Phỏng vấn đạo diễn đã đi theo Đức Phanxicô khắp thế giới trong bộ phim ‘In Viaggio’

58

Phỏng vấn đạo diễn đã đi theo Đức Phanxicô khắp thế giới trong bộ phim ‘In Viaggio’

americamagazine.org, Ryan Di Corpo, 2023-03-31

 

Sau khi đi các vùng bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, nhà làm phim tài liệu từng được đề cử giải Oscar Gianfranco Rosi đã nhắm đến một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới: giáo hoàng Phanxicô.

Trong 9 năm đầu tiên ở cương vị giáo hoàng, Đức Phanxicô hiện nay 86 tuổi, người mà đạo diễn Rosi mô tả là nhà cách mạng có sở trường chấp nhận rủi ro, đã đi du lịch khắp 53 quốc gia. (Thánh Gioan-Phaolô II đã đến 130 quốc gia trong suốt 27 năm làm giáo hoàng, ngài là giáo hoàng đi tông du nhiều nhất.)

Cùng đi với Đức Phanxicô đến Malta và Canada, đạo diễn Rosi đã làm bộ phim thân mật đáng ngạc nhiên, ông dùng kho lưu trữ phim ghi lại những điểm chính trong triều giáo hoàng của ngài. Gần đây, ông theo ngài đến châu Phi; ông dự định quay các chuyến tông du của ngài trong tương lai, tạo ra loại phim mà ông gọi là “phim mở”.

Trang America đã nói chuyện với ông Gianfranco Rosi về những ý tưởng ông định làm cho bộ phim tài liệu và cách bộ phim như một loại đàng thánh giá thời hiện đại.

Trước khi bộ phim “Đi du hành: Các chuyến đi của Đức Phanxicô” (In Viaggio: The Travels of Pope Francis) sẽ chiếu tại rạp ở Mỹ, ngày 22 tháng 3, trang America đã nói chuyện với ông về những ý tưởng ông định làm với bộ phim tài liệu, cách ông tiếp cận với giáo hoàng mà bộ phim sẽ như một Chặng Đàng Thánh Giá thời hiện đại. Cuộc phỏng vấn đã được chỉnh sửa cho rõ ràng theo phong cách và độ dài cho phù hợp.

Trong linh đạo Dòng Tên, các tu sĩ được kêu gọi để gặp những người sống “bên lề” xã hội. Ông có nghĩ những chuyến đi của Đức Phanxicô có cho thấy điều gì trong mong muốn phục vụ những người sống bên lề của ngài không?

 Gianfranco Rosi: Đây là giáo hoàng đi hành hương gần như ngược lại: từ bên trong Vatican ra bên ngoài các bức tường Vatican. Khi chúng ta đi du lịch, chúng ta thay đổi. Chúng ta không ẩn trong bong bóng của mình. Muốn làm được, chúng ta cần có một độ lùi để có thể nắm bắt nhu cầu của người khác. Đó là điều mà Đức Phanxicô làm một cách đặc biệt.

Tôi muốn bộ phim này là bức chân dung của một người hơn là chân dung của một giáo hoàng. Tôi muốn thấy giáo hoàng liên tục đi ra khỏi các bức tường Vatican, gặp những người mà chúng ta thường quay lưng lại. Giáo hoàng có thể khiến chúng ta đến với những người này theo cách gần như chính trị.

Ông đã liên lạc với Vatican như thế nào?

Giống như tất cả các tác phẩm của tôi, bộ phim này xảy ra qua một cuộc gặp gỡ. Tôi gặp giáo hoàng lần đầu tiên sau khi tôi thực hiện “Fuocoammare”, một bộ phim tôi quay ở đảo Lampedusa. Đó là chuyến đi đầu tiên của ngài bên ngoài Vatican, nơi ngài thấy thảm cảnh của người dân muốn thoát khỏi chiến tranh, khỏi nạn đói. Nhiều năm sau, tôi thực hiện cuốn phim “Notturno” quay ở Iraq, Lebanon, Syria và Kurdistan. Giáo hoàng đang có chuyến đi Iraq, và tôi vừa làm phim xong. Tôi có một cuộc phỏng vấn với tờ L’Osservatore Romano mà tôi biết ngài đã đọc.

“Giống như tất cả các tác phẩm của tôi, bộ phim này xảy ra thông qua một cuộc gặp gỡ.”

 

Khi ngài từ Iraq về, người ta nhờ tôi làm một cái gì đó với các hình ảnh. Tôi xem các hình ảnh và tôi khó hình dung tôi làm được gì với những hình ảnh này. Nó được quay để truyền hình trực tiếp, một ngôn ngữ không thực sự thuộc về tôi. Tôi nghĩ có lẽ tôi có thể chỉnh sửa đoạn phim dài 5 hoặc 10 phút.

Đột nhiên tôi nảy ra ý tưởng hỏi ngài xem ngài đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi. Tôi nói sẽ rất tuyệt vời nếu làm một phim về giáo hoàng đi ra ngoài Vatican, liên tục đi từ nơi này sang nơi khác. Vatican yêu thích ý tưởng này và họ đã cho tôi 800 giờ hình ảnh theo ngài trong suốt 10 năm qua. Và đó là cách bộ phim bắt đầu.

Tại sao ngài quyết định tham gia vào dự án này? Có lẽ ngài xem phim này như một cách để truyền giáo không?

Tôi thực sự không có nhiều liên lạc với ngài trừ lần tôi đi  Malta và Canada. Tôi gặp ngài trên chuyến bay từ Malta về và chúng tôi nói chuyện với nhau khoảng 10 phút, và đây là một cuộc gặp thân mật. Trong quá trình làm phim, chúng tôi chưa bao giờ thực sự có mối quan hệ nào, vì chủ yếu tôi làm việc với các hình ảnh lưu trữ. Ngoài ra, tôi không muốn phỏng vấn ngài cho bộ phim. Tôi không muốn cuốn phim có bất kỳ lời thuyết minh hay lồng tiếng nào. Tôi muốn thật cứng nhắc theo nghĩa chủ yếu: đây là các hình ảnh lưu trữ trong phim.

 

“Ngài xây một Giáo hội khác, một Giáo hội mở ra với mọi người”

 

Có một giây phút rất thân mật khi ngài ở nhà nguyện Malta. Tôi đã ở đó khi ngài ngồi cầu nguyện trên ghế, và tôi rất gần ngài. Tôi đã quay được giây phút cầu nguyện và thinh lặng này. Sau đó, có một người đến và nói với ngài, ngài cần phải đi nơi khác. Ngài đứng dậy đi ra một cách đau đớn. Với tôi, chuyện này giống như phần cuối của bộ phim, khi mà sau 10 năm, chúng ta có thể thấy sức nặng đè trên vai ngài. Nó gần giống như một Chặng Đàng Thánh Giá đương đại, nơi mỗi quốc gia là một điểm dừng chân, một nơi để suy gẫm.

Tôi đã gặp ngài ở Rôma khoảng bốn hoặc năm ngày. Chúng tôi đã có một buổi tiếp kiến riêng với ngài cùng với tám người sản xuất phim. Đó là khoảnh khắc rất, rất đẹp. Chúng tôi đã có 20 phút bên nhau và cười rất nhiều. Ngài thích nói đùa và rất sắc sảo. Khi rời phòng, ngài nhìn tôi và nói: “Rủi ro. Luôn mạo hiểm. Hãy can đảm lên.”

Ông có thể nói về chuyến đi của ngài đến Canada và lời xin lỗi của ngài với người dân bản địa đã bị lạm dụng trong các trường nội trú của hàng giáo sĩ được không? Ngài được tiếp đón ở đó như thế nào?

Tôi rất vui vì tôi đã có thể ở đó trong chuyến đi này. Trên máy bay từ Canada về, ngài đã dùng từ “diệt chủng văn hóa” để mô tả những gì Giáo hội làm. Khi tôi ở Canada, bầu khí tràn ngập mong chờ. Một số người tức giận nói: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận lời xin lỗi của ngài” và một số người nói: “Chúng ta phải chấp nhận lời xin lỗi của ngài. Ngài đã hứa với chúng ta, ngài sẽ đến và ngài đã đến.” Tôi biết ngài đã khó khăn như thế nào, cả về mặt cảm xúc và cơ thể để xin tha thứ cho Giáo hội.

Điều gì đã làm cho oan oang này trở nên độc đáo so với các giáo hoàng khác? Điều gì đã làm Đức Phanxicô là Đức Phanxicô?

Đây là một giáo hoàng đã có thể mở Giáo hội ra với những vấn đề mà Giáo hội không muốn đề cập đến. Ngài là người đương đại của tương lai. Ngài đi trước mọi thứ. Tôi nghĩ giáo hoàng này là nhà cách mạng. Và đó là lý do vì sao có một cảm giác cô đơn trong phim. Giáo hoàng muốn thay đổi mọi thứ. Nhiều người nói, “Không đủ, không đủ.” Nhưng ngài đã làm rất nhiều. Ngài đang xây một Giáo hội khác, một Giáo hội cởi mở hơn với mọi người.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch