Truyền thống điện tín của giáo hoàng: vì sao giáo hoàng gởi điện tín đến mọi quốc gia ngài bay qua
americamagazine.org, Jim McDermott, 2023-02-06
Đức Phanxicô và các nhà báo trên chuyến bay từ Nam Sudan về Rôma ngày chúa nhật 5 tháng 2-2023.
Khi giáo hoàng đến các quốc gia khác, như Đức Phanxicô đã đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan tuần vừa qua, ngài đi trong mục đích nâng đỡ, an ủi người dân gặp khó khăn tại đây, để thế giới chú ý đến các quốc gia này và nhu cầu của họ.
Nhưng một khía cạnh trong các chuyến tông du giáo hoàng thường bị bỏ qua là sự tiếp xúc giữa ngài với các quốc gia khác. Theo thông lệ, mỗi khi bay qua một quốc gia nào, các giáo hoàng thường gởi điện tín chúc mừng và chúc lành cho quốc gia đó. Vì vậy, khi bay qua châu Phi trên đường đến Cộng hòa Dân chủ Congo, ngài đã gởi điện tín cho các nhà lãnh đạo các nước Tunisia, Algeria, Niger, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon và Chad.
Ngài viết cho tổng thống Cộng hòa Niger Mohamed Bazoum: “Khi tôi bay qua đất nước của ngài để đến Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi gửi lời chào thân ái đến ngài và nhân dân Niger, và tôi cầu nguyện để Đấng Toàn Năng ban phép lành cho tất cả được sức mạnh và bình an.”
Theo thông lệ, mỗi khi bay qua một quốc gia nào, các giáo hoàng thường gởi điện tín chúc mừng và chúc lành cho quốc gia đó.
Dù nguồn gốc chính xác của thông lệ này vẫn chưa được biết, nhưng linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican từ năm 2006 đến 2016 giải thích: “Thông lệ này gần như chắc chắn bắt đầu từ Đức Phaolô VI, giáo hoàng đầu tiên trong 150 năm đã công du ra ngoài nước Ý và người đầu tiên gởi điện tín từ máy bay. Trên bất cứ chuyến bay nào, phi hành đoàn đều liên tục liên lạc với đài kiểm soát không lưu của các quốc gia đang bay qua để cho tin tức về lộ trình, nhận hướng dẫn và hỗ trợ trong suốt chuyến bay.” Hơn nữa, các nguyên thủ quốc gia đòi hỏi phải xin phép khi bay qua không phận của họ.
Linh mục Lombardi cho biết, các đòi hỏi liên lạc này làm cho Vatican có ý tưởng “cám ơn các quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho sứ mệnh mục vụ của giáo hoàng, khi họ cho phép bay qua không phận của họ.”
Các câu rất ngắn, chỉ vài hàng được Văn phòng Quốc vụ khanh của Vatican soạn thảo, Văn phòng giám sát tất cả các văn bản giáo hoàng trong các chuyến tông du nước ngoài. Và theo một công thức, tất cả đều có cùng ý nghĩa: Xin chào và Chúa chúc lành cho quý vị. Nhưng có một quan tâm trong ngôn ngữ được thấy rõ. Các thuật ngữ được dùng cho Chúa thay đổi tùy đất nước và không bao giờ mang hình ảnh kitô giáo. Đôi khi cũng có những chi tiết cụ thể khác. Khi gởi điện tín cho tổng thống chuyển tiếp của Chad, Mahamat Déby, Đức Phanxicô cầu nguyện cho phúc lành của “hòa giải và hòa bình.” Nước Chad đã phải đấu tranh gay go với bất ổn và áp bức chính trị to lớn sau vụ thân phụ của ông Déby bị sát hại chỉ một ngày sau khi ông tái đắc cử năm 2021.
Ngoài ra đôi khi điện tín cũng có ý nghĩa của một liên hệ cá nhân. Các điện tín được viết ở ngôi thứ nhất và cho thấy giáo hoàng đang nghĩ đến người dân các nước ngài đang bay qua. Ngài viết: “Bay qua Algeria trong chuyến tông du của tôi đến Cộng hòa Dân chủ Congo, tôi xin gởi lời chúc tốt đẹp đến ngài và đồng bào của ngài.” Như thế bạn có thể hình dung Đức Phanxicô đang ngồi trên ghế máy bay, nhìn qua cửa sổ các quốc gia bên dưới và cầu nguyện cho người dân ở đó.
Tất cả đều có cùng ý nghĩa: Xin chào và Chúa chúc lành cho quý vị. Nhưng có một quan tâm trong ngôn ngữ được thấy rõ.
Mới đầu điện tín được viết bằng ngôn ngữ bản địa của quốc gia bên dưới, một cử chỉ chu đáo khác. Nhưng do phi hành đoàn gặp khó khăn khi đọc nên cuối cùng họ đọc tiếng Anh, ngôn ngữ sử dụng trong ngành hàng không. Linh mục Lombardi cũng cho biết, do tính chất thất thường của các chuyến bay, đôi khi một lộ trình bị thay đổi giữa chừng nên các điện tín phải luôn sẵn sàng cho những bất ngờ này.
Thỉnh thoảng, các điện tín cũng thật sự đáng chú ý. Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican năm 1951, và năm 1989 đã từ chối không cho Đức Gioan-Phaolô II bay qua không phận của họ. Nhưng năm 2014, trên đường đi Hàn quốc, Đức Phanxicô đã có thể gởi điện tín đầu tiên của ngài đến người dân Trung Quốc khi Trung Quốc cho phép máy bay của ngài bay qua không phận của họ.
Ngài viết: “Khi bước vào không phận Trung Quốc, tôi xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ngài và đồng bào của ngài. Tôi cầu xin quốc gia của ngài được ơn lành thiêng liêng của hòa bình và thịnh vượng.” Linh mục Lombardi là giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lúc đó thấy đây là dịp rất đáng nhớ. Người dân Trung Quốc cũng vậy. Bà Mary Zhang, một giáo dân ở Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Bắc Kinh lúc đó cho biết: “Tôi rất phấn khích, đây là lần đầu tiên giáo hoàng bay trên không phận Trung quốc.” Điều này đã làm cho cô hy vọng một ngày nào đó ngài sẽ có thể dâng thánh lễ tại đây.
Dù đơn giản như vậy, nhưng tôi thấy thật vui khi đọc những ghi chú này. Có thể đó là sự chu đáo trong cử chỉ, thậm chí là sự tha thiết. Đức Phanxicô viết cho tổng thống Ý Sergio Mattarella, luôn là điện tín đầu tiên và cũng là điện tín cuối cùng trong các chuyến tông du của ngài, ngài viết khi từ Canada về Rôma: “Khi tôi từ Canada về, tôi được phong phú thêm qua các cuộc gặp gỡ với nhiều người, với hoàn cảnh ở đất nước này, đặc biệt sau kinh nghiệm tiếp xúc với người dân bản địa. Tôi chân thành gởi đến ngài, thưa ngài Tổng thống, và tới đất nước Ý thân yêu, những lời chúc nhiệt thành cho thanh bình và thịnh vượng, và tôi xin đảm bảo với ngài về lời cầu nguyện không ngừng của tôi.” Với tôi, Đức Phanxicô như đứa trẻ háo hức muốn nói với cha mẹ những điều kỳ diệu mà mình vừa thấy.
Nhưng những điện tín của giáo hoàng cũng đưa ra một biểu hiện hữu hình về tình yêu của Chúa. Tôi nghĩ rằng, dù chúng ta là ai, chúng ta sống ở đâu hay chúng ta tin gì, Chúa nhìn thấy chúng ta và chăm sóc chúng ta. Giống như ông già Noel thiêng liêng, hay có lẽ đúng hơn là giống Thánh Valentin, bất cứ nơi nào giáo hoàng đến, ngài đều gởi những bức thư quan tâm, nhắc chúng ta về sự thật đó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch