giáo dân, “vì sao các bạn lại hạnh phúc như vậy?” Và ai cũng cười đùa nói với tôi: “Cha ơi, chúng con có phép mầu Ghana!” Và phép mầu là họ tin sẽ có người giúp họ, không ai bị bỏ quên. Trong bối cảnh văn hóa như vậy, mọi người hỗ trợ nhau. Vì vậy chúng ta không thấy ai chết bên lề đường, vì không ai bị bỏ quên.” Niềm tin này thực sự tạo niềm hy vọng cho cuộc sống. Đó là nền tảng cho niềm tin của tôi: Nếu chúng ta không quên mọi người, chúng ta có thể thành công trong việc tạo ra hy vọng để tồn tại. Chúng ta không thể mang hy vọng từ bên ngoài. Chúng ta có thể mang lương thực, vật chất và mọi thứ khác từ bên ngoài đến, nhưng chúng ta không thể mang hy vọng và trao hy vọng cho những người đang cần. Hy vọng phải được tạo trong trái tim của họ. Chúng ta không thể ra lệnh cho họ phải tạo hy vọng. Nhưng chúng ta có thể là bạn bè cùng nhau đi với họ, ở bên cạnh họ, để họ chắc chắn tin họ không bị bỏ quên, từ đó họ có thể tạo ra hy vọng để sống sót.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Tổng Giám mục Tokyo, tân chủ tịch Caritas Quốc tế