Bảo vệ những người dễ bị tổn thương

50

Bảo vệ những người dễ bị tổn thương

Đức Phanxicô nói chuyện với các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Ngài gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục

Trong một tuần, ngài gặp hai nhóm nạn nhân bị lạm dụng tình dục

fr.zenit.org,Ban biên tập,  2023-05-11

Vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 3 tháng 5, Đức Phanxicô đã tiếp một số nạn nhân lạm dụng tình dục do các thành viên của hàng giáo sĩ. Các nạn nhân đến từ Slovenia và trong số đó có một linh mục cũng là nạn nhân. Linh mục nói với nhật báo Il Messaggero: “Tôi tên là Janez Cerar, tôi là linh mục công giáo người Slovenia và tôi làm việc với các trẻ em dễ bị tổn thương. Bản thân tôi là người sống sót sau khi bị lạm dụng tình dục.”

Hai ngày sau Đức Phanxicô gởi một thông điệp đến các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, cơ quan của Tòa thánh tư vấn cho giáo hoàng về các hành động nhằm xóa bỏ nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

Chính trong bối cảnh này mà ngày thứ sáu 5 tháng 5, ngài kể lại kinh nghiệm của ngài với các nạn nhân. Ngài không nói đến các nạn nhân người Slovenia, nhưng nói đến một cuộc gặp khác, không diễn ra ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài nói: “Gần đây, tôi đã gặp một nhóm nạn nhân bị lạm dụng, họ xin gặp ban quản lý của một Học viện Tôn giáo, nơi điều hành ngôi trường họ theo học cách đây khoảng 50 năm. Tôi đề cập đến vì họ công khai than phiền về nó. Họ là những người lớn tuổi và một số ý thức tốc độ thời gian trôi qua nhanh, họ bày tỏ ước muốn được sống những năm cuối đời trong bình an. Đối với họ, bình an có nghĩa là kết nối lại với Giáo hội đã xúc phạm họ. Họ muốn lật sang trang không chỉ những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà họ vẫn giữ trong lòng. Họ muốn được lắng nghe, được tin tưởng. Họ muốn có người giúp họ hiểu.”

Trong cuộc gặp này, ngài cho biết, “chúng tôi đã cùng nhau nói chuyện, các nạn nhân đã có can đảm để tâm sự. Đặc biệt, con gái của một trong những người bị lạm dụng đã nói về tác động mà sự đau khổ của cha cô đã gây ra cho cả gia đình. Ngài nói: “Việc vá lại tấm vải rách nát của lịch sử là một hành động cứu thoát, đó là hành động của Người Tôi Tớ đau khổ, Đấng đã không trốn tránh đau đớn, nhưng đã gánh lấy tội lỗi của tất cả chúng ta (x. Is 53, 1 -14). Đây là con đường đền tạ và cứu chuộc – con đường thập giá của Chúa Kitô.”

Ngài kết thúc cuộc họp với những lời: “Trong trường hợp cụ thể này, tôi có thể nói, với những nạn nhân này, một cuộc đối thoại thực sự đã được thiết lập trong các cuộc gặp, khi kết thúc cuộc họp, họ cho biết họ cảm thấy được các anh chị em đón nhận và lấy lại được cảm giác bình đẳng, hy vọng cho tương lai.”

Tất cả những điều này minh chứng cho một sự chăm sóc mục vụ thường không được công bố rộng rãi nhưng lại hiện hữu. Đó là một  chăm sóc mục vụ không chỉ công bằng và cần thiết và không nhằm mục đích cải thiện hình ảnh trước công chúng của một tổ chức, nhưng góp phần chữa lành những người đau khổ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lạm dụng: Đức Phanxicô đưa ra những con đường cho một “linh đạo đền tạ”