Thượng hội đồng: đại hội đã tạo điều kiện để “nhìn thẳng vào Giáo hội Âu châu”
Thượng hội đồng họp ngày 9 tháng 2 năm 2023 tại Praha.
Phần đầu tiên của cuộc họp chưa từng có của người công giáo Âu châu về tương lai của Giáo hội đã kết thúc vào ngày thứ năm 9 tháng 2, tại Praha. Trong khi chờ đợi văn bản cuối cùng được công bố, các nhà tổ chức đã đưa ra những kết luận đầu tiên về điều mà họ cho là “lối sống của Giáo hội”.
la-croix.com, Malo Tresca, Praha, 2023-02-10
Trong khi chờ đợi văn bản tương lai sẽ được gởi về Rôma, các nhà biên tập của văn bản đã tiết lộ “những nhận xét cuối cùng” của họ.
Bốn ngày lắng nghe, thảo luận dày đặc, nhưng cũng căng thẳng và đối đầu. Đại hội quy tụ gần 600 người công giáo từ châu lục – gần 200 người tại chỗ và 400 người trực tuyến – phần đầu của một cuộc họp chưa từng có ở Âu châu về tương lai của Giáo hội đã kết thúc ngày thứ năm 9 tháng 2 tại Praha, thủ đô Cộng hòa Séc.
Trong khi chờ đợi tài liệu cuối cùng tổng hợp các ghi nhận và các mong chờ được công bố, các nhà biên tập (gồm sáu thần học gia, nhà báo, linh mục… thuộc nhiều quốc tịch khác nhau) đã tiết lộ các nhận xét cuối cùng của họ trước khi văn bản tương lai sẽ được gởi về Rôma.
Trong phần mở đầu, họ đảm bảo: “Chúng tôi đã đào sâu kiến thức mà các cộng đồng giáo hội ở lục địa chúng ta đã thu được thông qua tiến trình đồng nghị, cũng như các căng thẳng và vấn đề mà các Giáo hội châu Âu đang phải đối diện. Nhưng nhất là, một lần nữa, chúng tôi cảm thấy nỗi đau của những vết thương mang dấu ấn trên lịch sử gần đây của chúng ta, bắt đầu với những vết thương mà Giáo hội đã gây ra vì các vụ lạm dụng do các thừa tác viên hoặc người có một chức vụ trong giáo hội”.
Đối với các chủ đề gai góc, chẳng hạn như quản trị, vai trò của phụ nữ hay ngay cả việc tiếp nhận người đồng tính, vấn đề này được giải quyết trong bối cảnh giáo hội rất rạn nứt, các tác giả thừa nhận công việc được thực hiện không tránh khỏi “các vấn đề và khó khăn”. Nhưng dù sao, đại hội cũng cho phép chúng ta “nhìn thẳng vào Giáo hội Âu châu với tất cả kho tàng của hai truyền thống lớn la-tinh và đông phương đã tạo nên nó”.
Phân định
Văn bản đảm bảo: “Trong suốt Đại hội, chúng tôi đã có kinh nghiệm thiêng liêng, rằng chúng tôi có thể gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại từ những khác biệt của nhau và vượt lên nhiều trở ngại, nhiều bức tường và rào cản mà lịch sử đã đặt trên đường đi của chúng ta, chúng ta tiếp tục đi trên con đường hiệp hành. Hơn cả một phương pháp luận, chúng tôi xem đây như một lối sống của Giáo hội.”
Các biên tập viên hy vọng đai hội Âu châu đầu tiên này sẽ không còn là một “thử nghiệm biệt lập” mà cuối cùng sẽ trở thành một “cuộc họp định kỳ”, dựa trên “việc áp dụng chung một phương pháp hiệp hành” – một phong cách cho phép “tiếp cận các chủ đề trên các cố gắng để chúng ta trưởng thành và lớn mạnh (…) mà không bị tê liệt vì sợ hãi”.
Các ưu tiên tiếp theo
Ủy ban soạn thảo cũng xác định một số ưu tiên cho các giai đoạn tiếp theo của thượng hội đồng về tính đồng nghị, sẽ kết thúc tại Rôma tháng 10 năm 2024. Tăng cường tính đồng nghị, khẳng định vị trí của phụ nữ… Trong số những ưu tiên đáng chú ý nhất, đó là mời gọi “xem xét những căng thẳng xung quanh phụng vụ”, để tái khám phá “Thánh Thể như nguồn hiệp thông”, và để “đổi mới ý thức truyền giáo sống động, nối nhịp cầu giữa đức tin và văn hóa để đem Tin Mừng đến lại trong lòng mọi người, tìm ra một ngôn ngữ có khả năng diễn đạt truyền thống và cập nhật, nhưng trên hết là đồng hành với mọi người hơn là nói về họ hoặc nói với họ”.
Tại Praha, phản hồi chính của phiên họp cấp châu lục sẽ được tranh luận kín cho đến ngày chúa nhật 12 tháng 2 với 39 chủ tịch của các hội đồng giám mục châu Âu. Các ngài sẽ tạo ra một văn bản khác – có thể dưới dạng một bức thư hoặc bài bình luận – và sẽ đi kèm với “tài liệu cuối cùng” được gởi về Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giáo hội Đức muốn truyền quan điểm của mình cho người công giáo Âu châu ở thượng hội đồng Praha